Việt Nam học (Vietnamese Studies) là ngành khoa học nghiên cứu về đất nước và con người Việt Nam. Tận dụng, sử dụng và thừa hưởng kết quả nghiên cứu của các ngành khoa học xã hội, nhân văn cũng như của một số ngành khoa học tự nhiên, Việt Nam học có nhiệm vụ nhận thức, nhận thức lại để từ đó định vị vị trí, giá trị và hệ giá trị của Việt Nam với mỗi công dân Việt, đồng thời giới thiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam với bè bạn quốc tế.
Việt Nam học: tưởng như một câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Tấn, Phó trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Công đoàn chia sẻ: Việt Nam học tưởng như một câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Song, thực chất để hình dung một cách rõ ràng về nó thì lại không hẳn đơn giản như chúng ta vẫn nghĩ lâu nay.
Với ý nghĩa như một hướng nghiên cứu nhằm định vị Việt Nam, ngành học này có vai trò quan trọng đối với cả người Việt cũng như quốc tế để có thể hiểu rõ về con người, dân tộc Việt Nam. Một cái nhìn tổng quát kết hợp chuyên sâu về Việt Nam đang trở nên thực sự cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hội nhập kinh tế - văn hóa toàn cầu giai đoạn hiện nay.
Ông Đoàn Duy Thoại, đại diện Công ty cổ phần đầu tư và du lịch Kifa Travel, nhận định rằng trong bối cảnh phát triển hiện nay, ngành Việt Nam học sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc. Sự phát triển của giao thương kinh tế kéo theo yêu cầu cao về chất lượng nhân sự trong ngành du lịch, không chỉ về kỹ năng mềm mà còn về kiến thức nền tảng về văn hóa, văn học, và sử học.
Đối với nhân sự trong ngành du lịch, chỉ có kỹ năng tổ chức là chưa đủ. Họ cần có nền tảng vững chắc về văn hóa truyền thống để đảm bảo sự chuyên nghiệp trong việc tiếp đón và chăm sóc khách hàng, đặc biệt là du khách nước ngoài.
Những điều này đồng thời tạo ra nhu cầu được tiếp xúc với ngành Việt Nam học và nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành ngành này.
Đào tạo nhân sự ngành Việt Nam học theo định hướng du lịch
Theo chia sẻ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Tấn, tại Trường Đại học Công đoàn, trước tiên sinh viên ngành Việt Nam học sẽ được trang bị khối kiến thức đại cương theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của nhà trường.
Sau đó, sinh viên sẽ được học khối kiến thức cơ sở ngành về lịch sử, địa lý, văn hóa, văn học,…trong định hướng khai thác hệ giá trị phục vụ phát triển du lịch. Không chỉ vậy, khối kiến thức kinh tế, quản trị và nghiệp vụ về du lịch cũng sẽ được trang bị để sinh viên ứng dụng vào thực tiễn nghề nghiệp sau khi ra trường.
“Hiện trong nước có nhiều cơ sở đào tạo ngành Việt Nam học, song mỗi một cơ sở lại đi theo những định hướng khác nhau. Trường Đại học Công đoàn lựa chọn cách đi từ tổng quát về đất nước và con người Việt Nam để luận giải giá trị Việt Nam, từ đó đưa vào khai thác phục vụ phát triển du lịch.
Đây là một định hướng mang ý nghĩa thời thượng hiện nay nhằm cung cấp nguồn nhân lực có đủ hiểu biết kiến thức về Việt Nam và khả năng khai thác hệ giá trị ấy trong phát triển kinh tế xã hội nói chung. Định hướng này chính là điểm nổi bật mang tính ưu trội của chương trình đào tạo ngành Việt Nam học tại Trường Đại học Công đoàn từ năm 2022 đến nay”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Tấn nhấn mạnh.
Hiện nay, Trường Đại học Công đoàn đã tuyển sinh được hai khóa sinh viên ngành Việt Nam học. Theo thầy Tấn, công tác tuyển sinh ngành Việt Nam học hiện khá thuận lợi bởi vị trí, truyền thống của trường cũng như những ưu điểm về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo.
Tuy nhiên, vì là ngành mới, chưa có khóa sinh viên nào tốt nghiệp ra trường, vậy nên phụ huynh và học sinh còn chưa biết nhiều đến thương hiệu cũng như uy tín của ngành Việt Nam học nói riêng và của khoa Du lịch nói chung.
Nguyễn Thị Hương Ly, sinh viên ngành Việt Nam học, khoa Du lịch, Trường Đại học Công đoàn cho biết, ngay từ năm thứ nhất, Ly đã được tạo điều kiện để có cơ hội tham gia thực hành, thực tế dưới nhiều hình thức khác nhau. Những học phần thực hành được khoa thông báo, sắp xếp cụ thể, chi tiết tới sinh viên để sinh viên có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi tham gia.
Hương Ly cũng nói thêm về các hoạt động của nhà trường và khoa nhằm giúp sinh viên tìm kiếm cơ hội việc làm.
“Về phía nhà trường, trường thường xuyên tổ chức Ngày hội việc làm để giúp sinh viên tiếp cận với nhà tuyển dụng.
Về phía khoa Du lịch, khoa đã tiến hành khảo sát nhu cầu thực tập và tìm kiếm việc làm của sinh viên các lớp để từ đó có sự kết nối phù hợp. Ngoài ra, việc tham gia câu lạc bộ Du lịch cũng giúp em có cơ hội nắm được nhiều thông tin về cơ hội thực tập và việc làm liên quan đến chuyên môn, chuyên ngành mình học”, Hương Ly nói.
Cử nhân ngành Việt Nam học được đề cao trong lĩnh vực du lịch
Ông Đoàn Duy Thoại cho biết, hiện Kifa Travel đang sử dụng 70% nhân sự đến từ ngành Việt Nam học. Định hướng nhân sự đến từ ngành Việt Nam học sẽ phù hợp với các vị trí như hướng dẫn viên, nhân viên bán hàng và nhân viên chăm sóc khách hàng.
Lý giải sự phù hợp của cử nhân ngành Việt Nam học cho những vị trí đó, ông Thoại cho hay, đặc trưng của ngành du lịch là kinh doanh sản phẩm vô hình, là một chương trình du lịch trên giấy. Vì thế, để khách hàng hiểu và chấp nhận hợp tác, nhân sự cần có nhiều kiến thức về văn hóa, xã hội, con người để thuyết phục và chăm sóc khách hàng.
Vị này tiết lộ, mức lương dành cho nhân sự tại Kifa Travel dao động từ 6-10 triệu đồng/tháng, cộng với tối đa 30% lợi nhuận ròng thu về cho công ty và thưởng nóng theo hiệu suất. Hàng năm nhân sự sẽ được thưởng theo thành tích đạt được và có chính sách du lịch tưởng thưởng.
Ông Nguyễn Hữu Tường - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Tường Anh cũng cho hay, trong các doanh nghiệp làm về du lịch, ngoài lương cơ bản từ 6-10 triệu đồng/tháng, nhân viên được hưởng thêm lương từ doanh số của công ty, tiền thưởng, phụ cấp theo ngày nếu đi tour.
Trong số đó, mức lương của điều hành tour là cao nhất so với hệ số lương của các vị trí việc làm. Nhưng trên thực tế, bộ phận hướng dẫn viên du lịch đạt mức thu nhập nhiều nhất, bởi lẽ hướng dẫn viên được hưởng cả lương theo ngày đi tour bên cạnh lương cứng công ty đã chi trả. Một ngày công tác phí của hướng dẫn viên là 700.000 VNĐ/ngày, chưa kể tiền tip theo ngày.
“Để có thu nhập cao, sinh viên cần chú trọng vào một số kĩ năng cơ bản như giao tiếp, lắng nghe tích cực, xây dựng thương hiệu cá nhân, kĩ năng phản biện. Ngoài ra sinh viên cần phải rèn giũa được thói quen đọc sách chuyên ngành và đọc rộng. Vì trên thực tế, ngành du lịch hay những ngành trong nhóm phù hợp với Việt Nam học thì cơ bản kiến thức rộng sẽ giúp các em thuận lợi hơn trong việc xây dựng mối quan hệ với công ty và khách hàng”, đại diện Kifa Travel dành lời khuyên cho sinh viên.
Thông tin tuyển sinh ngành Việt Nam học, Trường Đại học Công đoàn:
- Tổ hợp môn xét tuyển:
+ C00: Văn, Sử, Địa
+ D01: Toán, Văn, Anh
+ D14: Văn, Sử, Anh
+ D15: Văn, Địa, Anh
- Chỉ tiêu tuyển sinh: 120
- Phương thức xét tuyển: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; xét tuyển theo kết quả thi THPT; xét tuyển theo kết quả học tập bậc trung học phổ thông (học bạ)