LTS: Thẳng thắn cho rằng công tác phổ cập giáo dục xóa nạn mù chữ đã hết vai trò lịch sử và đến lúc nên dừng lại, tác giả Phan Tuyết đã mạnh dạn đề xuất việc xóa bỏ công tác phổ cập giáo dục đúng độ tuổi ở 3 cấp học trong ngành giáo dục hiện nay.
Theo tác giả, đề xuất trên sẽ giúp nâng cao chất lượng dạy và học, cũng như giảm tải gánh nặng về tài chính cho ngân sách nhà nước.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Công tác phổ cập giáo dục xóa mù chữ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước hướng tới mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Những năm sau chiến tranh, đất nước đã tồn tại khá nhiều người dân không biết chữ. Nhờ công tác phổ cập giáo dục được triển khai, nhiều người đã biết đọc, biết viết.
Thế nhưng thời gian sau này, để duy trì công tác phổ cập rồi phổ cập giáo dục đúng độ tuổi vì thành tích ngành giáo dục ở các địa phương đã làm sai ý nghĩa của công tác phổ cập dẫn đến hậu quả đưa chất lượng giáo dục tụt dốc. Đã thế, lại tiêu tốn một khoản ngân sách không nhỏ.
Một lớp tập huấn cho giáo viên phổ cập ở trường Tiểu học Tân Lợi, Thái Nguyên. Ảnh có tính chất minh họa. Nguồn: thtanloi.thainguyen.edu.vn. |
Hiện nay, trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ cuộc Cách mạng với nền tảng công nghệ 4.0. Đây là cơ hội lớn cho các nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó có Việt Nam.
Vấn đề đặt ra là Việt Nam cần phải có kế hoạch đào tạo được những nguồn nhân lực chất lượng cao thật sự mới đáp ứng được những yêu cầu mới về khoa học kĩ thuật.
Bởi thế, công tác phổ cập giáo dục xóa mù chữ liệu có còn phù hợp trong giai đoạn giáo dục mới hiện nay?
Chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng phải dạy học thực chất
Cụm từ “dạy thật, học thật” thường xuyên được nhắc nhở trong môi trường giáo dục nhưng lại rất ít khi được vận dụng triệt để.
Khá nhiều giáo viên trong cả nước ước ao mình được dạy thật, học sinh được học thật nhưng lại bị biết bao thứ bủa vây ràng buộc mà nguồn cơn cũng xuất phát từ công tác phổ cập giáo dục, đặc biệt là phổ cập giáo dục đúng độ tuổi.
Trong công tác giảng dạy, khá nhiều giáo viên chia sẻ mình phải dùng đủ mọi cách để đạt chỉ tiêu. Như việc không thể cho học sinh yếu, kém ở lại lớp nên thầy cô phải cho chép văn mẫu, mớm đề, giới hạn đề cương, thậm chí sửa cả bài kiểm tra khi trò làm bài quá yếu (trò làm sai giáo viên sửa lại thành đúng).
Hậu quả dẫn đến việc có khá nhiều học sinh ngồi nhầm lớp trong các trường học ở nhiều địa phương (tình trạng này mới xuất hiện từ khi ngành giáo dục thực hiện công tác phổ cập giáo dục).
Giáo viên khổ sở với phổ cập giáo dục |
Nhà trường không thể dùng biện pháp kỉ luật mạnh với học sinh ngay cả khi các em không muốn học lại vô lễ với giáo viên, bạo lực với bạn bè thậm chí phạm tội ăn cắp, ăn trộm…
Nếu trò nghỉ học, đâu chỉ mình giáo viên “sốt vó” có khi cả hiệu trưởng, cán bộ xã cũng phải đích thân tới nhà năn nỉ để trò đi học lại, bằng không sẽ phải làm hồ sơ giả cho học sinh chuyển trường.
Kỳ thi tốt nghiệp hay hoàn thành chương trình tiểu học, trung học cơ sở khá nhiều thầy cô phải tìm mọi cách để nhìn thấy con số tròn trịa tuyệt đối 100% như thế mới đạt chỉ tiêu.
Cùng với hệ thống giáo dục chính quy, phổ cập trình độ cho học sinh nghỉ học trong địa bàn buộc nhà trường phải làm ma kết quả.
Dù công tác mở lớp phổ cập là thật nhưng việc huy động những em này đi học lại (đã được trang bị “tận răng”) cũng không phải đơn giản.
Thế nên hầu như các em không đi học, hoặc đi bữa đực bữa cái nhưng hết thời gian quy định, nhiều em vẫn có giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình tiểu học và trung học cơ sở.
Một sự lãng phí quá lớn
Để theo dõi mảng phổ cập ở các trường tiểu học, trước đây mỗi trường tiểu học đều có một giáo viên chuyên trách về chuyện này.
Nay giáo viên mẫu giáo và tiểu học chỉ kiêm nhiệm tuần khoảng 3-4 tiết.
Với khoảng 14991 trường mẫu giáo công lập và 15052 trường tiểu học trong cả nước quy ra có khoảng gần 6 nghìn giáo viên mẫu giáo và tiểu học làm công tác phổ cập.
Bậc trung học cơ sở vẫn bố trí một giáo viên chuyên trách.
Cả nước có khoảng 10155 trường trung học cơ sở đồng nghĩa với 10155 giáo viên chuyên trách phổ cập. Cả 3 cấp học trong cả nước có khoảng hơn 16 ngàn giáo viên phụ trách công tác phổ cập.
Ngoài lãng phí về nhân sự, nhà nước đã bỏ ra một khoản tiền khá lớn cho công tác điều tra, phát triển mạng lưới giáo dục cộng đồng ở các địa phương.
Cụ thể, nào là chi điều tra, thống kê số người mù chữ, tái mù chữ trong độ tuổi 15 - 60; điều tra tình hình phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Điều tra thường xuyên hàng năm để cập nhật, bổ sung dữ liệu;
Chi xử lý kết quả điều tra (gồm nhập tin, xử lý và tổng hợp số liệu kết quả điều tra). Chi hỗ trợ học phẩm, tài liệu học tập cho học viên tham gia lớp học như các lớp xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, lớp phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở;
Ngày nào còn chỉ tiêu thành tích, ngày đó còn phổ cập giả tạo |
Chi thắp sáng đối với lớp học phổ cập, xóa mù chữ giáo dục ban đêm, chi mua sổ sách theo dõi quá trình học tập như giấy, bút, phấn, văn phòng phẩm cho giáo viên;
Chi phụ cấp cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Chi trả thù lao đối với giáo viên dạy lớp xóa mù, chống tái mù chữ, lớp phổ cập…
Mạng lưới trường lớp tiếp tục được mở rộng, thế nên có khá nhiều địa phương trong cả nước (chỉ tính vùng đồng bằng) trường học chỉ có 6-10 lớp cũng đầy đủ cơ cấu cán bộ quản lý, chuyên trách, kiêm nhiệm giống như trường vài chục lớp.
Đây cũng là một sự lãng phí không hề nhỏ.
Cùng với việc nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, công tác xóa mù chữ cho mọi đối tượng người dân cũng được các tỉnh đặc biệt chú trọng.
Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề và Trung tâm học tập cộng đồng là 2 thiết chế quan trọng tạo cơ hội cho mọi tầng lớp nhân dân có cơ hội tham gia học tập suốt đời.
Gần như 100% xã, phường, thị trấn có Trung tâm học tập cộng đồng. Thế nhưng khá nhiều trung tâm như thế luôn trong tình trạng đóng cửa vì hoạt động không hiệu quả.
Từ thực tế cho thấy, công tác phổ cập xóa mù chữ hiện nay ở nhiều địa phương trong cả nước chỉ mang tính đối phó nên hiệu quả thật sự chỉ nằm trên hồ sơ và trong các bản báo cáo gửi các cấp. Thế nên, nó đã hết vai trò lịch sử và đã đến lúc nên dừng lại.
Làm được điều này sẽ không chỉ tạo điều kiện cho chất lượng giảng dạy, học tập trong ngành giáo dục thật sự được nâng lên mới có thể đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cao mà xã hội cần. Bên cạnh đó, còn giảm cho ngân sách nhà nước được một khoản kinh phí không hề nhỏ.
Nội dung và cách hành văn của bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.