Tại Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, xác định một trong số nhiệm vụ trọng tâm là: Hoàn thiện chính sách hỗ trợ người học từ ngân sách nhà nước thông qua cấp học bổng hoặc hỗ trợ miễn giảm học phí đối với các ngành, nghề Nhà nước cần ưu tiên phát triển ở các trình độ đào tạo, mở rộng đối tượng và nâng mức ưu đãi cho vay tín dụng.
Phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội để bảo lãnh sinh viên vay vốn
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Việc mở rộng đối tượng và nâng mức ưu đãi cho vay tín dụng, đặc biệt là cho vay với lãi suất 0%, thực sự là một giải pháp tích cực và cần thiết trong việc hỗ trợ người học. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho sinh viên và gia đình, đặc biệt là những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Khi đối tượng được mở rộng và mức ưu đãi được nâng cao, nhiều sinh viên sẽ có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học mà không phải quá lo lắng về chi phí học tập. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh giáo dục ngày càng “đắt đỏ”. Đồng thời, việc không phải lo lắng quá nhiều về tài chính sẽ giúp sinh viên tập trung hơn vào việc học tập và phát triển bản thân. Đây là một yếu tố quan trọng giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.
Ngoài ra, việc mở rộng chính sách này có thể giúp giảm khoảng cách về cơ hội giáo dục giữa các nhóm sinh viên, đặc biệt là giữa sinh viên ở các vùng khó khăn và sinh viên ở các thành phố lớn”.
Chia sẻ về các chính sách hỗ trợ học phí tại Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông cho biết, nhà trường đã phối hợp với các ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam để bảo lãnh vay vốn cho sinh viên, hỗ trợ thực hiện các thủ tục để vay; đồng thời, sinh viên có thể vay tiền học phí với lãi suất ưu đãi và có thể thanh toán sau khi tốt nghiệp.
“Trong năm học 2023-2024, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ học phí cho hơn 2.500 sinh viên thông qua các chương trình vay tín dụng, học bổng từ doanh nghiệp lớn với khoản kinh phí gần 43 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp lớn để nhận tài trợ học bổng cho sinh viên; trao quỹ học bổng đó đến những sinh viên có thành tích học tập xuất sắc hoặc gặp khó khăn về tài chính. Số tiền này đã giúp giảm gánh nặng tài chính cho nhiều gia đình, đảm bảo người học có thể tiếp tục học tập mà không bị gián đoạn.
Đặc biệt, các doanh nghiệp này không chỉ hỗ trợ về học phí mà còn tạo điều kiện thực tập và việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.
Những chính sách này đã và đang tiếp tục được triển khai hiệu quả tại Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và hỗ trợ sinh viên vượt qua khó khăn về tài chính để hoàn thành chương trình học” - Thạc sĩ Phạm Thái Sơn chia sẻ.
Về phía Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Sơn - Trưởng phòng Công tác sinh viên cho biết, hằng năm, trường vẫn triển khai đầy đủ các chính sách miễn giảm học phí, chính sách hỗ trợ cho người học khuyết tật, học bổng khuyến khích học tập (trích từ 8% học phí) và dành nhiều suất học bổng để hỗ trợ đắc lực cho sinh viên ở tất cả các ngành học phấn đấu vươn lên trong học tập.
Quỹ học bổng này giúp người học có thêm kinh phí trang trải trong cuộc sống và mua sắm đồ dùng học tập, đó cũng là nguồn động viên để người học luôn cố gắng trong học tập và cuộc sống.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An luôn chú trọng, việc trao học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó là hoạt động thường niên của nhà trường đối với các doanh nghiệp và cũng là một phần trong bản thỏa thuận hợp tác giữa trường với các doanh nghiệp.
Chia sẻ về chính sách hỗ trợ người học, đại diện Phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, hằng năm, nhà trường trao học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên ở các tất cả các ngành học của trường (theo Nghị định 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục). Quỹ học bổng này hoàn toàn trích từ nguồn thu học phí.
Đồng thời, nhà trường trao học bổng từ nguồn tài trợ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã ủng hộ thông qua nhiều hình thức như ủng hộ vào quỹ khuyến học, khuyến tài của nhà trường...
Bên cạnh đó, nhà trường trao tặng học bổng hỗ trợ cho sinh viên thuộc một số ngành nghề đào tạo theo đề xuất của nhà tài trợ với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Ngoài ra, trường còn thực hiện các chế độ, chính sách đối với sinh viên bao gồm: Miễn, giảm học phí (theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP); Hỗ trợ chi phí học tập (theo Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg); Hỗ trợ học tập (theo Nghị định số 57/2017/NĐ-CP); Trợ cấp xã hội (thực hiện theo Quyết định số 1121/1997/QĐ-TTg).
Ngoài nguồn quỹ học bổng, sinh viên còn được nhà trường hỗ trợ thực hiện các thủ tục để vay vốn thuận lợi, thực hiện theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg, sửa đổi bởi Quyết định 05/2022/QĐ-TTg.
Đặc biệt, Trường Đại học Lâm nghiệp luôn chú trọng tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn triển khai các chế độ, chính sách ngay sau khi sinh viên nhập học; kịp thời động viên, hỗ trợ sinh viên diện chính sách giảm bớt khó khăn trong học tập.
Hoàn thiện chính sách hỗ trợ người học, duy trì hệ thống quản lý, giám sát chặt chẽ
Đánh giá về khó khăn, rào cản khi triển khai các nội dung hỗ trợ học phí cho sinh viên đối với các trường nói chung và Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn chỉ ra, khi thực hiện chính sách này, các cơ sở giáo dục đại học đều phải đối mặt với nhiều khó khăn và rào cản:
Thứ nhất, nguồn tài chính hạn chế: Đây là một trong những rào cản lớn nhất. Việc hỗ trợ học phí cho một số lượng lớn sinh viên đòi hỏi nguồn kinh phí đáng kể. Tuy nhiên, không phải cơ sở giáo dục nào cũng có ngân sách dồi dào để thực hiện các chương trình này mà không ảnh hưởng đến các hoạt động khác của nhà trường.
Thứ hai, nhiều cơ sở giáo dục phải dựa vào các nguồn tài trợ từ doanh nghiệp, tổ chức xã hội, hoặc chính phủ để triển khai các chương trình hỗ trợ học phí. Sự không ổn định của các nguồn tài trợ này có thể khiến các chương trình bị gián đoạn hoặc giảm quy mô.
Thứ ba, đặc biệt khó khăn trong việc xác định đối tượng thụ hưởng, để đảm bảo sự công bằng, nhà trường cần có hệ thống xác định và xét duyệt đối tượng sinh viên nhận hỗ trợ học phí. Tuy nhiên, việc xác minh hoàn cảnh tài chính của sinh viên đôi khi gặp khó khăn, dẫn đến nguy cơ hỗ trợ không đến được đúng đối tượng cần thiết.
Thứ tư, khi triển khai các chính sách hỗ trợ học phí, nhà trường cần xây dựng hệ thống giám sát và quản lý chặt chẽ nguồn tài chính. Điều này đòi hỏi sự đầu tư về công nghệ, nhân lực và quy trình, đôi khi vượt quá khả năng của một số cơ sở giáo dục.
“Một thách thức khác là đảm bảo tính bền vững của các chương trình hỗ trợ học phí. Nhà trường cần cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo các chương trình này có thể tiếp tục duy trì trong nhiều năm, thay vì chỉ có thể thực hiện trong ngắn hạn.
Chính sách của Chính phủ liên quan đến hỗ trợ giáo dục có thể thay đổi theo thời gian, ảnh hưởng đến các chương trình hỗ trợ học phí của nhà trường. Nhà trường cần liên tục cập nhật và điều chỉnh chương trình để phù hợp với các quy định mới.
Ngoài ra, một số sinh viên có thể không nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình khi nhận hỗ trợ học phí, dẫn đến tình trạng thiếu cố gắng trong học tập hoặc không tuân thủ các cam kết đã đề ra. Điều này có thể làm giảm hiệu quả của các chương trình hỗ trợ.
Sự hỗ trợ quá lớn đôi khi có thể dẫn đến tâm lý ỷ lại ở một số sinh viên, không nỗ lực để tự mình vượt qua khó khăn, từ đó, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và sự phát triển cá nhân của sinh viên” - Thạc sĩ Phạm Thái Sơn phân tích thêm.
Đồng tình với quan điểm trên, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An cũng chỉ ra: “Khi triển khai việc mở rộng đối tượng và nâng mức ưu đãi cho vay tín dụng vào thực tế, sẽ có một số sinh viên không thực sự khó khăn nhưng vẫn lợi dụng chính sách để vay tiền phục vụ mục đích cá nhân.
Bởi thế, cần xây dựng và duy trì hệ thống quản lý và giám sát chặt chẽ để đảm bảo nguồn hỗ trợ được sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích, tránh việc mất giá trị ý nghĩa nhân văn tốt đẹp của chính sách và đặc biệt là lãng phí ngân sách nhà nước”.
Vị Trưởng phòng Công tác sinh viên này chia sẻ thêm: “Tại hội nghị tập huấn công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An đã đề nghị nâng mức tiền cho vay tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ cho sinh viên học tập.
Nếu như trước đây, chỉ những đối tượng thuộc diện khó khăn mới được hưởng học bổng cũng như thuận lợi vay tín dụng, thì hiện nay, cũng nên khuyến khích việc mở rộng đối tượng, tiếp cận vốn vay để học tập với lãi suất ưu đãi, thậm chí là lãi suất 0%”.
Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất hoàn thiện chính sách hỗ trợ người học: “Nhà trường kiến nghị Chính phủ cùng các Bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị quan tâm hơn nữa, xem xét hỗ trợ lãi suất cho sinh viên vay tín dụng, chẳng hạn như trợ cấp lãi suất hoặc vay với lãi suất 0% trong thời gian học tập.
Thứ nhất, đề xuất mở rộng đối tượng được vay tín dụng rất quan trọng. Vì hầu hết sinh viên chưa thể tự chủ tài chính, cần vay vốn để đầu tư vào học tập.
Thứ hai, thiết lập quy trình đơn giản hóa. Nhà trường có thể làm việc với các ngân hàng để đơn giản hóa thủ tục vay, giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Điều này bao gồm việc giảm bớt các thủ tục giấy tờ, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, và hỗ trợ sinh viên trong quá trình nộp đơn.
Thứ ba, nhà trường có thể tổ chức các buổi tư vấn về tài chính và quản lý tài chính cá nhân để sinh viên thắt chặt quản lý chi tiêu hợp lý.
Ngoài ra, tổ chức các buổi hội thảo, cung cấp thông tin về các gói vay tín dụng cho sinh viên và gia đình để họ hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ và cách thức vay. Đồng thời cung cấp dịch vụ tư vấn trực tiếp cho sinh viên có nhu cầu vay tín dụng, hỗ trợ sinh viên từ khâu chuẩn bị hồ sơ đến quá trình vay và quản lý khoản vay sau khi nhận được tiền”.