Điều 39-42 tại Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 quy định về việc gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ với đào tạo; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; xây dựng chính sách duy trì và phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu chất lượng cao. Điều 42, Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cũng khẳng định trách nhiệm của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ.
Song, thực tế cho thấy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương đối với hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học chưa thực sự được liên kết chặt chẽ trong sự phát triển bền vững của nền kinh tế tri thức; cần có những chính sách khuyến khích phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu mới.
Còn tồn tại rào cản về ứng dụng nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo để phát triển được cần có môi trường học tập, nghiên cứu, tương tác một cách năng động, sáng tạo và linh hoạt thông qua các cơ chế công bằng và thông thoáng.
Nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo là một trong ba trụ cột quan trọng trong mục tiêu, chiến lược, sứ mệnh của một cơ sở cơ sở giáo dục đại học, bên cạnh trụ cột đào tạo và phục vụ cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, do một số điều kiện, rào cản khác nhau mà mục tiêu nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo chưa được đặt đúng vị trí của nó.

Chức năng nghiên cứu cần được coi là một trong những chức năng chính của một giảng viên, bên cạnh chức năng đào tạo. Có như vậy, cơ sở giáo dục đại học mới có cơ sở đặt chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động cho mỗi giảng viên và yêu cầu công việc tối thiểu mỗi giảng viên cần đạt.
Nhìn chung, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa hoàn toàn được định hướng theo hướng gắn kết với đào tạo đại học nên đầu tư cho khoa học công nghệ từ nguồn ngân sách nhà nước chưa thực sự tập trung cho phát triển nguồn lực, bao gồm nguồn lực con người. Đây cũng là lý do mà nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa coi trọng hoặc chưa có đủ điều kiện để quan tâm về lĩnh vực này.
Có thể thấy, nguồn thu từ hoạt động khoa học công nghệ còn thấp so với tổng nguồn thu của một cơ sở giáo dục đại học. Hiện nay, hầu hết trường đại học chủ yếu chú trọng đến số lượng đề tài nghiên cứu mà chưa thực sự khai thác hiệu quả giá trị kinh tế từ các sản phẩm nghiên cứu, bởi thiếu chiến lược quy hoạch rõ ràng, phân tán lĩnh vực đầu tư, huy động nguồn lực xã hội còn hạn chế,... Chúng ta cần nhận thức đầy đủ rằng, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo là động lực phát triển của nhà trường và là nền tảng quan trọng để đảm bảo nguồn thu bền vững.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cũng nhận định, Nhà nước khuyến khích giảng viên đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo dựa trên kết quả nghiên cứu. Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành như Luật Doanh nghiệp 2020; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 (Luật 52/2019/QH14) hạn chế quyền tham gia lãnh đạo doanh nghiệp của giảng viên, viên chức. Điều này vô hình trung tạo ra một rào cản cho việc chuyển giao tri thức về ứng dụng kết quả nghiên cứu.
Bên cạnh đó, để hình thành thị trường khoa học công nghệ, cần thúc đẩy chuyển giao kết quả nhiệm vụ khoa học công nghệ ra bên ngoài, vì vậy, khi cơ chế định giá sản phẩm khoa học công nghệ chưa hoàn thiện thì sản phẩm rất khó để chuyển giao, chào bán cho bên ngoài. Cơ chế khuyến khích hợp tác và thu hút đầu tư từ doanh nghiệp còn vướng mắc trong việc quản lý và sử dụng tài sản công.
Để một sản phẩm nghiên cứu sáng tạo có thể tiếp cận thị trường, cần trải qua giai đoạn hoàn thiện và ươm tạo. Nếu giai đoạn này tách rời khỏi nhóm nghiên cứu, thì khả năng hoàn thiện sản phẩm sẽ suy giảm đáng kể. Do đó, một số quy định hạn chế giảng viên tham gia vào hoạt động doanh nghiệp nói chung và hoạt động doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nói riêng cần được điều chỉnh để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Việc gỡ bỏ rào cản này còn mở ra cơ hội để các nhà khoa học tiếp cận thực tiễn, tích lũy kinh nghiệm từ môi trường doanh nghiệp, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy.
Theo đại diện Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội, gắn kết giáo dục đại học với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tuy nhiên vẫn còn những điểm nghẽn cần giải pháp tháo gỡ về chính sách, cơ chế và mô hình trong thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ để mang lại giá trị thực chất cho đất nước, trong bối cảnh tự chủ đại học, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, khoảng cách giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu phát triển tại các trường đại học tiên tiến trên thế giới ngày càng thu hẹp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. Sự thay đổi này tạo tiền đề cho khởi nghiệp, vì vậy khoa học công nghệ gắn kết mật thiết với đổi mới sáng tạo, nhưng đối với nhiều cơ sở giáo dục đại học, bài toán cân đối giữa đào tạo, nghiên cứu và trách nhiệm xã hội vẫn là một thách thức chưa có lời giải tối ưu.
Nghị định 99/2014/NĐ-CP ngày 25/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học nêu bật nhiều điểm đột phá trong đầu tư và khuyến khích các hoạt động khoa học công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học, trong đó quy định hằng năm dành tối thiểu 5% kinh phí từ nguồn thu hợp pháp của cơ sở giáo dục đại học để đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học công nghệ, dành tối thiểu 3% kinh phí từ nguồn thu học phí để sinh viên và người học hoạt động nghiên cứu khoa học.
Trên thực tế, do nguồn thu còn hạn chế nên nhiều cơ sở giáo dục đại học dù nỗ lực thực hiện theo đúng quy định, nhưng tổng chi cho khoa học công nghệ vẫn khiêm tốn. Số lượng bài báo nghiên cứu khoa học được công bố ở tạp chí uy tín quốc tế tăng mạnh trong thời gian vừa qua nhưng công bố xuất phát từ nội lực còn khá khiêm tốn.
Mặt khác, việc doanh nghiệp xây dựng, tuyển chọn, thực hiện giải ngân, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học công nghệ còn gặp khó khăn vì thiếu kinh nghiệm và nguồn lực khi sử dụng nguồn vốn. Trong khi đó, quản lý nguồn kinh phí dành cho hoạt động khoa học và công nghệ tại các doanh nghiệp nhà nước theo Nghị định 95/2014/NĐ-CP phải áp dụng theo nguyên tắc quản lý ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, để nâng cao tính linh hoạt trong quản lý quỹ khoa học công nghệ, tổ chức doanh nghiệp mong muốn được sử dụng cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Thông tư 05/2022/TT-BKHCN ban hành ngày 31/05/2022 đã phần nào đáp ứng kỳ vọng này. Tuy nhiên, việc triển khai hình thức khoán chi vẫn gặp vướng mắc trong định giá sản phẩm khoa học công nghệ. Khi chưa thể xác định giá trị sản phẩm, doanh nghiệp không dám mạnh dạn áp dụng cơ chế khoán chi, dẫn đến việc thực hiện chưa thực sự linh hoạt như mong muốn.
Mục tiêu phát triển khoa học công nghệ và chiến lược đổi mới sáng tạo của cơ sở giáo dục đại học đặt ra nhiều định hướng tham vọng, nhưng để thực hiện được, cần có những giải pháp đột phá để tháo gỡ điểm nghẽn trong cơ chế triển khai, đồng thời thay đổi tư duy quản lý theo hướng linh hoạt, thông thoáng, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, áp dụng các chuẩn mực về liêm chính trong nghiên cứu cũng như chấp nhận rủi ro.
Thúc đẩy tiềm năng nghiên cứu và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Bàn về giải pháp nhằm nâng cao hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại diện của Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, trước tiên, cần tập trung ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển con người, bao gồm đầu tư phát triển đội ngũ chuyên gia làm khoa học, đội ngũ quản lý khoa học, thúc đẩy tiềm năng nghiên cứu, ươm tạo công nghệ, đầu tư các ngành công nghiệp nền tảng, lĩnh vực mũi nhọn và ngành nghề thế mạnh, đầu tư xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo,...

Ảnh minh hoạ: nguồn HUTECH.
Thứ hai, cần sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp lý nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, thống nhất những điểm còn chồng chéo để thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư và văn bản pháp quy liên quan đến hoạt động, quản lý khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng tạo thuận lợi và đặt niềm tin tối đa vào nhà khoa học chân chính, các đơn vị chủ trì uy tín thông qua một hệ thống liêm chính khoa học được xây dựng và giám sát chặt chẽ, công khai.
Hơn nữa, nên xây dựng và ban hành một nghị định riêng về hoạt động khoa công nghệ và đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học nhằm tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ. Trong đó nêu rõ được quyền hạn, trách nhiệm và vị trí pháp lý về các tổ chức hoạt động khoa học công nghệ của nhà khoa học, quỹ phát triển nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, những ưu đãi về thuế, đầu tư cơ sở vật chất,…
Thứ ba, chính sách thu hút và phát triển nhân tài cần triển khai từ phạm vi quốc gia đến địa phương và chú trọng tại các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu bằng cách thử nghiệm các chính sách đột phá về cơ chế thu nhập, môi trường nghiên cứu, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại,...
Thứ tư, cần hoàn thiện cơ chế thúc đẩy hợp tác công và tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư theo mô hình giữa các trường đại học và doanh nghiệp. Cơ chế này không chỉ giúp tăng cường kết nối giữa môi trường học thuật và thực tiễn doanh nghiệp mà còn góp phần tạo ra những giá trị thiết thực, mang lại lợi ích cho cả đôi bên.
Thứ năm, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, bao gồm xây dựng dữ liệu về nguồn lực và sản phẩm khoa học công nghệ, minh bạch hóa quá trình quản lý nhiệm vụ và hình thành thị trường số.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo của một trường đại học khu vực miền Trung cho rằng, cơ sở giáo dục đại học muốn tham gia hội nhập quốc tế với khu vực và thế giới thì cần thực hiện những giải pháp giúp gỡ bỏ các nút thắt về cơ chế. Trong đó, trường đại học cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tăng số lượng các công bố quốc tế, từ đó góp phần cải thiện thứ hạng trên các bảng xếp hạng quốc tế uy tín. Những năm trở lại đây, số lượng các công bố quốc tế của Việt Nam ngày càng được cải thiện nhưng vẫn thấp so với các nước trên thế giới.
Song song với công tác tuyên truyền, Nhà nước cần rà soát các văn bản, quy định để tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý thống nhất, rõ ràng, đồng bộ và chặt chẽ giữa Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Điều này cần được khắc phục theo hướng đảm bảo tính tương thích, không chồng chéo, mâu thuẫn. Đổi mới, phát triển nghiên cứu, đẩy mạnh xã hội hóa thông qua các hình thức hợp tác đối tác công tư trong giáo dục đại học.
Ngoài ra, cần dẫn dắt hệ thống về nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, gắn đào tạo sau đại học với nghiên cứu; có sứ mạng tham gia hợp tác và cạnh tranh quốc tế, nâng tầm cơ sở vật chất và nguồn lực tương đương với các trường top đầu khu vực trong trung hạn.