Đề thi khó hay dễ cũng không thay đổi số lượng tuyển đầu vào lớp 10 công lập

07/06/2024 06:48
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Đề khó cũng lấy đầu vào chừng ấy thí sinh và đề dễ cũng vậy, chỉ khác nhau ở chỗ đề khó thì điểm chuẩn thấp, đề dễ thì điểm chuẩn vào lớp 10 cao hơn mà thôi.

Những ngày qua, tại một số địa phương đã diễn ra kỳ thi tuyển sinh 10 và những ngày tới đây kỳ thi này sẽ được những địa phương còn lại tiếp tục tổ chức. Phản ánh đề thi ở những địa phương đã diễn ra kỳ thi, nhiều thí sinh tỏ ra vui mừng nhưng cũng có môn thí sinh cảm thấy làm bài không tốt vì đề có những câu hỏi khó.

Những trạng thái tâm lý trái ngược đó là điều hoàn toàn bình thường của một kỳ thi mang tính cạnh tranh và “loại trực tiếp” như thi tuyển sinh 10. Tuy nhiên, khó thì khó chung, dễ cũng dễ chung vì tất cả các thí sinh thi vào trường chuyên đều thi chung đề; những thí sinh thi vào trường không chuyên cũng vậy.

Nếu đề dễ, điểm thi cao thì điểm chuẩn các trường sẽ lấy cao, nếu đề khó, điểm thi thấp thì điểm chuẩn đầu vào các trường cũng thấp theo bởi các trường trung học phổ thông đã được sở giáo dục và đào tạo giao chỉ tiêu và ấn định số lượng tuyển đầu vào từ mấy tháng trước đó nên sẽ lấy những thí sinh có điểm thi cao nhất từ trên xuống đến khi đủ chỉ tiêu.

gdvn-6-2623.jpg
Ảnh minh họa: Linh An

Đề thi tuyển sinh 10 ở các địa phương hiện nay có khó không?

Thực ra, đề thi tuyển sinh bao giờ cũng có những câu hỏi dễ và một số câu hỏi, bài tập khó để phân loại thí sinh. Vì thế, đề thi có một vài câu hỏi khó cũng là lẽ thường tình.

Tuy nhiên, điều mà chúng ta đều biết, kỳ thi tuyển sinh 10 năm học 2024-2025 là kỳ thi cuối cùng của chương trình 2006 nên điều mà thầy cô và thí sinh quan tâm nhất là kiến thức đề thi phải nằm trong chuẩn kiến thức kĩ năng- những kiến thức trọng tâm của sách giáo khoa.

Những đề chung (Toán, Văn, Anh) dành cho những thí sinh thi trường chuyên và đề thi cho thí sinh vào các trường không chuyên phải bám theo chuẩn kiến thức kĩ năng đã được thực hiện những năm qua. Nếu ra khác, người ra đề bị kỉ luật đầu tiên.

Chỉ có những đề môn thi chuyên là kiến thức khó nhằm lựa chọn những em có năng lực, năng khiếu thực sự để đào tạo chuyên sâu về môn học thì có nhiều kiến thức nâng cao nhưng cấu trúc đề vẫn phải quen thuộc chứ không thể muốn ra sao thì ra.

Tựu trung lại, đề thi tuyển sinh 10 năm nay và những năm vừa qua chủ yếu là tái hiện lại kiến thức sách giáo khoa đã học ở chương trình trung học cơ sở mà chủ yếu là ở lớp 9, chỉ có một tỉ lệ nhỏ câu hỏi là kiến thức nâng cao. Vì thế, hình thức, cấu trúc, lượng kiến thức đề thi đã trở nên khá quen thuộc với học trò và hiện tượng “tủ đề” không hiếm đối với thí sinh dự thi.

Là người đang dạy lớp 9 và đang ôn thi tuyển sinh 10 theo kế hoạch của nhà trường hằng năm, bản thân người viết bài nhận định đề thi tuyển sinh 10 hiện nay ở địa phương mình đang công tác không phải là quá khó. Theo dõi đề thi các địa phương khác cũng vậy.

Bởi lẽ, đề kiểm tra, đề thi hiện nay được định hướng theo cấu trúc kiến thức 4-3-2-1 (40% kiến thức nhận biết; 30% kiến thức thông hiểu; 20% kiến thức vận dụng thấp; 10% kiến thức vận dụng cao). Vì thế, nếu học sinh có học lực trung bình thực sự thì việc đạt được 5,0-6,0 điểm là dễ dàng bởi đã có tới 70% kiến thức đề thi hướng đến việc học sinh có học lực trung bình nên có nhiều câu hỏi dễ.

Chẳng hạn, đối với đề thi môn Ngữ văn thì gần như địa phương nào cũng có những câu hỏi quen thuộc ở phần đọc-hiểu, như: xác định phương thức biểu đạt chính; xác định thể thơ; xác định biện pháp tu từ; xác định từ láy, từ ghép; theo tác giả; theo em…nhiều đề để lộ đáp án theo kiểu “cho không, biếu không” để thí sinh không bị điểm liệt.

Phần nghị luận thì có địa phương có nghị luận xã hội và nghị luận văn học nhưng phần nhiều đề thi tuyển sinh không có nghị luận xã hội. Vì thế, quanh đi, quẩn lại cũng chỉ có hơn chục tác phẩm ở sách giáo khoa Ngữ văn 9.

VÌ vậy, phần nghị luận thì giáo viên ôn thi sẽ làm phương án loại trừ tác phẩm đã thi ở những năm gần nhất và ôn cách xác định, cách tiếp cận các đơn vị kiến thức, triển khai ra sao để đạt được điểm cao nhất có thể.

Bên cạnh đó, việc ra đề thi tuyển sinh 10 cũng phải hướng đến đối tượng thí sinh dự thi ở các địa bàn khác nhau sao cho phù hợp để không quá khó đối với học sinh vùng khó nhưng đừng quá dễ đối với học sinh ở những vùng có điều kiện.

Cách đây vài năm, bản thân người viết bài được điều động tham gia ra đề thi tuyển sinh 10. Ngày họp hội đồng ra đề thi đầu tiên, chủ tịch hội đồng ra đề thi nói thẳng: các thầy ra đề làm sao để thí sinh phải đạt được từ 5,0 điểm/ môn trở lên.

Nếu ra khó, điểm chuẩn quá thấp sẽ bị ủy ban nhân dân tỉnh quở trách về chất lượng giáo dục; các trường trung học phổ thông cũng ái ngại về điểm chuẩn đầu vào. Chính vì thấm nhuần quan điểm này, người ra đề bao giờ cũng hướng đến hạn chế tối đa điểm dưới trung bình.

Số lượng tuyển đầu vào lớp 10 công lập được phê duyệt từ khi chưa thi

Như phần trên người viết đã trình bày, đề thi tuyển sinh 10 hiện nay ở các địa phương thường có cấu trúc đề quen thuộc, nếu có thay đổi thì bộ phận chuyên môn của sở, phòng giáo dục cũng đã thông báo và tập huấn cho giáo viên dạy 9. Vì thế, cấu trúc đề thi không xa lạ với thí sinh, kiến thức đề không chuyên bắt buộc phải nằm trong sách giáo khoa của chương trình hiện hành.

Các đề chuyên cũng phải bám vào chuẩn kiến thức kĩ năng nhưng có thêm một số câu hỏi vận dụng thực tế nhằm phát hiện, tuyển lựa những thí sinh có năng lực tốt nhất để tuyển đầu vào đào tạo chuyên.

Việc đề khó hay dễ không ảnh hưởng đến số lượng thí sinh tuyển đầu vào của các trường Trung học phổ thông công lập. Đề khó cũng lấy chừng ấy thí sinh và đề dễ cũng vậy, chỉ khác nhau ở chỗ đề khó thì điểm chuẩn thấp, đề dễ thì điểm chuẩn vào lớp 10 cao hơn mà thôi.

Vì thế, thí sinh đã dự thi, chưa dự thi tuyển sinh 10 trong năm nay cũng đừng có quá lo lắng vì đề khó mình không làm được bài sẽ bị điểm thấp vì các thí sinh khác cũng giống như mình. Nếu học giỏi, học sinh sẽ làm được tất cả các câu hỏi trong đề thi một cách trọn vẹn. Nếu chưa giỏi có thể làm không hết, thậm chí làm được rất ít câu hỏi trong đề thi cũng là điều rất bình thường.

Những em điểm cao nhất sẽ đậu và những em có điểm thấp nhất sẽ rớt và phải lựa chọn hướng đi mới cho riêng mình. Bởi, kỳ thi tuyển sinh 10 mang tính cạnh tranh và sàng lọc nên không có chuyện tuyển những em quá yếu vào lớp 10 công lập- chỉ trừ những khu vực đặc biệt khó khăn, những nơi có tỉ lệ thí sinh dự thi ít.

Vì thế, đề tuyển sinh khó hay dễ cũng không thay đổi số lượng tuyển đầu vào lớp 10 công lập bởi thực tế số lượng đầu vào đã được phê duyệt từ khi kỳ thi chưa diễn ra, thí sinh thậm chí còn chưa đăng ký dự thi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH