Đề Ngữ văn lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa rất dễ “râu ông nọ cắm cằm bà kia"!

24/12/2022 06:41
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Yêu cầu đề Văn lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết đang quá tầm với phần lớn học sinh phổ thông.

Trước những bất cập về việc dạy và học Ngữ văn, bắt đầu từ năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH nhằm đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông. Đặc biệt là đối với những lớp đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tuy nhiên, ngay từ năm đầu tiên thực hiện Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH thì chúng ta đã thấy đang bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Những bất cập, hạn chế không chỉ diễn ra đối với các nhà trường mà ngay trong chỉ đạo hình thức kiểm tra môn Ngữ văn trong năm học này cũng có phần làm cho cơ sở lúng túng, khó hiểu.

Những ngữ liệu của đề kiểm tra Ngữ văn rất khó kiểm soát được nguồn và những người có trách nhiệm duyệt đề kiểm tra học kỳ cho nhà trường cũng rơi vào sự đã rồi. Nhiều khi giữa người duyệt đề và người ra đề không có sự thống nhất về ngữ liệu, câu hỏi trong đề kiểm tra nhưng rất khó để góp ý cho nhau.

Từ năm học 2022-2023, Bộ yêu cầu không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa xây dựng đề Ngữ văn (Ảnh minh họa)

Từ năm học 2022-2023, Bộ yêu cầu không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa

xây dựng đề Ngữ văn (Ảnh minh họa)

Môn Ngữ văn và Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH của Bộ

Nhìn thẳng vào vấn đề, chúng ta thấy thực trạng văn mẫu đã và đang tồn tại suốt hàng chục năm nay khiến cho chất lượng thực sự của bộ môn bị ảnh hưởng. Học sinh lệ thuộc vào văn mẫu của thầy cô, thầy cô mua văn mẫu của một tác giả nào đó rồi “chế biến, gia giảm” thành những bài dạy cho riêng mình.

Cách ra đề Văn cũ xì từ năm này qua năm khác và quanh đi, quẩn lại cũng chừng ấy đơn vị kiến thức, chừng ấy tác phẩm văn học nên thầy cô giới hạn, ôn tập và học sinh không khó đoán đề trước khi bước vào kiểm tra học kỳ- cho dù là đề của Sở.

Trong quá trình ra đề - dù là đề cấp nào đi chăng nữa thì giám khảo vẫn đếm ý cho điểm. Thiếu ý nào trong đáp án là trừ điểm ý đó. Mỗi bài kiểm tra hay bài thi Ngữ văn có thang điểm 10 hiện nay cũng chỉ dừng lại ở mức 0,5 điểm sáng tạo.

9,5 điểm còn lại là đáp án của người ra đề. Vì thế, cho dù phần đọc hiểu yêu cầu “theo em”; phần làm văn yêu cầu “cảm nhận của em” nhưng đáp án là phải “theo thầy” ra đề. Vì thế, hàng trăm, thậm chí kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông những năm gần đây có trên dưới 1 triệu thí sinh vẫn phải “theo thầy”.

Nếu học sinh viết khác, viết theo suy nghĩ của mình, viết theo chính kiến của mình rất dễ bị “lạc đề” và bị điểm thấp. Từ đó, dẫn đến tình trạng “thầy chấm văn thầy” và sinh ra một đội ngũ tác giả viết văn mẫu hùng hậu. Mỗi lớp học, vào các nhà sách lớn không khó để tìm ra hàng trăm cuốn sách văn mẫu với đủ cách tiếp cận khác nhau.

Học sinh chán học Văn, hay nói đúng hơn là chán cách dạy và kiểm tra Ngữ văn ở nhà trường phổ thông là có thật. Đa phần, các em học Văn vì đây là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Trước thực trạng này, ngày 21/7/2022, Bộ ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH và yêu cầu: “việc đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểuviết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”.

Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau, vào ngày 22/8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 4020/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022-2023. Công văn 4020 đã chỉ đạo: “Đối với môn Ngữ văn, thực hiện kiểm tra, đánh giá theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 của Bộ GDĐT đối với khối lớp 6, lớp 7, lớp 10; khuyến khích các nhà trường vận dụng kiểm tra, đánh giá theo Công văn này đối với khối lớp 8, 9, 11 và lớp 12”.

Chính vì thế, về cơ bản các lớp 8, 9,11,12 (đang thực hiện chương trình 2006) vẫn đang bám theo cấu trúc đề kiểm tra Ngữ văn trước đây nên không có thay đổi gì lớn.

Riêng với các lớp 6, 7 và 10- những lớp đang thực theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì bắt buộc phải thực hiện việc kiểm tra, đánh giá theo hướng dẫn của Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH.

Việc thực hiện kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH không chỉ là lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa mà cấu trúc đề, hình thức đề cũng hoàn toàn thay đổi so với trước đây. Theo đó, nhiều địa phương đã tập huấn, chỉ đạo các trường thực hiện kiểm tra môn Ngữ văn theo cấu trúc: đọc hiểu (6,0 điểm) và viết (4,0 điểm).

Trong đó, phần đọc hiểu sẽ có 8 câu trắc nghiệm và 2 câu tự luận. Phần viết sẽ có 1 câu tự luận.

Như vậy, thang điểm giữa những lớp đang thực hiện chương trình mới và hiện hành hoàn toàn trái ngược nhau. Những lớp thực hiện chương trình hiện hành thì phần đọc hiểu thường là 4,0 điểm, phần làm văn (viết) 6,0 điểm. Nhưng, những lớp thực hiện chương trình mới thì đọc hiểu là 6,0 điểm và phần viết (làm văn) 4,0 điểm.

Hình thức kiểm tra cũng khác. Các lớp thực hiện chương trình hiện hành thì tự luận hoàn toàn, các lớp thực hiện chương trình mới đã được nhiều địa phương chỉ đạo kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận.

Như vậy, chúng ta thấy, riêng môn Ngữ văn hiện nay đang thực hiện kiểm tra, đánh giá khác nhau. Những lớp dạy chương trình mới thì bắt buộc phải thực theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH nhưng những lớp đang dạy chương trình hiện hành thì chỉ “khuyến khích” thự hiện theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH.

Đối với các lớp đang thực hiện chương trình mới cũng đang có sự khác nhau, có tỉnh thực hiện hình thức kiểm tra tự luận hoàn toàn, có tỉnh thì thực hiện trắc nghiệm kết hợp với tự luận. Vì Bộ “giao quyền tự chủ cho nhà trường” và Bộ chỉ tập huấn đề kiểm tra Ngữ văn hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận cho “đội ngũ cốt cán” mà thôi.

Đề kiểm tra Ngữ văn đang có tình trạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia”?

Những ngày gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng đang đề cập khá nhiều về đề Ngữ văn lớp 10 của một trường tại Thành phố Hồ Chí Minh, dài đến 3 trang giấy A4 khiến cho học sinh và phụ huynh đều choáng ngợp vì chỉ đọc đề cũng đã mất khá nhiều thời gian.

Nhưng, thực tế, nếu ra đề theo cấu trúc mới, kết hợp giữa tự luận và trắc nghiệm thì dù rút ngắn gọn đối đa cũng phải 2 trang chứ không thể ngắn hơn được.

Bởi lẽ, ngữ liệu của phần đọc hiểu nếu gọn nhất cũng phải 1/3 trang A4. Sau đó đến 8 câu trắc nghiệm, mỗi câu trắc nghiệm đều có một lệnh đề và 4 câu lựa chọn (tương đương 5 dòng) thì phần trắc nghiệm đã mất 40 dòng, cộng thêm 2 câu tự luận còn lại của phần đọc hiểu. Vì thế, chỉ riêng phần đầu đề kiểm tra (tên trường, môn kiểm tra, thời gian kiểm tra, số báo danh…) và ngữ liệu, câu hỏi đã chiếm mất hơn 1 tờ A4.

Phần viết (làm văn) vì lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa nên bắt buộc người ra đề phải đưa ngữ liệu vào thì học sinh mới biết. Nếu lấy thơ thì có thể 1 khổ, 2 khổ hoặc có thể cả bài; nếu lấy văn xuôi thì ít nhất cũng phải nửa trang mới có nội dung cho học sinh viết.

Vì thế, chuyện đề kiểm tra định kỳ theo cấu trúc mới có dung lượng đến 2-3 trang có lẽ cũng…bình thường.

Điều đáng lo nhất là khi giáo viên lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa sẽ lấy ở đâu? Nếu giáo viên chỉn chu, tâm huyết, họ sẽ lấy ngữ liệu từ một cuốn sách của một nhà xuất bản uy tín; một tờ báo uy tín để làm ngữ liệu. Nhưng, đâu có phải giáo viên nào cũng làm được điều này vì đề Ngữ văn dài lắm. Cả đề và đáp án lên đến gần chục trang A4.

Vì thế, một bộ phận giáo viên lên mạng internet lấy đại một cái đề nào đó, hoặc lấy ngữ liệu nào đó cho nhanh, khỏi phải ngồi đánh máy nên nguồn không kiểm chứng được. Hoặc, cắt, dán, chỉnh sửa đề lớp này thành lớp kia.

Vì hiện nay, đối với văn xuôi, đề thường hướng tới ngôi kể; phương thức biểu đạt; nhân vật chính; biện pháp tu từ; từ vựng…Đối với thơ thì bao giờ cũng hỏi thể thơ; phương thức biểu đạt; biện pháp tu từ; tìm từ láy, ghép, từ Hán Việt; nghĩa của từ… nên ngữ liệu có thể dùng cho khối lớp này và cũng có thể dùng cho khối lớp khác.

Trình độ giáo viên thì không đều nhau và cũng không phải ai cũng có khả năng phân biệt ngữ liệu từ nguồn chính thống và nguồn không chính thống nên có thể văn bản này được gán cho tác giả kia, hoặc lấy nguồn từ một tờ báo dẫn lại nguồn nhưng chú thích là báo dẫn lại nên tình trạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia” không phải là hiếm.

Đề trường ra đương nhiên là tổ trưởng chuyên môn là người duyệt đề chính. Nhưng, khi duyệt đề của giáo viên trong tổ phát hiện ra sai sót, hạn chế và yêu cầu giáo viên ra đề sửa không phải là một chuyện đơn giản, không khéo còn mất đoàn kết như chơi. Bởi, một bộ phận giáo viên hiện nay có tính tự ái khá cao và không dễ để họ thừa nhận sai sót.

Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH được Bộ ban hành và được yêu cầu thực hiện luôn trong năm học 2022-2023 có phần chưa chuẩn bị chu đáo cho giáo viên dưới cơ sở. Cái họ cần là khi thay đổi sẽ được trang bị những kiến thức cần thiết để họ tiếp cận một cách cụ thể, thấu đáo chứ không đơn thuần là một công văn rồi chuyển tiếp từ Bộ về nhà trường.

Hơn nữa, yêu cầu lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để “xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểuviết” đang quá tầm với phần lớn học sinh phổ thông hiện nay.

Bởi lẽ, để cảm nhận một bài thơ, một truyện ngắn đến những nhà nghiên cứu, phê bình văn học còn phải suy nghĩ nhiều ngày, nhiều thầy cô dạy một bài thơ cũng phải nghiền ngẫm, tham khảo nhiều tài liệu thì trong vòng vài chục phút yêu cầu học sinh phổ thông thực hiện yêu cầu này quả là quá tầm của các em.

Trong khi, Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn: “Khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh. Xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm.

Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật” nhưng đáp án lại gò theo ý của thầy cô.

Hy vọng, sau học kỳ này, Bộ sẽ có những hướng dẫn cụ thể và thống nhất hình thức ra đề Ngữ văn, đặc biệt là những lớp đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 chứ không thể để tự phát như hiện nay.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT DUY