Đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024

25/02/2024 11:18
Lê Thắng Lợi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị 3 tỉnh là Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Ngày 24/2/2024, với tư cách là thành viên Chính phủ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã dẫn đầu đoàn công tác có buổi làm việc với lãnh đạo của tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn đầu năm 2024.

Tham gia trong đoàn công tác có đại diện của các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Công thương, Tài nguyên và Môi trường; Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Về phía các tỉnh, tiếp và làm việc với đoàn công tác có ông Kim Ngọc Thái – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Trà Vinh; ông Lê Văn Hẳn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh; lãnh đạo của tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và đại diện của các Sở, ban ngành có liên quan tại 3 tỉnh nói trên.

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đã phối hợp với 3 địa phương này hàng tháng có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đã tổng hợp đầy đủ các kiến nghị của 3 tỉnh gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan có liên quan để nghiên cứu, giải quyết.

gdvn_toancanhlv.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn với 3 tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng (ảnh: Thắng Lợi)

Hầu hết các kiến nghị, đề xuất của 3 tỉnh đều đã được các Bộ, cơ quan có liên quan ghi nhận, xử lý.

Theo kết quả báo cáo, trong năm 2023, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên đại bàn (GRDP) của 3 tỉnh đạt được khá cao. Về quy mô GRDP, tỉnh Trà Vinh xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố với quy mô GRDP đạt 72.441 tỷ đồng, Sóc Trăng đứng thứ 44 với quy mô GRDP đạt 65.709 tỷ đồng, Bạc Liêu đứng thứ 48 với quy mô GRDP đạt 55.633 tỷ đồng.

Bước sang năm 2024, Chính phủ xác định là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025.

Kết quả của cả nước sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tình hình, kết quả thực hiện của các Bộ, ngành liên quan để cùng nắm bắt, chia sẻ, trao đổi, giải quyết các khó khăn, vướng mắc với các địa phương.

Các nội dung trao đổi, những khó khăn, vướng mắc sẽ được đại diện các Bộ, cơ quan trao đổi, giải đáp, hướng dẫn tại buổi làm việc, hoặc sẽ được ghi nhận, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi các Bộ, cơ quan liên quan sau cuộc làm việc để xem xét, giải quyết.

Tại buổi làm việc, đại diện các tỉnh đã báo cáo về tình hình phát triển kinh tế xã hội, kết quả sản xuất kinh doanh, chương trình kế hoạch đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh đầu năm tại các địa phương.

gdvn_toancanhlv3.jpg
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng phát biểu (ảnh: Thắng Lợi)

Đồng thời, các tỉnh cũng đã đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương về nhiều nội dung liên quan đến các ngành, lĩnh vực liên quan về kinh tế xã hội, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.

Đại diện các Bộ, ngành tham gia đoàn công tác đã ghi nhận, trao đổi về những thành quả, thuận lợi, khó khăn và vướng mắc, giải đáp nhiều kiến nghị của 3 tỉnh.

gdvn_toancanhlv5.jpg
Đại diện Bộ, ngành phát biểu tại buổi làm việc (ảnh: Thắng Lợi)

Các kiến nghị chưa giải quyết triệt để sẽ tiếp tục được nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ ngay sau buổi làm việc này.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao sự quyết tâm, chủ động, sáng tạo của các địa phương trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.

Hai tháng đầu năm 2024, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình kinh tế xã hội tại 3 tỉnh đều đạt được những kết quả khả quan trên các mặt sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng, phân bổ chi tiết và thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, xuất nhập khẩu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo báo cáo của các tỉnh cho thấy, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xuất nhập khẩu.

Các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các tỉnh báo chủ yếu vẫn ở các lĩnh vực: Đất đai, Xây dựng, Quy hoạch, Thị trường, Nông nghiệp, Thông tin và Truyền thông, Dân tộc và một số lĩnh vực khác.

gdvn_toancanhlv2.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc (ảnh: Thắng Lợi)

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị, thời gian tiếp theo, các tỉnh cần bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong năm 2024, tiếp tục phát huy tinh thần, kết quả đã đạt được của năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, khắc phục các khó khăn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm, thúc đẩy xuất nhập khẩu, liên hệ và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan trung ương để được giải quyết kịp thời những vướng mắc.

Trong đó, đề nghị các tỉnh lưu ý triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo đã được nêu tại các Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó tập trung vào một số nội dung sau:

Rà soát, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo từng tháng, quý để tập trung chỉ đạo, điều hành, giải quyết tháo gỡ dứt điểm gắn với tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhất là đối với những nội dung, vấn đề còn vướng mắc, phức tạp, tồn đọng kéo dài, những vấn đề phát sinh.

Triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024, coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm để tạo ra động lực “tăng tốc” cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội gắn với bảo đảm chất lượng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Triển khai đồng bộ các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt việc đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện thủ tục đầu tư, tiến độ thi công và giải ngân vốn các dự án ngay từ đầu năm. Tập trung tiến độ thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng.

Quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực, thực hiện thực chất cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm quy định kinh doanh.

Đẩy nhanh tiến độ lập Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 cấp tỉnh, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bảo đảm kịp thời, khả thi, thống nhất, đồng bộ theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật quy hoạch, tổ chức kiểm kê đất đai năm 2024 theo quy định của pháp luật.

Kịp thời khen thưởng hoặc đề nghị cấp thẩm quyền khen thưởng phù hợp để ghi nhận, động viên các tổ chức, cá nhân, lực lượng chức năng có thành tích nổi bật, xuất sắc và tinh thần phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng chỉ đạo các Sở, ban ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, chủ đầu tư, các nhà thầu để triển khai các thủ tục giao mỏ cát biển cho nhà thầu để khai thác theo cơ chế đặc thù nêu tại các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Các bộ, cơ quan trung ương ghi nhận những kết quả đạt được của 3 tỉnh, đặc biệt ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các tỉnh để nghiên cứu, báo cáo lãnh đạo Bộ, cơ quan trung ương kịp thời có giải pháp tháo gỡ theo thẩm quyền, hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Sau cuộc họp này khẩn trương trả lời, giải quyết những kiến nghị, đề xuất của 3 tỉnh, đồng thời gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định tầm quan trọng của hệ thống giáo dục trong việc góp phần phát triển kinh tế xã hội các địa phương, đồng thời đánh giá cao sự quan tâm, kết quả đã đạt được của ngành giáo dục và đào tạo các tỉnh với nhiều chỉ số tích cực.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cảm ơn, mong muốn các tỉnh quan tâm nhiều hơn nữa đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo trong thời gian tới. Bộ trưởng tin tưởng sự hợp tác giữa ngành giáo dục và chính quyền các địa phương sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển toàn diện của từng tỉnh, của đất nước trong những năm tới.

Lê Thắng Lợi