Ngày đầu Xuân Giáp Thìn, lắng nghe chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn

10/02/2024 06:27
Thùy Linh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Trong năm mới, toàn ngành mong muốn được các bậc phụ huynh và toàn xã hội chia sẻ, thấu hiểu, hỗ trợ nhiều hơn nữa với ngành Giáo dục.

LTS: Nhân ngày đầu Xuân Canh Thìn, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi cùng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn để lắng nghe những chia sẻ và dự định của ngành trong năm 2024.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, năm 2023 đã chính thức khép lại. Nhìn lại một năm qua, theo Bộ trưởng, đâu những vấn đề lớn, nổi bật của ngành?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Năm 2023 là năm trọng tâm trong quá trình đổi mới, đặc biệt là đổi mới giáo dục phổ thông. Toàn ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, trong đó vừa đánh giá việc triển khai Chương trình của lớp 3, 7, 10; vừa trực tiếp triển khai cho lớp 4, 8, 11 và chuẩn bị cho lớp 5, 9, 12.

Qua triển khai thực hiện, dấu ấn quan trọng nhất là trường học không ngừng được đổi mới, nhà giáo hào hứng với đổi mới, học sinh năng động tích cực hơn. Bên cạnh đó, việc biên soạn, thẩm định, phát hành sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 cũng đã được hoàn thành đúng thời gian, đảm bảo chất lượng.

So với nhiều năm trước, năm 2023 công tác kiểm tra đánh giá, đặc biệt Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã được tổ chức với chất lượng tốt, đảm bảo công bằng, an toàn gắn với chuyển đổi số, đem lại thuận tiện cho thí sinh và người dân. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng vừa ban hành phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025. Đây là bước đổi mới trong kiểm tra đánh giá để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, được dư luận xã hội đồng thuận khá cao.

Năm mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chúc toàn thể nhà giáo, các em học sinh, các quý vị phụ huynh năm mới dồi dào sức khoẻ, thêm niềm tin tưởng để cùng ngành Giáo dục chia sẻ, lan tỏa tinh thần đổi mới và những giá trị tích cực.

Năm mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chúc toàn thể nhà giáo, các em học sinh, các quý vị phụ huynh năm mới dồi dào sức khoẻ, thêm niềm tin tưởng để cùng ngành Giáo dục chia sẻ, lan tỏa tinh thần đổi mới và những giá trị tích cực.

Về công tác xây dựng thể chế, năm qua, chúng tôi tập trung rà soát các văn bản quy định liên quan đến chế độ chính sách cho nhà giáo, tài chính giáo dục, tự chủ đại học… Trong đó, nhiều chính sách đã được ban hành mới hoặc điều chỉnh cho phù hợp hơn với thực tiễn và mở đường cho đổi mới giáo dục đào tạo.

Bên cạnh đó, rất nhiều các nhiệm vụ lớn, nhiệm vụ quan trọng, nhiệm vụ thường xuyên trên hầu khắp các mảng công tác đã được triển khai và hoàn thành tốt.

Nhìn một cách tổng thể, năm 2023 là một năm nhiều việc lớn, nhiều thách thức nhưng cũng là một năm toàn ngành giáo dục đào tạo đã đồng lòng, dốc sức cho sự đổi mới một cách bản lĩnh, nhất quán để tiếp nối những gì đã làm được trong giai đoạn trước và ra sức phấn đấu cho chặng đường tiếp theo.

Để đạt được những kết quả như thời gian qua là nhờ có sự ủng hộ rất cao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành cho đến từng người dân. Chúng tôi mong trong thời gian sắp tới, tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ nhiều hơn từ toàn thể xã hội.

Phóng viên: Năm 2024 đã đến, Bộ trưởng có thể cho biết những nhiệm vụ lớn ngành giáo dục sẽ triển khai trong năm mới?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Năm 2024, rất nhiều thách thức vẫn còn nguyên, nhưng chúng tôi xác định, nếu vượt qua được sẽ có những kết quả mới. Đối với việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, khi việc tổng kết được hoàn thành, Bộ Chính trị ban hành kết luận mới, năm 2024 sẽ là năm triển khai những nội dung mới theo kết luận của Bộ Chính trị. Đây cũng là năm chúng tôi dự kiến tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khi được cấp có thẩm quyền ban hành.

Trong năm nay, ngành giáo dục đào tạo tiếp tục xác định công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là khâu quan trọng. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tập trung xây dựng để sớm trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà giáo. Chúng tôi kỳ vọng, dự án luật này sẽ là cơ hội để đưa ra những chính sách mới phát triển đội ngũ nhà giáo.

Năm 2024, toàn ngành sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, phải triển khai các giải pháp để đảm bảo đủ số lượng giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy những môn học mới; tăng cường chính sách hỗ trợ giáo viên; tăng cường cơ sở vật chất, trường lớp cho các khu vực còn có nhu cầu cao.

Đây cũng là năm ngành Giáo dục tập trung chuẩn bị cho Chương trình giáo dục mầm non mới, đồng thời tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, chúng tôi mong muốn toàn ngành sẽ cùng bước vào năm 2024 với tinh thần “Bản lĩnh - Thực tiễn - Chất lượng - Lan tỏa”. Việc đổi mới không bao giờ là dễ dàng và luôn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều nhau, đòi hỏi ngành Giáo dục phải thể hiện được bản lĩnh, sự nhất quán để xã hội đặt niềm tin. Tuy vậy, trong thời kỳ đổi mới, chuyển đổi, cũng phải lắng nghe thực tiễn, quan sát thực tiễn để có những điều chỉnh chính sách kịp thời, phù hợp. Bên cạnh đó, đối với các bậc học, dù khối lượng công việc nhiều, áp lực lớn nhưng luôn phải lấy yếu tố chất lượng làm thước đo. Và trong quá trình đổi mới, những yếu tố mới, tinh thần mới, giá trị mới phải được lan toả rộng rãi để xã hội chia sẻ, đồng thuận.

Ảnh minh họa: Linh Trang

Ảnh minh họa: Linh Trang

10 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục năm 2024 bao gồm:

Thứ nhất, tổ chức triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; triển khai thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông; triển khai Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Thứ hai, tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo; tập trung rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ, hoàn thành dứt điểm các văn bản Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhưng chưa hoàn thành trong năm 2023. Tập trung triển khai xây dựng Luật Nhà giáo bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Thứ ba, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3 - 5 tuổi và Nghị quyết về đổi mới Chương trình Giáo dục mầm non; trình Chính phủ ban hành Đề án phát triển cơ sở giáo dục mầm non và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ từ 06 đến 36 tháng tuổi là con công nhân tại các địa bàn khu công nghiệp. Tổ chức triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với tất cả các lớp học từ lớp 1 đến lớp 12; thẩm định bổ sung sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (nếu có); biên soạn, thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số lớp 4, lớp 5. Tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Chỉ đạo, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 an toàn, nghiêm túc, hiệu quả; chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Thứ tư, đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao tại Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên tại các cấp học do tăng quy mô học sinh, triển khai các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Rà soát, hoàn thiện các quy định, cơ chế chính sách để từng bước khắc phục tình trạng thiếu nguồn tuyển giáo viên, nhất là đối với môn học mới, môn học tích hợp. Phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, xây dựng và triển khai thực hiện chính sách tiền lương mới đối với đội ngũ nhà giáo, nhân viên ngành Giáo dục.

Thứ năm, triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học tập trung xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Tăng cường kiểm định quốc tế các chương trình đào tạo và cơ sở đào tạo.

Thứ sáu, tổ chức thực hiện hiệu quả các đề án, dự án tăng cường cơ sở vật chất, nhất là nhiệm vụ được giao trong các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đề xuất Chương trình đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học, xóa phòng học tạm, xây dựng trường chuẩn quốc gia và mua sắm, sửa chữa trang thiết bị dạy học tối thiểu và Chương trình đầu tư phát triển giáo dục đại học để tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Chỉ đạo, hướng dẫn đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, nhất là vốn đầu tư công bảo đảm hiệu quả, đúng quy định.

Thứ bảy, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; giáo dục quốc phòng, an ninh; giáo dục thể chất và tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục học sinh, sinh viên. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường; xây dựng văn hóa học đường; tăng cường công tác tư vấn học đường, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên. Triển khai có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên. Tổ chức thành công Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 31 và Hội khỏe Phù đổng toàn quốc năm 2024.

Thứ tám, tăng cường hội nhập quốc tế, chủ động hợp tác với các nước có nền giáo dục tiên tiến để trao đổi kinh nghiệm, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nước ngoài cho giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh việc thu hút sinh viên, nhà khoa học có uy tín ở nước ngoài đến học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Việt Nam. Triển khai hiệu quả các đề án, chương trình học bổng đào tạo nguồn nhân lực ở nước ngoài có sử dụng ngân sách nhà nước.

Thứ chín, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường chuyển đổi số và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tiếp tục xây dựng hạ tầng học tập quốc gia, kho học liệu số dùng chung toàn ngành; hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành, kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Thứ mười, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng pháp luật và thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục và đào tạo nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong giáo dục và đào tạo. Tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo.

Phóng viên: Theo Bộ trưởng, đâu là những thách thức đặt ra cho ngành sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, có thể thấy đây là văn kiện quan trọng của Trung ương Đảng, định hướng mang tính chiến lược, thể hiện tầm nhìn của Đảng đối với việc phát triển giáo dục và đào tạo trong tổng thể phát triển đất nước. Từ thực tế triển khai sau 10 năm có thế thấy giá trị rất cao của Nghị quyết. Nhiều việc đã được triển khai và nhiều việc dù tình hình đã có nhiều thay đổi song vẫn thấy rất rõ ý nghĩa soi sáng, dẫn dắt, chỉ đạo sát, đúng trong cả hiện tại và tương lai.

Tuy nhiên, Nghị quyết 29 bao quát rất nhiều nội dung, công việc, đối tượng và yêu cầu rất cao, mục tiêu rất lớn, nhưng trong điều kiện còn hạn chế nhất định. Một số nội dung cốt lõi, trọng tâm của Nghị quyết đã được thực hiện được nhưng cũng còn những nội dung chưa triển khai được hoặc chậm mà trong thời gian tới phải tiếp tục.

Một trong những nội dung Nghị quyết 29 đặt ra là từ sau năm 2020 thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm đối với học sinh phổ thông, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được một cách đầy đủ. Một số nội dung khác của Nghị quyết 29, quá trình thể chế hoá chưa kịp thời, đầy đủ, thậm chí còn một số quy định chưa thực sự đồng bộ, dẫn đến hạn chế về chất lượng triển khai.

Trong Nghị quyết 29 nêu một nội dung rất quan trọng, đó là “lương của nhà giáo được bố trí ở mức cao nhất trong thang bảng lương của khối hành chính sự nghiệp” nhưng thực tế còn khó khăn nên chưa thực hiện được như mong muốn. Nghị quyết 29 cũng yêu cầu ngân sách cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước, nhưng thực tế chưa đảm bảo được.

Một trong những trọng tâm của Nghị quyết 29 là phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đảm bảo đội ngũ vừa đủ về số lượng, chất lượng, cơ cấu. Thời gian qua, đội ngũ đã có bước phát triển rất quan trọng nhưng vì nhiều lý do, tình trạng nghỉ việc, chuyển việc đặt ra thách thức về việc đảm bảo số lượng giáo viên cho các môn học mới và cho các khu vực có yêu cầu cao về nhu cầu học tập. Bên cạnh đó, việc đảm bảo các nguồn lực cho đổi mới (số lượng trường, lớp, trang thiết bị dạy học...) còn có phần hạn chế.

Về công tác xã hội hóa, đối chiếu với các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết 29, có thể thấy, việc huy động các nguồn lực xã hội, sự tham gia của người dân và tổ chức xã hội đối với giáo dục, phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập còn rất nhiều điểm nghẽn phải tích cực tháo gỡ.

Với tầm nhìn chiến lược của Nghị quyết 29 thì chặng đường phía trước còn rất nhiều việc phải triển khai. Đổi mới giáo dục khác với các lĩnh vực khác, là các kết quả cần phải có thời gian mới nhìn nhận, đánh giá được một cách đầy đủ. Cho nên, trong chặng đường phía trước, điều cần thiết là phải rất kiên trì, nhất quán trong định hướng đổi mới để đạt được các mục tiêu lớn và quan trọng mà Nghị quyết 29 đã đề ra.

Trong năm mới, toàn ngành Giáo dục mong muốn được các bậc phụ huynh và toàn xã hội chia sẻ, thấu hiểu, hỗ trợ nhiều hơn nữa để cùng với ngành Giáo dục nâng cao chất lượng và tiếp tục công việc đổi mới. (ảnh minh họa: nguồn HUST)

Trong năm mới, toàn ngành Giáo dục mong muốn được các bậc phụ huynh và toàn xã hội chia sẻ, thấu hiểu, hỗ trợ nhiều hơn nữa để cùng với ngành Giáo dục nâng cao chất lượng và tiếp tục công việc đổi mới. (ảnh minh họa: nguồn HUST)

Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới cần một số cái “đủ”: Thứ nhất là đủ mức độ quan tâm. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương tới địa phương, đã quan tâm rồi thì quan tâm hơn nữa, đầy đủ, sâu sắc hơn nữa.

Thứ hai là đủ về nhận thức. Nghị quyết 29 đã tạo ra những thay đổi quan trọng, đổi mới về tư tưởng và nhận thức nhưng vẫn cần tiếp tục có sự đổi mới đầy đủ và toàn diện hơn nữa, đặc biệt là trước những vấn đề mới của thời đại đặt ra, để tiếp tục mở đường cho tinh thần đổi mới của giáo dục và đào tạo.

Thứ ba là đủ về nguồn lực để thực hiện. Đầy đủ nguồn lực bao gồm: đủ nguồn lực về con người (giáo viên), đủ nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất - đủ trường, đủ lớp, đủ trang thiết bị. Có đầy đủ như thế, kết quả đổi mới mới như kỳ vọng và đạt được kết quả lớn hơn nữa trong tương lai.

Phóng viên: Một năm mới với nhiều nhiệm vụ trong khi thách thức cũng không ít. Trước thềm Xuân Giáp Thìn, Bộ trưởng có nhắn nhủ gì đến toàn ngành, hàng triệu các cán bộ, giáo viên và hàng chục triệu các em học sinh, các bậc phụ huynh trên cả nước?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Đổi mới không bao giờ là việc dễ dàng, luôn đầy những khó khăn, thử thách. Trước thềm năm mới, mong các thầy, các cô tiếp tục nỗ lực cố gắng, vinh quang rất lớn nhưng khó khăn, thách thức còn rất nhiều. Ngành chúng ta lại tiếp tục nỗ lực phấn đấu đổi mới, sáng tạo, vượt qua khó khăn để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó, trông cậy.

Trong năm mới, toàn ngành Giáo dục mong muốn được các bậc phụ huynh và toàn xã hội chia sẻ, thấu hiểu, hỗ trợ nhiều hơn nữa để cùng với ngành Giáo dục nâng cao chất lượng và tiếp tục công việc đổi mới.

Chúc toàn thể nhà giáo, các em học sinh, các quý vị phụ huynh năm mới dồi dào sức khoẻ, thêm niềm tin tưởng để cùng ngành Giáo dục chia sẻ, lan tỏa tinh thần đổi mới và những giá trị tích cực.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Thùy Linh (thực hiện)