Dạy học trực tuyến không phải phiên bản online của buổi học trực tiếp

15/12/2021 11:13
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Phạm Như Nghệ cho biết, việc triển khai dạy học trực tuyến hiện nay còn có phần khiên cưỡng, chưa được triển khai một cách đầy đủ, hiệu quả.

Sáng ngày 15/12, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Truyền hình Tương tác Việt Nam (VTVlive) và Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức Hội thảo "Đào tạo trực tuyến trong giáo dục đại học Việt Nam".

Buổi Hội thảo đã kết nối hơn 300 điểm với sự tham gia của nhiều đại biểu, chuyên gia về đào tạo trực tuyến trên khắp cả nước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định vai trò của đào tạo trực tuyến trong phát triển giáo dục đại học. (Ảnh: PM)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định vai trò của đào tạo trực tuyến trong phát triển giáo dục đại học. (Ảnh: PM)

Chia sẻ tại chương trình, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, việc triển khai dạy học trực tuyến nói riêng và đào tạo từ xa nói chung là yêu cầu vô cùng cấp thiết và quan trọng.

Thực tế hiện nay, bên cạnh một số trường đã có kinh nghiệm trong đào tạo trực tuyến thì vẫn còn nhiều trường đại học, cao đẳng đang gặp khó khăn, trở ngại trong việc đào tạo, quản lý, đảm bảo chất lượng,.. trong quá trình ứng dụng công nghệ số. Chính vì vậy, Hội thảo là cơ hội để các cơ sở giáo dục cùng chia sẻ, trao đổi, cùng nhau tìm kiếm những giải pháp cho đào tạo trực tuyến trong giáo dục đại học Việt Nam.

“Đặc biệt, ngay cả khi chúng ta đã đẩy lùi được dịch bệnh thì đây vẫn là xu hướng đào tạo tương lai. Các cơ sở giáo dục cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới xây dựng các lớp học ảo, trường học ảo, góp phần phát triển chất lượng giáo dục đại học”, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ khẳng định.

Tiến sĩ Dương Thăng Long - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Giáo dục Mở chia sẻ, hệ thống đào tạo trực tuyến là một nhu cầu thiết yếu của việc phát triển, ứng dụng công nghệ mới cho giáo dục đào tạo trong bối cảnh chuyển đổi số, là nhu cầu tự thân để phát triển đào tạo, đặc biệt với các cơ sở giáo dục đại học có triển khai hình thức đào tạo từ xa.

Việc ứng dụng đào tạo trực tuyến giúp các trường mở rộng các phương thức đào tạo, chủ động trong công tác dạy học và tạo được nhiều hiệu quả tích cực.

Tiến sĩ Dương Thăng Long khẳng định, các trường cần xây dựng một hệ thống đào tạo trực tuyến đầy đủ. (Ảnh: Trường ĐH Mở Hà Nội)

Tiến sĩ Dương Thăng Long khẳng định, các trường cần xây dựng một hệ thống đào tạo trực tuyến đầy đủ. (Ảnh: Trường ĐH Mở Hà Nội)

Thời gian qua, các cơ sở giáo dục đã làm tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, quản lý, khảo thí, đánh giá,…. Tuy nhiên, các trường phải hướng đến mức cao hơn, đó chính là có một hệ thống đào tạo trực tuyến đầy đủ, bao gồm các chính sách, hành lang pháp lý, các tiêu chuẩn cho việc tổ chức đào tạo trực tuyến.

Bên cạnh đó còn là sự đảm bảo về yếu tố con người, đối với người học là phương pháp học tập, cách giải quyết vấn đề tâm lý khi dạy học trực tuyến,... Đối với giảng viên là phương pháp giảng dạy, tổ chức hoạt động dạy học,.... cùng với đội ngũ hỗ trợ giải quyết những vấn đề dạy học trực tuyến.

Đào tạo trực tuyến vẫn còn tồn tại hạn chế

Chia sẻ tại buổi hội thảo, Tiến sĩ Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chia sẻ về thực tế đào tạo trực tuyến tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam là quốc gia tiên phong và trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong chuyển đổi số về giáo dục và đào tạo. Nhiều chính sách chuyển đổi số đã được ban hành và tác động tích cực tới quá trình chuyển đối số trong giáo dục và đào tạo. Đáng kể nhất là việc chuyển đổi quản lý, tổ chức đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến, phát triển hệ thống MOOCs và bài giảng điện tử trong các trường đại học, công nhận kết quả dạy học qua mạng.

Các cơ sở đào tạo nhìn chung đã chuyển đổi và thích ứng nhanh trong bối cảnh đại dịch khi chuyển từ đào tạo trực tiếp sang 100% trực tuyến trong thời gian vừa qua. Đại dịch Covid-19 là một trong những yếu tố chính tác động để các trường đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong giảng dạy và học tập, một số trường đại học đã tổ chức quản lý hoạt động đào tạo trên nền tảng quản lý học tập hiện đại (LMS – learning management system).

Tiến sĩ Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ tại Hội thảo. (Ảnh: PM)

Tiến sĩ Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ tại Hội thảo. (Ảnh: PM)

Mặc dù vậy, vẫn còn có những bất cập trong đào tạo trực tuyến. Về cơ bản giảng dạy trực tuyến chưa được triển khai một cách đầy đủ, hiệu quả. Thậm chí, việc triển khai có phần khiên cưỡng khi yêu cầu người học học trực tuyến đúng với thời lượng, cách thức như với học trực tiếp, theo thời khóa biểu cố định như khi lên lớp. Vẫn còn giảng viên vẫn coi giảng dạy trực tuyến chỉ đơn thuần là lên giảng bài trực tuyến (livestream/Video conference). Sự lên ngôi của Zoom và các ứng dụng video trực tuyến đã phản ánh rõ nét xu thế này. Điều này không nên khuyến khích trong bối cảnh xã hội bình thường.

“Cần phải nhấn mạnh rằng dạy học trực tuyến không phải phiên bản online của buổi học trực tiếp. Đó là kết quả quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, phương pháp giảng dạy, cách thức đánh giá và ứng dụng công nghệ phù hợp. Giảng dạy trực tuyến tốn rất nhiều thời gian cho giảng viên chuẩn bị nội dung và tương tác với người học trước, trong và sau giờ học.

Việc giảng viên chỉ tập trung vào buổi giảng livestream mà chưa chú trọng đến tổ chức tiến trình dạy học trên hệ thống quản lý học tập là điều mà các cơ sở đào tạo cần phải có những điều chỉnh nếu muốn triển khai đào tạo thực chất. Nếu được triển khai đúng cách, đào tạo, giảng dạy trực tuyến sẽ giúp người học có một lộ trình học tập phù hợp với quỹ thời gian và các điều kiện cá nhân. Đây chính là cơ sở cho việc thực hiện cách tiếp cận cá thể hóa trong giáo dục”, Tiến sĩ Phạm Như Nghệ nêu quan điểm.

4 giải pháp quan trọng cho đào tạo trực tuyến trong giáo dục đại học

Theo Tiến sĩ Phạm Như Nghệ, Bộ giáo Giáo dục và Đào tạo đã ban hành một số chính sách liên quan đến đào tạo trực tuyến. Trong đó có thông tư 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 3 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành Quy chế đào tạo trình độ đại học.

Thông tư này cho phép các cơ sở đào tạo được tổ chức các lớp học phương thức trực tuyến khi đáp ứng các quy định hiện hành về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức đào tạo qua mạng; có các giải pháp bảo đảm chất lượng và minh chứng về chất lượng tổ chức lớp học phương thức trực tuyến không thấp hơn chất lượng lớp học phương thức trực tiếp.

Đặc biệt, Thông tư quy định đối với đào tạo theo hình thức chính quy và vừa làm vừa học, tối đa 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo được thực hiện bằng lớp học trực tuyến. Đây là cơ hội rất tốt để các trường thúc đẩy hình thức giảng dạy trực tuyến trong điều kiện bình thường.

Để triển khai đào tạo trực tuyến trong một cơ sở giáo dục đại học,cần phải đảm bảo các điều kiện như: Có kế hoạch chi tiết về triển khai áp dụng giảng dạy trực tuyến vào hoạt động đào tạo; Có cơ chế, chính sách công nhận, ghi nhận việc giảng dạy trực tuyến của giảng viên; Có hệ thống hạ tầng công nghệ và phần mềm đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật để tổ chức giảng dạy trực tuyến theo kế hoạch của đơn vị; Có các công cụ và hỗ trợ kỹ thuật phù hợp để giảng viên tổ chức giảng dạy trực tuyến; Có tập huấn giảng viên và hướng dẫn người học sử dụng các hệ thống phần mềm phục vụ giảng dạy trực tuyến; Có hệ thống kiểm tra giám sát và kế hoạch định kỳ lấy ý kiến phản hồi về giảng dạy trực tuyến.

Tiến sĩ Phạm Như Nghệ cũng đưa ra 4 vấn đề quan trọng cần lưu ý khi triển khai đào tạo trực tuyến trong giáo dục đại học.

Thứ nhất, cần tiếp cận đúng về dạy học trực tuyến. Dạy học trực tuyến là việc tổ chức giảng dạy (bao gồm: truyền tải nội dung giảng dạy, cung cấp bài giảng, học liệu, thực hiện các tương tác dạy và học, tổ chức kiểm tra, đánh giá người học) thông qua các nền tảng công nghệ (phần mềm, ứng dụng, công cụ) hoạt động trên môi trường Internet.

Thứ hai, cần xây dựng hệ thống học tập trực tuyến E-learning. Đã đến lúc các cơ sở đào tạo cần xây dựng một hệ thống quản lý học tập chuyên nghiệp (LMS). Hệ thống này phép tổ chức và quản lý toàn bộ hoạt động đào tạo theo phương thức trực tuyến (E-learning) hoặc kết hợp (blended learning).

Quan hệ thống này, người học được cung cấp lộ trình học tập, học liệu, bài giảng, kết nối và hoạt động đánh giá quá trình. Giảng viên có thể giảm tải các nội dung giảng dạy mang tính chất lý thuyết thông qua cung cấp trước cho người học các bài giảng dưới dạng video (một video bài giảng có thể áp dụng cho nhiều lớp học khác nhau). Hệ thống LMS còn thúc đẩy sự gắn kết và tương tác giữa người học và giáo viên thông qua các tương tác trực tuyến trên hệ thống (chat, forum,…).

Có rất nhiều các tiếp cận nền tảng LMS khác nhau, trong đó xây dựng hệ thống LMS dựa trên nguồn mở theo chuẩn quốc tế là một lưu ý đáng quan tâm, với cách tiếp cận này tạo ra một hệ sinh thái đa dạng, có khả năng liên kết quốc tế/trong nước và có tính phát triển bền vững.

Thứ ba là phát triển hệ sinh thái bài giảng điện tử. Giảng dạy trực tuyến gắn liền với xây dựng bài giảng điện tử. Các khóa học MOOCs, học liệu mở đang là xu thế hiện nay của các trường đại học. Bài giảng điện tử có thể phục vụ được nhiều người học hơn, tạo điều kiện để người học có thể chủ động học tập, đồng thời tiết kiệm được chi phí và sử dụng tối đa về nguồn nhân lực cho các cơ sở đào tạo. Xây dựng bài giảng điện tử cần áp dụng các chuẩn (ví dụ như Scorm, AICC, xAPI) để cho thể có thể chia sẻ, cập nhật và quản trị bài giảng lên các hệ thống LMS, sẵn sàng cho cho triển khai đào tạo trực tuyến cũng như triển khai đào tạo theo phương thức hỗn hợp (blended learning).

Thứ tư là thực hiện tốt công tác đảm bảo chất lượng cho đào tạo trực tuyến. Các cơ sở đào tạo cần xây dựng các tiêu chí, công cụ và cơ chế chính sách để đảm bảo chất lượng cho hoạt động đào tạo trực tuyến. Đây chính điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng đào tạo.

Tóm lại, để đào tạo trực tuyến thực sự hiệu quả và đi vào thực tiễn thì cần sự vào cuộc tích cực của các bên liên quan. Trong đó, cần nhận thức rõ đào tạo trực tuyến là xu thế, không phải là giải pháp tạm thời, nhưng cũng không phải là giải pháp thay thế hoàn toàn cho dạy trực tiếp. Do vậy các cơ sở đào tạo cần xây dựng lộ trình rõ ràng cho sự kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và đào tạo trực tiếp (blended learning). Tận dụng tối đa công nghệ số để đổi mới các mô hình, cách thức tổ chức dạy học, để việc học sẽ trở nên dễ dàng hơn với sinh viên, nâng cao tính cá thể hóa học tập, cơ hội học tập được mở rộng đối với mọi đối tượng người học. Qua đó thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu giáo dục cho tất cả mọi người.

Phạm Minh