"Dạy Địa lý, tôi luôn coi học sinh là những nhà kinh tế tương lai"

06/06/2023 06:30
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Khi dạy Địa lý, tôi luôn coi học sinh là những nhà kinh tế tương lai bởi, học sinh học giỏi môn này thì cơ hội làm kinh tế thành công là rất cao”.

Đó là chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Hạnh- Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phục Lễ (huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) khi được hỏi về những kinh nghiệm trong công tác ôn thi học sinh giỏi tại trường.

Năm học 2022-2023, dưới sự dìu dắt của cô giáo Hạnh, học sinh Trường Trung học cơ sở Phục Lễ đã đạt 2 giải Nhất, 1 giải Nhì môn Địa lý trong kỳ thi học sinh giỏi thành phố.

Cùng với đó, cô Hạnh được lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo tin tưởng, giao phụ trách Đội tuyển Địa lý của huyện Thuỷ Nguyên đã đạt 14/14 giải, trong đó có 5 giải Nhất, 6 giải Nhì và 3 giải Ba, dẫn đầu các đội tuyển của huyện trong cuộc thi học sinh giỏi.

Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh cùng các em học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi của Trường Trung học cơ sở Phục Lễ (Ảnh: Lã Tiến)

Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh cùng các em học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi của Trường Trung học cơ sở Phục Lễ (Ảnh: Lã Tiến)

Sinh ra và lớn lên tại xã Phục Lễ, đến nay đã gần 33 năm công tác trong ngành giáo dục, cô Hạnh đã có 28 năm tham gia ôn thi học sinh giỏi.

Từ năm 2001 đến nay, năm nào cô Hạnh cũng có học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp thành phố môn Địa lý.

Cô Hạnh kể lại: “Trong quá trình di chuyển để thực hiện nhiệm vụ ôn thi học sinh giỏi, bản thân tôi đã 2 lần bị tai nạn giao thông.

Song vì lòng yêu nghề và rất muốn học sinh thấy được vai trò của bộ môn Địa lý nên bản thân tôi tiếp tục nhận nhiệm vụ và không chịu đầu hàng trước khó khăn”.

Nói về kinh nghiệm trong bồi dưỡng học sinh giỏi, cô giáo Hạnh cho biết, để thành công trong công tác ôn thi học sinh giỏi, trước hết giáo viên phải tâm huyết, yêu nghề, làm vì danh dự nghề nghiệp, không tiếc thời gian, công sức và trí tuệ.

Giáo viên phải phấn đấu vì màu cờ sắc áo của nhà trường, giúp học sinh có một sân chơi trí tuệ, tạo cơ hội để học sinh phấn đấu và bộc lộ hết tài năng. Hơn nữa, giáo viên phải thương yêu và công bằng với học sinh ở mọi lúc, mọi nơi.

Mặc dù cống hiến cho ngành giáo dục gần 33 năm, nhưng khi tiếp xúc, chúng tôi cảm nhận được cô giáo Nguyễn Thị Hạnh vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết, hăng say với những bài giảng, giờ dạy như những ngày đầu mới vào nghề.

Cô giáo Hạnh cho biết, hầu hết cha mẹ đều quan niệm môn Địa lý là môn phụ nên không khuyến khích con đầu tư nhiều thời gian cho môn học. Đây là khó khăn không nhỏ để việc truyền tải bài giảng đến học sinh đạt hiệu quả cao nhất.

Tuy nhiên, với cô Hạnh, điều đó không làm vơi đi tình yêu nghề và sự tâm huyết với bộ môn giảng dạy.

Cô Hạnh cho rằng: “Môn Địa lý là bộ môn ít được lựa chọn thi vào lớp 10 nên cả học sinh và phụ huynh đều không muốn thi học sinh giỏi bộ môn Địa lý.

Vì thế, khi giảng dạy bộ môn này, tôi đã phân tích vai trò quan trọng của học Địa lý – đây là môn duy nhất dạy học sinh cách làm kinh tế, cách kiếm tiền trong tương lai (sách Địa lý kinh tế lớp 9).

Tôi cũng lấy ví dụ những người làm kinh tế giỏi trong thực tế cuộc sống nhờ có kiến thức của môn Địa lý trong quá trình giảng dạy.

Hơn nữa, môn Địa lý cũng giúp học sinh hiểu được việc học để sống, để tồn tại và để phát triển, học tốt Địa lý sẽ hiểu rõ quy luật của tự nhiên để vận dụng làm kinh tế, tránh được nhiều sự rủi ro.

Điều quan trọng là, để học sinh có hứng thú khi học môn này, tôi không gây áp lực, giao bài vừa phải và luôn gần gũi, khen thưởng kịp thời dù là tiến bộ rất nhỏ”.

Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh vẫn miệt mài truyền thụ kiến thức Địa lý cho học sinh (Ảnh: Lã Tiến)

Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh vẫn miệt mài truyền thụ kiến thức Địa lý cho học sinh (Ảnh: Lã Tiến)

Cũng theo cô giáo Hạnh, trong quá trình giảng dạy môn Địa lý, để bài học không khô cứng, nhàm chán, cô luôn lấy ví dụ thực tế để chứng minh và giải thích, học sinh được học trong thực tế nhiều hơn trên sách vở. Đồng thời, cô cũng đưa ra các tình huống có thật để học sinh giải quyết.

Cô luôn coi người học là những nhà kinh tế, đề cao tâm lý người lớn để các em hiểu được quy luật phát triển kinh tế. Nhìn ra ưu điểm và hạn chế của từng điều kiện tự nhiên để phát huy và phòng tránh.

“Môn Địa lý là môn tổng hợp, kiến thức liên quan đến nhiều bộ môn khác, do vậy khi dạy cần khai thác vốn kiến thức của học sinh ở các môn.

Ví dụ: môn Toán vẽ và phân tích biểu đồ, xử lý bảng số liệu. Môn Hoá tìm hiểu các chất khí, cải tạo đất… Môn Vật lý học về quy luật của gió, sức ép của không khí, sự thay đổi nhiệt độ… Môn Văn viết báo cáo về một loài cây, viết bài giới thiệu về hướng dẫn viên du lịch, tìm và giải thích các câu ca dao tục ngữ nói về thời tiết, khí hậu, kinh nghiệm sản xuất…

Khi ôn môn Địa lý, các em được phát huy kiến thức của các bộ môn khác, giúp rèn được nhiều kỹ năng, các em hiểu môn Địa lý là 1 môn đáng để ôn tập”, cô Hạnh chia sẻ.

Sau 33 năm công tác, cô giáo Nguyễn Thị Hạnh đạt được nhiều thành tích đáng tự hào. Cô là giáo viên giỏi cấp thành phố năm 2002; cô đạt thủ khoa hội thi giáo viên giỏi cấp thành phố năm 2004; tham gia Ban giám khảo chấm giáo viên giỏi cấp thành phố nhiều năm liền.

Cô Hạnh tham gia viết sách giáo dục địa phương 7 chủ đề Hát Đúm. Tham gia trong hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của thành phố. Tham gia nhiều cuộc thi dành cho giáo viên như: Dạy học theo chủ đề cấp quốc gia.

Cô Hạnh đã đạt giải Ba với bài dự thi 60 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; đạt giải khuyến khích với bài Biển đảo chủ quyền Việt Nam…

LÃ TIẾN