Thủa chiến tranh, những người lính được đọc bài thơ “Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi, Việt Nam ơi” của nhà văn quân đội Nam Hà, bài thơ có đoạn:
"Đất nước
Của những người con gái, con trai
Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép
Xa nhau không hề rơi nước mắt
Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt..."
Mấy hôm nay, tivi chiếu cảnh người dân Hà Nội hả hê bắt cá sau những cơn mưa lớn làm tràn bờ bao các ao nuôi, ai cũng cười, ai cũng vui, không thấy giọt nước mắt nào dành cho người bỏ công ngày đêm chăm sóc mong đến ngày thu hoạch!
Mới rồi cả Thành ủy và UBND Đà Nẵng đã lên tiếng báo động về việc mua bán đất ven biển, tuy đứng tên là người Việt nhưng người mua lại là người nước ngoài.
Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Đà Nẵng nói : “Tình hình rất nguy hiểm, rất phức tạp. Nó cố lấy hết bờ biển của mình đó!”. [1]
Ông Nguyễn Bá Sơn, Chánh Thanh tra Đà Nẵng, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố nói: “Quan trọng là mấy người dân của mình kia. Vì cái lợi ích kinh tế trước mắt mà người ta bỏ qua, không thật sự quan tâm đến vấn đề chủ quyền đất nước.
Nếu họ (người nước ngoài) “quất” cho một dãy ở ngay tường rào sân bay Nước Mặn thì sẽ nguy hiểm đến cỡ nào. Toàn bộ mặt biển này sẽ gặp nguy hiểm, rất là nguy hiểm”. [1]
Những người đứng tên mua đất cho người nước ngoài ấy, chắc không ai khóc khi nhận được cả xấp tiền bồi dưỡng từ những kẻ thâm hiểm ẩn núp sau lưng!
Báo nld.com.vn ngày 18/9/2015 đưa tin, nghe nói tỉnh Quảng Ngãi có dự án quy hoạch đảo Lý Sơn, lập tức Tập đoàn Thiết kế và Nghiên cứu Kiến trúc Trung Quốc (CAG - một doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc) đã nhanh nhảu tiếp cận UBND tỉnh trình bày ý tưởng.
Giả cận huyết(GDVN) - Chuyện “cận huyết” dẫn tới phát sinh bệnh tật, còi cọc,..đã được các nhà khoa học cảnh báo, còn chuyện “giả cận huyết” có hay không thì chưa nghe nói. |
Ngày 18/9, ông Lê Minh Huấn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Tập đoàn CPG (tức là CAG) đến Quảng Ngãi làm việc theo sự giới thiệu của các đơn vị cấp trên”. [2]
Không biết “các đơn vị cấp trên” của tỉnh Quảng Ngãi là đơn vị nào, liệu “các cấp trên Quảng Ngãi” có ai rơi nước mắt nếu thực sự những kẻ đang chiếm Hoàng Sa sẽ có cơ hội ngồi chễm chệ ở Lý Sơn chỉ bảo người Việt phải đào chỗ này, phải xây chỗ kia?
Nhớ lại truyền thuyết ngày xưa Cao Biền cưỡi diều bay sang nước Nam yểm huyệt, các linh huyệt phía Bắc bị yểm hết, khi bay đến vùng đất cố đô Hoa Lư – Ninh Bình, bị linh khí hóa thành lưỡi kiếm chém gãy cánh, diều rơi xuống biến thành dãy núi người xưa đặt tên là núi Cánh Diều.
Khi viện trợ cho Việt Nam một nhà máy nhiệt điện, không hiểu sao các “đồng chí” Trung Quốc đặt nó ngay khu vực núi Cánh Diều, họ quây kín xung quanh đào bới ngày đêm không cho người Việt vào trong xem xét.
Phải chăng cái nhà máy điện ấy chính là thứ mà người Tàu yểm xuống linh huyệt quan trọng bậc nhất nước Nam? Phải chăng ngày nay người ta lại muốn lặp lại điều này ở Lý Sơn, tiền đồn canh giữ vùng biển phía đông Tổ quốc?
Một góc huyện đảo Lý Sơn. Ảnh baotintuc.vn |
Nhìn hình ảnh vận động viên bơi lội Ánh Viên bật khóc khi nhận huy chương vàng mang lại vinh quang cho đất nước, chợt liên tưởng đến những chàng trai tuổi trẻ tài cao, khuôn mặt rạng rỡ khi nhận quyết định bổ nhiệm làm Chủ tịch hay giám đốc ở tuổi 30.
Vui thế, vinh dự thế mà không thấy ai rơi nước mắt, điều này có lẽ đúng như nhà văn, nhà thơ Nam Hà đã tiên đoán “nước mắt chỉ để dành cho ngày gặp mặt…”.
Định mở ngoặc thêm chữ “về nhà” cho rõ nghĩa (nước mắt chỉ để dành cho ngày (về nhà) gặp mặt) nhưng lại sợ làm mất nguyên bản câu thơ nên thôi.
Ánh Viên khóc khi nhận huy chương |
Người xưa nói: “vận nước có lúc thịnh, lúc suy nhưng hào kiệt đời nào cũng có”. Quang Trung Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế năm 1788, lúc 35 tuổi, ông Trần Phú (1904–1931), trở thành Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới 26 tuổi…
Vậy nên nếu ai đó nói ngày nay nhân tài như lá mùa thu thì phải nghiêm túc xem xét lại. Đi từ Bắc vào Nam, từ xuôi lên ngược, từ hải đảo đến biên giới, lãnh đạo sở, quận, huyện tuổi 30 mà bằng cấp ngời ngời tìm đâu chả thấy.
Đó chính là “hào kiệt” đất Việt ngày nay và chẳng mấy chốc sẽ trở thành nguyên khí quốc gia! Tài năng như thế đáng nể lắm thay, đáng phục lắm thay.
Vậy dựa vào đâu để khẳng định lớp lãnh đạo đó bằng cấp ngời ngời?
Theo những gì viết tại điều 6 Quyết định số 82/2004/QĐ-BNV thì tiêu chuẩn giám đốc Sở hoặc tương đương (Chủ tịch quận, huyện) phải có là:
6.1 Đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên;
6.2. Tốt nghiệp Đại học phù hợp với lĩnh vực công tác;
6.3. Tốt nghiệp lý luận chính trị cao cấp;
6.4. Tốt nghiệp quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên chính trở lên;
6.5. Thành thạo một ngoại ngữ thông dụng ở trình độ C. Đối với tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, khuyến khích học và sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số phục vụ công tác;
6.6. Sử dụng thành thạo máy tính và các trang thiết bị văn phòng phục vụ cho công tác.
Ngoài hai bằng chuyên viên chính (chuyên môn nghiệp vụ, quản lý hành chính nhà nước) giám đốc sở còn cần bằng lý luận chính trị cao cấp.
Muốn được là chuyên viên chính, theo Thông tư số 11/2014/T-BNV thì “công chức dự thi nâng ngạch chuyên viên chính phải có thời gian giữ ngạch chuyên viên hoặc ngạch tương đương từ 5 năm (60 tháng) trở lên, trong đó thời gian giữ ngạch chuyên viên tối thiểu 3 năm (36 tháng)”.
Nói theo ngôn ngữ Kinh dịch, nếu cái sự học mà “hanh thông” thì cũng phải khoảng 22 tuổi tốt nghiệp Đại học, 25 tuổi mới có bằng Thạc sĩ.
Không phải đi xin việc, không bị tập sự, thử việc, vào cơ quan là ngay lập tức trở thành cán sự, hai ba năm sau là thành chuyên viên, 60 tháng sau (cỡ khoảng 30 tuổi) xong hai cái “chuyên viên chính”.
Chuyển đổi trạng thái hỗn loạn hay là chết(GDVN) - Một xã hội ổn định là xã hội mà mức độ hỗn loạn (Entropy) không đổi, nếu mức độ hỗn loạn bằng không thì đó không còn là xã hội ổn định mà là xã hội chết. |
Trong lúc chờ cho đủ 60 tháng để thi chuyên viên chính thì thi lấy bằng lý luận chính trị cao cấp, mà cũng có thể là chờ thi lấy ba bằng luôn một lúc?
Người thường thật khó mà hiểu được các “hào kiệt” thời nay họ học tập như thế nào, chỉ có người trong cuộc là tường tận ngọn ngành.
Giải thích điều này nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng:
“Có thể là trường hợp đang học Đại học hoặc học Đại học xong mà có xu hướng trở thành những cán bộ lãnh đạo, quản lý thì họ đưa đi đào tạo, bồi dưỡng…” [3]
Nói thế không biết có phải các tỉnh có thể “đào tạo bồi dưỡng” chuyên viên chính hay lý luận chính trị cao cấp cho người được quy hoạch ngay khi còn đang học Đại học?
Có lẽ ông nguyên thứ trưởng nhận thấy diễn đạt của mình khiến người “chân đất” ngơ ngác nên tiếp tục giải thích: “điều quyết định để đề bạt cán bộ là phải xem xét năng lực của anh ta khi ở từng vị trí có làm tốt không và khi bố trí lên cao rồi thì kết quả công tác thế nào”.
Ý của ông Dĩnh có phải là việc đề bạt chỉ cần quan tâm đến “năng lực”, còn những tiêu chuẩn trong quy định, thông tư (nêu trên) của Bộ mà ông từng làm Thứ trưởng thì không cần bận tâm?
Đọc các ý kiến của ông Dĩnh, chợt ngộ ra nhiều điều, cứ như từ chỗ tối bước ra chỗ sáng, thấy mọi việc thật đơn giản, dễ hiểu. Có trách thì trách các cụ ngày xưa không nhìn xa trông rộng, ai bảo các cụ chỉ nói “há miệng mắc quai” mà không dạy “há miệng mắc thông tư”!
Đã không “mắc” thì sợ gì mà không nói, nói mà người nghe cười sung sướng, chả ai rơi nước mắt thì tội gì mà không nói.
Trong bài “Vĩ nhân, danh và vọng” [4] có câu: “Các vĩ nhân, họ đã đi qua những thăng trầm của lịch sử mỗi dân tộc, của nhân loại và cả sự “ái, ố, hỷ, nộ” của đời người. Trong số đó có kẻ ngửa mặt nhổ nước bọt lên trời và không ít những con người ngửa mặt nhìn trời để nước mắt không rơi xuống đất”.
Thế đấy, trừ những ai không rơi nước mắt, còn lại xin hãy “ngửa mặt nhìn trời để nước mắt không rơi xuống đất”.
Tài liệu tham khảo:
[2] http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/cag-cua-trung-quoc-quy-hoach-ly-son-20150918233054246.htm
[3] http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/263874/nguyen-thu-truong-co-vu-giam-doc-so-tuoi-30.html