Đào tạo tràn lan sẽ làm tiếp diễn cảnh cầm bằng tốt nghiệp rồi... thất nghiệp

14/10/2021 06:39
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu các trường cứ đào tạo dàn trải, không tập trung các ngành mũi nhọn thì sẽ tiếp diễn tình trạng cử nhân cầm bằng tốt nghiệp rồi… thất nghiệp.

Đào tạo tràn lan là lãng phí nguồn lực, cơ hội

Nhiều chuyên gia bày tỏ sự lo lắng với tình trạng nhiều trường đại học công lập mở ngành và tuyển sinh tràn lan xa rời sứ mạng, giá trị cốt lõi vẫn đang diễn ra phổ biến nhiều năm nay.

Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2018, các cơ sở giáo dục đại học phải công khai tỷ lệ cử nhân có việc làm (trong 1 năm kể từ khi tốt nghiệp). Đây được xem là một trong những căn cứ quan trọng để xem xét chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm và đánh giá, xếp hạng đại học.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, số liệu cung cấp hiện nay chưa chính xác với tỷ lệ sinh viên thất nghiệp sau tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên làm việc trái ngành nghề được đào tạo và chất lượng nhân lực cung ứng cho xã hội trên thực tế.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII) - Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, cho biết: “Hiện nay, do nhu cầu phát triển của thị trường và nhu cầu của người học nên nhiều trường mở đa ngành. Tuy nhiên, để đào tạo những ngành mới, thích hợp với thị trường thì phải có đầu tư phù hợp, có tầm nhìn chiến lược dài hạn. Tức là đầu tư về thầy cô, điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực, thậm chí là tính toán được cả đầu ra chứ không thể tuyển sinh ồ ạt".

Theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, hiện nay ở nước ta, nhiều cơ sở giáo dục đại học công lập mải chạy theo “thị hiếu” của xã hội để tuyển sinh được nhiều mà không thật sự tập trung vào đào tạo theo đúng thế mạnh.

“Người xưa có câu ‘nhất nghệ tinh, nhất thân vinh’. Nghệ tinh ở đây là chuyên sâu, chỉ có chuyên sâu thì mới có thể sáng tạo được, mới có phát minh, làm mới được”, bà An nhấn mạnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An. Ảnh: quochoi.vn
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An. Ảnh: quochoi.vn

Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học đang chuyển đổi theo hướng tự chủ. Thế nhưng, tự chủ không có nghĩa là tự do đào tạo, mà nên tập trung đầu tư, đào tạo chuyên sâu những ngành mũi nhọn để có chất lượng đào tạo tốt nhất, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.

Xã hội ngày càng phát triển thì thị trường ngày càng đòi hỏi cao hơn trong việc cung ứng nguồn nhân lực.

“Việc đào tạo đại học một cách ồ ạt nhưng không đảm bảo chất lượng dẫn đến hai hệ lụy rõ rệt. Thứ nhất, ngành cần nhân lực chất lượng cao thì không đủ số lượng vì các trường mải chạy theo đào tạo các ngành trái thế mạnh.

Thứ hai, dù được đào tạo với số lượng nhiều nhưng không có chất lượng đầu ra thì không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Tất cả chung quy lại, nếu đào tạo không thật, không đúng thế mạnh mà chỉ lờ mờ, cưỡi ngựa xem hoa thì không thể cung ứng đủ nhân lực cho xã hội trong khi sinh viên thất nghiệp vì thiếu kỹ năng rất nhiều”, bà An chia sẻ.

Theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, đừng nhìn góc hẹp là giáo dục đại học chỉ trong 4-5 năm mà phải nhìn ra đó là sự phát triển của cả đất nước.

Để một sinh viên có thể theo học đại học thì sinh viên và gia đình phải bỏ ra thời gian, chi phí, sức lực, cơ hội… Thế nhưng sau khi tốt nghiệp sinh viên nếu không có việc làm hoặc làm trái ngành nghề, không phát huy được chuyên môn đã học thì không chỉ lãng phí mà còn ảnh hưởng đến an sinh xã hội của một đất nước.

“Đất nước phát triển bền vững trên cơ sở tất cả mọi người đều có công ăn, việc làm bằng chính nghề của mình được đào tạo nhưng với đào tạo không có chất lượng sẽ không làm được điều đó.

Nếu tất cả sinh viên đều chất lượng nhàng nhàng thì không đáp ứng được nguồn nhân lực cho xã hội. Thậm chí chúng ta đang phải đi thuê nhân lực người nước ngoài rất đắt đỏ trong khi người Việt Nam thất nghiệp nhiều. Đó là thực tế mâu thuẫn hiện nay”, bà An nhận định.

Theo bà Bùi Thị An, với cách đào tạo không chuyên sâu vào các ngành mũi nhọn, mà “ồ ạt” đào tạo không mục đích, không đầu tư chất lượng thì chúng ta thiếu cả “thầy” lẫn “thợ”.

“Đào tạo phải thầy ra thầy, thợ ra thợ”

Đó là đánh giá của ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) khi nói về việc mở đào tạo nhiều ngành nhưng đầu ra không đáp ứng được yêu cầu xã hội tại các cơ sở giáo dục đại học hiện nay.

Ông Tiến cho biết: “Giáo dục Việt Nam hướng đến giáo dục con người phát triển một cách toàn diện và đặc biệt là phát triển kỹ năng chuyên ngành. Phát triển kỹ năng là điều cần thiết bởi giúp sinh viên có thể vận dụng những điều đã học trong nhà trường vận dụng vào đời sống và hoàn thiện bản thân.

Tuy nhiên hiện nay việc đào tạo không chú tâm, trọng điểm một số ngành nghề nhất định mà cứ đào tạo tràn lan thì không đảm bảo được kết quả đầu ra”.

Lấy ví dụ rất cụ thể, ông Lê Như Tiến cho hay, muốn đào tạo kỹ sư điện thì phải vào học các ngành có liên quan đến cơ khí, điện lạnh, vật lý… chứ không thể học kế toán hay thương mại được và ngược lại.

Mỗi ngành đào tạo sẽ có những đòi hỏi đặc thù của ngành đó và việc làm sau khi ra trường cũng phải đúng với chuyên môn mà sinh viên được đào tạo thì mới đưa lại được hiệu quả đào tạo.

Ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII). (Ảnh quochoi.vn)Ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII). (Ảnh quochoi.vn)

“Có việc làm đúng ngành và làm việc nhưng không đúng chuyên ngành được đào tạo là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Chúng ta không thể nói rằng, trường đào tạo ngành kế toán nhưng ra làm bán hàng, tiếp thị là đào tạo có hiệu quả được. Tôi đã từng cảnh báo về việc này khi thảo luận tại Quốc hội.

Còn bây giờ nhiều trường công bố tỉ lệ cử nhân có việc làm từ 80-100%, nhưng số liệu đó có chính xác hay không?", ông Tiến bày tỏ.

Theo ông Lê Như Tiến, nhiều cơ sở giáo dục đại học không chú trọng vào chuyên môn các ngành thế mạnh, mà lại mở nhiều ngành và đào tạo thiên nhiều về lý thuyết nên không đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động chất lượng cao.

Ông Tiến nhận định: “Chúng ta đào tạo đúng chuyên ngành, đúng chất lượng, thầy ra thầy, thợ ra thợ thì nguồn nhân lực cung ứng cho xã hội rất dồi dào và đó mới là hiệu quả của nền giáo dục tại một quốc gia.

Tôi cho rằng cần phải xem lại chuyện đào tạo của các trường công lập, sinh viên tốt nghiệp mà doanh nghiệp phải đào tạo lại thì điều đó cũng cho thấy sự thất bại của thầy cô và nhà trường".

Cao Kim Anh