Đào tạo ngành Logistic: Có trường tuyển không xuể, nơi lại chật vật

16/07/2023 06:40
Phương Nga
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dự báo đến năm 2030, nhu cầu nhân lực của ngành Logistics lên đến 2,2 triệu lao động, song có trường đại học còn gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh và đào tạo.

Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam, đến hết năm 2021 Việt Nam có khoảng 43.000 doanh nghiệp dịch vụ logistics, trong đó chiếm 90% các doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp Việt Nam, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ; chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại 70% thị phần thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. [1]

Chính vì vậy, việc phát triển dịch vụ logistics là nhiệm vụ quan trọng, luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Theo đó, nhiều chính sách phát triển của Nhà nước được đề ra, trong đó có chủ trương về đào tạo nhân lực ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Song song với thuận lợi, tại một số cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành Logistic hiện nay vẫn đang gặp phải nhiều vướng mắc trong quá trình tuyển sinh, giảng dạy.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo điện tử Chính phủ).

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo điện tử Chính phủ).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Thị Thanh Mai, Trưởng Bộ môn Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên cho biết, ngành Logistics tại Việt Nam hiện có tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 14-16%/năm, cao gần gấp đôi so với mức tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.

Dự báo đến năm 2030, nhu cầu nhân lực của ngành Logistics lên đến 2,2 triệu lao động. Nguồn nhân lực hiện tại có thể đảm nhiệm tốt công việc mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu nhân lực toàn ngành. Do đó, cơ hội nghề nghiệp rất rộng mở cho những ai lựa chọn học ngành này.

Đối với các sinh viên theo học ngành Logistic tại trường sẽ được trang bị khối kiến thức cơ bản và chuyên sâu về Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng như kiến thức bổ trợ về marketing quốc tế, tài chính - kế toán, bảo hiểm trong kinh doanh, kiến thức chuyên sâu về logistics điện tử, kinh doanh quốc tế, thương mại điện tử, nghiệp vụ xuất nhập khẩu,...

Hướng đến mục tiêu cuối cùng trong đào tạo ngành học là giúp sinh viên có đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế.

Cô Thanh Mai nhận định, trong giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng được đánh giá là ngành học giàu tiềm năng với môi trường làm việc năng động, đa dạng về các vị trí công việc.

Thậm chí, trong tương lai các cử nhân ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có thể làm giám đốc kinh doanh, giám đốc phân phối với mức thu nhập cao, ổn định và sẽ tăng theo kỹ năng và kinh nghiệm nghề.

Vị Tiến sĩ thông tin thêm, theo số liệu công bố của First Alliances - một trong những công ty tư vấn nhân sự lớn nhất tại Việt Nam, mức lương trung bình của nhân lực logistics ở vị trí nhân viên dao động từ 500 - 1.500 USD/tháng và cấp quản trị từ 800 - 5.000 USD/tháng. Chính vì vậy những sinh viên được đào tạo ngành học này có cơ hội việc làm tốt với mức lương cạnh tranh.

Tại Trường Đại học Kinh doanh và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là 1 trong 2 ngành đang tuyển sinh rất tốt của Khoa Quản trị kinh doanh.

Tuy là ngành học mới nhưng trong 2 năm vừa qua nhà trường đều tuyển sinh ở mức đạt và vượt chỉ tiêu. Năm 2023, nhà trường đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành học này lên 120. Theo Trưởng Bộ môn, đây không phải là số lượng lớn nhưng phần nào giúp trường đảm bảo chất lượng giảng dạy, cung cấp ra thị trường nguồn nhân lực chất lượng cao.

Lý giải nguyên nhân khiến nhiều cơ sở giáo dục hiện nay khó tuyển sinh ngành Logistic, cô Thanh Mai cho biết có rất nhiều cơ sở đào tạo đã mở ngành, chuyên ngành để tuyển sinh ngành học này. Chính vì vậy sẽ có sự so sánh, cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo.

Nhiều cơ sở đã có uy tín, thương hiệu về đào tạo từ trước, đồng thời có những lợi thế về cơ sở hạ tầng vật chất, vị trí địa lý nên rất dễ dàng trong khâu tuyển sinh so với các cơ sở mới khác.

Bên cạnh đó, có thể do đơn vị chỉ mới mở ngành, nhiều người chưa biết đến dẫn đến số lượng tuyển sinh đầu vào không đảm bảo chỉ tiêu đặt ra.

Sau 2 năm tuyển sinh, Trưởng Bộ môn Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng cho biết bộ môn luôn nhận được sự quan tâm, sự hỗ trợ, động viên rất lớn của Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA), lãnh đạo Đại học Thái Nguyên, Ban giám hiệu Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh và Ban chủ nhiệm khoa.

Sinh viên được học tập với phương pháp giảng dạy tích cực, được thực tập nghiêm túc tại các doanh nghiệp. Đội ngũ giảng viên có trình độ cao, có nhiều kinh nghiệm, nhiều giảng viên được đào tạo từ các nước có nền giáo dục tiên tiến như: Anh, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Cô Thanh Mai khẳng định Khoa Quản trị Kinh doanh hướng tới đào đào nhân lực chất lượng cao để có thể làm việc ở các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài.

Tuy nhiên, bên cạnh đó quá trình đào tạo ngành học Logistic vẫn còn gặp một số khó khăn như hoạt động hợp tác với doanh nghiệp trong việc thực hiện chương trình trải nghiệm, thực tập, thực tế mặc dù đã có nhưng còn ít và thời gian thực tập chưa nhiều.

Đặc biệt, cô Thanh Mai rất trăn trở về nguồn lực để thực hiện chương trình đào tạo cả về tài chính, nhân lực, tài liệu giảng dạy còn thiếu, chưa đáp ứng được sự chuyển mình, ngày một phát triển của ngành học.

Để khắc phục một số vướng mắc, khó khăn của ngành Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng tại trường, Tiến sĩ Phạm Thị Thanh Mai đưa ra một số đề xuất, kiến nghị cụ thể giúp nâng cao hiệu quả tuyển sinh, đào tạo.

Một là, tỉnh Thái Nguyên cần nhanh chóng có biện pháp, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh. Thực hiện hợp tác chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ logistics nhằm tạo đà phát triển hệ thống logistics của tỉnh.

Hai là, nhà trường cần bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, tổ chức thường xuyên các khóa đào tạo ngắn hạn, cử các các giảng viên tham gia các hội thảo khoa học chuyên ngành về logistics được tổ chức trong khu vực và trên thế giới nhằm cập nhật, bổ sung và nâng cao nhận thức về logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong giảng dạy và áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Ba là, nhà trường cần hợp tác đào tạo, hợp tác nghiên cứu, tăng cường xây dựng giáo trình đào tạo chuyên sâu về logistics; tìm kiếm các nguồn tài trợ trong nước và quốc tế, phối hợp các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia tổ chức các chương trình đào tạo.

Cùng trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Long, Trưởng bộ môn Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng, Trường Đại học Hòa Bình nhận định: "Ngành Logistic là một trong những ngành nghề đặc biệt quan trọng đối với thị trường kinh tế chung hiện nay. Trung bình hằng năm ngành này đóng góp 5-6% vào GDP chung của nền kinh tế."

Vị Tiến sĩ cũng khẳng định với chức năng chuyên biệt, cơ hội việc làm của sinh viên theo đuổi ngành Logistic tương đối rộng mở.

Nhìn nhận từ thực tế, thầy Long bày tỏ sự lo lắng khi mỗi một năm ngành cần khoảng hơn 20.000 lao động chất lượng cao. Đã có tới 50 cơ sở giáo dục đào tạo ngành Logistic nhưng về kiến thức và kỹ năng của nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam cho thấy sự chênh lệch rõ rệt so với nhu cầu của cả các doanh nghiệp logistics và công ty sản xuất…

Thầy Long cho biết, nếu tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực của ngành Logistic này diễn ra trong thời gian dài sẽ gây nên hệ lụy khôn lường. Trong đó, điều đáng nói nhất là khủng hoảng về nguồn nhân lực, không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động của xã hội dẫn đến sự đứt gãy trong chuỗi ngành nghề đang thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung.

Theo Trưởng bộ môn Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng nguyên nhân khiến ngành đang gặp vướng mắc trong công tác tuyển sinh tại trường là một bộ phận phụ huynh học sinh chưa tìm hiểu kỹ và hiểu lầm trường có địa chỉ ở Hòa Bình, không phải ở thành phố Hà Nội.

Điều này phần nào có tác động khiến việc tuyên truyền, tuyển sinh của trường đối với ngành Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, Logistic là ngành học mới mở tại trường nên còn ít sinh viên lựa chọn theo học. Lý do là một số cơ sở giáo dục đã đào tạo ngành Logistic từ lâu, có truyền thống, có điểm chuẩn rất cao nhưng vẫn thu hút nhiều sinh viên vẫn thi tuyển theo học vì ít nhiều nhìn thấy hiệu quả trong đào tạo.

Hiện tại, Trưởng bộ môn cho biết ngành Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng được đào tạo theo định hướng ứng dụng, kết hợp với doanh nghiệp nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhân lực. Đồng thời giúp gắn đào tạo với thực tiễn để khi ra trường sinh viên tự tin trong công việc, doanh nghiệp không mất công đào tạo lại.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Long việc tăng cường hợp tác, phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội sẽ giúp gắn hoạt động đào tạo, thực hành, thực tập, tuyển dụng với thực tiễn một cách thực tế, tăng cường vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp với hoạt động phát triển toàn diện nguồn nhân lực đào tạo trong các trường đại học.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://dangcongsan.vn/kinh-te/doanh-nghiep-logistics-chiem-thi-phan-trong-nuoc-con-khiem-ton-609010.html

Phương Nga