Ngành về Hoá học khó tuyển dù cơ hội việc làm lớn, lương khởi điểm 10-20 triệu

15/06/2023 06:48
Phương Nga
GDVN- Doanh nghiệp đến trường tuyển dụng, trả mức lương hấp dẫn nhưng cơ sở giáo dục lại không có nguồn nhân lực ngành kỹ thuật Hóa học để cung ứng.

Kỹ thuật Hóa học được biết đến là ngành “xương sống” của nền kinh tế, đi đầu trong phát triển khoa học và công nghệ.

Nguồn nhân lực ngành Kỹ thuật Hóa học được đào tạo các kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về lĩnh vực này để tạo ra các sản phẩm quan trọng từ nguyên liệu thô đến sản phẩm hàng ngày trong cuộc sống, thậm chí giải quyết các vấn đề cấp bách của thế giới.

Ngành Kỹ thuật Hóa học cũng được biết đến là ngành học có cơ hội việc làm rộng mở và nguồn thu nhập tương đối tốt.

Tuy nhiên, do một số nguyên nhân chủ quan, khách quan khiến một số cơ sở giáo dục đào tạo ngành học này trong vài năm gần đây bị sụt giảm nguồn tuyển sinh đầu vào.

Doanh nghiệp đến tuyển dụng nhưng không có nhân lực

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Công Ngọc Thắng -Trưởng bộ môn Lọc - Hóa dầu (Trường Đại học Mỏ - Địa chất) cho biết hiện nay bộ môn đang trực tiếp quản lý 2 ngành đào tạo là Công nghệ Kỹ thuật Hóa học (đào tạo bằng tiếng Việt) và Kỹ thuật Hóa học (Chương trình tiên tiến, đào tạo bằng tiếng Anh - liên kết với Đại học California Davis, Hoa Kỳ).

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Thắng, trong vài năm gần đây số lượng sinh viên đầu vào đối với hai ngành học có sự sụt giảm nhẹ.

Trong đề án tuyển sinh năm 2023-2024, chỉ tiêu đầu vào đối với cả hai ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học và Kỹ thuật Hóa học là 90 sinh viên. Trong đó có 30 chỉ tiêu cho ngành Kỹ thuật Hóa học và 60 chỉ tiêu đối với ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Website Trường Đại học Mỏ - Địa chất).

Ảnh minh họa. (Nguồn: Website Trường Đại học Mỏ - Địa chất).

Được biết, trước đây hai ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học và Kỹ thuật Hóa học của Trường Đại học Mỏ - Địa chất có thời điểm số lượng tuyển sinh lên đến hơn 200 sinh viên.

Lý giải về việc nhóm ngành này có sự sụt giảm về số lượng người theo học, Tiến sĩ Công Ngọc Thắng chỉ ra 3 nguyên nhân cơ bản.

Một là, xu hướng của xã hội hiện nay thường không thích học những khối ngành kỹ thuật với suy nghĩ đây là ngành học vất vả, khó kiếm việc làm, công việc nặng nhọc. Đặc biệt là thường xuyên phải làm việc ở những địa điểm xa trung tâm, thành phố.

Bởi hiện nay phần lớn các khu công nghiệp, nhà máy, viện nghiên cứu lại nằm ở các địa phương không thuộc trung tâm khiến nhiều bạn trẻ e ngại trong việc di chuyển.

Ngoài ra, với sự xuất hiện của nhiều ngành nghề mới, người trẻ cũng có nhiều sự lựa chọn hơn nên thường bỏ qua khối kỹ thuật mà tham gia vào khối kinh tế, xã hội.

Hai là, ngành Kỹ thuật hóa học đang có rất nhiều cơ sở giáo dục đào tạo (bao gồm cả đại học và cao đẳng) không chỉ riêng Trường Đại học Mỏ - Địa chất nên số lượng sinh viên mong muốn theo nghề sẽ có sự phân chia giữa các cơ sở đào tạo. Vì vậy, số lượng tuyển sinh chung ở các cơ sở giáo dục đều sụt giảm đáng kể.

Ba là, định hướng nghề nghiệp của người trẻ đã thay đổi, thực tế có những bạn trẻ muốn nhanh chóng có công việc để ổn định kinh tế nên lựa chọn học nghề, thậm chí là học cao đẳng để đỡ tốn chi phí, thời gian.

Hơn nữa, một bộ phận xã hội chưa nhận thức đúng và đủ về ngành nghề kỹ thuật dẫn đến việc bỏ qua khối ngành này khi có nguyện vọng đăng ký học đại học.

Ngoài ra, sự phát triển của Công nghệ thông tin trí tuệ nhân tạo cũng có những ảnh hưởng nhất định.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Công Ngọc Thắng, trên thực tế, có rất nhiều nhà máy, viện nghiên cứu, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng sinh viên theo học ngành kỹ thuật hóa học để phục vụ các khâu sản xuất, thiết kế, quản lý dây chuyền,...

Thầy Thắng cũng chia sẻ một thực trạng đáng báo động rằng, có rất nhiều doanh nghiệp tới trường để tuyển dụng kỹ sư ngành Kỹ thuật Hóa học vào làm việc, với mức lương khởi điểm 15-20 triệu đồng/tháng mà Nhà trường không đủ sinh viên để đáp ứng.

Để đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội, Tiến sĩ Công Ngọc Thắng cho rằng vấn đề cập nhật chương trình đào tạo là rất quan trọng.

Theo đó, ngành học Công nghệ Kỹ thuật Hóa học và Kỹ thuật Hóa học tại trường được xây dựng tiếp cận với chương trình đào tạo mạnh nhất trên thế giới, đội ngũ giảng viên bao gồm 100% là tiến sĩ (trong đó có 3 phó giáo sư).

Ngoài ra, bộ môn không ngừng mở rộng cơ hội hợp tác với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu thuộc nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Anh, Đức, Hoa Kỳ, Pháp, Malaysia, Thái Lan...

Xây dựng mối quan hệ với các tập đoàn, viện nghiên cứu, công ty quốc tế trong lĩnh vực dầu khí, hóa chất (Schlumberger, Baker Hughes, JGC, Rosneft…).

Vì vậy, sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học và Kỹ thuật Hóa học của trường có nhiều cơ hội thực tập với các doanh nghiệp, trao đổi sinh viên cũng như nhận được học bổng sau đại học của các trường đại học ở nước ngoài.

Đối với chương trình ngành Kỹ thuật Hóa học đào tạo bằng tiếng Anh, sinh viên có cơ hội được học và trao đổi kiến thức với giáo sư nước ngoài, giảng viên chuyên ngành của một số trường đối tác.

Song song với công tác đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học luôn được chú trọng. Ngành học có hướng nghiên cứu đa dạng và thiết thực, phục vụ những yêu cầu cấp bách trong công nghiệp, sản xuất luôn được quan tâm trong nghiên cứu.

Với ngôi trường có truyền thống lâu đời như Trường Đại học Mỏ - Địa chất, cơ sở vật chất được tích lũy nhiều năm, cơ bản đáp ứng được trong công tác giảng dạy thì chất lượng sinh viên, nguồn nhân lực chất lượng cao đầu ra đều đảm bảo đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trong 2 năm gần đây, hệ đào tạo sau đại học đối với ngành Kỹ thuật Hóa học trung bình là 10 học viên/ năm, số lượng sinh viên học lên thạc sĩ, làm nghiên cứu sinh có gặp khó khăn nhưng vẫn cơ bản còn nguồn tuyển sinh.

Định hướng nghề kỹ thuật ngay từ bậc phổ thông

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng khoa Công nghệ Hóa học và Môi trường (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên) thông tin, trường hiện đang đào tạo kỹ sư Công nghệ Hóa học với nhiều cơ hội việc làm trong các lĩnh vực khác nhau như: Nhân viên QA/QC; kỹ sư vận hành dây chuyền sản xuất trong các nhà máy nhựa, sơn, cao su, hóa chất, mỹ phẩm, máy hóa, dầu khí, phân đạm… tại các doanh nghiệp, khu doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc và tập đoàn lớn ở Việt Nam.

Tuy nhiên, theo khảo sát chung tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên và một số cơ sở đào tạo khác số lượng tuyển sinh ngành Công nghệ Hóa học hiện nay đều có xu hướng giảm.

Thầy Nghĩa cho biết: "Một vài năm gần đây số lượng sinh viên đầu vào đối với ngành Công nghệ Hóa học của trường chỉ đạt được khoảng 40-50% chỉ tiêu đặt ra. Đây cũng là điều khiến tôi và các giảng viên của Khoa rất trăn trở và tiếc nuối".

Theo đó, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ ra ba nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt nguồn sinh viên đầu vào của ngành học.

Một là, xuất phát từ nhu cầu tuyển dụng. Hiện nay, việc sử dụng nguồn nhân lực đối với ngành Công nghệ Hóa học bị sụt giảm phần nào đó do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 hay suy thoái kinh tế.

Hai là, tâm lý e ngại của phụ huynh và các bạn trẻ khi nhắc đến ngành Công nghệ Hóa học. Trong công tác tuyển sinh của khoa, khi trực tiếp trao đổi, lắng nghe ý kiến của học sinh thì một bộ phận không nhỏ người được hỏi ý kiến có thái độ dè chừng, ái ngại với ngành học.

Xuất phát từ tư tưởng học ngành Hóa học, làm ngành liên quan đến Hóa sẽ rất khó hoặc phải đối mặt với chất độc hại, làm việc trong môi trường không an toàn.

Ba là, nhiều học sinh lựa chọn học theo trào lưu, các ngành "hot". Thực tế tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cũng có ngành tuyển sinh tăng cao. Tuy nhiên, số lượng đầu vào cao lại khiến cho sinh viên sau khi ra trường lại phải đấu chọi với nhiều người, khó tìm được công việc hơn.

Từ ba nguyên nhân trên, thầy Nghĩa đưa ra những hệ lụy khôn lường khi ngày càng ít sinh viên quan tâm đến khối ngành kỹ thuật, cụ thể là ngành Công nghệ Hóa học.

Đầu tiên là việc thiếu hụt nguồn nhân lực cung ứng ra thị trường là bài toán khiến Khoa đặc biệt quan tâm.

Thứ hai, việc "chảy máu chất xám", thừa thiếu giảng viên đối với các bộ môn trong ngành học.

Thứ ba, nếu quá ít sinh viên học sẽ khiến việc duy trì những hoạt động đào tạo của Khoa gặp nhiều khó khăn nhất là trong giai đoạn sắp tới khi nhà trường tiến đến việc tự chủ về tài chính.

Trước thực tế này, nhà trường và khoa Công nghệ Hóa học và Môi trường đã đưa ra các phương án cụ thể để bước qua giai đoạn khó khăn.

Theo đó, giảng viên trong Khoa vẫn đang đảm nhiệm việc giảng dạy các môn chung cho các ngành trong trường như: Hóa học đại cương, Đại cương về kinh tế và môi trường hay An toàn lao động và bảo vệ môi trường.

Tất cả những môn học này và các môn học của sinh viên chuyên ngành cũng như học viên cao học giúp đảm bảo đủ số giờ giảng dạy theo qui định của nhà trường cho các giảng viên trong Khoa.

Ngoài giảng dạy, các giảng viên của Khoa còn có thế mạnh trong công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, các giảng viên của Khoa đã và đang là chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh…

Bên cạnh đó Khoa còn có Trung tâm Nghiên cứu phân tích và xử lý môi trường là đơn vị đầu mối tạo sự kết nối hợp tác và chuyển giao nghiên cứu khoa học, ứng dụng thực tiễn giữa giảng viên, sinh viên trong Khoa với các doanh nghiệp trên địa bàn.

Từ đó, kêu gọi được nhiều học bổng hỗ trợ học tập cho sinh viên của Khoa và cũng tạo ra nhiều đề tài thực tiễn để giảng viên cùng sinh viên nghiên cứu, tạo động lực, hứng thú cho sinh viên theo học.

Đồng thời, tích cực hỗ trợ cho các trường trung học phổ thông trên địa bàn trong hoạt động STEM, tuyên truyền, giúp học sinh, phụ huynh có góc nhìn toàn diện hơn về ngành Công nghệ Hóa học từ đó khơi gợi sự thích thú với ngành học.

Chương trình đào tạo của Khoa được xây dựng có sự hỗ trợ của dự án POHE thuộc chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ Hà Lan và Việt Nam.

Theo đó, chương trình được xây dựng dựa trên việc khảo sát, thu thập, phân tích các thông tin về nhu cầu đào tạo các kiến thức, kĩ năng cho người học từ các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng, từ các cựu sinh viên và từ các nhà khoa học nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu thực tiễn của các đơn vị sử dụng lao động.

Cũng chính vì vậy, trong quá trình học, sinh viên sẽ được thực hành, thực tập thường xuyên tại các doanh nghiệp ngay từ năm học đầu tiên.

Sau đó là làm đồ án với sự giúp đỡ, hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhiều sinh viên xuất sắc đã được giữ lại ở các doanh nghiệp và có công việc tốt, mức lương cao.

Đặc biệt, năm học 2023 - 2024, trường còn có học bổng khuyến khích học tập tương đương với 30% học phí dành cho tất cả sinh viên theo học ngành Công nghệ Hóa học.

Ngoài sự nỗ lực của các giảng viên trong Khoa và sự hỗ trợ của nhà trường để thu hút nguồn sinh viên theo học, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa kiến nghị cần có định hướng nghề nghiệp từ cấp phổ thông kỹ hơn về các ngành kỹ thuật, trong đó có ngành Công nghệ Hóa học.

Phương Nga