Đánh giá chuẩn nghề nghiệp GV rất hình thức, mong Bộ sớm bỏ

26/05/2023 06:42
Mỹ Tiên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chỉ là đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên nhưng mỗi năm giáo viên phải tìm, phô tô vài chục minh chứng là rất hình thức.

Vào cuối mỗi năm học, sau khi hoàn tất các báo cáo chuyên môn, tổng kết nhiệm vụ,…giáo viên phải thực hiện việc vô cùng quan trọng là đánh giá viên chức theo các loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ theo Nghị định 90/2020/NĐ-CP về đánh giá phân loại viên chức của Chính phủ.

Sau khi thực hiện đánh giá viên chức xong, giáo viên tiếp tục thực hiện một việc quan trọng nữa là thực hiện xét thi đua, khen thưởng theo Luật Thi đua, Khen thưởng tại hướng dẫn của Nghị định 91/2017/NĐ-CP.

Theo người viết, đối với ngành giáo dục, cuối năm giáo viên thực hiện 2 công việc trên là đúng và đủ để đánh giá, ghi nhận quá trình thực hiện nhiệm vụ trong một năm học, là cơ sở để làm các thủ tục khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Nhưng, từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thêm một việc mà người viết cho rằng rất không phù hợp, nặng tính hình thức đó chính là Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT về đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên hàng năm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chuẩn nghề nghiệp mà mỗi năm giáo viên phải đánh giá một lần

Theo Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT về đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên quy định: Giáo viên tự đánh giá theo chu kỳ một năm một lần vào cuối năm học.

Đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên, xác định giáo viên đạt chuẩn hay không nhưng giáo viên phải đánh giá đến 15 tiêu chí, nhiều tiêu chí lại không liên quan gì đến chuẩn nghề nghiệp, nó na ná tiêu chí trong đánh giá phân loại viên chức, liên quan quá trình thực hiện nhiệm vụ như: Tiêu chí 8. Xây dựng văn hóa nhà trường; Tiêu chí 9. Thực hiện quyền dân chủ trong nhà trường; Tiêu chí 10. Thực hiện và xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường; Tiêu chí 11. Tạo dựng mối quan hệ hợp tác với cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh và các bên liên quan;…

Về quy trình đánh giá cũng rất hình thức gồm các bước như: Giáo viên tự đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên; Cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức lấy ý kiến của đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên được đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên; Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện đánh giá và thông báo kết quả đánh giá giáo viên trên cơ sở kết quả tự đánh giá của giáo viên, ý kiến của đồng nghiệp và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của giáo viên thông qua minh chứng xác thực, phù hợp.

Theo người viết, đã gọi là đánh giá chuẩn nghề nghiệp thì chỉ cần căn cứ vào tiêu chuẩn trình độ đào tạo và các hướng dẫn để xác định đạt hay chưa đạt chuẩn, không cần phải đánh giá mỗi năm một lần, nhiêu khê, hình thức.

Thông tư 20/2018 đến nay đã triển khai được 5 năm, người viết cũng đã 5 lần thực hiện đánh giá chuẩn nghề nghiệp nhưng thấy nó vô cùng hình thức, 5 năm qua người viết không biết mỗi năm đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên hàng năm để làm gì, có tác dụng gì trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Không có tác dụng, hình thức nhưng việc đánh giá thì vô cùng vất vả, tìm đủ minh chứng để nộp.

Chuẩn nghề nghiệp nhưng đánh giá nhiều tiêu chí “trên trời”

Gọi là chuẩn nghề nghiệp giáo viên, đánh giá đạt hay chưa đạt chuẩn nhưng giáo viên đánh giá đến 15 tiêu chí, giống như đánh giá viên chức, nhiều tiêu chí chỉ cần nghe thấy tên đã biết hình thức, không liên quan giáo viên.

Giáo viên phải đánh giá đến 15 tiêu chí gồm:

Tiêu chí 1. Đạo đức nhà giáo

Tiêu chí 2. Phong cách nhà giáo

Tiêu chí 3. Phát triển chuyên môn bản thân

Tiêu chí 4. Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh

Tiêu chí 5. Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh

Tiêu chí 6. Kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh

Tiêu chí 7. Tư vấn và hỗ trợ học sinh

Tiêu chí 8. Xây dựng văn hóa nhà trường

Tiêu chí 9. Thực hiện quyền dân chủ trong nhà trường

Tiêu chí 10. Thực hiện và xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường

Tiêu chí 11. Tạo dựng mối quan hệ hợp tác với cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh và các bên liên quan

Tiêu chí 12. Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện hoạt động dạy học cho học sinh

Tiêu chí 13. Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh

Tiêu chí 14. Sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc

Tiêu chí 15. Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục

Đánh giá chuẩn nghề nghiệp nhưng giáo viên phải đánh giá các tiêu chí thực hiện nhiệm vụ, quyền dân chủ, mối liên hệ phụ huynh học sinh, văn hóa nhà trường,…hình thức và không thực chất.

Việc đánh giá cũng hình thức, để được đánh giá loại Tốt phải ít nhất có 2/3 tiêu chí loại tốt (ít nhất 10 tiêu chí) trong đó tất các tiêu chí 3, 4, 5, 6, 7 phải xếp loại tốt và không có tiêu chí nào xếp loại đạt; loại Khá khi có tất cả các tiêu chí đạt từ mức đạt trở lên, tối thiểu 2/3 tiêu chí đạt từ mức khá trở lên, trong đó các tiêu chí 3,4,5,6,7 đạt mức khá trở lên; mức Đạt khi có tất cả các tiêu chí đạt từ mức đạt trở lên; còn lại là chưa đạt.

Với quy định trên, nếu đánh giá đúng thực chất sẽ rất khó tìm được giáo viên ở mức Tốt, tuy nhiên việc đánh giá chủ yếu qua loa, hình thức, các minh chứng cũng hình thức, gần như mỗi năm phải đánh giá nhiều vòng, hình thức nhưng sau khi đánh giá hầu hết giáo viên đều ở mức Tốt, chỉ một số ít xếp loại Khá và sau khi xếp xong…bỏ, năm sau lại đánh giá tiếp.

Tại nơi người viết công tác, mỗi năm đánh giá chỉ 1,2 giáo viên đánh giá Khá, hầu hết đều là Tốt vì tuy có nhiều tiêu chí, minh chứng nhưng việc đánh giá chủ yếu là định tính, không có định lượng cụ thể.

Nên hầu như, đánh giá tốt hay khá tùy thuộc vào giáo viên và lãnh đạo, theo cảm tính.

Hình thức nhất là giáo viên phải tìm, phô tô vài chục hồ sơ, minh chứng để nộp

Tất nhiên, khổ nhất là giáo viên phải đi tìm minh chứng cho 15 tiêu chí, mỗi tiêu chí phải có vài minh chứng kèm theo.

Tại hướng dẫn của Công văn số: 4530/BGDĐT-NGCBQLGD hướng dẫn thực hiện Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 ban hành quy định chuẩn giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông mỗi tiêu chí được hướng dẫn đánh giá và phải kèm nhiều minh chứng, trong đó nhiều minh chứng rất hình thức

Ví dụ như hướng dẫn đánh giá và minh chứng ở tiêu chí 1: Đạo đức nhà giáo nếu đánh giá chỉ ở mức Đạt thì phải có minh chứng “Bản đánh giá và phân loại giáo viên (phiếu đánh giá và phân loại viên chức)/kết luận của các đợt thanh tra, kiểm tra (nếu có)/biên bản họp nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/hội đồng nhà trường ghi nhận về việc giáo viên thực hiện nghiêm túc quy định về đạo đức nhà giáo, không vi phạm quy định dạy thêm, học thêm...; hoặc bản kiểm điểm cá nhân có xác nhận của chi bộ nhà trường/bản nhận xét đảng viên hai chiều có xác nhận của chi bộ nơi cư trú ghi nhận giáo viên có phẩm chất đạo đức, lối sống tốt (nếu là đảng viên); hoặc biên bản họp cha mẹ học sinh ghi nhận giáo viên nghiêm túc, đối xử đúng mực đối với học sinh.”

Nếu đánh giá ở mức Tốt phải kèm các minh chứng như: “- Bản đánh giá và phân loại giáo viên (phiếu đánh giá và phân loại viên chức) ghi nhận giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoặc đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua (nếu có);

- Thư cảm ơn, khen ngợi của cha mẹ học sinh/đồng nghiệp/nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/ban giám hiệu/các tổ chức cá nhân phản ảnh tích cực về giáo viên có phẩm chất đạo đức mẫu mực; hoặc giáo viên báo cáo chuyên đề/ý kiến trao đổi, thảo luận trong nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/nhà trường về những kinh nghiệm trong rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức; hoặc hình ảnh, tấm gương giáo viên cùng nhà trường vượt qua những khó khăn (do thiên tai, bão lũ...) để thực hiện mục tiêu và kế hoạch dạy học.”

Ví dụ tiêu chí 9. Thực hiện quyền dân chủ trong nhà trường muốn đánh giá loại Tốt phải kèm trong các minh chứng sau “Biên bản họp nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/hội đồng nhà trường ghi nhận giáo viên thực hiện đúng quy định về quyền dân chủ và đạt được hiệu quả trong việc hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp và phát huy quyền dân chủ của học sinh, của bản thân, cha mẹ học sinh và đồng nghiệp; hoặc ý kiến ghi nhận, đánh giá từ đồng nghiệp/nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/ban giám hiệu/cấp trên/kế hoạch thực hiện quyền chủ trong nhà trường, trong đó thể hiện được biện pháp phát huy quyền dân chủ của học sinh, của bản thân, của đồng nghiệp và cha mẹ học sinh trong thực hiện nhiệm vụ năm học;

- Báo cáo chuyên đề/ý kiến chia sẻ của giáo viên trong nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/hội đồng nhà trường về việc hướng dẫn, chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm trong việc thực hiện và phát huy quyền dân chủ của học sinh, của bản thân, cha mẹ học sinh và đồng nghiệp.”

Với 15 tiêu chí, mỗi tiêu chí với hướng dẫn minh chứng như công văn 4530 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giả sử mỗi tiêu chí chỉ cần 2 minh chứng, giáo viên phải tìm, phô tô 30 minh chứng và phải có chữ ký xác nhận của lãnh đạo rất hình thức.

Hiện nay, thời đại công nghệ số, hồ sơ được khuyến khích thực hiện điện tử, việc bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên tại Thông tư 08/2023 sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã bỏ các minh chứng khi bổ nhiệm, xếp lương mới giáo viên.

Tuy nhiên, chỉ là đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên nhưng mỗi năm giáo viên phải tìm, phô tô vài chục minh chứng là rất hình thức.

Việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp được chu kỳ 5 năm, cho thấy nó thật sự hình thức, không cần thiết, nên mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm tổng kết, đánh giá và nếu không còn cần thiết thì nên mạnh dạn loại bỏ, tránh thêm việc hình thức, tập trung vào nghiên cứu, học tập và giảng dạy chương trình mới đạt hiệu quả.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên