LTS: Năm học 2022 – 2023, Trường Đại học Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) mở mã ngành mới Văn học định hướng Văn – Báo chí – Truyền thông, đây là khoa đào tạo liên ngành đầu tiên của nhà trường cũng như của tỉnh Quảng Ninh.
Để có thêm thông tin về khoa đào tạo liên ngành đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh được định hướng đào tạo, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp; cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên của khoa, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi cùng Tiến sĩ Vũ Vương Trưởng - Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Hạ Long.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Phóng viên: Thưa ông, khi quyết định thành lập khoa đào tạo cử nhân Văn học định hướng Văn – Báo chí – Truyền thông, khoa Sư phạm đặt ra định hướng phát triển như thế nào?
Tiến sĩ Vũ Vương Trưởng: Ngành báo chí, truyền thông luôn là một trong những ngành nhận được sự quan tâm của học sinh, phụ huynh trong khi đó, đa số các trường đào tạo ngành này hiện ở trên Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh còn ở địa phương chưa có.
Năm học 2022 – 2023 là năm thứ hai khoa Sư phạm triển khai tuyển sinh đào tạo hệ đại học và với ngành Văn học định hướng Văn – Báo chí – Truyền thông là năm đầu tiên. Hiện, khoa Sư phạm Trường Đại học Hạ Long có hơn 500 sinh viên. Riêng lớp cử nhân Văn học định hướng Văn - Báo chí - Truyền thông khóa đầu tiên có 34 sinh viên.
Về định hướng, khoa Sư phạm sẽ tiếp tục duy trì phát triển ngành đào tạo sư phạm tiểu học và giáo dục mầm non. Song song với đó là tập trung phát triển ngành Văn học – Báo chí – Truyền thông theo hướng thứ nhất là chuyên môn văn học, thứ hai là phục vụ cho ngành báo chí và truyền thông để đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Quá trình học tập tại nhà trường, sinh viên của khoa cũng góp phần tham gia xây dựng công tác truyền thông, kịch bản để quảng bá đối với các ngành đào tạo của nhà trường cũng như đối với mã ngành mới Văn học định hướng Văn – Báo chí - Truyền thông.
Các em sinh viên khoá đầu tiên cũng sẽ tham gia vào các hoạt động truyền thông trước thềm kỳ tuyển sinh năm 2023.
Tiên phong mở mã ngành văn học định hướng báo chí, truyền thông - mã đào tạo liên ngành đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh, nhà trường kỳ vọng góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội nói chung và tỉnh nói riêng.
Tiến sĩ Vũ Vương Trưởng, Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Hạ Long chia sẻ: "Mở mã ngành Văn học định hướng Văn – Báo chí – Truyền thông, nhà trường kỳ vọng sự phát triển của ngành sẽ mang lại sinh khí mới trong việc đào tạo liên ngành ở tỉnh Quảng Ninh". |
Nhà trường cũng đặt ra mục tiêu, sau khi hoàn thành đào tạo, sinh viên sẽ có năng lực nghiên cứu bảo tồn các di sản văn học, năng lực viết tin bài cho lĩnh vực báo chí truyền thông thích ứng được với sự thay đổi trong môi trường năng động hiện đại.
Sinh viên tốt nghiệp có thể học thêm chứng chỉ sư phạm để giảng dạy ngữ văn ở các cấp học; ứng tuyển vào các vị trí như phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí truyền thông, nhân viên văn phòng, chuyên viên tại các cơ quan thông tin, truyền thông, các đơn vị, doanh nghiệp và chính quyền địa phương các cấp.
Phóng viên: Để tạo thuận lợi khi tuyển sinh mã ngành mới, khoa đã xây dựng chương trình đào tạo như thế nào, thưa Ông?
Tiến sĩ Vũ Vương Trưởng: Trước khi mở mã ngành Văn học định hướng Văn – Báo chí – Truyền thông, lãnh đạo nhà trường cũng đã có chỉ đạo khoa đi tìm hiểu, học tập các mô hình đào tạo của ngành truyền thông tại các trường đại học có uy tín như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Khoa học, xã hội và nhân văn ở Hà Nội và một số trường ở phía nam.
Khoa cũng bám sát nhu cầu nguồn nhân lực của các trung tâm truyền thông của tỉnh Quảng Ninh, các doanh nghiệp, trường học trên địa bàn và tiếp đó là mở rộng ra tỉnh, thành phố trong khu vực.
Đặc biệt, sau khi Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh – mô hình cơ quan báo chí hợp nhất cấp tỉnh được đưa vào hoạt động từ năm 2019 kéo theo nhu cầu về nguồn nhân lực báo chí – truyền thông được đào tạo chính quy.
Từ đó, khoa sẽ lựa chọn những điều kiện mà nhà trường đang có ưu thế, tìm hiểu về nhu cầu của xã hội, học sinh đối với ngành nghề này.
Sinh viên theo học ngành này sẽ được học 128 tín chỉ bao gồm khối kiến thức đại cương và khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp. Các học phần bắt buộc và học phần tự chọn được thiết kế khoa học, hợp lý và phù hợp với sinh viên.
Nhà trường cũng xây dựng chương trình đào tạo, các module kiến thức, học phần dựa trên cơ sở trên ví như: tổ chức sự kiện, nghiệp vụ báo chí, mô hình đào tạo cho mã ngành Văn học – báo chí, truyền thông.
Phóng viên: Tiến sĩ có thể chia sẻ về thực trạng cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên của khoa hiện nay khi đào tạo mã ngành mới này?
Tiến sĩ Vũ Vương Trưởng: Về cơ sở vật chất, Trường Đại học Hạ Long được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại. Khi mở mã ngành mới, nhà trường cũng đầu tư thêm trang thiết bị như máy ảnh, máy quay. Nhà trường cũng có trung tâm thông tin thư viện, giao lưu văn hoá có thể hỗ trợ chuyên môn về chụp ảnh, dựng video cho sinh viên.
Để tạo điều kiện cho sinh viên được thực hành, nhà trường hiện có sự liên kết chặt chẽ với các trung tâm truyền thông để các em được tiếp xúc với công việc thực tiễn, tránh việc chỉ học kiến thức hàn lâm.
Về đội ngũ, cán bộ, giảng viên có trình độ cao, lợi thế là có 2 Tiến sĩ văn học, đội ngũ giảng viên của nhà trường đã có bề dày về kinh nghiệm, có những nhân tố được đào tạo tại nước ngoài.
Bên cạnh đó, nhà trường còn có lợi thế khi tỉnh Quảng Ninh có chủ trương cho mời thỉnh giảng. Quá trình đào tạo, nhà trường sẽ mời các chuyên gia hàng đầu trên khắp cả nước, tham gia vào quá trình đào tạo.
Bên cạnh đó, khoa sẽ tổ chức các hội thi nghiệp vụ phục vụ riêng cho ngành báo chí, truyền thông như các cuộc thi ảnh đẹp, thi review về một điểm du lịch đáng đến tại tỉnh Quảng Ninh,…
Mở mã ngành Văn học định hướng Văn – Báo chí – Truyền thông, nhà trường kỳ vọng sự phát triển của ngành sẽ mang lại sinh khí mới trong việc đào tạo liên ngành ở tỉnh Quảng Ninh.
Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Vũ Vương Trưởng.