Đã qua 2 nhiệm kì Quốc hội, vấn đề lương giáo viên vẫn còn để ngỏ

23/07/2021 06:24
Phó giáo sư Võ Văn Minh- Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chính sách đối với sinh viên sư phạm là rất cần thiết, nhưng chế độ đãi ngộ đối với giáo viên cũng cần phải được triển khai.

Tuyển sinh sư phạm, chất lượng giáo dục và chính sách đối với nhà giáo luôn là vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm.

Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, từ năm 2013 đến nay, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các địa phương đã có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nói chung cũng như đội ngũ giáo viên nói riêng.

Tuyển sinh sư phạm đã có sự phân hoá rõ rệt và chất lượng đầu vào đã có sự chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn nhiều việc cần quan tâm và cần sự chung tay của toàn xã hội.

Đầu vào của các ngành sư phạm đã thay đổi tích cực

Vào những năm đầu thực hiện Luật Giáo dục (2005), chính sách đối với sinh viên sư phạm được miễn học phí. Lúc bấy giờ “tỉ lệ chọi” của các ngành sư phạm tăng đột biến. Thế nhưng những năm sau đó, rất nhiều trường, khoa đua nhau mở ngành đào tạo giáo viên và tuyển sinh sư phạm bắt đầu tụt dốc với điểm đầu vào hạ thấp, đồng thời sinh viên ra trường thiếu chỗ dạy, gây hoang mang trong xã hội. Đó là bài toán nan giải mà Quốc hội đã từng mổ xẻ.

Đến năm 2018, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo siết chặt đầu vào đối với các ngành sư phạm bằng cách quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng riêng. Ngay lập tức đã tác động rất mạnh đến tuyển sinh của nhiều trường, nhất là các trường đại học địa phương.

Đến năm 2018, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo siết chặt đầu vào đối với các ngành sư phạm bằng cách quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng riêng (ảnh: NTCC)

Đến năm 2018, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo siết chặt đầu vào đối với các ngành sư phạm bằng cách quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng riêng (ảnh: NTCC)

Tuy nhiên, ở hầu hết các trường đại học sư phạm chủ chốt, chất lượng đầu vào cao hơn hẳn và nguồn tuyển tương đối dồi dào. Tại Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng lúc bấy giờ, rất nhiều học sinh giỏi, xuất sắc đăng kí xét tuyển vào sư phạm và đỗ thủ khoa của cả Đại học Đà Nẵng.

Như vậy, từ năm 2018 đến nay, nhìn chung trong cả nước các trường, khoa có tuyển sinh viên sư phạm đã giảm dần, nhưng chất lượng đầu vào của sinh viên sư phạm tăng lên. Ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào các năm 2018 - 2020 lần lượt là 17, 18 và 18.5, nhưng cũng có nhiều ngành có điểm trúng tuyển cao, vượt trên 27 điểm. Hứa hẹn chất lượng nguồn lực giáo viên những năm sau này sẽ tốt hơn nhiều. Đồng thời đây cũng là nguồn giáo viên được đào tạo sát với Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018.

Vẫn còn bất cập và cần sự quan tâm

Mặc dù, theo định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018, giáo dục ở phổ thông đã có sự thay đổi đáng kể, cả về tên môn học, nội dung và mục tiêu giáo dục. Thế nhưng hầu hết thí sinh và phụ huynh chưa nắm bắt kịp và vẫn có xu hướng chọn ngành như trước đây.

Nghĩa là vẫn tập trung vào một số ngành được xem là “môn chính” để dự tuyển. Nên thực tế, có ngành sư phạm tỉ lệ chọi cao, nhưng vẫn còn có ngành ít thí sinh đăng kí. Nhìn chung, các ngành đào tạo phục vụ cho những môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể còn khó tuyển, mặc dù nhu cầu là rất cần. Vì từ năm học 2021-2022 đã bắt đầu áp dụng cho các lớp 2, 6, 10.

Mặt khác, theo quy định của Luật Giáo dục (2019), chuẩn giáo viên mầm non và tiểu học được nâng lên trình độ cao đẳng và đại học. Theo đó Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường không tuyển sinh trung cấp đối với mầm non và cao đẳng đối với tiểu học. Trong khi đó, nhu cầu giáo viên của 2 cấp này là rất lớn. Lâu nay, các trường đại học địa phương và cao đẳng sư phạm tuyển sinh chủ yếu các ngành này. Do vậy, trong 2 năm trở lại đây, các trường đại học sư phạm chủ chốt có số lượng lớn thí sinh đăng kí xét tuyển vào các ngành Mầm non và Tiểu học, trong khi chỉ tiêu được xác định và cho phép có hạn.

Khoá tuyển sinh 2021 là khoá đầu tiên được áp dụng chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí theo Nghị định 116/NĐ-CP. Đây được xem là một chính sách khuyến khích rất có ý nghĩa đối với sinh viên sư phạm. Nhìn chung, năm nay các ngành sư phạm có số thí sinh đăng kí tăng. Với chính sách này, về phía người học, rõ ràng là được hưởng lợi, nhưng về phía quản lí vẫn còn nhiều việc cần phải hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo – cơ sở giáo dục – địa phương mới có thể thông suốt và thực hiện suôn sẻ.

Điều quan trọng cũng cần nhắc lại, đó là chính sách đối với sinh viên sư phạm là rất cần thiết, nhưng chế độ đãi ngộ đối với giáo viên cũng cần phải được triển khai. Tại Nghị quyết 29-NQ/TW (2013) ghi rõ: Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.

Tuy nhiên, đến nay đã qua 2 nhiệm kì Quốc hội, vẫn còn để ngỏ. Dù biết ngân sách còn nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh COVID như hiện nay, nhưng Quốc hội và Chính phủ vẫn cần lưu tâm đến vấn đề này, để Giáo dục và đào tạo thực sự “là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội”.

Sáng tạo và cộng đồng trách nhiệm…

Là trường đại học sư phạm chủ chốt nằm trên địa bàn miền Trung và Tây nguyên, nơi có diện tích rộng và phân tán, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng Trường Đại học Sư phạm-Đại học Đà Nẵng luôn sáng tạo và sát cánh cùng với cộng đồng trong mọi hoàn cảnh.

Trước diễn biến phức tạo của dịch COVID-19, từ năm 2020, Nhà trường đã vận động viên chức, người lao động cùng chung tay đóng góp giúp đỡ cộng đồng địa phương vùng dịch thông qua các hoạt động thiện nguyện; hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; sản xuất và tặng máy sát khuẩn cho các trường phổ thông và những nơi tập trung đông người.

Đặc biệt, đội ngũ giảng viên của Nhà trường tích cực bồi dưỡng, hỗ trợ giáo viên phổ thông đổi mới hình thức dạy học phù hợp với điều kiện thực tế; tổ chức toạ đàm chia sẻ kinh nghiệm về Phương pháp sư phạm bằng bình thức trực tuyến,…

Đội ngũ giảng viên nhà trường tổ chức toạ đàm chia sẻ kinh nghiệm về Phương pháp sư phạm bằng bình thức trực tuyến (ảnh: NTCC)

Đội ngũ giảng viên nhà trường tổ chức toạ đàm chia sẻ kinh nghiệm về Phương pháp sư phạm bằng bình thức trực tuyến (ảnh: NTCC)

Nhà trường xác định nhiệm vụ đào tạo giáo viên là rất quan trọng đối với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Năm 2015, Nhà trường đã chủ động, đi đầu trong kiểm định cơ sở giáo dục đại học; triển khai rà soát, điều chỉnh toàn bộ Chương trình đào tạo sư phạm theo hướng tiếp cận phát triển năng lực; xây dựng lộ trình kiểm định chất lượng chương trình đào tạo và năm 2019 chương trình đào tạo ngành Sư phạm Vật lí chính thức là ngành Sư phạm đầu tiên trong cả nước được kiểm định và công bố bảo đảm chất lượng theo chuẩn AUN-QA.

Năm 2021, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Nhà trường vẫn quyết tâm phát triển chương trình đào tạo; đầu tư cơ sở vật chất, thư viện hiện đại và đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Nhằm cộng đồng trách nhiệm, góp phần cộng hưởng và lan toả giá trị tốt đẹp về giáo dục, Nhà trường đã vận động thành lập Quỹ học bổng “Truyền cảm hứng UED” - một tổ chức thiện nguyện của những người tâm huyết vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Khoá tuyển sinh 2021, Quỹ học bổng “Truyền cảm hứng UED” lần đầu tiên ra mắt và sẽ trao tặng cho thí sinh có kết quả dự tuyển xuất sắc vào các ngành Sư phạm: Tin học, Sinh học, Khoa học Tự nhiên và Công nghệ. Mỗi ngành 12 suất và mỗi suất 120 triệu đồng/năm. Nếu trong các năm tiếp theo giữ được kết quả học tập từ khá trở lên vẫn được duy trì cho đến khi ra trường. Tất cả những gì Nhà trường và những cá nhân đồng sáng lập đều hướng đến mục tiêu vì sự phát triển bền vững.

Mặc dù trước nhiều thách thức trong bối cảnh hiện nay, từng trường, từng cá nhân luôn chủ động, sáng tạo và cộng đồng trách nhiệm,nhưng vẫn mong chờ các chính sách kịp thời, đủ mạnh và bền vững từ Chính phủ cũng như các địa phương để ngành giáo dục và đào tạo thực hiện thành công đổi mới căn bản và toàn diện.

Phó giáo sư Võ Văn Minh- Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)