Đã có giáo viên nào dạy thêm không đúng quy định bị đuổi việc chưa?

10/03/2024 08:42
Mỹ Tiên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nếu được đưa vào ngành kinh doanh có điều kiện thì các điều kiện phải chặt chẽ về cả quản lý, người dạy, người học, xử lý nghiêm vi phạm dạy thêm học thêm.

Một độc giả gửi mail về Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chia sẻ, con chị đang theo học tại một trường tiểu học công lập tại Hà Nội. Khi vào lớp 1, cô giáo có "gợi ý" đến các phụ huynh là nhiều bạn cần chỉnh sửa chữ viết. Độc giả này nói, khách quan chữ viết của con chị so với nhiều trẻ cùng tuổi ở chung cư nhưng học trường tư là khá hơn rất nhiều.

Số lượng học sinh cần cô "hỗ trợ" gần như cả lớp. Và cô nói sẽ giúp các con rèn chữ ở nhà cô. Chị và nhiều phụ huynh "lật đật" tuần 2 buổi đèo con đến nhà cô. Khổ nỗi, giờ đến học kỳ 2 lớp 1, vẫn chưa thấy cô tuyên bố giải thể lớp này. Chị và nhiều phụ huynh không dám xin nghỉ vì sợ cô "nhớ" con nghỉ học thêm.

Câu chuyện của vị độc giả này có lẽ là tình cảnh chung của nhiều phụ huynh khi con phải đi học thêm ở nhà cô.

Ảnh minh họa - Báo lao động.jpg
Ảnh minh họa

Quy định các trường hợp không được dạy thêm đã có, vì sao dạy thêm không đúng quy định vẫn xảy ra?

Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT về việc công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm, tức có nghĩa việc dạy thêm học thêm bên ngoài nhà trường không do nhà trường quản lý mà vận hành theo luật Đầu tư.

Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT chỉ công bố hết hiệu lực đối với quy định về cấp phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm đối với tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật Đầu tư 2014.

Giáo viên vẫn có thể dạy thêm bên ngoài nhà nhà trường, chỉ cần xin giấy phép kinh doanh dạy thêm và hoạt động theo khuôn khổ pháp luật.

Cụ thể, về vấn đề dạy thêm của giáo viên, Điều 4 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm của giáo viên đã quy định rất rõ, các thầy cô giáo sẽ không được dạy thêm trong 04 trường hợp:

“Điều 4. Các trường hợp không được dạy thêm

1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:

a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;

b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó”

Đối với các trường phổ thông có các trường hợp không được tổ chức dạy thêm cả trong và ngoài nhà trường gồm: Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm và dạy thêm học sinh chính khóa khi chưa được hiệu trưởng đồng ý bằng văn bản."

Hoạt động dạy thêm, học thêm quy định tại Thông tư số 17 phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản sau: Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau, khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh; không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá; đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm; hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của học sinh.

Với những quy định cụ thể như trên, tuy nhiên hiện nay ở hầu hết địa phương, đều có nhiều vi phạm về dạy thêm học thêm như dạy thêm học sinh tiểu học, dạy trước chương trình, o ép dạy thêm học sinh, xếp lớp học sinh học thêm không tương đương về học lực,…nhưng việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều lúng túng, nhiều địa phương thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý chưa nghiêm nên tình trạng dạy thêm diễn ra tràn lan, thách thức.

Giáo viên là viên chức nên nếu theo Luật Viên chức, quy định về đạo đức nhà giáo xử lý nghiêm minh sẽ có thể giải quyết những vi phạm tràn lan như hiện nay.

Ai hưởng lợi, ai bị thiệt thòi khi dạy thêm học thêm diễn ra?

Việc dạy thêm học thêm diễn ra không thể đỗ lỗi cho sự thiếu hành lang pháp lý mà chính là do sự cố chấp, cố tình vi phạm để dạy thêm, để hưởng lợi của giáo viên dạy thêm thu tiền.

Nhưng, cấm chuyện dạy thêm, học thêm như chuyện "bắt cóc bỏ dĩa". Cấp trên cấm cứ cấm, nhà trường, giáo viên sẽ tìm cách để lách luật để dạy bằng mọi giá, học sinh tiểu học đã cấm dạy thêm nhưng không để bắt gặp những gương mặt tuổi thơ bơ phờ, mệt mỏi vì học thêm.

Vì sao dạy thêm học thêm vẫn diễn ra bất chấp. Ai đang được hưởng lợi từ việc dạy thêm học thêm không đúng quy định như hiện nay:

Thứ nhất, giáo viên dạy thêm

Người viết chỉ bàn những trường hợp dạy thêm không đúng quy định của Thông tư 17 về các trường hợp không được dạy thêm và dạy thêm trái nguyên tắc.

Nếu làm không đúng các quy định này để dạy thêm, đó là dạy thêm bất chấp quy định của pháp luật thì đối tượng hưởng lợi chắc chắn là người dạy thêm vì họ sẽ thu được khoản tiền không hề nhỏ.

Vì họ dạy trái phép, dạy lén lút nên đương nhiên sẽ không khai báo và không hề đóng thuế nên họ tiếp tục hưởng lợi trái phép từ việc kinh doanh dạy thêm trái quy định pháp luật.

Số tiền hưởng lợi trái phép không hề nhỏ, thời gian diễn ra có thể dài, nhiều người hưởng lợi, mua sắm nhà, tài sản,..từ dạy thêm trái phép.

Đối tượng hưởng lợi nữa có thể là chủ của các trung tâm kinh doanh dạy thêm, các trung tâm này cũng dung dưỡng, bao che cho giáo viên dạy thêm trái phép, họ sẽ hưởng 20-30% kinh phí thu được từ dạy thêm trái phép, thu nhập này cũng bất hợp pháp.

Đối tượng thứ ba có thể là bộ phận quản lý dung dưỡng, làm ngơ cho việc dạy thêm, và đương nhiên họ có thể cũng sẽ được “lại quả” một phần từ việc thu tiền dạy thêm bất chấp pháp luật.

Vậy ai thiệt thòi khi dạy thêm, tràn lan trái phép?

Đối với dạy thêm học sinh chính khóa, 20 năm đứng trên bục giảng, tôi chưa từng thấy trường hợp nào giáo viên dạy thêm chính khóa trên trên lớp mà đối xử công bằng với học sinh học thêm và học sinh không học.

Không thể thần thánh hóa giáo viên, giáo viên cũng là con người, giáo viên hàng tháng thu tiền học của học sinh thì không thể đối xử công bằng với các học sinh khác, đó là điều không thể bàn cãi.

Như vậy, đối tượng thiệt thòi đầu tiên chắc chắn là học sinh.

Học sinh không đi học thì có thể bị đối xử không công bằng, bị o ép trong việc ra đề, kiểm tra, đánh giá. Học sinh không học thêm có thể không học được bài đầy đủ do giáo viên cố tình để “dành” cho việc dạy thêm thu tiền.

Học sinh đi học thêm thì được học kiểu mớm đề, dạy trước chương trình, mất đi tuổi thơ, mất đi tự học, ỷ lại, đôi khi được điểm cao nhưng kết quả thực chất lại trái ngược, mất thời gian rèn luyện trải nghiệm, kỹ năng sống, mất năng lực tự học, mất các phẩm chất cần đạt của chương trình mới.

Đối tượng thiệt thòi thứ hai chính là phụ huynh học sinh, họ phải mất một khoản tiền không nhỏ để cho các em đi học thêm, mất thời gian đưa đón khi hiệu quả thì khó kiểm chứng, nhiều phụ huynh phải làm cật lực, vay mượn vẫn không đủ tiền cho con em họ học thêm.

Hình ảnh các công nhân vệ sinh ăn vội ổ bánh mì, cố sức làm thêm ban đêm để kiếm thêm tiền chỉ để cho con em họ được học thêm cho bằng bạn bè, cho các em không bị “o ép” là hình ảnh đau xót.

Đối tượng thứ ba thiệt thòi chính là giáo viên, nhà trường.

Học sinh học thêm được giáo viên “nuông chiều”, thậm chí có trường hợp được “bảo kê”, nên ngang nhiên hống hách, phát sinh những hành vi không phù hợp với người lớn, với thầy cô giáo cũng có một phần nguyên nhân được bắt nguồn từ một số giáo viên dễ dãi trong quản lý lớp học thêm của mình.

Nhà trường thì khó trong việc quản lý, quán xuyến vì hiện nay cơ sở giáo dục không có thẩm quyền trong xử lý vi phạm dạy thêm bên ngoài nhà trường, do dạy thêm được thực hiện là hình thức kinh doanh theo Luật Đầu tư.

Những cái lợi chỉ đến với một số người, một số thầy cô nhưng hệ lụy từ việc dạy thêm, học thêm như hiện nay thì ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều học sinh mà ai cũng thấy, cũng biết. Nếu như, các cơ quan chức năng không có giải pháp tối ưu, không quản lý được tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan như hiện nay sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục đề xuất đưa dạy thêm trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo người viết trong giai đoạn hiện nay là hợp lý, để có cơ sở quản lý, xử lý vi phạm dạy thêm học thêm. Cũng mong, nếu được đưa vào ngành kinh doanh có điều kiện thì các điều kiện phải chặt chẽ về cả quản lý, người dạy, người học, để tình trạng dạy thêm tràn lan, trái phép như hiện nay là quá thiệt thòi cho cả người dạy, người học, phụ huynh và cả xã hội.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên