Cử tri băn khoăn tăng lương cho nhà giáo từ ngân sách hay nguồn thu tự chủ?

24/05/2024 06:38
Huệ Phương
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Theo ĐBQH, cử tri băn khoăn khi nâng lương cho đội ngũ y tế, nhà giáo sẽ lấy từ nguồn ngân sách hay từ nguồn thu tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều ngày 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

Qua thảo luận, một số đại biểu băn khoăn về việc kiến nghị của cử tri gửi đến các bộ, ngành dù đã được các bộ, ngành tiếp thu, xem xét giải quyết nhưng trong thời gian dài vẫn chưa có kết quả, hoặc chưa đáp ứng yêu cầu.

230520240256-z5468324783004_5de00ea7cdbc69cd3af19c959a002796.jpg
Toàn cảnh phiên họp chiều ngày 23/5. Ảnh: quochoi.vn.

Thiếu giáo viên chưa được giải quyết dứt điểm nhưng vẫn tinh giản biên chế 10% theo lộ trình

Đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn phản ánh, có một số kiến nghị của cử tri về tình trạng thiếu giáo viên nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

202405231506141440-z5468473350963-8beec8a7054c38e234a1eb30f7f14240-2853.jpg
Đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: quochoi.vn.

Cụ thể, nữ đại biểu cho biết: “Có những kiến nghị đã được các bộ, ngành giải quyết nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, như để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2022/NĐ-CP về hợp đồng một số loại công việc trong các cơ quan hành chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Tuy nhiên, việc hợp đồng giáo viên tại các cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn, thiếu nguồn hợp đồng, lương hợp đồng thấp và không có tính ổn định lâu dài nên cũng không thu hút được nguồn nhân lực.

Mặt khác, địa phương số học sinh có xu hướng tăng lên hằng năm. Ví dụ như tỉnh Lạng Sơn, năm học 2024-2025 sẽ tăng 4100 học sinh phổ thông so với năm học 2023-2024. Tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm nhưng vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế 10% theo lộ trình. Do vậy, việc thiếu giáo viên so với định mức ảnh hưởng đến việc phân công giảng dạy tại các trường học, dẫn đến một số giáo viên phải dạy trái chuyên môn. Do vậy, kiến nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp để giải quyết vấn đề trên”.

Bên cạnh đó, Đại biểu Chu Thị Hồng Thái cũng chỉ ra: “Có những kiến nghị khi được ban hành văn bản để giải quyết nhưng khi thực hiện lại phát sinh các vướng mắc mới, như kiến nghị của cử tri về việc đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản thay thế Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30/12/2023, hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện phát sinh một số vướng mắc mới. Cụ thể:

Một là, tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 20 quy định: Chia vùng để tính định mức giáo viên, số lượng học sinh trên lớp theo vùng để làm căn cứ giao hoặc phê duyệt số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Tại điểm c quy định: Vùng 3 bình quân 35 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học, bình quân 45 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Trên thực tế, đối với các tỉnh miền núi, vùng 3 là vùng khó khăn, địa hình chia cắt, dân cư thưa thớt, có nhiều điểm trường lẻ, nhiều lớp ghép. Ví dụ, tỉnh Lạng Sơn cấp tiểu học có 268 điểm trường lẻ, 167 lớp ghép với bình quân 25 học sinh/lớp và trong đó có 9 trường với mức bình quân 15 học sinh/lớp.

Do vậy, việc quy định bình quân 45 học sinh/lớp đối với cấp cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông và 35 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học là không khả thi.

Hai là, tại Thông tư 20 cũng quy định việc tính định mức giáo viên trên lớp rất khó thực hiện trong thực tế. Đối với các tỉnh miền núi, nhiều điểm trường lẻ và có trường mỗi khối học chỉ có một lớp. Như tỉnh Lạng Sơn có đến 75 trường trung học cơ sở chỉ có một lớp/một khối học, mặc dù chỉ có một lớp nhưng vẫn phải đảm bảo dạy tất cả các môn, tuy nhiên chỉ được bố trí tối đa 1,9 giáo viên/lớp theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của thông tư. Như vậy sẽ thiếu giáo viên giảng dạy ở một số các môn học và các hoạt động giáo dục khác.

Ba là, tại khoản 4 Điều 3 có quy định: Đối với trường hợp đặc biệt phải bố trí số lượng học sinh trên lớp thấp hơn hoặc cao hơn so với mức bình quân theo vùng. Quy định tại khoản 2 điều này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức số lượng học sinh trên lớp phù hợp với thực tế.

Tuy nhiên, tiêu chí để đưa ra trường hợp đặc biệt chưa rõ nên địa phương rất lúng túng trong việc áp dụng. Mặt khác, để quy định được định mức này thì Ủy ban nhân dân tỉnh hằng năm đều phải ban hành quyết định, do số học sinh trên lớp hằng năm đều biến động chứ không phải giữ nguyên như năm trước. Như vậy, không đảm bảo được tính ổn định của văn bản quy phạm pháp luật”.

Do vậy, nữ đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xem xét sửa đổi cho phù hợp.

Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, sau Kỳ họp thứ 6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời hơn 200 ý kiến, kiến nghị của cử tri một cách chu đáo. Đối với một số vấn đề cử tri chưa hài lòng, Bộ đang nghiên cứu và tiếp tục giải quyết. Theo ông, hiện còn 2 điểm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục giải quyết.

202405231538425713-z5468617514104-b5eb5a8856a3ff70e6d9a0bbd4247cc3-2854.jpg
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình chều ngày 23/5.

Về 2 nội dung Đại biểu Chu Thị Hồng Thái nêu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Về Nghị định số 111/2022/NĐ-CP, đầu mối xây dựng và trình nghị định là Bộ Nội vụ và có thể nói từ khi Nghị định 111 ra đời đã mở đường cho việc ký các hợp đồng lao động và rất nhiều hợp đồng lao động đã được ký, giải quyết được thêm nhiều vị trí việc làm cho giáo viên ký hợp đồng và đã góp phần để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.

Tuy nhiên, vẫn có những vướng mắc, ví dụ khi chuẩn bị ký hợp đồng tìm nguồn vẫn còn có những khó khăn do thiếu nguồn như đại biểu nêu.

Lương và thu nhập, chế độ chính sách cho đối tượng ký hợp đồng cũng còn có những điểm chưa thực sự động viên với người lao động.

Vấn đề nhìn nhận việc tương lai được tuyển dụng và nhiều lý do khác. Có nhiều địa phương còn ngần ngại trong việc triển khai ký hợp đồng theo Nghị định 111. Cho nên, trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ rà soát và kiến nghị để cùng với Bộ Nội vụ tiếp tục xem xét các nội dung có liên quan.

Đối với 2 thông tư: Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT thay thế cho Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT, trong đó có liên quan đến việc xác định số lượng học sinh trong lớp theo chuẩn của các bậc học. Có thể nói, hiện nay mức xác định các lớp vẫn dành chung cho cả nước. Cho nên, trong thực tế, một số các khu vực vùng khó khăn, vùng đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, các điểm trường, khu vực thưa dân thì sĩ số học sinh trong lớp chưa đủ 45 cho bậc trung học phổ thông, chưa đủ 35 đối với bậc tiểu học. Đấy cũng là một điểm bất cập, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét các nội dung này”.

“Ngành giáo dục đào tạo đang trong quá trình chuyển đổi, thực tế phát sinh rất nhiều vấn đề cần phải lắng nghe, điều chỉnh. Cho nên, năm học 2023-2024, toàn bộ thông tư mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang chuẩn bị ban hành (gần 60 thông tư) liên quan đến hầu hết các lĩnh vực giáo dục đào tạo, trong quá trình chuyển đổi cũng có những điểm thực tế phát sinh.

Quan điểm của chúng tôi là sẽ khảo sát kỹ lưỡng, đánh giá, có ứng xử chính sách kịp thời, nhưng cũng phải tính toán cho sát thực tế, nếu một số vấn đề ở mức hiện tượng nảy sinh mà giải quyết một cách vội vã có thể có các hệ lụy khác.

Tinh thần là chúng tôi sẽ hết sức khẩn trương, nguyên tắc cao nhất là phục vụ thực tiễn và giải quyết các vấn đề của thực tiễn” - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định.

Hy vọng sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định 116/2016/NĐ-CP

Phát biểu tại hội trường, Đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Khánh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu cũng chia sẻ kiến nghị của cử tri quan tâm đến lĩnh vực giáo dục.

230520240219-z5468469328287_6fc1662b2e8c1da9b0813f9602495375.jpg
Đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Khánh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu. Ảnh: quochoi.vn.

Theo đó, Đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề cập đến Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ban hành ngày 18/7/2016 quy định về chính sách hỗ trợ học sinh vào trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.

“Văn bản này đã ban hành và thực hiện gần 10 năm nay, trong đó có nhiều chính sách ưu đãi cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, tiếp bước các em đến trường.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện một thời gian, đã có rất nhiều điểm bất cập, chưa sát với điều kiện, tình hình thực tiễn, nhất là quy định về điều kiện được hưởng chính sách quy định tại Điều 4 của nghị định.

Cử tri tỉnh Lai Châu và tôi có thống kê khoảng gần 20 tỉnh, thành phố, ở khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên có kiến nghị quy định về khoảng cách để được hưởng chính sách trong quy định tại Điều 4 này là không hợp lý.

Cụ thể, quy định điều kiện khoảng cách địa lý nhà phải ở khoảng cách từ 4 km trở lên đối với học sinh tiểu học và từ 7 km trở lên đối với học sinh trung học cơ sở hoặc địa hình phải qua sông, qua suối, không có cầu, qua đèo, qua núi cao, vùng sạt lở đất đá mới được hưởng chế độ bán trú và được ăn tại trường.

Thực tế triển khai ở địa phương, các thầy cô giáo và cử tri kiến nghị nhiều gia đình không đến 4 km, chỉ khoảng 3,8 - 3,9 km nhưng cũng không thể đi về trong buổi trưa được. Đối với miền núi, đặc điểm đường dốc, mưa thì trơn, nắng thì bụi, xe đạp đi rất nguy hiểm nên bố mẹ phải đưa các em học sinh đến trường.

Chính vì thế, có cảnh tượng sau khi tan giờ học buổi trưa một bộ phận các em được ăn bán trú sẽ vào trong bếp, còn lại một bộ phận các em không được ăn bán trú mang cơm nắm và mỗi người vào trong lớp học, gốc cây hoặc chỗ nào đó để coi đấy là bàn ăn và ăn cho nên rất phản cảm.

Cử tri và Nhân dân cũng kiến nghị rất nhiều, trong quá trình thực hiện, địa phương và nhà trường có rất nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng vướng mắc về cơ chế cho nên cũng chỉ là những giải pháp tạm thời.

Nội dung này đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa thấy có ý kiến giải quyết và hiện nay theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại biểu số 6 đang khảo sát, tham mưu, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung.

Tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm tham mưu cho Chính phủ giải quyết vấn đề này” ­- vị đại biểu nêu.

Về ý kiến của Đại biểu Hoàng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi lời cảm ơn đại biểu vì mối quan tâm sâu sắc đến Nghị định số 116.

“Về Nghị định 116 được ban hành ngày 18/7/2016 quy định về chính sách hỗ trợ học sinh trường phổ thông các xã, thôn vùng đặc biệt khó khăn: Có thể nói, nghị định mới được ban hành từ năm 2016 nhưng trong quá trình triển khai thực tế cũng có một số những điểm bất cập.

Nhận thức được điều này, chúng tôi đã tiến hành để điều chỉnh Nghị định 116. Trong quá trình điều chỉnh, chúng ta biết có Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, và khi ban hành cũng tác động đến chế độ chính sách cho học sinh các dân tộc thuộc các nhóm xã có điều chỉnh.

Cho nên, trong quá trình điều chỉnh, chúng tôi cũng đã tích hợp để giải quyết, xử lý một số các nội dung liên quan đến các vấn đề phát sinh từ Quyết định 861. Quá trình lấy ý kiến địa phương và phối hợp với Bộ Tài chính, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, chúng tôi đã xử lý và lấy ý kiến nhiều lần.

Cho đến thời điểm này, dự thảo nghị định thay thế cho Nghị định 116 đã được hoàn tất. Lần cuối cùng gần đây nhất ngày 22/4/2024, chúng tôi cũng đã có Tờ trình sang Văn phòng Chính phủ để Văn phòng Chính phủ thẩm định lần cuối trước khi trình Thường trực Chính phủ ban hành và hy vọng trong ít ngày tới sẽ có thể có ban hành được”.

Khi nâng lương cho đội ngũ y tế và nhà giáo sẽ lấy từ nguồn ngân sách hay từ nguồn thu tự chủ?

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội cho biết: “Tôi cơ bản nhất trí với Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Tôi xin tham gia một số nội dung liên quan đến kiến nghị của cử tri việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Qua tiếp xúc cử tri tôi nhận được nhiều ý kiến, trong đó có ý kiến của cử tri ngành giáo dục có gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ về việc khi triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với ngành giáo dục tới đây cần thực hiện theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương, đó là lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp”.

Dai-Bieu-Quoc-Hoi-01.jpeg
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội. Ảnh: quochoi.vn.

Từ ngày 01/7/2024, thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Theo nữ đại biểu, kể từ khi có thông tin về cải cách chính sách tiền lương, dự thảo bảng lương cũng như các chính sách khi thực hiện Nghị quyết 27 đến nay vẫn chưa có thông tin chính thống.

Vừa qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng có đưa thông tin về bản dự thảo Tờ trình của Chính phủ về việc xây dựng chế độ tiền lương mới, việc phân cấp theo nhóm, bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh lãnh đạo. Ngoài lương cơ bản các phụ cấp theo lương của viên chức ngành giáo dục được tính gộp lại.

“Sau khi tính toán, nhiều ý kiến cử tri ngành giáo dục cho rằng, cách tính lương như vậy chưa tương xứng với những công việc mà các nhà giáo được thụ hưởng, thậm chí còn thấp hơn so với lương hiện nay của nhà giáo.

Cùng một hạng viên chức giống nhau nhưng lương người làm việc lâu năm với lương người mới vào làm được tính giống nhau. Như vậy, sẽ không tạo ra được động lực cống hiến giữa các nhà giáo” - nữ đại biểu phân tích.

Bên cạnh đó, theo Đại biểu Dương Minh Ánh, việc tăng lương chưa được thể hiện rõ trong bảng lương dự kiến mới.

Ngoài ra, còn có một số ý kiến khác cho rằng, đối tượng tăng lương tại Nghị quyết 27 lần này bao gồm người làm lĩnh vực y tế và giáo dục. Do đó, cử tri băn khoăn các chi phí ở các lĩnh vực này sẽ tăng cao.

Nữ đại biểu bày tỏ lo ngại, so với quan điểm trong Nghị quyết 27, tiền lương là nguồn thu nhập chính, bảo đảm đời sống cho người lao động liệu có thực sự khả thi?

Cụ thể, đại biểu bày tỏ: “Dù biết rằng việc nâng lương cho đội ngũ y tế và nhà giáo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân và nâng cao chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, cử tri băn khoăn khi nâng lương cho đội ngũ y tế và nhà giáo sẽ lấy từ nguồn ngân sách hay từ nguồn thu tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Nếu lấy từ nguồn thu của các đơn vị, ngành y tế và giáo dục sẽ là “gánh nặng” cho chính các đơn vị sự nghiệp công lập này và là “gánh nặng” đối với người bệnh và người học khi tính đúng, tính đủ các chi phí bao gồm các chi phí tăng lương, chi phí khám bệnh và học phí của người học, dẫn đến việc người bệnh khi không có bảo hiểm y tế sẽ không dám đến bệnh viện, người học sẽ không đủ tiền để đóng học phí”.

“Do vậy, cử tri có 2 kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đó là:

Một là, trước khi ban hành các bảng lương chính thức, Chính phủ cần có thông tin để các đối tượng được hưởng lương biết được một cách rõ ràng, chính xác quan điểm, thấy được việc cải cách chính sách tiền lương là đúng đắn, tránh việc hoang mang cho đối tượng thụ hưởng không yên tâm công tác.

Hai là, cần tính toán kỹ lưỡng khi giải quyết bài toán tăng lương với bài toán giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, làm sao để chính sách đi vào cuộc sống và tạo được sự đồng thuận của xã hội”- Đại biểu Dương Minh Ánh cho biết.

Huệ Phương