“Cơn sốt” IELTS tràn đến bậc phổ thông: Đừng chạy đua khiến trẻ thêm áp lực

26/02/2023 06:34
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo PGS.TS Trần Thành Nam, phía sau những “cơn sốt”, trào lưu “thần thánh hóa” IELTS đều có động cơ kinh tế, PH cần có lựa chọn đầu tư đúng đắn cho con.

Trong vài năm trở lại đây, nhiều trường phổ thông đã mở rộng cửa tuyển sinh đầu cấp đối với các thí sinh có chứng chỉ IELTS. Tuy nhiên, chỉ với điểm số IELTS, liệu có thực sự đủ tiêu chí để đánh giá một học sinh đáp ứng năng lực, kỹ năng bước vào lớp 6 hay lớp 10 không, đây vẫn là một băn khoăn lớn.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chia sẻ góc nhìn về vấn đề này.

Phóng viên: Những năm gần đây, câu chuyện xét tuyển thẳng học sinh phổ thông qua chứng chỉ IELTS đang dần trở nên phổ biến. Thầy có đánh giá như thế nào trước trào lưu này?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam: Trước hết, tôi cho rằng, trào lưu này có thể xuất phát từ nhận thức tích cực của một số phụ huynh, nhà trường muốn hướng con mình, học sinh của mình đến năng lực công dân toàn cầu, mà một trong những tiêu chí đó chính là ngoại ngữ.

Và cũng có những “giai đoạn vàng” để phát triển năng lực ngoại ngữ. Có những em được tiếp xúc từ rất sớm, có khả năng sử dụng ngoại ngữ như “tiếng mẹ đẻ”; còn nếu việc học ngoại ngữ càng chậm thì có thể khả năng học về mặt ngữ pháp và về học thuật vẫn tốt nhưng phát âm, giao tiếp tương tác hằng ngày sẽ không thể linh hoạt giống như “tiếng mẹ đẻ”.

Đó là nhìn nhận ở khía cạnh tốt, là nhận thức chung của nhiều người theo xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập, muốn con mình trở thành công dân toàn cầu.

Tuy nhiên, khi vào Việt Nam, chúng ta thấy “mong muốn con trở thành công dân toàn cầu” ấy dường như bị "chủ nghĩa thành tích" làm cho sai lệch đi.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Ngân Chi.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Ngân Chi.

Ở khối đại học, các trường đại học có thể có nhiều phương thức tuyển sinh như xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế... Với phương thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông để lấy kết quả xét tuyển, có thí sinh cảm thấy kỳ thi quá căng thẳng, áp lực, không dám đối diện, và thường thì các em này sẽ đi tìm con đường khác để vào đại học dựa trên phát huy năng lực cá nhân, trong đó có ngoại ngữ.

Rồi sau đó, giống như trở thành một trào lưu, một số trường phổ thông cũng dựa vào năng lực ngoại ngữ như một tiêu chí để được ưu tiên, xếp “lớp chọn”. Nhất là khi có một số trường trung học phổ thông hay thậm chí là trường trung học cơ sở cho phép tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ IELTS.

Tuy nhiên, nếu để phụ huynh, gia đình lại đua nhau đầu tư cho con học ngoại ngữ với mục đích nhằm có ưu thế hơn trong “cuộc đua” tuyển sinh, thì đây lại là một sự “biến tướng”. Ngoại ngữ phải là năng lực thực sự, thì đứa trẻ đó sau này mới trở thành công dân toàn cầu thực sự.

Nhưng nhiều người chỉ vì cơ hội học tập tốt hơn cho con, nên dồn ép con đi học luyện, học vì điểm số, học cấp tốc,... trong khi bản chất của việc học luyện này cũng không khác gì chuyện chỉ dùng một số mẹo để đạt được điểm số yêu cầu - mà điểm số đó lại không phản ánh đầy đủ năng lực của học sinh.

Có một ví dụ từ thực tiễn từng chứng kiến mà tôi muốn chia sẻ như sau: Khi thi ngoại ngữ trong các cuộc thi sau đại học, có những người học nước khác luôn nhận điểm số cao hơn người học của chúng ta rất nhiều vì họ có kỹ thuật làm bài, ví dụ khi nghe thì có từ khóa để “đoán” đáp án... Tuy nhiên, đến khi thực học, nghe các giáo sư nói thì họ lại không hiểu gì, không khác nào “vịt nghe sấm”, mặc dù điểm IELTS cao.

Phóng viên: Vậy câu chuyện nhiều gia đình có xu hướng đổ xô cho con đi thi IELTS và các trường phổ thông “ưu ái” học sinh có chứng chỉ IELTS, phải chăng là biểu hiện của bệnh thành tích, thưa thầy?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam: Theo tôi, xu hướng bệnh thành tích cũng ít nhiều ảnh hưởng đến các gia đình. Ngày trước, có thể phụ huynh khoe con đạt học sinh giỏi, học sinh xuất sắc, nhưng bây giờ, có quá nhiều học sinh giỏi, nên nhiều phụ huynh lại muốn khoe con có điểm IELTS 6.0-8.0,... trong khi đó chỉ là điểm đi luyện chứ chưa hoàn toàn là năng lực thực sự.

Một điều nữa, do chất lượng giáo dục của chúng ta đang khiến nhiều người còn có hoài nghi; các kỳ thi thì ngày càng trở nên căng thẳng, áp lực, vẫn còn tiêu cực ở một số cuộc thi hoặc việc “lạm phát điểm số” trong học bạ... dẫn đến người dân mất niềm tin.

Có lẽ, do đó, cả phụ huynh và phía một số nhà trường đã lựa chọn chứng chỉ IELTS vì nghĩ rằng chất lượng quốc tế thì mức độ chuẩn hóa cao hơn, có độ tin cậy hơn.

Những việc này từ thực tế đang đòi hỏi: ngành giáo dục cần phải mạnh tay hơn, minh bạch hơn để có những người thực học, chứ không phải chạy đua theo những thành tích mang tính lệch lạc khiến các con thêm áp lực, căng thẳng với việc phải “kiễng chân” mãi cho đạt được thành tích.

Phóng viên: Với những cách nhìn như vậy, liệu chứng chỉ IELTS có ngày càng được “thần thánh hóa” trong tương lai, thưa thầy?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam: Tôi cũng xin chia sẻ, với tầm nhìn và sự phát triển của công nghệ như hiện nay, việc trở thành công dân toàn cầu thông qua năng lực ngoại ngữ không còn quá quan trọng. Vì chúng ta đã có những thiết bị hỗ trợ, chẳng hạn như ChatGPT, hay các phần mềm, công cụ khác rất hữu hiệu, có thể giúp chúng ta giao lưu sử dụng bất cứ ngôn ngữ nào.

Nhất là khi có những trung tâm luyện IELTS “mọc ra” chỉ để “bán” mẹo làm bài thi, thì năng lực thực sự của người học lại càng đáng lo. Phải nhìn xa hơn, đến một lúc nào đó, ngoại ngữ phải trở thành ngôn ngữ làm việc... Làm thế nào khi trên cả nước, người có chứng chỉ IELTS nhan nhản nhưng năng lực thực chất lại không có, giao tiếp trực tiếp vẫn không thể đáp ứng.

Trong thời đại công nghệ trí tuệ nhân tạo phát triển không ngừng như hiện nay, đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ không cần quá đầu tư cho ngoại ngữ nữa, mà phải đầu tư chuyên môn cho tốt, cho sâu, vì đã giỏi chuyên môn, thì các công cụ công nghệ sẽ dịch giúp chúng ta.

Cái mà chúng ta nên đầu tư bây giờ chính là để con em chúng ta được học thực chất để phát triển tư duy, sáng tạo.

Phóng viên: Như vậy, thầy có lời nhắn nhủ gì đến các bậc phụ huynh, để tránh tình trạng chạy theo luyện và thi IELTS như một trào lưu?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam: Phía sau những “cơn sốt”, trào lưu như thế này ắt hẳn đều có động cơ kinh tế, có bàn tay những người làm truyền thông để hướng đến việc có lợi cho một số nơi tổ chức luyện và thi IELTS.

Vậy nên, nói đến giải pháp, theo tôi, cuối cùng vẫn phải là thay đổi từ nhận thức của các bậc phụ huynh.

Chúng ta cần nhìn nhận rõ ràng, tương lai không xa con của chúng ta sẽ như thế nào? Chẳng hạn, phụ huynh có con đang học trung học cơ sở mà cho con luyện thi IELTS, liệu đến khi con đỗ đại học, thì công nghệ đã phát triển đến đâu rồi? Ngoại ngữ có phải là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công hay không, hay đã có những công cụ khác thay thế? Và khi đó, điều gì quyết định thành công của các con trong tương lai?

Đó phải là cái “lõi”, phải là sự sáng tạo, phải là khát vọng thay đổi, đóng góp cho cộng đồng, cho đất nước... thì mới có cơ hội để phát triển, để thành công. Vậy thì đừng chỉ chạy theo IELTS, khi một ngày xã hội hướng đến “phổ cập” IELTS thì năng lực ngoại ngữ của các con sẽ gần như “bằng 0”, hãy đầu tư vào ngoại ngữ hiếm - thị trường nhỏ và máy móc chưa hướng đến, thì các con mới có thêm cơ hội khẳng định được vị thế của mình.

Đặc biệt, phải chú trọng đến “học thật” - học chất lượng, chứ không phải sử dụng những chiêu trò, lợi dụng “lỗ hổng” để có điểm số cao, khi ấy, tấm bằng hay chứng chỉ cầm trên tay cũng chỉ như một chiếc áo hay chiếc mặt nạ bên ngoài, còn năng lực bên trong vẫn kém... Tôi xin nhấn mạnh, ai không có năng lực thực sự thì sẽ thua ngay từ vạch xuất phát.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn thầy!

Ngân Chi