Coi thi, chấm thi tuyển sinh 10 đang được thực hiện ra sao?

09/06/2024 06:46
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Tính khách quan, công tâm của kỳ thi tuyển sinh 10 luôn được các địa phương đặt lên hàng đầu nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi cho những thí sinh dự thi.

Thời điểm này, kỳ thi tuyển sinh 10 của các địa phương trên cả nước đã và đang diễn ra. Nhìn chung, đây là kỳ thi áp lực, căng thẳng với thí sinh và các khâu thực hiện, tổ chức kỳ thi thể hiện tính nghiêm ngặt, khách quan nhất trong các cấp học phổ thông hiện nay bởi kỳ thi mang tính cạnh tranh nhau.

Vì thế, những thí sinh tham dự kỳ thi phải thực sự có kiến thức, đầu tư mới có thể đậu tuyển sinh 10 vào các trường Trung học phổ thông công lập vì tỉ lệ chọi thường khá cao, nhất là những trường thuộc khu vực thị thành, những khu vực có mật độ dân số đông.

Bên cạnh đó, những cán bộ, giáo viên tham gia Hội đồng coi thi, chấm thi cũng khá áp lực khi tham gia. Chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể bị kỉ luật và ảnh hưởng đến uy tín của kỳ thi. Vậy nên, trước kỳ thi diễn ra thì các Sở sẽ thông báo cho các phòng, các trường liên quan giới thiệu nhân sự coi thi, chấm thi. Sau đó, lựa chọn lại và ban hành quyết định chính thức.

gdvn-4-7489.jpg
Ảnh minh họa.

Những ai sẽ được lựa chọn coi thi, chấm thi tuyển sinh 10?

Đối với kỳ thi tuyển sinh 10 ở những tỉnh (thành) có số lượng thí sinh dự thi nhiều thì nhân sự coi thi là cán bộ, giáo viên Trung học phổ thông và Trung học cơ sở được điều động ngang nhau mới đáp ứng được nhu cầu gác thi.

Những địa phương có số lượng thí sinh ít thì thông thường nhân sự cấp Trung học phổ thông chiếm ưu thế nhiều hơn, nhất là khi tổ chức thi. Chỉ khi nhân sự cấp Trung học phổ thông không đủ, các địa phương mới điều động thêm ở cấp Trung học cơ sở hỗ trợ và giáo viên Trung học cơ sở chủ yếu được phân công làm giám thị 3.

Giám thị 1 và 2 gác trong phòng thi chủ yếu vẫn là những cán bộ, giáo viên các trường Trung học phổ thông đảm nhận.

Tuy nhiên, khi chấm thi thì đa phần các địa phương sẽ điều động giáo viên cấp Trung học phổ thông và giáo viên đang dạy lớp 9 ở cấp Trung học cơ sở (các môn học là môn thi tuyển sinh 10) tham gia làm giám khảo.

Khi chấm thi, tổ trưởng, tổ phó chấm thi sẽ phân công mỗi xấp bài (từng phòng) được chấm theo cặp: 1 giám khảo cấp Trung học phổ thông và 1 giám khảo Trung học cơ sở chấm với nhau. Nhưng, cho dù nhân sự cấp nào tham gia vào Hội đồng coi thi; chấm thi thì khâu tuyển chọn nhân sự cũng rất được chú trọng và được sàng lọc kĩ lưỡng.

Những người tham gia vào 2 Hội đồng này luôn được nhấn mạnh phải người có kinh nghiệm, đạo đức, tinh thần trách nhiệm và được lựa chọn trong số cán bộ quản lý, giáo viên của nhà trường.

Ngoài ra phải đảm bảo điều kiện những cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia Hội đồng coi thi; chấm thi không có vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột; anh, chị, em vợ hoặc chồng; người giám hộ hoặc đỡ đầu; người được giám hộ hoặc được đỡ đầu tham dự kỳ thi tại Hội đồng. Ngay cả giáo viên dạy lớp 9 (những môn thi tuyển sinh) cũng được nhiều địa phương không lựa chọn gác thi.

Đặc biệt, nhân sự tham gia coi thi, chấm thi không phải là người trong thời gian bị kỷ luật về Quy chế thi.

Việc lựa chọn, sàng lọc kĩ nhân sự coi thi, chấm thi như vậy để đề phòng tối đa những tiêu cực (nếu có) xảy ra. Bởi, chỉ một sự cố nhỏ, tiêu cực nhỏ cũng đều ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi, ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh dự thi.

Coi thi, chấm thi đang được thực hiện ra sao?

Trước ngày thi, các thí sinh sẽ đến điểm dự thi và được nghe sinh hoạt quy chế thi kĩ lưỡng từ các giám thị. Khi thi, những thí sinh dự thi sẽ được sắp xếp theo thứ tự A, B, C…nên đa phần các thí sinh trong phòng thi không biết nhau.

Rất hiếm trường hợp học sinh cùng lớp ở cấp Trung học cơ sở chung phòng thi tuyển sinh 10 với nhau. Vì thế, các thí sinh trong phòng thi gần như hoàn toàn xa lạ. Mỗi phòng thi được bố trí 24 bộ bàn ghế- tương đương với 24 thí sinh.

Khi thi, trong phòng luôn có 2 giám thị: giám thị 1 ngồi ở phía bục giảng nhìn xuống; giám thị 2 ngồi ở cuối phòng nhìn lên. Nhiều phòng thi còn có camera và phía ngoài là giám thị 3 cùng lực lượng thanh tra, giám sát liên tục.

Chính vì kỳ thi mang tính cạnh tranh nên thí sinh nào cũng cắm cúi làm bài. Mọi hành động trong phòng thi đều được giám sát chặt chẽ của 2 giám thị. Về cơ bản gần như không thể có tiêu cực trong phòng thi bởi ai cũng cố gắng làm tốt bổn phận của mình.

Khâu chấm thi cũng được thực hiện độc lập với nhau. Bộ phận đánh mật mã (số phách), cắt phách riêng; bộ phận chấm thi riêng; ráp phách riêng; nhập điểm riêng.

Đặc biệt, khâu chấm thi thực hiện hoàn toàn độc lập. Mỗi xấp bài sẽ do 2 giám khảo chấm độc lập ở 2 phòng khác nhau. Giám khảo 1 chấm trên phiếu điểm riêng, không để lại dấu viết trên bài thi; giám khảo 2 chấm trực tiếp trên bài thi.

Sau khi chấm, tổ trưởng, tổ phó chấm thi sẽ cho 2 giám khảo thống nhất điểm với nhau. Lúc này họ mới biết mình chấm với ai. Việc thống nhất điểm cũng rất cẩn thận, dò từng câu, từng điểm nhỏ. Câu nào trùng điểm thì thống nhất, câu nào lệch nhau (thường là môn Văn) thì trao đổi, thảo luận và đi đến thống nhất chung.

Chấm xấp bài sau, các giám khảo lại bắt cặp với người khác chứ không thực hiện xuyên suốt từng cặp chấm.

Bên cạnh đó, mỗi môn thi luôn có tổ chấm kiểm tra độc lập. Tổ này sẽ chấm xác suất ngẫu nhiên một số tỉ lệ bài của từng môn thi (khoảng 10-15% số bài thi). Vì thế, nhiều bài thi được chấm đi, chấm lại nhiều lần.

Những sai sót trong chấm thi, cộng điểm nếu được thực hiện đúng quy trình gần như là không xảy ra- nhất là những môn tự nhiên, ngoại ngữ hoặc những môn thi có trắc nghiệm vì đúng là đúng, sai là sai, không có cách hiểu khác nhau.

Khi nhập điểm cũng được thực hiện nghiêm ngặt theo các bước và từng tổ làm việc với nhau và đa phần là những cán bộ, giáo viên từ các đơn vị khác nhau trong tỉnh. Người trực tiếp nhập điểm thường là phó hiệu trưởng; tổ trưởng hoặc phải là những người có kinh nghiệm, uy tín dạy môn Tin học nên những nhầm lẫn hy hữu rất hiếm khi xảy ra.

Chính vì các bước thực hiện ở kỳ thi tuyển sinh 10 được thực hiện nghiêm ngặt nên chúng ta thường thấy điểm thi của kỳ thi này thường khá thấp so với các kỳ thi khác. Bởi, những cán bộ, giáo viên được điều động tham gia coi thi, chấm thi là những người được phân công trên tinh thần tự nguyện và được lựa chọn kĩ.

Vì thế, tính khách quan, công tâm của kỳ thi tuyển sinh 10 luôn được các địa phương đặt lên hàng đầu nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi cho những thí sinh dự thi. Tuy nhiên, trên thực tế, thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy xuất hiện những sự cố xảy ra ở kỳ thi tuyển sinh 10. Song, nó chỉ chiếm một tỉ lệ cực nhỏ và rất hy hữu.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG