Hiện nay, những áp lực nghề nghiệp, chính sách đãi ngộ chưa phù hợp và cơ hội thăng tiến còn hạn chế đang khiến công tác tuyển dụng và giữ chân đội ngũ giáo viên dạy nghề đối với các trường nghề gặp nhiều khó khăn. Trước tình trạng trên, một số lãnh đạo trường nghề cho rằng, ngoài những cơ chế, chính sách hỗ trợ, các cơ sở đào tạo nghề cũng cần xây dựng một môi trường học tập và giảng dạy tốt và chú trọng công tác tuyển sinh để thu hút và giữ chân giáo viên.
Có trường hơn 10 năm không tuyển được giáo viên mới
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Duy Phấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định chia sẻ, hiện nhà trường có gần 3000 sinh viên nhưng chỉ có hơn 110 giảng viên cơ hữu phục vụ cho công tác giảng dạy. Điều này không đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu dạy học của trường. Dù thiếu giáo viên, nhưng việc tuyển dụng và thu hút giáo viên của trường vẫn gặp nhiều khó khăn.
“Trước đây, trường có 13 giảng viên học vị tiến sĩ, nhưng hiện tại số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ chỉ còn 1. Bởi những năm vừa qua, giảng viên có trình độ tiến sĩ của trường xin chuyển công tác với nhiều lí do khác nhau. Cùng với đó, việc giáo viên trường nghề phải thực hiện chế độ tập sự, với mức lương khởi điểm chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả lương khởi điểm hơn 8 triệu đồng/tháng. Điều này dẫn đến việc nhà trường không thể thu hút và giữ chân được giáo viên”, Tiến sĩ Nguyễn Duy Phấn cho hay.
Cũng theo thầy Phấn, áp lực nghề nghiệp là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều giáo viên không còn mặn mà với công việc giảng dạy tại các trường nghề.
Giáo viên dạy nghề luôn phải liên tục cập nhật và đổi mới công nghệ trong quá trình giảng dạy. Hằng năm, các trường thường yêu cầu giáo viên tham gia thực tập, trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp để tiếp cận công nghệ hiện đại. Từ đó, họ có thể điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp, đồng thời đóng góp ý kiến tới lãnh đạo trường trong việc cải tiến, cập nhật chương trình đào tạo.
Bên cạnh chuyên môn, giáo viên cũng cần có kỹ năng sư phạm, kỹ năng mềm, khả năng tổ chức lớp học và tổ chức các hoạt động ngoại khóa hấp dẫn. Điều này giúp người học có hứng thú hơn trong việc học tập, thực hành, từ đó yêu thích môi trường học nghề và nuôi dưỡng tình yêu nghề nghiệp tương lai.
Ngoài ra, tỷ lệ học sinh hệ 9+ của các trường nghề hiện tăng lên, với nhiều học sinh học xong lớp 9 và chuyển sang học nghề kết hợp học văn hóa. Tuy nhiên, một bộ phận học sinh hệ 9+ có tâm sinh lý chưa ổn định, ý thức học còn hạn chế. Do đó, giáo viên không chỉ đóng vai trò là người truyền đạt kiến thức mà vẫn phải “vừa dạy, vừa dỗ”, hiểu tâm lý học sinh độ tuổi này để động viên, hướng dẫn để em dần thích nghi với môi trường học nghề.

Còn theo thầy Trần Minh Đức - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức, hiện nhà trường có 130 cán bộ, giảng viên, với trên 80% giảng viên cơ hữu. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, nhà trường không tuyển thêm được giáo viên mới nào.
“Nhà trường gặp khó khăn trong tuyển sinh dẫn tới nguồn thu bị ảnh hưởng. Vì vậy, các chế độ, chính sách để tuyển dụng giáo viên còn nhiều hạn chế. Bởi khi tuyển dụng, trường chỉ chi trả được những chế độ, chính sách theo quy định nhà nước. Do đó, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhà trường phải sử dụng lực lượng giáo viên hợp đồng có đủ tiêu chuẩn để tham gia công tác giảng dạy” thầy Đức thông tin.
Thầy Đức cũng cho rằng, nguyên nhân khiến trường nghề khó tuyển dụng và thu hút giáo viên xuất phát từ nhiều lý do.
Bởi để trở thành một giảng viên giáo dục nghề nghiệp hoặc giáo viên dạy thực hành đòi hỏi nhiều kiến thức và kỹ năng cần trang bị. Trong đó, sau khi được đào tạo tại các trường nghề, sinh viên phải tiếp tục bồi dưỡng tay nghề thực hành để có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia tương ứng với trình độ. Đồng thời, sinh viên phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cùng thời gian tập giảng, thỉnh giảng dài để đủ điều kiện giảng dạy. Ngoài ra, nhiều sinh viên cho rằng, ngoài những điều kiện, thủ tục để trở thành giáo viên trường nghề, giáo viên cũng gặp những áp lực về chỉ tiêu, đánh giá chặt chẽ về chất lượng giảng dạy, chất lượng công việc hàng năm. Những điều này dẫn tới nhiều sinh viên có tâm lý ngại trở thành giáo viên trường nghề”, thầy Trần Minh Đức bày tỏ.

Cùng bàn về vấn đề này, hiệu trưởng một trường cao đẳng tại Thanh Hóa cho rằng, áp lực lớn nhất đối với giáo viên tại các trường nghề hiện nay đến từ công tác tuyển sinh. Trong bối cảnh giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa thực sự thu hút được sự quan tâm đúng mức từ xã hội, việc tuyển đủ chỉ tiêu hàng năm cũng là một áp lực không nhỏ đối với giáo viên. Bởi không ít trường nghề hiện nay còn giao chỉ tiêu tuyển sinh cho giáo viên, do đó, ngoài chuyên môn giáo viên phải trực tiếp đi tìm kiếm, thuyết phục học sinh. Điều này có thể tạo nên áp lực không cần thiết.
Cũng theo vị hiệu trưởng này, khó khăn trong tuyển sinh không chỉ ảnh hưởng đến số lượng người học, mà còn kéo theo hàng loạt hệ lụy khác về tài chính và tổ chức hoạt động của nhà trường. Đặc biệt, với những trường tự chủ về tài chính, việc không có đủ người học sẽ dẫn tới nguồn kinh phí dành cho cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, lương và chế độ phúc lợi cho giáo viên hạn chế. Ngoài ra, nhiều trường không có khoản hỗ trợ hay ưu đãi nào ngoài lương cơ bản, dẫn đến giáo viên không thể yên tâm cống hiến lâu dài.
Bên cạnh đó, giáo viên không chỉ phải vượt qua khó khăn trong điều kiện vật chất mà còn phải đối mặt với một thách thức lớn khác là chất lượng đầu vào của người học. Đặc thù học sinh, sinh viên trường nghề cũng đòi hỏi giáo viên phải có phương pháp giảng dạy phù hợp để khơi dậy sự yêu thích học tập, học nghề với người học. Do đó, mong muốn trở thành giáo viên trường nghề không còn là một công việc hấp dẫn đối với những người trẻ, đặc biệt là những người có chuyên môn cao, có nhiều cơ hội lựa chọn. Chính những áp lực chất này khiến trường nghề hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ chân đội ngũ giáo viên chất lượng.
Cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ dài hạn, có lộ trình rõ ràng dành cho giáo viên trường nghề
Chia sẻ thêm về đội ngũ giáo viên tại trường, thầy Nguyễn Duy Phấn cho hay, mặc dù đa số cán bộ, giáo viên có thu nhập ổn định và tương đối hài lòng. Tuy nhiên, nhiều giáo viên của trường đều đã trên 40 tuổi, trong khi đó gần 10 năm nay nhà trường không tuyển được giáo viên mới. Điều này có thể dẫn tới việc thiếu hụt lực lượng giáo viên trẻ của trường.
“Nhà trường có tuyển thêm giáo viên luật để phụ trách pháp chế của trường và tham gia công tác giảng dạy, nhưng một số ứng viên đến ứng tuyển làm giảng viên đều không quyết định làm việc tại trường với lý do doanh nghiệp bên ngoài sẵn sàng trả lương lên tới 13 triệu đồng/tháng”, thầy Phấn bày tỏ.
Trước tình trạng trên, thầy Phấn cho biết, nhà trường đã xây dựng kế hoạch để thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên.
Trong đó, nhà trường đảm bảo chế độ lương, thưởng của cán bộ, giáo viên hiện theo đúng các quy định, chế độ hiện hành. Cùng với đó, trường cũng hỗ trợ khoản tiền 80 - 100 triệu đồng đối với đội ngũ giảng viên trong quá trình học nghiên cứu sinh. Ngoài ra, việc tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên có nhiều cơ hội phát triển, nâng cao trình độ chẳng hạn như việc chú ý ưu tiên nâng ngạch với các giáo viên có sự cống hiến tốt cũng được trường chú trọng.
Cũng theo thầy Phấn, để thu hút và giữ chân được giáo viên trường nghề, môi trường học tập và làm việc là yếu tố quyết định. Cùng với đó, các trường cần chú trọng tới thu nhập của giáo viên qua việc tăng cường tuyển sinh.
“Để giữ chân được giáo viên dạy nghề thì các trường phải có công tác tuyển sinh tốt, muốn tuyển sinh được tốt thì việc tổ chức hoạt động giảng dạy đảm bảo chất lượng là rất cần thiết. Từ đó, tạo uy tín, thương hiệu của trường để thu hút người học, có người học thì mới có thu nhập cho giáo viên trường nghề", thầy Phấn bày tỏ.
Trong khi đó, thầy Trần Minh Đức cho biết, để gỡ khó trong thu hút và tuyển dụng giáo viên, thay vì gây áp lực chỉ tiêu tuyển sinh cho giáo viên, nhà trường cũng khuyến khích, động viên đội ngũ này hỗ trợ tuyển sinh. Từ đó, giáo viên có thể nhận được các khoản thưởng và được ghi nhận thành tích trong năm học, vừa tăng nguồn thu cho nhà trường và đảm bảo thu nhập của giáo viên. Đồng thời, nhà trường cũng có cơ chế hỗ trợ một phần chi phí và tạo điều kiện về thời gian giảng dạy cho giảng viên đi học nâng cao trình độ.

Sinh viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức thực tập tại doanh nghiệp. Ảnh website trường.
Thầy Đức cho biết thêm, để tạo nguồn giáo viên trong tương lai, nhà trường cũng có kế hoạch bồi dưỡng, giữ chân sinh viên có tay nghề tốt của để đào tạo lâu dài. Tuy nhiên, điều này còn gặp nhiều khó khăn bởi sự cạnh tranh nguồn nhân lực từ doanh nghiệp bên ngoài, đặc biệt là thu nhập hàng tháng cùng chế độ đãi ngộ.
Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức nhấn mạnh, để gỡ khó trong thu hút và giữ chân giáo viên trường nghề, cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ dài hạn, có lộ trình rõ ràng dành cho giáo viên trường nghề. Đồng thời, các trường nghề cũng cần xây dựng môi trường làm việc tốt, tạo được niềm tin, sự thoải mái cho giáo viên. Từ đó, giáo viên có thể yên tâm công tác, phát triển năng lực bản thân và thêm động lực để gắn bó lâu dài với trường nghề.