Giáo viên và những công việc lặng thầm phía sau bục giảng

20/04/2025 07:37
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nếu ai đó từng một lần sống trọn vẹn trong vai trò một giáo viên, hẳn sẽ hiểu, thời gian không thể đo hết được những điều thầy cô đang gánh vác.

Nghề giáo – công việc của trái tim và sự tận tụy

Lâu nay, xã hội vẫn quen nhìn nghề giáo qua khung giờ dạy học trên lớp – và nghĩ rằng, hết tiết dạy trên lớp là giáo viên hết việc. Thế nên, khi có ý kiến đề xuất giáo viên cần làm việc đủ 8 tiếng mỗi ngày tại trường, nhiều người gật đầu vì thấy "cũng hợp lý thôi".

Nhưng với những ai từng bước vào thế giới thật của người thầy, người cô – mới hiểu rằng: thời gian đứng lớp chỉ là bề nổi. Còn phần chìm là những đêm khuya chong đèn soạn bài, là hàng trăm bài kiểm tra phải cặm cụi chấm từng câu chữ, là kế hoạch, sổ sách, nhận xét phải hoàn thành trước hạn.

Giáo viên, từ lâu rồi, không chỉ "đứng lớp dạy học". Họ là người bạn đồng hành với từng học sinh, người kết nối với phụ huynh, người quản lý lớp học và cũng là người phải luôn học hỏi, tự làm mới chính mình để theo kịp sự đổi thay của giáo dục.

GDVN_ảnh hs.jpg
Ảnh minh họa.

Soạn bài không chỉ là thủ tục – đó là một hành trình học và nghĩ

Thời điểm này, giáo dục đang trong giai đoạn chuyển mình. Sách giáo khoa mới, chương trình mới, phương pháp mới. Điều đó đồng nghĩa với việc thầy cô cũng phải học lại từ đầu.

Một tiết học không còn đơn thuần là truyền đạt kiến thức, mà là tổ chức hoạt động, phát triển năng lực, khơi gợi cảm xúc và sáng tạo nơi học sinh. Vậy nên, việc soạn giáo án bây giờ đòi hỏi rất nhiều thời gian và tâm huyết.

Có những giáo viên trẻ vẫn đang loay hoay làm quen, đêm đêm ôm giáo án học từng bài, từng câu hỏi gợi mở, chỉ mong hôm sau lên lớp đủ tự tin đứng trước học trò giảng dạy và trả lời những câu hỏi của các em.

Với bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông và đặc biệt là những thầy cô giáo đang dạy môn tích hợp, nếu hằng đêm không học, không nghiền ngẫm, tìm tòi kiến thức của môn học khác (như giáo viên chuyên môn Sử phải tìm hiểu thêm Địa, giáo viên sinh phải học thêm Lý, Hóa...) thì khó có được những tiết dạy đạt yêu cầu nói gì là tiết dạy tốt.

Chấm bài – một công việc lặng lẽ và kiên nhẫn

Chấm bài không phải là "nhìn lướt, cho điểm". Giáo viên phải đọc từng dòng, suy nghĩ, ghi nhận xét, sửa lỗi, động viên học sinh bằng lời lẽ nhẹ nhàng và chân thành.

Một bài kiểm tra Văn, Địa hay Sử có khi dài đến 3–4 trang giấy. Một lớp có 45 học sinh, dạy 4 lớp là 160 bài. Mỗi bài mất 5–10 phút. Và đó là chưa kể đến việc nhập điểm, ghi nhận xét lên phần mềm, sửa lỗi sai do hệ thống, tổng hợp phân tích chất lượng...

Một giáo viên tiểu học dạy đến 5 hoặc 6 môn. Mỗi môn học đều phải chấm bài, ghi lời nhận xét. Một ngày, số lượng bài chấm của giáo viên cũng lên đến hàng trăm bài.

Nhiều giáo viên chỉ có thể làm những việc đó sau 9 giờ tối – khi con cái đã ngủ, nhà cửa đã yên ắng. Và có những đêm, họ thức đến tận khuya chỉ để kịp trả bài cho học sinh đúng hẹn.

Giáo viên – người gánh nhiều vai trò trong thầm lặng

Ngoài giảng dạy, giáo viên còn đảm nhiệm nhiều công việc trong đó nặng nề và áp lực nhất là công tác chủ nhiệm lớp.

Người ta thường nghĩ rằng "giáo viên chủ nhiệm" chỉ là người điểm danh đầu giờ, phổ biến thông báo và theo dõi nề nếp lớp. Nhưng ít ai biết rằng, chủ nhiệm là người luôn phải đứng ở tuyến đầu trong mọi vấn đề của học sinh.

Học sinh nghỉ học không lý do, giáo viên chủ nhiệm phải gọi điện, liên hệ với gia đình.

Học sinh mâu thuẫn với nhau, giáo viên chủ nhiệm đứng ra hòa giải, lắng nghe từng bên và khéo léo giải quyết để tránh gây mâu thuẫn, bức xúc cho bên nào.

Học sinh học yếu kém, giáo viên phải lên kế hoạch dạy dỗ, kèm cặp để các em tiến bộ. Học sinh có dấu hiệu trầm cảm, giáo viên phải bỏ công để tìm hiểu, kết nối với gia đình, với giáo viên tâm lý học đường giúp đỡ kịp thời.

Những em vi phạm nội quy, giáo viên phải viết bản tường trình, làm biên bản, tham gia họp hội đồng kỷ luật...Tất cả những điều đó không hề nằm trong giáo án, nhưng luôn là việc không thể thiếu mỗi ngày.

Mỗi đêm, giáo viên còn phải lên kế hoạch dạy học - một công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại là gốc rễ của chất lượng giáo dục, và cũng là nỗi trăn trở thầm lặng của bao thầy cô mỗi ngày. Giờ dạy hay bắt đầu từ một kế hoạch chỉn chu – và phía sau một tiết học thành công là hàng giờ chuẩn bị âm thầm…

Ngoài ra, thầy cô còn phải làm hồ sơ sổ sách, làm các loại báo cáo khi cấp trên yêu cầu. Rồi dự giờ, tổ chức hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống. Những tiết học này không đơn giản là “cho các em chơi” – mà là cả một quá trình thiết kế, chuẩn bị, tổ chức và đánh giá đầy công phu của giáo viên.

Cùng với đó, giáo viên ra đề kiểm tra, thiết kế ma trận, đáp án. Việc ra đề kiểm tra không chỉ là soạn vài câu hỏi, mà là cả một quy trình khoa học, công phu. Để ra đề phù hợp trình độ học sinh: không quá dễ – không quá khó, có phân hóa năng lực, có liên hệ thực tế, thể hiện đúng mục tiêu giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực cũng không hề nhanh mà chiếm khá nhiều thời gian mới làm được.

Giáo viên phải xây dựng đáp án – thang điểm: phải rõ ràng, cụ thể, dễ chấm, đảm bảo công bằng, hạn chế tối đa cảm tính. Đằng sau mỗi đề kiểm tra là hàng giờ suy nghĩ, rà soát, chỉnh sửa – nhưng rất ít người thấy được điều đó.

"Một đề kiểm tra tốt là thước đo chính xác trình độ học sinh – và là minh chứng cho sự đầu tư thầm lặng của người giáo viên.”

Thầy cô phải thường xuyên liên hệ với phụ huynh, theo dõi từng học sinh cá biệt, tham gia họp tổ, họp hội đồng, tập huấn chuyên môn...Tất cả đều là phần việc không hề nhỏ, nhưng không được tính vào thời gian "đứng lớp".

Mỗi nghề có một đặc thù riêng. Trong giáo dục, chất lượng không đến từ số giờ có mặt ở trường, mà đến từ sự chuẩn bị kỹ càng, từ cảm hứng sáng tạo và từ sự tự nguyện học hỏi không ngừng nghỉ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết