Có trường đào tạo GV đứng trước nguy cơ đóng ngành vì không được giao chỉ tiêu

03/10/2024 08:50
Lương Hiền

GDVN - Theo lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học, việc đào tạo theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ còn gặp nhiều khó khăn nhất là với các ngành sư phạm.

Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị đã nêu: các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện nghiên cứu cơ chế phân bổ nguồn lực, chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ giáo dục theo kết quả đầu ra.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều trường đại học đang gặp khó khăn khi thực hiện theo cơ chế đặt hàng vì chưa có sự phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, với trường đại học địa phương đào tạo các ngành sư phạm phải phụ thuộc vào việc có được giao chỉ tiêu hay không.

Cơ sở giáo dục gặp khó khăn vì năm được giao chỉ tiêu, năm không

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khoát, Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Mỏ - Địa chất chia sẻ, trước đây nhà trường đã áp dụng cơ chế đặt hàng đào tạo với các tập đoàn lớn. Các tập đoàn này đặt hàng đào tạo cho các ngành liên quan đến dầu khí, khai thác mỏ và phối hợp với nhà trường để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế.

Tuy nhiên, hiện nay cơ chế đặt hàng này không còn được áp dụng rộng rãi như trước. Việc đặt hàng chủ yếu chỉ diễn ra với một số tập đoàn lớn của Nhà nước. Chưa kể, do nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp hiện đã được đáp ứng cơ bản, nên họ chỉ cần bổ sung, cập nhật một số kỹ năng mới cho người lao động chứ không cần đào tạo nguồn nhân lực mới. Do đó, lúc này các cơ sở giáo dục chỉ có thể phối hợp với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khoát, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Mỏ - Địa chất.(NVCC)
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khoát, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Mỏ - Địa chất.(NVCC)

Thầy Khoát cho biết, nhà trường đã từng hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam để đào tạo các ngành liên quan đến địa chất, trắc địa mỏ, khai thác mỏ, cơ điện mỏ và tự động hóa. Doanh nghiệp cung cấp yêu cầu về kỹ năng cần thiết với người lao động, từ đó nhà trường và doanh nghiệp cùng xây dựng chương trình đào tạo phù hợp.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang cho hay nhà trường hiện thực hiện đào tạo các ngành sư phạm theo cơ chế đặt hàng.

Theo thầy Hà, Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm là một chủ trương đúng đắn. Nhờ đó mà số lượng thí sinh và phụ huynh quan tâm tới các ngành đào tạo giáo viên tăng lên. Đồng thời, tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển, điểm trúng tuyển và tỷ lệ thí sinh nhập học các ngành đào tạo giáo viên tăng mạnh so với các ngành, lĩnh vực đào tạo khác. Điều này giúp cho chất lượng đầu vào các ngành sư phạm được nâng lên rõ rệt, từ đó cải thiện chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai.

Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang cũng thông tin thêm: Năm học 2021-2022 nhà trường được giao nhiệm vụ đào tạo 525 chỉ tiêu, trong đó số sinh viên được nhận hỗ trợ theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP là 404 sinh viên.

Năm học 2022-2023 nhà trường được giao nhiệm vụ đào tạo 208 chỉ tiêu với 4 ngành đào tạo: Sư phạm Toán học, Sư phạm Ngữ văn, Giáo dục tiểu học và Giáo dục Mầm non (hệ cao đẳng). Trong đó số sinh viên được nhận hỗ trợ theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP là 179 sinh viên.

Năm học 2023-2024 và năm học 2024-2025 nhà trường không được giao chỉ tiêu đào tạo các ngành sư phạm. Đây cũng là một khó khăn lớn với nhà trường.

“Nếu nhà trường không được giao nhiệm vụ liên tục trong 2 đến 3 năm liền thì việc duy trì ngành sẽ gặp khó khăn, thậm chí sẽ có nguy cơ phải đóng ngành”, thầy Hà bày tỏ.

Cũng gặp tình trạng không được giao chỉ tiêu các ngành sư phạm năm 2024, Tiến sĩ Phan Phiến, Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa cho biết: Năm 2022, trường được ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ tuyển sinh và đào tạo 60 chỉ tiêu các ngành sư phạm, sau đó Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung thêm 20 chỉ tiêu diện nhu cầu xã hội (tổng 80 chỉ tiêu).

Năm 2023, ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ tuyển sinh và đào tạo cho nhà trường 25 chỉ tiêu các ngành sư phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung thêm 15 chỉ tiêu diện nhu cầu xã hội (tổng 40 chỉ tiêu).

Tuy nhiên, năm 2024, trường không được giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP, điều này khiến Trường Đại học Khánh Hòa gặp phải nhiều khó khăn.

“Các trường đại học địa phương gặp khó khăn hơn so với các trường thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bởi hầu hết các trường thuộc Bộ không phải lo lắng quá nhiều về chỉ tiêu các ngành sư phạm, trong khi đó các trường đại học địa phương thường xuyên phải đối mặt với những thách thức này.

Với các ngành sư phạm, sinh viên không chỉ được miễn học phí mà còn được hỗ trợ thêm sinh hoạt phí hàng tháng. Do đó, các trường đào tạo giáo viên không được thu học phí của sinh viên mà phải phụ thuộc vào ngân sách của tỉnh hoặc trung ương", thầy Phiến chia sẻ.

Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa cho biết thêm, nhiều trường đại học cũng gặp khó khăn với cơ chế đấu thầu cung cấp dịch vụ giáo dục vì rất ít địa phương đưa ra chỉ tiêu để tổ chức đấu thầu và ngay cả khi có, quy trình đấu thầu có thể kéo dài, không kịp thời gian tuyển sinh.

68c2e3f6a152070c5e43.jpg
Tiến sĩ Phan Phiến, Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa. (Ảnh: NVCC)

Cần phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và đơn vị đặt hàng, giao nhiệm vụ

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khoát, để cơ chế đặt hàng thực sự hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và các đơn vị đặt hàng, giao nhiệm vụ. Đồng thời, cần căn cứ vào tình hình thực tế để điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Thầy Khoát khẳng định, nếu các cơ sở giáo dục đào tạo theo cơ chế đặt hàng sẽ khắc phục được tình trạng thừa thiếu nhân lực cục bộ. Do đó, không chỉ các ngành đào tạo về giáo viên cần có chính sách đặt hàng, giao nhiệm vụ mà đối với các ngành khác cũng cần có chính sách này. Cần thu thập và phân tích số liệu cụ thể về nhu cầu nguồn nhân lực thực tế ở địa phương. Những số liệu này sẽ giải quyết được các vướng mắc giữa bên đặt hàng và bên cung cấp dịch vụ, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp cho quá trình đào tạo.

Bên cạnh cơ chế đặt hàng, khi một trường đại học chứng minh được năng lực đào tạo tốt, địa phương có thể quyết định giao nhiệm vụ đào tạo một số lượng sinh viên nhất định cho các ngành mà địa phương có nhu cầu.

Tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất, hàng năm vẫn có những chương trình dành cho du học sinh nước ngoài (Lào, Campuchia…). Các đơn vị nước ngoài mà nhà trường phối hợp sẽ chủ động xác định nhu cầu đào tạo cho từng ngành cụ thể. Khi có nhu cầu, trường sẽ đáp ứng yêu cầu đó bằng cách xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tiêu chuẩn quốc tế.

Những cơ chế này không chỉ đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường lao động, mà còn giúp nâng cao vị thế và uy tín của trường trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Để đạt được hiệu quả cao trong cơ chế đặt hàng, nhà trường và doanh nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn. Doanh nghiệp cần xác định rõ nhu cầu về nguồn nhân lực trong thời gian tới và đưa ra những yêu cầu cụ thể cho các trường đại học. Khi có những số liệu chi tiết, nhà trường và doanh nghiệp cùng xây dựng lộ trình đào tạo phù hợp. Có như vậy mới có thể nâng cao hiệu quả trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường”, thầy Khoát nhấn mạnh.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Ngọc Hà cho rằng để đảm bảo chất lượng đào tạo sinh viên sư phạm theo cơ chế đặt hàng, nhà trường đã quy định nhiều giải pháp cụ thể. Theo đó, các giảng viên cần tăng cường theo dõi quá trình học tập của sinh viên, đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá để đảm bảo chất lượng đào tạo và số lượng sinh viên tốt nghiệp đúng hạn.

Đồng thời, thầy Hà cũng đưa ra giải pháp để đáp ứng các yêu cầu trong quá trình đặt hàng, giao nhiệm vụ. Theo đó, Trường Đại học Tiền Giang thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục các chương trình đào tạo nhóm ngành sư phạm theo tiêu chuẩn kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, nhà trường cam kết về chất lượng đầu ra, có báo cáo, nghiệm thu với các đơn vị liên quan.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang. (Ảnh:NVCC)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang. (Ảnh:NVCC)

Thầy Hà cũng cho rằng để việc đào tạo theo cơ chế đặt hàng giáo viên đạt hiệu quả cao, các đơn vị có liên quan cần phối hợp chặt chẽ theo trách nhiệm được quy định trong Nghị định số 116/2020/NĐ-CP. Cần có quy định chung từ ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Nghị định này.

“Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo cần xác định rõ nhu cầu đào tạo giáo viên cho những năm sắp tới. Ngoài nhu cầu cần thiết trong ngành để bổ sung giáo viên cho các trường, còn phải xem xét nhu cầu học tập ngành sư phạm của con em ở địa phương.

Đối với Sở Tài chính, cần đề xuất nguồn kinh phí từ trung ương để hỗ trợ cho nhà trường và sinh viên một cách kịp thời, nếu ngân sách của tỉnh chưa đáp ứng”, Thầy Hà chia sẻ.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Phan Phiến, từ khi thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP Trường Đại học Khánh Hòa đã đối mặt với nhiều khó khăn trong việc được giao chỉ tiêu cho nhóm ngành sư phạm. Do vậy, nhà trường có kiến nghị gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại việc giao chỉ tiêu cho các trường đại học địa phương như Trường Đại học Khánh Hòa để có những chỉ tiêu tương tự như các trường đại học khác trong tổng chỉ tiêu sư phạm của cả nước.

Thầy Phiến cũng chỉ ra một bất cập khác khi đào tạo giáo viên theo Nghị định 116. Mặc dù nhà trường thực hiện đào tạo theo yêu cầu và nhiệm vụ mà địa phương giao nhưng việc tuyển dụng giáo viên lại căn cứ theo quy định của Bộ Nội vụ. Không phải bất cứ sinh viên nào ra trường cũng trở thành giáo viên mà cần trải qua một kỳ thi tuyển viên chức. Nếu người học không đỗ, không phục vụ trong ngành giáo dục thì phải bồi hoàn kinh phí. Đây cũng là một khó khăn rất lớn với các cơ sở giáo dục và chính bản thân người học.

Lương Hiền