Có nơi, doanh nghiệp chỉ tiếp nhận SV kiến tập, chưa tạo nguồn thu cho trường ĐH

20/09/2023 06:31
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Khi doanh nghiệp tham gia liên kết với trường ĐH nên có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp về thuế, giảm tải các thủ tục giấy tờ khi chuyển giao công nghệ.

Theo chia sẻ của lãnh đạo một số trường đại học tư thục cho biết, hoạt động liên kết doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ để tăng nguồn thu cho trường còn thấp, gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một hiệu trưởng của trường đại học tư thục ở miền Bắc cho rằng, liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào các nội dung như: hoạt động giáo dục và đào tạo (thực tập, kiểm tra, đánh giá, xây dựng chương trình học, đặt hàng đào tạo,...); liên kết trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; quản trị trường đại học,...

Tuy nhiên, hoạt động hợp tác nổi bật giữa trường đại học và doanh nghiệp trong đào tạo là tiếp nhận sinh viên đến kiến tập/thực tập. Mối liên kết nhà trường và doanh nghiệp xuất phát từ nhu cầu trước mắt, kế hoạch ngắn hạn của doanh nghiệp, không phải từ chiến lược dài hạn. Liên kết doanh nghiệp chưa mang lại nhiều nguồn thu cho trường từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai trong tiết thực hành. (Ảnh: website nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai trong tiết thực hành. (Ảnh: website nhà trường).

“Thực tế nhà trường còn khó khăn khi liên kết doanh nghiệp. Cụ thể, trong đào tạo, khi trường đưa sinh viên khối ngành Kinh tế đi thực tập, thực hành tại các doanh nghiệp nhưng có doanh nghiệp không cho sinh viên “động vào” sổ sách để lấy số liệu phục vụ quá trình thực tập. Để tháo gỡ khó khăn này, nhà trường mong muốn được hợp tác doanh nghiệp nhưng thủ tục giấy tờ rất phức tạp, khó khăn.

Còn trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, nhà trường chưa có hợp đồng nào mang lại nguồn thu từ liên kết, hợp tác doanh nghiệp. Nguồn thu của trường hiện vẫn chủ yếu đến từ học phí.

Chỉ khi nào hai nút thắt về xác lập quyền sở hữu và định giá công nghệ được tháo gỡ thì mới có thể hình thành cơ chế chuyển giao công nghệ hiệu quả”, vị hiệu trưởng chia sẻ.

Vị này cho rằng, để thương mại hóa sản phẩm ra thị trường, nhà khoa học cần được đăng ký bản quyền cho sản phẩm nghiên cứu. Để thuận lợi, nhà nước cần sớm hoàn thiện hệ thống chính sách, cơ chế, có định hướng, khuyến khích hoạt động liên kết giữa trường đại học tư thục và doanh nghiệp, tạo cung - cầu công nghệ hình thành thị trường khoa học công nghệ.

Ngoài ra, cũng cần thu hút chương trình tài trợ đổi mới sáng tạo, khuyến khích dự án nghiên cứu trên cơ sở hợp tác trường đại học và doanh nghiệp.

Cùng trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Phan Ngọc Sơn – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai cho biết, nguồn thu của trường đại học không phải cứ phụ thuộc mãi vào học phí mà còn phải quan tâm đến liên kết doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ để tạo nguồn thu.

Việc liên kết trường đại học và doanh nghiệp có vai trò quan trọng đối với tất cả các bên tham gia. Trong đó, trường đại học được trao đổi thông tin trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phù hợp với sản xuất; được doanh nghiệp đón nhận sinh viên, công trình nghiên cứu khoa học, sản phẩm công nghệ. Từ đó giúp tăng nguồn thu, tăng thế mạnh trong công tác tuyển sinh.

Tuy nhiên, thầy Sơn nhận xét, trong hoạt động liên kết doanh nghiệp để tạo nguồn thu, trường đại học tư thục không có nhiều thuận lợi hơn so với trường đại học công lập.

Chỉ ra một số khó khăn trong hoạt động liên kết doanh nghiệp, theo thầy Sơn, các doanh nghiệp có uy tín đều mong muốn làm việc với các trường đại học công lập vì có thương hiệu, tuyển sinh ổn định và lịch sử phát triển lâu đời.

Chưa kể, các trường đại học tư thục phải tự lo rất nhiều hoạt động nên chưa nghĩ nhiều đến việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ để tạo nguồn thu cho trường. Thêm nữa, hầu hết các trường đại học tư thục vẫn chưa nhận được nhiều “thiện cảm” của các doanh nghiệp khi họ tiến hành đặt hàng đào tạo, đầu tư hợp tác trong nghiên cứu khoa học, sản xuất công nghệ. Bên cạnh đó, số lượng sinh viên của trường nhiều hay ít cũng là yếu tố để các doanh nghiệp quyết định hợp tác với nhà trường hay không.

“Hiện tại, trong hoạt động liên kết doanh nghiệp, sinh viên của trường được doanh nghiệp hỗ trợ đầu khóa (học bổng khuyến khích - PV). Còn việc chuyển giao công nghệ, đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học cho trường ít”, thầy Sơn chia sẻ.

Cũng theo thầy Sơn, có trường hợp, khi doanh nghiệp đặt hàng cho nhà trường về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhưng nhà trường phải tự bỏ kinh phí ra trước để thực hiện đề tài, sau đó doanh nghiệp mới xem xét đầu tư. Do phải tự ứng tiền để thực hiện nghiên cứu nên nếu trường nhận các đề tài lớn thì không đủ kinh phí để làm, còn làm các đề tài nhỏ thì doanh nghiệp hôm nay cần nhưng mai có thể lại không cần nữa khiến sản phẩm công nghệ nhỏ khó được lưu thông.

Thầy Sơn cũng cho biết, trường tư thục còn gặp khó khăn khi ít được nhận các nguồn tài trợ khác từ các cá nhân, tổ chức. Bởi lẽ, các cá nhân, tổ chức cũng chỉ chú ý đến các trường đại học công lập để đầu tư, tài trợ.

“Nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường chưa đạt như kỳ vọng. Nhà trường bắt buộc phải có nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, hỗ trợ các tỉnh về sản phẩm, giải pháp công nghệ nhưng đến khâu chuyển giao lại gặp khó khăn vì thủ tục rườm rà. Còn đối với các doanh nghiệp tư nhân, việc thỏa thuận hợp tác giữa trường và doanh nghiệp có thủ tục khá đơn giản, quyết toán nhanh”, thầy Sơn nói.

Theo thầy Sơn chia sẻ, ở Hàn Quốc và một số nước phương Tây, khi doanh nghiệp đấu thầu xây dựng một căng tin, ký túc xá sinh viên cho trường đại học, doanh nghiệp đó sẽ được miễn thuế.

Hay có những dự án nghiên cứu khi doanh nghiệp đặt hàng cho trường đại học, một phần tiền được chuyển cho trường để đầu tư vào máy móc, trang thiết bị nghiên cứu, từ đó, trường có nguồn thu.

“Ở nước ta, nếu doanh nghiệp đầu tư, quyên góp vào trường đại học, đặt hàng nghiên cứu khoa học chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của xã hội”, thầy Sơn chia sẻ.

Để tạo nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, thầy Sơn cho hay, tới đây, trường sẽ huy động nhóm nghiên cứu khoa học xuống trực tiếp các doanh nghiệp đề đạt mong muốn, nắm bắt nhu cầu cần sản phẩm công nghệ để doanh nghiệp đặt hàng. Sau đó, trường tổ chức nghiên cứu, tạo ra sản phẩm công nghệ và doanh nghiệp nghiệm thu sản phẩm, trả tiền cho trường.

Thầy Sơn cũng cho rằng cần có cơ chế mở cho các doanh nghiệp khi tham gia liên kết với trường đại học tư thục. Có thể như, khi các doanh nghiệp tham gia liên kết với trường nên có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp về thuế, giảm tải các thủ tục giấy tờ khi chuyển giao công nghệ. Đổi lại, doanh nghiệp có trách nhiệm nhận sản phẩm công nghệ, nhận sinh viên ra trường vào làm việc,... phải trả thêm một phần chi phí đào tạo cho trường.

Ngọc Mai