Vai trò của liên kết “nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp” trong hoạt động GDNN

12/12/2022 13:15
Phạm Linh
GDVN- Liên kết “nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp” là xu hướng và cầu nối quan trọng trong việc đảm bảo, nâng cao chất lượng đào sinh viên.

Liên kết để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động

Quảng Ninh hiện nay, có 17.142 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc thu hút hơn 236.000 lao động. Trong đó, hơn 233.000 lao động thuộc các doanh nghiệp đang hoạt động; số doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 110 dự án (40 dự án trong nước, 70 dự án FDI).

Hằng năm, lực lượng lao động tỉnh Quảng Ninh cần bổ sung từ khoảng 30.000 đến 60.000 lao động.

Nhu cầu nhân lực dự kiến đến năm 2025 cần 821,94 ngàn người; năm 2030 cần 874,25 ngàn người. Trong đó, tập trung ở một số lĩnh vực chủ yếu như: Chế biến chế tạo (đến năm 2025 cần khoảng 130.000 lao động, đến năm 2030 cần khoảng 180.000 lao động); Vận tải, kho bãi, Logictic (năm 2025 cần khoảng 62.000 người, đến năm 2030 cần khoảng 71.000 người); Dịch vụ du lịch (năm 2025 cần khoảng 170.000 người, đến năm 2030 cần khoảng 210.000 người);…

Trong những năm qua, việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm sau đào tạo cho lao động trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực tuy nhiên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trình độ tổ chức quản lý, còn thiếu cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân có kỹ năng và tay nghề cao.

Vậy, để nâng cao tay nghề cho người lao động, phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của doanh nghiệp là một giải pháp cần phải được quan tâm.

Phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của doanh nghiệp là một giải pháp cần phải được quan tâm (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của doanh nghiệp là một giải pháp cần phải được quan tâm (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Việc tăng cường sự liên kết giữa các trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp là xu hướng và cầu nối quan trọng trong việc đảm bảo, nâng cao chất lượng đào sinh viên.

Đồng thời, là cách thức để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp.

Đẩy mạnh việc hợp tác này và khai thác giá trị của nó có thể giúp các trường tháo gỡ những khó khăn về tài chính và giúp các doanh nghiệp đạt được hoặc duy trì ưu thế cạnh tranh trong thị trường năng động ngày nay.

Từ đó, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia và đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động của tỉnh Quảng Ninh.

Liên kết “nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp” là xu hướng và cầu nối quan trọng trong việc đảm bảo, nâng cao chất lượng đào sinh viên (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Liên kết “nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp” là xu hướng và cầu nối quan trọng trong việc đảm bảo, nâng cao chất lượng đào sinh viên (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Công tác phối hợp giáo dục nghề nghiệp giữa “3 nhà” năm 2022

Trong năm 2022, công tác đào tạo nghề nghiệp gắn với doanh nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực.

Các hình thức chủ yếu hợp tác giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, gồm nhà trường phối hợp doanh nghiệp cùng tham gia tư vấn và tuyển chọn nhân lực.

Nhà trường cùng với doanh nghiệp tiến hành sơ tuyển ban đầu để học sinh, sinh viên yên tâm học tập. Trong đó, nhà trường có trách nhiệm giảng dạy lý thuyết, còn doanh nghiệp chịu trách nhiệm hướng dẫn thực tập và cam kết đầu ra đối với học sinh, sinh viên.

Các cơ sở đào tạo nghề nghiệp cũng ký hợp đồng để tổ chức đào tạo và cung ứng cho các doanh nghiệp; tổ chức cho học sinh, sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp; giới thiệu học sinh, sinh viên vào làm việc tại doanh nghiệp.

Phối hợp xây dựng chương trình đào tạo như tham khảo tính chất công việc và vị trí việc làm của từng lĩnh vực nghề nghiệp trong doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo đã xây dựng chương trình đào tạo hoặc chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

Gửi cho doanh nghiệp tham gia giáo trình, khung chương trình đào tạo và phối hợp với doanh nghiệp khảo sát nhu cầu lao động để xây dựng chương trình sát với các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hợp tác đưa sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp là hình thức được thực hiện thường xuyên, phổ biến nhất tại các cơ sở đào tạo nghề.

Chương trình hợp tác này được đánh giá cao nhất so với các nội dung khác, có ảnh hưởng nhiều nhất tới kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp của sinh viên.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo về công tác phối hợp đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (Ảnh: Phạm Linh)

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo về công tác phối hợp đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (Ảnh: Phạm Linh)

Về phía doanh nghiệp, trên thực tế đã có những hoạt động hợp tác với cơ sở đào tạo nghề khá đa dạng như tiếp nhận sinh viên, nhà giáo thăm quan tìm hiểu về doanh nghiệp, thực tập, cung cấp thông tin tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, thông tin phản hồi chất lượng sinh viên tốt nghiệp.

Một số doanh nghiệp đã hỗ trợ thiết bị thực hành nghề cho cơ sở đào tạo nghề; bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.

Năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh và tổ chức triển khai, thực hiện nhiều cơ chế, chính sách, biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh triển khai các hoạt động nhằm kết nối giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Kết quả đạt được năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã giới thiệu, cung ứng 20.014 lao động cho các doanh nghiệp; tổ chức đào tạo 4.009 lao động cho các doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng nghề cho 98 nhà giáo; bồi dưỡng dưỡng kỹ năng nghề nâng bậc cho 18.465 lao động của doanh nghiệp và phối hợp xây dựng 91 chương trình đào tạo.

Năm 2022, theo báo cáo của các đơn vị, số người học được giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp là 36.590 người, đạt 84,5% tổng số người học tốt nghiệp.

Trong đó, 12.060 người có hợp đồng với doanh nghiệp (bằng 32,95% số người học có việc làm), 24.530 người tự tạo việc làm và 29. 642 người học được cơ sở đào tạo giới thiệu việc làm.

Phạm Linh