Chưa thể bỏ thi tốt nghiệp phổ thông
Ngày 13/3/2020, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký công văn gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020.
Theo đó, năm học này sẽ kết thúc trước ngày 15/7. Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia diễn ra từ ngày 8 đến 11/8.
Dựa vào khung kế hoạch thời gian trên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chủ động quyết định thời gian cho học sinh đi học trở lại, bảo đảm an toàn, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại địa phương.
Kéo theo đó, thời gian xét tuyển vào các trường trung cấp, cao đẳng, đại học chắc chắn cũng sẽ muộn hơn khoảng một, hai tháng.
Giả sử thời gian nghỉ học của các tỉnh/ thành khác nhau thì không thể tổ chức một kì thi trung học phổ thông quốc gia chung cho cả nước.
Thí sinh tham dự kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh minh hoạ: TTXVN) |
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khó có thể điều chỉnh khung kế hoạch năm học thêm nữa vì thời gian đã cạn dần.
Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tổ chức xét tốt nghiệp thay cho kì thi phổ thông quốc gia năm nay.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy ý kiến này chưa thể thực hiện vì trái Luật Giáo dục 2019 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.
Cụ thể, Luật Giáo dục mới quy định học sinh học hết phổ thông, dự thi và đạt thì được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
Còn học sinh học hết phổ thông, không dự thi hoặc thi không đạt thì được Hiệu trưởng cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông.
Học sinh có thể sử dụng giấy chứng nhận này để theo học giáo dục nghề nghiệp hoặc trong trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật (Điều 34 Luật Giáo dục năm 2019).
Cho nên, từ dịp học sinh nghỉ phòng dịch Covid-19 dài ngày, thiết nghĩ đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nghiên cứu tổ chức kì thi trung học phổ thông quốc gia sao cho phù hợp.
Tổ chức nhiều đợt thi quốc gia có khó khăn gì không?
Kiến nghị Bộ trưởng Giáo dục, Chủ tịch Hà Nội bớt môn thi tốt nghiệp, vào lớp 10 |
Hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và chưa biết đến khi nào chúng ta mới có thể kiểm soát hoàn toàn được tình hình này.
Một số tỉnh/ thành như Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu… đã có thông báo cho học sinh nghỉ học hết tháng 3 và chưa xác định ngày mở trường trở lại (tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh mới có thông báo cụ thể).
Cho nên, không có gì lấy làm chắc chắn, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 11/8 như kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trước mắt, những tỉnh thành nào kết thúc năm học 2019-2020 trước ngày 15/7 thì cho học sinh tham gia kì thi thi trung học phổ thông quốc gia đợt từ ngày 8 đến 11/8.
Những tỉnh thành nào kết thúc năm học sau mốc thời gian 15/7 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể tổ chức kì thi trung học phổ thông quốc gia đợt 2 vào khoảng tháng 9, 10.
Như thế, kì thi trung học phổ thông quốc gia năm nay có thể được tổ chức thành hai đợt hoặc hơn thế nữa nếu diễn biến dịch phức tạp.
Dĩ nhiên, tổ chức nhiều kì thi như thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ vất vả hơn nhiều trong việc phân công cán bộ ra đề, triệu tập giám khảo chấm thi cùng với thực hiện những khâu có liên quan đến kì thi này.
Tuy vậy, đa phần những môn thi trắc nghiệm (Toán, ngoại ngữ, tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội) thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ngân hàng câu hỏi phong phú được tích lũy từ nhiều năm nay, nên việc ra đề cũng không gặp khó khăn gì.
Việc tổ chức nhiều kì thi trung học phổ thông quốc gia giúp học sinh có nhiều thuận lợi trong việc xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Với học sinh xét tuyển đại học, cao đẳng theo phương thức lấy điểm học bạ thì không cần điểm thi trung học phổ thông quốc gia nhưng bắt buộc phải có giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời/bằng tốt nghiệp.
Riêng học sinh sử dụng điểm thi trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển đại học, cao đẳng thì nhà trường cũng rất thuận lợi trong khâu tuyển sinh, bởi kết quả được sàng lọc kĩ càng, đủ độ tin cậy hơn so với điểm học bạ.
Ngoài ra, việc xét tuyển vào đại học, cao đẳng nhiều đợt trong năm cũng giúp nhà trường giảm tải áp lực trong việc tuyển sinh 1, 2 đợt và giảm được lượng hồ sơ ảo đáng kể như hiện nay.
Học sinh xét tuyển đợt 2, 3 cũng không hề gặp khó trong khung thời gian đào tạo, vì đa số các trường đại học, cao đẳng hiện đang dạy theo hệ thống tín chỉ.
Người học có quyền lựa chọn môn học, thời gian học (sáng, chiều, tối) để có thể rút ngắn hay kéo dài thời gian học sao cho phù hợp với điều kiện bản thân, gia đình.
Như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nghiên cứu tổ chức nhiều đợt thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020 là phương án khả thi nhất hiện nay.