Có giáo viên nỗ lực tự đổi mới nhưng gặp nhiều câu hỏi, đành dừng lại cho "lành"

17/06/2023 06:32
Nguyễn Nhật Minh
GDVN- Đổi mới chưa bao giờ dễ, càng không dễ trong lĩnh vực giáo dục khi giáo viên vẫn nhất nhất theo sách giáo khoa, đi theo lối mòn xưa cũ.

Từ khi ngành giáo dục cho phép giáo viên lên phân phối chương trình bộ môn mình dạy, tổ bộ môn, nhà trường duyệt. Mỗi trường có một phân phối chương trình riêng, phù hợp điều kiện thực tế của mình.

Mỗi trường có một phân phối chương trình riêng, cũng gây ra rắc rối như khi thi giáo viên dạy giỏi, bài này trường chia 01 tiết, ngược lại, trường khác có thể 02, 03 tiết, dẫn đến đảo lộn dự tính của giáo viên tham gia hội thi, hội giảng.

Tuy vậy, nhìn trên bình diện chung, việc Bộ cho phép các cơ sở giáo dục chủ động thực hiện phân phối chương trình là đổi mới bước đầu mang tính đột phá trong giáo dục.

Đổi mới bước đầu mang tính đột phá này vẫn phải ràng buộc trong khung chương trình, khung kế hoạch năm học.

Dù giáo viên có chủ động thực hiện chương trình bộ môn của mình phụ trách vẫn phải tuân theo những nguyên tắc nhất định để đảm bảo kế hoạch tuần, tháng, năm của nhà trường hoạt động trơn tru.

Ví dụ, môn Hóa học 8 cả năm có 70 tiết, mỗi tuần có 02 tiết, học kì I có 36 tiết/18 tuần; học kì II có 34 tiết/17 tuần.

Giáo viên có thể thay đổi số tiết của một bài, của một chủ đề, nhưng không thể thay đổi số tiết/tuần được, các môn học khác cũng tương tự.

Ảnh minh họa của SQH

Ảnh minh họa của SQH

"Tôi đã chủ động đổi mới phân phối chương trình nhưng đành dừng lại" đó là kết luận buồn của thầy giáo Nguyễn Mạnh Hùng, giáo viên dạy Hóa học ở một tỉnh phía Nam. Thầy Hùng chia sẻ: “Tôi đã thực hiện “khoán 10 trong giáo dục” 3 năm trước rồi.

Trong sách Hóa học lớp 9 và phân phối chương trình trước đây, phần hóa học Vô cơ học sinh sẽ học theo tuyến tính từ hợp chất đến đơn chất: bắt đầu là Oxit, Axit, Bazo, Muối, Kim loại, Phi kim, tức là từ phức tạp đến đơn giản, từ hợp chất đến đơn chất.

Việc thực hiện chương trình như thế tôi thấy không phù hợp với cách dạy, cách hiểu, mong muốn truyền đạt kiến thức, kĩ năng của bản thân mình cho học sinh.

Tôi đã chủ động dạy cho học sinh học ngược lại, từ đơn chất đến hợp chất, từ đơn giản đến phức tạp.

Việc thuyết phục tổ chuyên môn, lãnh đạo nhà trường, thực hiện trái ngược với sách giáo khoa cũng không phải đơn giản, khi sách giáo khoa, phân phối chương trình đã ăn sâu, cắm rễ trong nhận thức rồi, thay đổi khó lắm.

Cuối cùng, nhà trường, tổ chuyên môn cho phép tôi thực hiện “thí điểm” trên 01 lớp nhưng vẫn phải “bí mật”, nếu đạt kết quả tốt thì phát triển “đại trà”.

Thực hiện chương trình theo ý mình, được làm điều mình mình thích, thích điều mình đang làm, thật sự là hạnh phúc của nghề giáo.

Học sinh học hứng thú, nhiều em yêu thích bộ môn, lúc đầu đăng ký thi học sinh giỏi môn khác, nhưng nay thi học sinh giỏi môn Hóa học.

Sau học kì I, trong 5 em đội tuyển học sinh giỏi môn Hóa học lớp 9 đi thi học sinh giỏi cấp huyện có 04 em ở lớp “thí điểm” và cả 4 em đều đạt học sinh giỏi cấp huyện.

Trong đó có 02 em được chọn đi thi cấp tỉnh, cả hai em đều đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Chất lượng đại trà cũng đạt kết quả tốt hơn so với những lớp không “thí điểm”.

Việc đổi mới của tôi sau đành phải dừng lại khi bất đồng quan điểm với đoàn kiểm tra chuyên môn.

Một đại diện đoàn nêu quan điểm: “Các tác giả viết sách giáo khoa là giáo sư, tiến sĩ, là cây đa, cây đề của ngành, có sỏi trong đầu cả rồi.

Các tác giả đã nghiên cứu, tìm tòi hàng chục năm qua, dễ gì ngày một ngày hai mà chúng ta có thể qua mặt được những tượng đài đó.

Tôi ghi nhận sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm của giáo viên và đơn vị, nhưng để tiếp tục, nhân rộng, nhà trường cần có báo cáo khoa học, chi tiết”.

Sau lời phát biểu của đại diện đoàn thanh kiểm tra chuyên môn, để cho yên lành, tôi đành dừng lại kế hoạch đầy tâm sức của mình”.

Thực tế, giáo viên đổi mới, chủ động thực hiện phân phối chương trình nói riêng, giáo dục nói chung, thường gặp những vật cản vô hình mà cứng hơn sắt đá, đó chính là tư duy của lãnh đạo, của đồng nghiệp.

Giáo viên sẽ phải trả lời câu hỏi: Cái này đã ai làm chưa? Minh chứng ở đâu? Tài liệu nào đã viết, và vô số những câu hỏi khác, đồng nghiệp nhìn thấy vậy sẽ tự đóng "kén" cho suy nghĩ của mình, chọn cách làm cũ, thay vì cái mới dù có lợi cho học trò.

Đổi mới chưa bao giờ dễ, càng không dễ trong lĩnh vực giáo dục khi giáo viên vẫn còn thần tượng những tác giả viết sách giáo khoa, tác giả làm chương trình, không tự tin vào bản thân mình.

Đổi mới càng khó hơn khi giáo viên còn coi sách giáo khoa luôn luôn đúng, sách giáo khoa là pháp lệnh, thích đi theo lối mòn xưa cũ, từ đó ngại làm mới chính bản thân mình.

Người viết mong những tác giả viết sách giáo khoa trân quý tình cảm của giáo viên dành cho họ, hãy dành tâm huyết cho công việc thiêng liêng và đầy trách nhiệm, viết những bộ sách giáo khoa chất lượng, không “sạn”, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.

Đổi mới trong giáo dục phải bắt đầu từ lãnh đạo cơ sở, hãy coi đổi mới là nhiệm vụ sống còn của mình, đổi mới để giáo dục đạt năng suất cao nhất thật như hạt lúa, củ khoai, chứ không phải là những con số báo cáo đẹp sau mỗi năm học.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh