Cô giáo mầm non từng đi bộ nửa ngày mới đến lớp mong cống hiến cho GD huyện nhà

19/04/2023 06:43
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phải dạy lớp ghép, số lượng học sinh đông nên việc quản lý lớp học, quan tâm từng đối tượng học sinh chưa bao giờ là dễ dàng đối với cô Lèn những ngày đầu đi dạy.

Cô giáo Tẩn Thị Lèn sinh năm 1987 ở xã Khâu Vai (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) hiện đang là giáo viên công tác tại điểm trường Mã Pì Lèng A (thuộc Trường Mầm non xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lèn kể, từ năm 2010 - 2012 cô học và tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang.

Cô giáo mầm non Tẩn Thị Lèn. (Ảnh: Ngọc Mai).

Cô giáo mầm non Tẩn Thị Lèn. (Ảnh: Ngọc Mai).

Tháng 1/2013, cô được Ủy ban nhân dân huyện Mèo Vạc tuyển dụng và phân công công tác tại Trường Mầm non xã Xín Cái (tỉnh Hà Giang) - vùng biên giới nên điều kiện dạy và học đặc biệt khó khăn.

Từ năm 2017 - 2020, vì muốn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, cô Lèn đã tham gia học đại học hệ vừa học vừa làm tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên.

Từ tháng 8/2020, cô được điều động sang công tác tại Trường Mầm non xã Pả Vi (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang). Từ đó, cô Lèn luôn nỗ lực phấn đấu nên năm nào cũng đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Chia sẻ về công việc giảng dạy của mình, cô Lèn kể, năm học 2022 - 2023, cô được lãnh đạo Trường Mầm non Pả Vi phân công giảng dạy lớp mẫu giáo 3 - 5 tuổi ở điểm trường Mã Pì Lèng A.

Cô Lèn đón trẻ vào lớp ở điểm trường Mã Pì Lèng A. (Ảnh: Ngọc Mai).

Cô Lèn đón trẻ vào lớp ở điểm trường Mã Pì Lèng A. (Ảnh: Ngọc Mai).

“Dù tôi đã có kinh nghiệm giảng dạy qua những năm công tác trước đó nhưng vẫn vô cùng lo lắng vì việc vận động trẻ đến lớp ở địa phương này rất khó khăn. Thêm vào đó, tôi phải dạy lớp ghép, có nhiều độ tuổi, số lượng học sinh đông nên việc quản lý lớp học, quan tâm từng đối tượng học sinh chưa bao giờ là dễ dàng", cô Lèn nói.

Theo lời cô Lèn, khác với vùng đồng bằng thuận lợi, Mèo Vạc là một huyện miền núi biên giới thuộc tỉnh Hà Giang, địa hình hiểm trở, dân cư sống thưa thớt, không tập trung, khoảng cách trẻ đến điểm trường rất xa. Đặc biệt là đối với trẻ 3 - 4 tuổi còn nhỏ nên việc được phụ huynh đưa đón đến trường rất cần thiết. Tuy nhiên, tại điểm trường cô Lèn dạy học, 100% phụ huynh là người dân tộc thiểu số, sống phụ thuộc hoàn toàn vào nghề nông, bận làm ăn nên bố mẹ không đưa đón, trẻ tự đi theo đường mòn tới lớp.

"Đây là điều khiến tôi vô cùng lo lắng trong những buổi đầu đến trường làm việc”, cô Lèn tâm sự.

Lớp học của cô Lèn tại điểm trường Mã Pì Lèng A. (Ảnh: Ngọc Mai).

Lớp học của cô Lèn tại điểm trường Mã Pì Lèng A. (Ảnh: Ngọc Mai).

Giai đoạn đầu đi làm không chỉ khó khăn trong việc vận động trẻ đến lớp mà cô Lèn còn cảm thấy vô cùng chạnh lòng khi nhìn thấy lớp học của trẻ. Đó là lớp học chật hẹp, mái lợp bằng tôn, mùa đông lạnh, mùa hè nóng nực, trẻ ăn trưa và sinh hoạt tại lớp và không có nhà vệ sinh,...

Để khắc phục những khó khăn đó, cá nhân cô Lèn và lãnh đạo nhà trường đã không quản ngại vất vả, không ngừng kêu gọi các nhà hảo tâm để họ có thể giúp đỡ một phần cho nhà trường và các lớp học về cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ.

Nhờ vậy, đến nay, điểm trường đã được xây nhà vệ sinh, lắp ống dẫn nước đến lớp học, cô trò bớt những khó khăn trong quá trình sinh hoạt.

Quá trình dạy học ở vùng biên giới còn thiếu thốn, vất vả nhưng chưa bao giờ cô Lèn cảm thấy hối hận vì chọn con đường gắn bó với giáo dục nơi đây. Mặc dù đã có những lúc, cô mong được công tác ở nơi thuận lợi như các bạn đồng nghiệp ở thành phố, có cơ sở vật chất đầy đủ, không lo đến công tác vận động học sinh, vất vả dạy trẻ nói tiếng Việt, con cái của cô sẽ có điều kiện học tập tốt hơn, nhưng cô chia sẻ:

“Cá nhân tôi là người con của quê hương Mèo Vạc nên rất mong muốn được cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của huyện nhà. Nếu như ai cũng chuyển công tác về những nơi có điều kiện tốt hơn, thuận lợi thì ai sẽ ở lại để phát triển giáo dục tại vùng sâu, vùng xa đây”.

Học sinh tại điểm trường Mã Pì Lèng A trong giờ ăn trưa. (Ảnh: Ngọc Mai).

Học sinh tại điểm trường Mã Pì Lèng A trong giờ ăn trưa. (Ảnh: Ngọc Mai).

Suốt những năm tháng giảng dạy ở vùng khó đã để lại cho cô Lèn những kỷ niệm khó quên. Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất, cô kể, năm 2015, lãnh đạo Trường Mầm non xã Xín Cái phân công cô dạy lớp 3 - 5 tuổi tại điểm trường thôn Tìa Kính.

Điểm trường này cách xa trung tâm xã, mà lúc ấy, đường để xe máy đi được chưa có, nên cô Lèn phải đi bộ nửa ngày mới đến lớp học. Do vậy, cô ngủ lại ở điểm trường và cuối tuần mới về nhà.

Cũng trong năm đó, tại lớp học cô dạy có 2 học sinh trong một gia đình. Một em 5 tuổi, một em khoảng gần 3 tuổi học chung 1 lớp. Trong khi các bạn học sinh khác về nhà vào buổi tối thì 2 em này đi học không chịu về nhà, luôn đòi ngủ lại với cô. Cô Lèn đã tìm hiểu hoàn cảnh thì được biết, mẹ hai em đã bỏ đi lấy chồng khác từ lúc mới sinh bé thứ hai chưa đầy tháng, còn bố đi làm thuê ở Trung Quốc đến Tết mới về.

Thời điểm đó, hai em ở với ông bà nội. Thương hoàn cảnh học sinh nên cô Lèn đã xuống nhà xin ông bà cho 2 em ở lại với cô, cuối tuần cô sẽ đưa về nhà. Ông bà nhanh chóng đồng ý vì nghĩ đến hoàn cảnh gia đình, khó lo được cho cháu ăn uống đầy đủ. Nếu ở với cô thì có thể hai bé sẽ được ăn ngon, ăn no, học hành tốt hơn.

Cô Lèn khi ấy cũng chỉ có gạo, lạc, rau, chút gia vị để làm thực phẩm, nhưng vẫn tốt hơn nhà hai em nhỏ chỉ toàn mèn mén, rau cải nấu nhạt vì không có gia vị. Chính vì vậy, khi ở với cô, 2 em luôn bảo: cô Lèn có đồ ăn ngon miệng và hai em cứ ở với cô như vậy đến hết năm học.

“Năm vừa rồi, tôi có dịp gặp lại em lớn trong 2 học sinh đó, tôi đã không nhận ra vì em không còn là đứa trẻ nhỏ nhỏ, cùng ở với tôi như trước. Tuy nhiên, nhìn thấy tôi, em vẫn nhận ra và chào cô. Hiện tại, em vừa học vừa tranh thủ làm việc kiếm tiền để nuôi em ruột cũng đang tuổi ăn học.

Nghe vậy, tôi nghẹn ngào, rất thương các em, những đứa trẻ nơi đây phải trưởng thành sớm vì hoàn cảnh còn khó khăn”, cô Lèn nhớ lại.

Cô Tẩn Thị Lèn (đứng giữa) nhận giấy khen trong buổi lễ vinh danh giáo viên điển hình tiên tiến của huyện Mèo Vạc năm học 2021- 2022. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Cô Tẩn Thị Lèn (đứng giữa) nhận giấy khen trong buổi lễ vinh danh giáo viên điển hình tiên tiến của huyện Mèo Vạc năm học 2021- 2022. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Vẫn sẽ tiếp tục cống hiến cho giáo dục nơi đây, cô Lèn bày tỏ mong muốn, các cấp lãnh đạo quan tâm và đầu tư nhiều hơn đến cơ sở vật chất của các điểm trường mầm non, có nhiều chế độ chính sách ưu đãi cho giáo viên mầm non công tác ở vùng dân tộc thiểu số, tăng số tiền ăn trưa cho trẻ mầm non để các bữa ăn của trẻ đảm bảo chất dinh dưỡng hơn.

Ngọc Mai