Năm học 2024-2025 là năm ngành Giáo dục triển khai đồng loạt chương trình 2018 ở các lớp học phổ thông. Khi kết thúc năm học, học sinh lớp 9 và lớp 12 sẽ trải qua kỳ thi quan trọng, mang tính quyết định đối với tương lai của mình.
Đối với học sinh lớp 9, các em sẽ trải qua kỳ thi tuyển sinh 10 rất khốc liệt vì nhiều địa bàn tỉ lệ chọi tương đối cao. Học sinh lớp 12 sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa để xét tốt nghiệp, vừa để xét tuyển đại học nên việc cạnh tranh 1 suất vào một số ngành học, trường đại học cũng khá căng thẳng.
Trong khi đó, học sinh lớp 9 và lớp 12 ở năm học 2024-2025 là khóa đầu tiên tham dự kỳ thi của chương trình 2018 với rất nhiều điểm mới. Trong đó, đề thi môn Ngữ văn sẽ không lấy ngữ liệu trong 3 bộ sách giáo khoa đã học làm ngữ liệu cho phần đọc hiểu và phần viết.
Vì thế, nếu không có sự chủ động chuẩn bị kĩ lưỡng của học sinh, cùng với sự định hướng đúng đắn trong giảng dạy của giáo viên ở trên lớp sẽ là thách thức cho nhiều học sinh lớp 9 và lớp 12 ở năm học này.
Môn Ngữ văn từ một môn dễ lấy điểm trở thành môn học có nhiều thách thức đối với học sinh lớp 9 và lớp 12
Những năm học vừa qua, những học sinh lớp 9 khi tham dự kỳ thi tuyển sinh 10 thì môn Ngữ văn mặc dù ít điểm 9, điểm 10 nhưng vẫn là môn thi dễ lấy điểm nhất đối với gần hết các thí sinh. Học sinh chỉ cần nắm được kiến thức cơ bản sẽ dễ dàng đạt 5-7 điểm.
Hơn nữa, đây là môn thi mà phần lớn các địa phương đang nhân điểm hệ số 2 nên điểm Ngữ văn thường mang tính quyết định trong việc đậu và rớt của thí sinh dự thi. Bởi, môn Toán và tiếng Anh ở các trường thuộc khu vực khó khăn sẽ khó đạt điểm cao.
Đối với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, môn Ngữ văn cũng là một trong những môn thi có điểm trung bình môn cao nhất. Chẳng hạn, kỳ thi tốt nghiệp năm 2024, điểm trung bình môn Ngữ là 7,23 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 8,0 điểm.
Cả nước có 377.956/ 1.050.132 thí sinh dự thi đạt điểm Ngữ văn từ 8,0 trở lên (chiếm tỉ lệ 35,99%); nếu tính từ điểm từ 9,0 trở lên có 92.055 thí sinh (chiếm tỉ lệ 8,76%). Điểm Ngữ văn cao, không chỉ giúp cho thí sinh dễ dàng đậu tốt nghiệp mà còn giúp cho những thí sinh xét tuyển đại học những tổ hợp có môn Ngữ văn chiếm nhiều lợi thế.
Nhưng, từ năm học 2024-2025 này thì mọi chuyện có thể sẽ khác. Môn Ngữ văn rất khó để thí sinh có được điểm thi cao như những năm vừa qua. Đơn giản là mục tiêu chương trình 2018 không còn tái hiện kiến thức như chương 2006 mà sẽ hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực người học.
Đặc biệt, phần nghị luận văn học của đề thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông không còn đóng khung ở những tác phẩm văn học trong sách giáo khoa mà học sinh đã được học, được ôn luyện kĩ lưỡng như hàng chục năm vừa qua.
Cụ thể, Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH đã hướng dẫn: “Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”.
Với hướng dẫn này, kỳ thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì ngữ liệu trong đề thi Ngữ văn sẽ hoàn toàn mới lạ. Thí sinh chỉ có thể vận dụng những kiến thức về lý thuyết trong chương trình, sách giáo khoa đã học để giải quyết các câu hỏi, các lệnh đề trong đề thi.
Thời gian làm bài của 2 kỳ thi này đối với môn Ngữ văn là 120 phút, thí sinh phải dành khoảng 10-15 phút để đọc và suy ngẫm nội dung ngữ liệu. Nếu ngữ liệu phần viết (làm văn) là văn xuôi có thể lâu hơn vì vừa đọc, vừa phải biết tóm tắt nội dung, phân tuyến nhân vật, tìm chủ đề; cảm hứng chủ đạo…của đoạn trích hoặc tác phẩm truyện.
Vì thế, nếu học sinh không được trang bị những kĩ năng cần thiết khi tiếp cận đề Ngữ văn sẽ gặp nhiều khó khăn khi tham dự kỳ thi. Phải là những học sinh có năng lực thực sự mới có thể cảm nhận, triển khai thấu đáo phần nghị luận văn học để có được điểm thi cao.
Cần sự nỗ lực của bộ phận chuyên môn, giáo viên và học sinh
Đến thời điểm này, Bộ đã công bố đề minh họa môn Ngữ văn cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 nhưng đề thi tuyển sinh 10 chỉ có vài địa phương đã công bố. Phần nhiều, những địa phương còn lại vẫn đang án binh bất động.
Trong khi đó, có những địa phương đang thực hiện đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn các lớp chương trình mới (6,7,8,10,11) trong những năm vừa qua theo hình thức tự luận hoàn toàn (giống đề minh họa của Bộ). Nhưng, cũng có những địa phương đang thực hiện theo hình thức tự luận kết hợp với trắc nghiệm khách quan.
Trong khi đó, môn Ngữ văn ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông hiện nay đang thực hiện tương đồng với nhau. Về chương trình và sách giáo khoa có cách bố trí kiến thức tương đối giống về nội dung, chủ đề. Điều khác biệt là mỗi năm, kiến thức được nâng cao lên một chút.
Cả 2 cấp học này, cùng thực hiện theo nội dung Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông và kỳ thi tuyển sinh 10; thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì môn thi Ngữ văn đều là môn thi bắt buộc.
Vì thế, nếu một số địa phương không thống nhất được hình thức kiểm tra, thi cử đối với môn Ngữ văn giữa 2 cấp học sẽ khiến cho học sinh gặp khó khăn. Và, ngay trong chỉ đạo, điều hành của Sở Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ gặp những bất cập nhất định.
Chúng tôi cho rằng, muốn kỳ thi tuyển sinh 10; thi tốt nghiệp trung học phổ thông đầu tiên của chương trình 2018 thành công thì việc chỉ đạo, giảng dạy, học tập môn Ngữ văn cần phải được đầu tư và chuẩn bị kĩ lưỡng.
Thứ nhất: lãnh đạo Sở, đặc biệt là chuyên viên phụ trách môn Ngữ văn phải định hướng được cấu trúc, hình thức thi môn Ngữ văn cho địa phương của mình.
Trong đó, những địa phương chưa công bố đề minh họa cho kỳ thi tuyển sinh 10 cần nhanh chóng triển khai và công bố đến các nhà trường. Hiện nay, đề minh họa Ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là tự luận hoàn toàn thì địa phương cũng phải theo hình thức này.
Thứ hai: hội đồng cốt cán môn Ngữ văn cấp tỉnh, cấp huyện cần có sự bàn bạc thấu đáo, thống nhất với nhau về chuyên môn. Trong đó, cần đầu tư có chiều sâu những tiết thao giảng chuyên đề đối với phân môn viết (làm văn) hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực người học (nhưng đừng diễn).
Thứ ba: nhà trường nên phân công những giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy; tổ chuyên môn cần sinh hoạt nhiều chuyên đề trong những lần họp tổ chuyên môn để cùng nhau rút kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn.
Thứ tư: đối với giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn phải là những người chịu khó trau dồi kiến thức, biết định hướng, giảng dạy cho học trò của mình những kiến thức trọng tâm nhất. Biết gợi mở và giúp cho học sinh của mình biết triển khai những bài nghị luận văn học theo định hướng của Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH.
Thứ năm: học sinh lớp 9 và lớp 12 ở năm học 2024-2025 cần chủ động học tập, nắm vững phần tri thức ngữ văn ở đầu mỗi chủ đề trong sách giáo khoa. Biết khai thác những ngữ liệu mới trong phần nghị luận văn học. Sau mỗi bài kiểm cần soi lại qua bảng kiểm để đánh giá bài viết của mình đã đạt yêu cầu chưa. Làm đi, làm lại nhiều lần sẽ tạo ra lối đi cho riêng mình.
Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên các trường dạy và học chương trình 2018 đối với lớp 9 và lớp 12 nên cả thầy và trò cần nỗ lực cố gắng. Tất cả cùng chung sức, nỗ lực vì sự thay đổi của ngành giáo dục, vì nhà trường, vì tương lai của mỗi học sinh để tránh những bài văn hời hợt, vô hồn, thậm chí không làm được bài trong những kỳ thi quan trọng.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.