Chuyên gia kiến nghị phạt tuyển sinh bằng tổng thu vượt chỉ tiêu

30/12/2022 06:55
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Với mức phạt cao nhất 150 triệu đồng với tổ chức và cá nhân 75 triệu đồng là quá thấp so với học phí trường thu được từ số lượng tuyển vượt.

Mới đây, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Nguyễn Đức Cường cho biết đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính 78 cơ sở giáo dục đại học có hành vi vi phạm trong công tác tuyển sinh đại học năm 2021 bao gồm các lỗi vi phạm như tuyển vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực, vừa tuyển sinh không đúng đề án đã công khai,...

Đã có quy định, vì sao các trường vẫn “nhờn”?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Phạm Minh

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Phạm Minh

Trao đổi vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận định, sở dĩ nhiều cơ sở giáo dục dù biết đã có quy định nhưng vẫn “cố tình” vượt rào vì việc tăng chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến nguồn thu tài chính của trường.

Cụ thể, theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, câu chuyện tuyển sinh vượt chỉ tiêu của các trường có thể nhìn nhận theo 2 hướng: Cố tình và không cố tình. Theo đó, một số trường hợp có thể xảy ra do quá trình trường xác định điểm chuẩn để lọc thí sinh, nhiều em bằng điểm nhau hoặc mức điểm sát nhau nên thừa một số chỉ tiêu là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, trường hợp trên không xảy ra nhiều. Nguyên nhân chính để nhiều trường “sẵn sàng vượt rào” chính là lý do về lợi ích tài chính.

“Hiện nay chúng ta biết nguồn thu chính của các cơ sở giáo dục đại học đến từ học phí (chiếm tới trung bình từ 70-80%), các khoản thu khác vẫn có tuy nhiên không đáng kể. Do vậy mới làm nảy sinh xu hướng tuyển sinh vượt chỉ tiêu dù biết vi phạm quy định và chất lượng đào tạo không đảm bảo”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết.

Ngoài hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền, các cơ sở vi phạm còn bị các hình thức xử phạt bổ sung. Những cơ sở tuyển vượt chỉ tiêu thì sẽ bị khấu trừ chỉ tiêu năm tiếp theo.

Những cơ sở đào tạo vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh cũng sẽ không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn 5 năm, kể từ khi có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc vi phạm.

Quy định nghiêm khắc như vậy nhưng vì sao các cơ sở vẫn cố tình “vượt rào”? Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, hiện nay có lãnh đạo theo tư duy tâm lý nhiệm kỳ, do vậy các quy định như khấu trừ chỉ tiêu tuyển sinh hay không được tự chủ xác định chỉ tiêu,... sẽ ít được quan tâm.

Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận. Ảnh: UEB

Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận. Ảnh: UEB

Dưới góc nhìn là một người từng đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng, Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ) tiết lộ một số lý do nhiều trường tuyển vượt chỉ tiêu như:

Thứ nhất, cơ sở đào tạo tuyển vượt chỉ tiêu nhằm “trừ hao” số lượng sinh viên sẽ bỏ học, thôi học sau này.

“Sau một thời gian học, nhiều sinh viên mới nhận thấy ngành học hiện tại không đúng với sở trường, năng lực hay niềm đam mê của mình, do vậy có khá nhiều em sẽ chọn thôi học. Số lượng này ở các ngành chiếm khoảng 10% mỗi năm”, Giáo sư Đặng Ứng Vận nói.

Thứ hai, việc tuyển sinh ở nhiều ngành nghề, nhất là các ngành truyền thống đang có xu hướng giảm, vì vậy với tâm lý chung của các trường thì “càng tuyển được nhiều trường càng phấn khởi!”.

Lý do cuối cùng Giáo sư Đặng Ứng Vận đặc biệt nhấn mạnh chính là việc thiếu công tác quy hoạch, dự báo nguồn nhân lực ở tầm quốc gia; Do vậy, cơ sở đào tạo không có cơ sở để đối chiếu, xác định ngành nên tuyển ít, ngành nên tuyển nhiều.

Chỉ tiêu nên được xác định theo năng lực của cơ sở đào tạo hay nhu cầu nhân lực quốc gia?

Yếu tố về dự báo nguồn nhân lực cũng là vấn đề Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cập đến khi bàn luận về vấn đề này.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng việc xác định chỉ tiêu đầu vào hiện nay đang có một số hạn chế.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Tùng Dương

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Tùng Dương

“Chỉ tiêu tuyển sinh hiện nay đang được xác định dựa trên 2 yếu tố chính là diện tích sàn xây dựng và đội ngũ giảng viên, trong khi đó yếu tố cân đối cơ cấu nguồn nhân lực để phát triển đất nước thì lại không có.

Việc xác định chỉ tiêu cho các cơ sở giáo dục đại học không chỉ dựa vào năng lực của từng trường mà phải dựa vào nhu cầu nhân lực của nền kinh tế - xã hội, phải đặt trong tổng thể đào tạo nguồn nhân lực chung cả giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp”, ông Vinh nhấn mạnh.

Do vậy, để đảm bảo chất lượng tuyển sinh, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh kiến nghị cần đưa vào yếu tố dự báo nguồn nhân lực quốc gia, bên cạnh khả năng đào tạo của cơ sở giáo dục. Đồng thời, để đảm bảo tính chính xác, khách quan của yếu tố tỉ lệ sinh viên có việc làm của nhà trường, Tiến sĩ Vinh đề xuất tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sinh viên.

Ngoài ra, đối với các cơ sở giáo dục đào tạo vi phạm vượt chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần có chế tài xử lý mạnh hơn.

Với mức phạt hành chính cao nhất 150 triệu đồng với tổ chức và cá nhân 75 triệu đồng là quá thấp so với mức học phí cơ sở giáo dục thu được từ số lượng sinh viên tuyển vượt. Vì vậy, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh kiến nghị mức xử phạt hành chính nên tính theo mức học phí mà cơ sở đào tạo thu được.

“Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các bộ ngành phải xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia năm 2023. Đây sẽ là cơ sở để các trường phân tích, đánh giá, dự báo nhu cầu nhân lực để xác định chỉ tiêu đầu vào phù hợp.

Về việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có những đề tài về việc phân tích nhu cầu nhân lực để đặt hàng, tuy nhiên do chúng ta chưa có đủ dữ liệu toàn quốc nên việc triển khai còn chưa tới. Trong thời gian tới, khi chúng ta đã có nguồn dữ liệu toàn quốc thì công tác tuyển sinh, đào tạo sẽ được đảm bảo hơn” Giáo sư Đặng Ứng Vận.

Doãn Nhàn