Chuyên gia chỉ ra hàng loạt điểm chưa thoả đáng của bảng xếp hạng ĐH Việt Nam

21/02/2023 09:50
An Nhiên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu bảng xếp hạng các trường đại học sử dụng dữ liệu không đảm bảo độ tin cậy có thể dẫn đến định hướng sai dư luận về vị trí, thương hiệu của trường đại học.

Bảng xếp hạng đại học Việt Nam (VNUR) vừa công bố top 100 trường đại học hàng đầu của Việt Nam. Song, thời gian qua cũng đã có những ý kiến trái chiều xoay quanh thứ hạng của các trường đại học cũng như các tiêu chuẩn, tiêu chí của bảng xếp hạng này.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nói rằng, chúng ta có nhiều mô hình cơ sở giáo dục đại học khác nhau với cơ cấu tổ chức khác nhau, nên việc xếp hạng chung cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học là không dễ và chưa thực sự thuyết phục.

Việt Nam có mô hình đại học quốc gia, đại học vùng với nhiều trường đại học thành viên, cơ cấu tổ chức khác hoàn toàn so với những trường đại học khác.

4 cơ sở giáo dục đại học đứng đầu Bảng xếp hạng VNUR 2023. Ảnh: Chụp màn hình website VNUR

4 cơ sở giáo dục đại học đứng đầu Bảng xếp hạng VNUR 2023. Ảnh: Chụp màn hình website VNUR

Nếu xếp hạng các trường đại học khác của Việt Nam cùng với các trường thành viên của 2 đại học quốc gia và thành viên của 3 đại học vùng thì sẽ hợp lý hơn, nhưng xếp hạng đại học quốc gia, đại học vùng cùng một bảng với các trường đại học khác là không đồng thứ nguyên trong xếp hạng, không đảm bảo tính khoa học. (Với các tổ chức xếp hạng nước ngoài, các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam được dịch thuật là “University” thì đều đồng thứ nguyên để xếp hạng).

Bàn về các tiêu chuẩn, tiêu chí của Bảng xếp hạng VNUR, bà Phương Nga đặt ra những băn khoăn về cơ sở đưa ra trọng số với 6 tiêu chuẩn và 17 tiêu chí.

“Các tiêu chuẩn, tiêu chí xếp hạng quyết định thứ bậc của các trường đại học nhưng bảng xếp hạng này không nêu rõ cơ sở nào để đưa ra những trọng số đó. Tất cả trọng số cần có tính toán, nghiên cứu, nếu không giải thích sẽ khiến nhiều người nghi ngờ, nếu chỉ ra rõ cơ sở khoa học thì người dùng sẽ thấy sức thuyết phục cao.

Tiêu chuẩn đầu tiên là “Chất lượng được công nhận” với trọng số cao nhất chiếm 30%. Trong đó có 4/6 tiêu chí liên quan đến hoạt động kiểm định chất lượng.

Điều tôi băn khoăn là vì sao kiểm định cơ sở giáo dục theo bộ tiêu chuẩn khu vực và quốc tế chiếm trọng số 6%, trong khi kiểm định cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước chỉ chiếm trọng số 4%;

Kiểm định chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn khu vực (ví dụ: AUN-QA) và quốc tế chiếm trọng số 6% trong khi kiểm định chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn trong nước chỉ chiếm trọng số 4%?

Trong khi, Việt Nam đang sử dụng đúng các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo của tổ chức AUN-QA để kiểm định chất lượng.

Vậy cơ sở nào để đưa ra những trọng số này, phải chăng VNUR đánh giá cao việc kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn nước ngoài hơn là kiểm định theo tiêu chuẩn của Việt Nam?

Liệu việc các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được đánh giá chất lượng hoặc kiểm định chất lượng theo bộ tiêu chuẩn nước ngoài là có chất lượng cao hơn không? Muốn biết chính xác, chúng ta phải phỏng vấn các trường đại học xem khi trường kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn nước ngoài, trường đã thu được những kết quả gì, có thu được những khuyến nghị thực sự hữu ích để thay đổi chất lượng nhà trường không?

Chúng ta chưa có công trình nghiên cứu nào khẳng việc kiểm định của nước ngoài tốt hơn kiểm định chất lượng của Việt Nam, chẳng hạn không thể khẳng định đánh giá chất lượng của AUN-QA là có “chất lượng” cao hơn chất lượng đánh giá của các tổ chức kiểm định chất lượng của Việt Nam", bà Nga nêu vấn đề.

Tiêu chuẩn thứ 2 là “Dạy học” (trọng số 25%) với hai tiêu chí: Tỉ lệ số lượng sinh viên trên một giảng viên (13%) và tỉ lệ số lượng giảng viên có học vị tiến sĩ trên tổng số giảng viên (12%). Bà Nguyễn Phương Nga cho rằng, hai tiêu chí này chưa phản ánh đúng nội hàm tiêu chuẩn “dạy học”. Bởi nói đến dạy học phải đề cập tới phương pháp giảng dạy, phòng thực hành/thí nghiệm, tài liệu giảng dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập ...

Bà Nguyễn Phương Nga phân tích, về tỉ lệ số lượng sinh viên trên một giảng viên, hằng năm Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có giám sát và kiểm tra việc tuyển sinh của các trường đại học, kết quả cho thấy nhiều trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu, thậm chí có trường tuyển vượt mấy chục phần trăm. Do vậy, việc xếp hạng dựa trên các thông tin và số liệu từ báo cáo công khai và đề án tuyển sinh liệu có chắc không có sai số?.

Tương tự, tiêu chí tỉ lệ số lượng giảng viên có học vị tiến sĩ trên tổng số giảng viên như vậy.

Đối với tiêu chuẩn thứ 3 là “Công bố bài báo khoa học” chiếm trọng số 20%, chuyên gia kiểm định chất lượng giáo dục Nguyễn Phương Nga cho rằng, trường đại học theo định hướng nghiên cứu và trường đại học theo định hướng ứng dụng có sứ mệnh khác nhau nên yêu cầu về số lượng công bố các bài báo khoa học cũng khác nhau. Vì vậy, khi xếp hạng chung các trường mà căn cứ tiêu chuẩn này với trọng số 20% chưa thực sự thuyết phục.

“Trong tiêu chuẩn thứ 4 “Nhiệm vụ khoa học công nghệ và Sáng chế” (10%), có tiêu chí Nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Nhà nước, Bộ Ngành, tỉnh thành phố và cấp cơ sở. Thế nhưng, bảng xếp hạng VNUR lại không đề cập đến việc quy đổi về trọng số của đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ ngành, tỉnh thành phố và cấp cơ sở khác nhau như thế nào?

Chúng ta không thể đánh đồng chung các đề tài các cấp khác nhau. Chỉ những trường đại học với đội ngũ giảng viên có uy tín khoa học cao mới có thể đấu thầu được các đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước hoặc được Nhà nước đặt hàng các đề tài có tầm cỡ lớn. Thêm vào đó, khi xếp hạng, cần quan tâm đến tính ứng dụng của các đề tài khoa học”, bà Nga nêu quan điểm.

Tiêu chuẩn thứ 5 là “Chất lượng người học” (10%) cũng dựa vào báo cáo công khai và đề án tuyển sinh của các trường đại học, theo bà Nga là không đảm bảo chính xác.

Tiêu chí điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào được xác định bằng điểm chuẩn cao nhất và thấp nhất vào trường bằng phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Thế nhưng hiện nay, không phải tất cả các trường đều tuyển sinh đại học 100% theo điểm thi tốt nghiệp, mà còn có phương thức xét tuyển thẳng, xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực, xét tuyển theo học bạ, các chứng chỉ quốc tế, … Hơn nữa, chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của các trường cũng khác nhau. Vì vậy, tiêu chí này không đánh giá được chất lượng tuyển sinh của trường đại học để xếp thứ hạng của trường...

Tiêu chuẩn cuối cùng là “Cơ sở vật chất” với hai tiêu chí: Tỉ lệ diện tích sàn xây dựng toàn trường trên mỗi sinh viên và Số lượng e-books, số lượng sách in, số lượng nguồn cơ sở dữ liệu… Hai tiêu chí này chưa phản ánh được toàn bộ cơ sở vật chất cần thiết để đảm bảo chất lượng của một trường đại học. Vì các trường đại học rất cần có các phòng thực hành, thí nghiệm, đặc biệt các khối ngành đào tạo sức khỏe, kỹ thuật, công nghệ,…

Đó là những vấn đề tồn tại mà bảng xếp hạng VNUR chưa tạo được tính thuyết phục cao. Có thể nói tổ chức xếp hạng VNUR đã rất dũng cảm để đầu tư công sức cho việc xếp hạng này.

Đây không phải lần đầu tiên có một tổ chức đưa ra bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam. Trước đây đã có một vài tổ chức đã sử dụng các phương pháp xếp hạng khác nhau và đã công bố các bảng xếp hạng. Tuy nhiên dư luận cũng đã đặt vấn đề về cơ sở khoa học của phương pháp xếp hạng được sử dụng và độ tin cậy của các thông tin, dữ liệu được sử dụng để xếp hạng các trường đại học.

Nếu các thông tin và dữ liệu xếp hạng có độ tin cậy thấp, thiếu cơ sở khoa học chắc chắn để lý giải về việc lựa chọn các tiêu chuẩn/tiêu chí xếp hạng và việc ấn định các trọng số của tiêu chuẩn/tiêu chí, thì sẽ khó nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội, của các nhà khoa học và các trường đại học nói chung.

Dù mục tiêu xây dựng bảng xếp hạng là rất tốt, nhưng nếu thông tin thiếu độ chính xác sẽ định hướng sai dư luận, khiến cho học sinh, phụ huynh sẽ có những nhìn nhận và đánh giá về chất lượng của từng cơ sở giáo dục đại học không chính xác.

An Nhiên