Bảng xếp hạng đại học Việt Nam chọn thu thập dữ liệu từ nguồn nào?

20/02/2023 06:46
Phạm Minh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Độc lập thu thập dữ liệu có thuận lợi là không phụ thuộc các trường, nhưng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm dữ liệu đầy đủ, nhập liệu và xử lý dữ liệu thô.

Vừa qua, Bảng xếp hạng đại học Việt Nam (VNUR) công bố top 100 trường đại học hàng đầu của Việt Nam.

Để có thêm thông tin về bảng xếp hạng này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Vinh San - Thạc sỹ Đo lường và Đánh giá trong Giáo dục, Trường Đại học Sư Phạm – Đại học Đà Nẵng, thành viên chủ chốt nhóm thực hiện Bảng xếp hạng đại học Việt Nam (VNUR).

Ông Nguyễn Vinh San - Thạc sỹ Đo lường và Đánh giá trong Giáo dục, thành viên chủ chốt nhóm thực hiện Bảng xếp hạng đại học Việt Nam (VNUR). Ảnh: NVCC

Ông Nguyễn Vinh San - Thạc sỹ Đo lường và Đánh giá trong Giáo dục, thành viên chủ chốt nhóm thực hiện Bảng xếp hạng đại học Việt Nam (VNUR). Ảnh: NVCC

Phóng viên: Thưa ông, ông có thể chia sẻ về quá trình xây dựng bảng xếp hạng đại học Việt Nam (VNUR)?

Thạc sĩ Nguyễn Vinh San: Nhóm chúng tôi đã bắt đầu ý tưởng và bắt tay vào nghiên cứu xây dựng Bảng xếp hạng cho đại học Việt Nam từ cuối năm 2020 và thu thập dữ liệu, xây dựng Bộ tiêu chuẩn vào đầu năm 2021.

Các thành viên tham gia VNUR đều là đều công tác trong các trường đại học và có mong muốn đóng góp cho giáo dục, cùng thống nhất và quyết tâm làm bảng xếp hạng này hoàn toàn dựa trên công sức và thế mạnh của từng cá nhân.

Giai đoạn đầu, sau khi định hình được Bộ tiêu chuẩn (phiên bản đầu tiên), chúng tôi bắt đầu thu thập các dữ liệu liên quan từ các nguồn khác nhau, sau đó tiến hành xếp hạng thử. Một số tiêu chí sau này đã được loại bỏ do không thu thập được dữ liệu đầy đủ và tin cậy (trong đó có các tiêu chí về quốc tế hóa).

VNUR liên tục điều chỉnh trọng số các tiêu chuẩn và tiêu chí thông qua sử dụng đồ thị phân bố chuẩn của Gauss. Đồng thời cũng mời các thầy cô, chuyên gia trong lĩnh vực kiểm định và xếp hạng đại học góp ý cho bảng xếp hạng.

Năm 2021, chúng tôi thu thập dữ liệu của 202 trường và xếp hạng cho 172 trường (không xếp hạng các trường thành viên của đại học quốc gia và đại học vùng), tuy nhiên phiên bản này không được công bố do bảng xếp hạng vẫn còn thiếu một số tiêu chí quan trọng nhưng chưa thu thập được số liệu.

Năm 2022, chúng tôi đã may mắn tiếp cận được với các cộng sự và nguồn thông tin đầy đủ hơn, tiếp tục thu thập dữ liệu của năm 2022 rồi điều chỉnh bảng xếp hạng.

Để có được kết quả như hiện tại, VNUR đã tổ chức rất nhiều cuộc thảo luận nội bộ, thảo luận có mời chuyên gia và một hội thảo khoa học có sự tham gia của gần 30 chuyên gia trong lĩnh vực này từ các cơ quan và trường đại học.

Dự kiến của VNUR là công bố vào cuối năm 2022, tuy nhiên chúng tôi cần thêm thời gian để hoàn chỉnh website và các thủ tục pháp lý cần thiết khác nên đến ngày 16/2/2023 mới quyết định “bấm nút” công bố.

Phóng viên: Một điểm đặc biệt của VNUR là việc độc lập trong xác định dữ liệu chứ không mời các trường đại học nộp dữ liệu? Điều này có khó khăn gì không, thưa ông?

Thạc sĩ Nguyễn Vinh San: Các bảng xếp hạng quốc tế cũng có nhiều cách thức thu thập dữ liệu. Trong đó, sử dụng các kết quả khảo sát, báo cáo của các trường đại học được nhiều bảng xếp hạng lựa chọn.

Tuy nhiên, với thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, sự chủ động của các trường tham gia xếp hạng là rất khiêm tốn, vì vậy sẽ rất khó để có thể đi đến đích thành công nếu chờ vào báo cáo của các trường.

Việc tổ chức các hoạt động khảo sát đánh giá rất nhiều lĩnh vực cho gần 250 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam cũng vượt quá sức của VNUR hiện tại.

Và chúng tôi quyết định lựa chọn độc lập thu thập dữ liệu từ các nguồn thông tin tin cậy (đề án tuyển sinh, báo cáo công khai của các trường; dữ liệu quản lý của các Bộ chủ quản và WOS).

Thuận lợi của phương pháp này là không phụ thuộc vào các trường, phù hợp với năng lực đội ngũ của nhóm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm dữ liệu đầy đủ, nhập liệu và xử lý dữ liệu thô, việc này chiếm rất nhiều thời gian của các thành viên (có những dữ liệu phải đếm bằng tay). Chúng tôi phải rà soát dữ liệu nhiều lần để đảm bảo thông tin là chính xác nhất có thể.

Phóng viên: Quá trình khai thác dữ liệu để làm căn cứ xếp hạng cho các trường đại học như thế nào, thưa ông?

Thạc sĩ Nguyễn Vinh San: Các thành viên được phân công tìm kiếm các dữ liệu từ các nguồn xác định sẵn. Ngay trong phương pháp xếp hạng, chúng tôi cũng đã chỉ rõ các nguồn thu thập thông tin.

Dữ liệu thu thập về được phân công nhập liệu và xử lý phần thô, chuẩn hóa trước khi đưa vào bảng xếp hạng cuối cùng. Các chỉ số thu thập được bao gồm nhiều chủng loại khác nhau như số đếm, số thứ tự, phần trăm… Do vậy cần thực hiện việc đối sánh, chuyển đổi và sau đó là kết hợp lại vào một chỉ số nhất định.

Để làm điều này, VNUR sử dụng phương pháp tiêu chuẩn hóa cho từng chỉ số. Tiếp cận tiêu chuẩn hóa được sử dụng ở đây dựa trên việc phân phối dữ liệu trong một chỉ số cụ thể. Sau đó kết hợp các chỉ số cùng trong cùng một tiêu chuẩn theo trọng số được nêu chi tiết ở trên. Kinh nghiệm từ năm 2021 cũng đã giúp chúng tôi cải tiến rất nhiều cho bảng xếp hạng hiện tại.

Phóng viên: Vậy những tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể mà VNUR lựa chọn để xếp hạng đại học là gì?

Thạc sĩ Nguyễn Vinh San: Bộ tiêu chuẩn và tiêu chí của VNUR như sau:

Tiêu chuẩn 1: Chất lượng được công nhận (30%)

Tiêu chuẩn chất lượng được công nhận có trọng số lớn nhất là 30% và gồm 6 tiêu chí như sau:

Tiêu chí 1: Thứ hạng (ranking) toàn cầu hoặc khu vực (trọng số 8%): Tiêu chí này được xác định dựa trên các số liệu được thu thập từ kết quả xếp hạng hàng năm của các bảng xếp hạng toàn cầu uy tín như QS, THE, ARWU… Trường có tên trong nhiều bảng xếp hạng thì sẽ tính điểm với bảng có thứ hạng cao nhất.

Tiêu chí 2: Kiểm định (accreditation) cơ sở giáo dục theo bộ tiêu chuẩn khu vực và quốc tế (trọng số 6%): Tiêu chí này được xác định dựa trên các số liệu về kết quả kiểm định cơ sở giáo dục bởi các tổ chức quốc tế hoặc khu vực uy tín như HRECES, AUN-QA… được công bố bởi Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tiêu chí 3: Kiểm định (accreditation) chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế (Trọng số 6%): Tiêu chí này được xác định dựa trên các số liệu về kết quả kiểm định chương trình đào tạo bởi các tổ chức quốc tế hoặc khu vực uy tín như AUN-QA, ABET, ACBSP, FIBAA… được công bố bởi Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tiêu chí 4: Kiểm định (accreditation) cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước (Trọng số 4%): Tiêu chí này được xác định dựa trên các số liệu về kết quả kiểm định cơ sở giáo dục bởi các trung tâm kiểm định trong nước được công bố bởi Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tiêu chí 5: Kiểm định (accreditation) chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn trong nước (Trọng số 4%): Tiêu chí này được xác định dựa trên các số liệu về kết quả kiểm định chương trình đào tạo bởi các trung tâm kiểm định trong nước được công bố bởi Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tiêu chí 6: Định hạng (rating) (Trọng số 2%): Tiêu chí này được xác định dựa trên các số liệu về kết quả định hạng được thu thập từ công bố của QS Star và UPM.

Tiêu chuẩn 2: Dạy học (25%)

Tiêu chuẩn có trọng số là 25% và gồm 2 tiêu chí như sau:

Tiêu chí 7: Tỉ lệ số lượng sinh viên trên một giảng viên (Trọng số 13%): Tiêu chí này được xác định dựa trên các số liệu của Báo cáo công khai kết hợp với Đề án tuyển sinh do các trường đại học công bố hàng năm và có điều chỉnh theo tỷ lệ được cho là tối ưu nhất.

Tiêu chí 8: Tỉ lệ số lượng giảng viên có học vị tiến sĩ trên tổng số giảng viên (Trọng số 12%): Tiêu chí này được xác định dựa trên các số liệu của Báo cáo công khai kết hợp với Đề án tuyển sinh do các trường đại học công bố hàng năm.

Tiêu chuẩn 3: Công bố bài báo khoa học (20%):

Tiêu chuẩn có trọng số là 20% và gồm 3 tiêu chí như sau:

Tiêu chí 9: Số lượng bài báo khoa học của toàn trường công bố theo Web of Science (Trọng số 8%): Tiêu chí này được được tính bằng tổng số bài báo được Web of Science công bố trong giai đoạn 5 năm liên tục cho đến năm xếp hạng của VNUR.

Tiêu chí 10: Năng suất công bố bài báo khoa học của toàn trường theo Web of Science (Trọng số 7%): Tiêu chí này được được tính bằng tỷ lệ tổng số bài báo được Web of Science công bố trong giai đoạn 2 năm liên tục cho đến năm xếp hạng của VNUR trên tổng số giảng viên trong cùng thời kỳ.

Tiêu chí 11: Ảnh hưởng của bài báo khoa học của toàn trường công bố theo Web of Science (Trọng số 5%): Tiêu chí này được được tính bằng tỷ lệ tổng số trích dẫn trên toàn bộ bài báo được Web of Science công bố trong năm xếp hạng của VNUR.

Tiêu chuẩn 4: Nhiệm vụ khoa học công nghệ và Sáng chế (10%):

Tiêu chuẩn này có trọng số là 10% và gồm 2 tiêu chí:

Tiêu chí 12: Nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp nhà nước, Bộ Ngành, tỉnh thành phố và cấp cơ sở (Trọng số 7%): Tiêu chí này được xác định dựa vào các thông tin do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố vào trong 3 năm gần nhất.

Tiêu chí 13: Số lượng bằng sáng chế được công bố (Trọng số: 3%): Tiêu chí này được xác định dựa vào các thông tin do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố trong 3 năm gần nhất.

Tiêu chuẩn 5: Chất lượng người học (10%)

Tiêu chuẩn có trọng số là 10% và gồm 2 tiêu chí như sau:

Tiêu chí 14: Điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào (Trọng số 8%): Tiêu chí này được xác định bằng điểm chuẩn cao nhất và thấp nhất vào trường bằng phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Dữ liệu được thu thập từ website của các cơ sở giáo dục đại học công bố trong năm xếp hạng của VNUR.

Tiêu chí 15: Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm (Trọng số 2%): Tiêu chí này được thu thập từ Báo cáo công khai và Đề án tuyển sinh năm hàng năm của cơ sở giáo dục đại học. Đây là tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp của năm trước thời điểm xếp hạng.

Tiêu chuẩn 6: Cơ sở vật chất (5%):

Tiêu chuẩn này có trọng số là 5% và gồm 2 tiêu chí:

Tiêu chí 16: Tỉ lệ diện tích sàn xây dựng toàn trường trên mỗi sinh viên (Trọng số 4%): Tiêu chí này được xác định dựa vào các thông tin của Báo cáo công khai kết hợp với Đề án tuyển sinh do các trường đại học công bố hàng năm, có điều chỉnh theo tỷ lệ được cho là tối ưu nhất.

Tiêu chí 17: Số lượng e-books, số lượng sách in, số lượng nguồn cơ sở dữ liệu…) (Trọng số: 1%): Tiêu chí này được xác định dựa vào các thông tin của Báo cáo công khai kết hợp với Đề án tuyển sinh do các trường đại học công bố hàng năm, có điều chỉnh theo tỷ lệ được cho là tối ưu nhất.

Phóng viên: Vậy VNUR sẽ có định hướng phát triển như thế nào để đảm bảo được hoạt động xếp hạng đại học trong nước, thưa ông?

Thạc sĩ Nguyễn Vinh San: VNUR luôn nhận thức rằng mục đích chính của các bảng xếp hạng, trong đó có VNUR là giúp các học sinh phổ thông đưa ra quyết định tốt nhất khi chọn trường đại học. Hơn nữa, việc so sánh các tổ chức học thuật đa dạng trên một bộ chuẩn dữ liệu chung là một thách thức.

Đó là lý do chúng ta nên coi các bảng xếp hạng chỉ là một phần trong quá trình ra quyết định của sinh viên tương lai. Các bảng xếp hạng tạo ra sự tiện lợi do trình bày các dữ liệu so sánh một cách tập trung và đơn giản. Nhờ vậy các em học sinh sẽ sử dụng thông tin được cung cấp trong bảng xếp hạng nhằm thu hẹp quyết định về nơi nộp đơn học, cũng như có những bước tìm hiểu sâu hơn và cụ thể hơn.

Về hướng phát triển, VNUR là một hoạt động hoàn toàn phi lợi nhuận nên chúng tôi rất mong muốn có thêm sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học và các cộng tác viên để có thể cùng nhau góp sức xây dựng ngày càng hoàn thiện hơn, đánh giá phù hợp hơn. Chúng tôi cũng mong muốn các trường đại học hưởng ứng tham gia để có thể tạo một “sân chơi” bổ ích và minh bạch.

Trân trọng cảm ơn ông!

Phạm Minh (thực hiện)