Ngày 21/4, UBND xã Bắc Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) xác nhận, 2 trong số 4 lao động tử nạn tại Nga do sự cố ngạt khí gas là người địa phương.
Hai nạn nhân gồm Nguyễn Văn Chiến (SN 1972) và Nguyễn Văn Hiếu (SN 1994) cùng trú tại xóm 8, xã Bắc Trạch.
Chị Nguyễn Thị Hiền (vợ nạn nhân Chiến) khóc ngất khi nghe tin chồng mất (ảnh Hoàng Hà) |
Ngoài hai nạn nhân trên còn có anh Nguyễn Hồng Thái (SN 1970, trú tại thôn Thanh Gianh, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch) và một người quê Nghệ An (chưa rõ danh tính).
Tin dữ xáo động quê nghèo
Chiều ngày 21/4, phóng viên có mặt tại xóm 8, xã Bắc Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) nơi có 2 nạn nhân tử vong. Tất cả người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhận thông tin có 2 lao động là người trong thôn đã tử vong tại Nga do bị ngạt khí gas từ hôm 20/4.
Anh Nguyễn Văn Dũng (anh trai nạn nhân Nguyễn Văn Hiếu) nói ngắt quãng trong nước mắt đau xót, nhớ lại giây phút khi nghe tin dữ về em trai mình: “Khi đó tôi đang ngủ, một người cùng thôn làm việc bên Nga gọi về báo em trai tôi đã tử vong. Tôi như chết lặng đi…”.
Người dân xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình mong ngóng thi thể các nạn nhân tử vong tại Nga sẽ sớm được đưa về quê nhà (ảnh Hoàng Hà) |
Hiếu là con trai út trong gia đình có 5 anh em. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, học hết lớp 9, Hiếu đã ở nhà phụ giúp bố mẹ. Năm 2013, thấy nhiều bạn bè đi xuất khẩu lao động bên Nga có thu nhập khá nên Hiếu xin ba mẹ qua bên đó làm.
Cũng vì mong muốn thay đổi cuộc sống khó khăn, gia đình Hiếu đã đến một người tại xã Thanh Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) chuyên môi giới đường dây xuất khẩu lao động “chui” sang Nga làm thủ tục cho Hiếu đi.
Khi làm được hộ chiếu, gia đình Hiếu giao cả hộ chiếu cùng với số tiền 60 triệu đồng cho người môi giới và sau đó Hiếu đã “xuất ngoại” để làm lao động chui.
“Em tôi đi đã hơn 2 năm, nhưng số tiền vay cho Hiếu đi vẫn chưa trả hết. Nó bảo sẽ cố gắng làm để trả hết khoản nợ này và có dư dả để giúp đỡ bố mẹ. Vậy mà…”, anh Dũng nghẹn ngào nói.
Theo anh Dũng, mấy ngày nay bà Nguyễn Thị Liên (SN 1955, mẹ nạn nhân Hiếu) từ khi nghe tin dữ về con trai mình bà đã khóc ngất liên hồi phải nhờ đến sự chăm sóc của cán bộ y tế.
Rất đông hàng xóm đến chia sẻ cùng gia đình nạn nhân Nguyễn Hồng Thái (ảnh Hoàng Hà) |
“Giờ vẫn chưa biết lúc nào mới đưa được thi thể em nó về quê các anh ạ. Trong nhà thì cũng đang lo liệu các thủ tục để lập bàn thờ cho em nó”, anh Dũng lau vội dòng nước mắt nói.
Rời nhà nạn nhân Hiếu, chúng tôi có mặt tại nhà nạn nhân Nguyễn Văn Chiến ở cùng địa phương trên. Chị Nguyễn Thị Hiền (SN 1978, vợ nạn nhân Chiến) gào khóc gọi tên chồng.
Hai đứa con gái của nạn nhân là Nguyễn Thị Hoài Sương (16 tuổi) và Nguyễn Thị Hoài Thơm (9 tuổi) cũng khóc nức nở gọi tên cha.
“Anh mới gọi về cho mẹ con em, bảo mẹ con ở nhà cố gắng giữ gìn sức khỏe rồi cuối năm anh về. Thế mà, sao giờ em gọi anh không nghe máy nữa anh ơi”, chị Hiền gào khóc trong vô vọng.
Trước đây, khi đang ở nhà, vợ chồng anh chị làm lụng quần quật quanh năm bên mấy sào ruộng. Thời gian rảnh ai thuê gì vợ chồng anh chị làm đấy nhưng vẫn không đủ tiền xây nổi một căn nhà tử tế.
Vợ chồng anh quyết định vay nợ ngân hàng để xây nhà. Nhưng xây xong thì không biết làm gì để trả nợ, nên anh Chiến đã tìm cách đi xuất khẩu lao động nước ngoài để có tiền trả nợ.
Năm 2010, biết một người trong xã chuyên môi giới đi làm ăn bên Nga, vợ chồng anh Chiến đã nhờ người này liên hệ giúp. Dù vẫn đang cảnh nợ nần, vợ chồng anh Chiến vẫn gắng vay thêm 40 triệu đồng để được sang Nga xuất khẩu lao động “chui”.
Hiện tại, gia đình đã trả hết nợ, anh Chiến có ý định sẽ về nước vào cuối năm nay. Không ngờ, anh Chiến chưa kịp về thì đã tử nạn ở nơi xứ người.
Đổi đời đâu ngờ đổi mạng
Có mặt tại gia đình nạn nhân Nguyễn Hồng Thái ( quê thôn Thanh Gianh, xã Thanh Trạch, xã Bố Trạch, Quảng Bình) không khí tang thương cũng đang bao trùm nơi đây.
Anh Nguyễn Hồng Thái trước đây vốn làm nghề đi biển. Nhưng nghề này phụ thuộc quá nhiều vào may rủi nên cuộc sống gia đình anh mãi vẫn bấp bênh. Trong khi đó vợ chồng anh lại nuôi con ăn học nên rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.
Năm 2010, hay tin một người cùng địa phương đưa được người xuất khẩu lao động sang Nga. Anh Thái đã nhờ người này môi giới giúp, nhưng đi dưới hình thức lao động “chui”. Đi làm mấy năm nay, nhưng số nợ của gia đình vẫn chưa giảm được bao nhiêu.
Người con trai đầu lòng của anh Thái là Nguyễn Văn Thành (23 tuổi), hiện theo nghiệp bố trước đây đi biển. Đứa thứ 2 là Nguyễn Hồng Nhật (17 tuổi), học hết lớp 9 thì nghỉ ở nhà phụ giúp gia đình. Còn đứa con út năm nay mới học lớp 3.
Trước sự ra đi đột ngột của người chồng, chị Nguyễn Thị Hương (SN 1972, vợ nạn nhân Thái) khóc như ngây dại trước nỗi đau quá lớn này. Những người con của chị cũng ngã quỵ trước cái chết đột ngột nơi xứ người của cha mình.
Qua chia sẻ của người nhà các nạn nhân, vì không phải là lao động hợp pháp, nên các các anh phải sống chui lủi, làm việc nay đây mai đó chứ không cố định một chỗ. Khí hậu ở Nga mùa đông rất lạnh nên thời gian đi làm được cũng không nhiều nên thu nhập không cao.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Tuân - Chủ tịch xã Bắc Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) cho biết, chúng tôi nhận được thông tin có 2 người ở địa phương bị tử vong bên Nga tối 20/4. Hiện chính quyền địa phương đang phối hợp cùng với gia đình hoàn tất các thủ tục để đưa các nạn nhân về quê mai táng.