Ngày 14/12, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã tổ chức khởi công dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tham dự lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu. Ảnh: AN |
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế đến tham dự buổi lễ.
Dự án do Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện từ 2021- 2025. Giai đoạn khởi động của dự án có diện tích khoảng 44 ha với 2 bến container, có khả năng tiếp nhận tàu lên đến 100.000 tấn và bến thủy nội địa.
Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung nằm tại phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), có tổng mức đầu tư 3.426 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trung ương giai đoạn 2021-2025 hơn 2.994 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách thành phố.
Ngoài ra, còn các hạng mục như: luồng tàu dài 7,3km, đê kè chắn sóng dài 1.170m, đường ven biển nối cảng Liên Chiểu dài 2,95km với 6 làn xe. Đường sau cảng đến bến khởi động dài 1,2km với 6 làn xe.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho hay: “Cảng Đà Nẵng không những có tiềm năng về giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế mà còn là có vị trí “yết hầu” về quốc phòng - an ninh của đất nước.
Việc thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên xâm lược nước ta năm 1858 chính ở cửa biển Đà Nẵng này đã cho thấy vai trò chiến lược của Cảng Đà Nẵng như thế nào.
Khi đất nước được thống nhất, Cảng Đà Nẵng được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực, có khả năng phát triển để đảm nhận vai trò cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung, đang từng bước được đầu tư kể cả Khu bến Tiên Sa; Cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà) và Khu bến Liên Chiểu”.
Chủ tịch nước cũng lưu ý chính quyền, nhà đầu tư và các bên liên quan phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Thứ nhất, công trình gương mẫu, tiên tiến, không thất thoát, không tham nhũng, đúng tiến độ và đưa vào sử dụng năm 2025.
Thứ hai, đầu tư ứng dụng các công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ tự động hóa, công nghệ số vào quản trị và khai thác cảng biển, hướng đến xây dựng mô hình “cảng xanh” theo xu hướng của thế giới.
Thứ ba, phải đặt mục tiêu giảm chi phí sử dụng hạ tầng cảng biển và logistics nhằm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Đà Nẵng.
Thứ tư, đảm bảo tính đồng bộ trong đầu tư hạ tầng kết nối cảng biển và hạ tầng logistics, nhất là hệ thống giao thông liên kết vùng, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, hệ thống kho bãi và các hạ tầng hỗ trợ liên quan.
Thứ năm, đào tạo nguồn nhân lực cảng biển và logistics một cách tương xứng với quy mô và yêu cầu đặt ra, nguồn nhân lực phải chuẩn bị trước một bước so với việc đầu tư hạ tầng cảng biển.
Thứ 6, hàng nhiều, chất lượng cao thì hiệu quả cảng cao và ngược lại. Do đó phải thu hút các nguồn hàng ở khu vực Đông Nam Á và thế giới đến với Cảng.
Thứ 7, Cảng Đà Nẵng có tên tuổi toàn cầu, vậy cảng Liên Chiểu có đặt tên là Cảng Đà Nẵng hay không, việc này thành phố xem xét nghiên cứu.
“Tôi đề nghị chính quyền thành phố Đà Nẵng tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo và quyết liệt, nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong việc kiểm tra, đôn thúc để dự án sớm hoàn thành, đem lại hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội cho Đà Nẵng và các địa phương lân cận”, Chủ tịch nước yêu cầu.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ tin tưởng rằng, dự án hoàn thành sẽ là xung lực cần thiết tạo đột phá cho kinh tế của Đà Nẵng cũng như mang lại cuộc sống và cơ hội việc làm tốt hơn, nhiều hơn cho nhân dân.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh thì Cảng Tiên Sa (quận Sơn Trà) không thể phát triển mở rộng, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung (loại đặc biệt) do hạn chế về không gian phát triển lớn và điều kiện kết nối giao thông.
Do đó phương án đầu tư phát triển cảng Liên Chiểu dần thay thế cho cảng Tiên Sa và từng bước chuyển đổi công năng khu bến Tiên Sa thành bến cảng du lịch là phù hợp với tiến trình phát triển của thành phố.
Theo ông Chinh, dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung được khởi công hôm nay là tiền đề thu hút các nguồn lực khác đầu tư, phát triển các bến trong giai đoạn tới theo quy hoạch.
Đồng thời, giảm tải cho khu bến Tiên Sa, Sơn Trà, tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và trong khu vực.
Với lợi thế hiện nay, cảng Đà Nẵng là cảng duy nhất thiết lập được 30 tàu container cập cảng/ tuần với 7 chuyến nội địa, 23 chuyến quốc tế. Đây là tiền đề quan trọng để thu hút các hãng tàu, thiết lập các tuyến biển đi xa như châu Âu, Bắc Mỹ, châu Phi khi cảng Liên Chiểu được đưa vào khai thác.