Cho cán sự lớp quyền đánh bạn mắng bạn là mầm mống bạo lực học đường, dẹp ngay

28/01/2022 07:10
Thuận Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đừng giao quyền “sinh sát” cho cán sự lớp, nên thay đổi cách giáo dục để khỏi tạo ra mầm mống bạo lực học đường và làm hư những lớp trẻ về sau.

Ba học sinh lớp 3 của Trường Tiểu học Ngũ Đoan (huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng) bị đánh 70 roi đến tím mông vì không hoàn thành bài tập về nhà mà theo lời cô giáo chủ nhiệm thì người đánh các em lại chính là cán sự lớp học.

Nhà trường đã thông tin: “Cô giáo có quy định bạn nào không hoàn thành quá nửa số bài tập về nhà sẽ bị đánh đòn nên ban cán sự lớp vụt bạn tím mông…”.

Sẽ có không ít người ngạc nhiên vì nghi hoặc, sao thầy cô giáo nào lại ra quy định kỳ cục như thế? Người làm giáo dục lại dung túng cho những hành động phản giáo dục vậy sao?

Ra quy định thế khác nào đang cổ vũ cho bạo lực học được phát triển ngay chính trong môi trường giáo dục?

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đánh giá đây là vụ việc nghiêm trọng liên quan đến bạo lực học đường, an toàn trường học.

Qua đó, thể hiện kiến thức, trình độ, kĩ năng, phương pháp giáo dục non kém, thậm chí có dấu hiệu vi phạm đạo đức nhà giáo.

Mặc dù giáo viên chủ nhiệm cho rằng (cô Vũ Thị Hoài) mình không trực tiếp đánh học sinh, song việc tự ý đề ra các hình thức phạt như trên đối học sinh khi vi phạm nội qui là hoàn toàn sai, phản giáo dục, tác động tiêu cực đến môi trường giáo dục.

Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Ngũ Đoan, trực tiếp là ông Nguyễn Sĩ Thinh - Hiệu trưởng nhà trường đã không kịp thời nắm tình hình, thiếu kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra vụ việc trên.

Ai cho phép những đứa trẻ bạo hành chính bạn của mình? (Ảnh minh hoạ, nguồn: http://ums.vnu.edu.vn)

Ai cho phép những đứa trẻ bạo hành chính bạn của mình? (Ảnh minh hoạ, nguồn: http://ums.vnu.edu.vn)

Không còn là hiện tượng cá biệt

Ai đánh tím mông 3 học sinh Trường Tiểu học Ngũ Đoan, sẽ phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng, nhưng rõ ràng đây là một bài học cảnh tỉnh cho nhiều trường học khác về tình trạng bạo lực học đường.

Là nhà giáo đã có 30 năm đứng lớp, đã đi qua nhiều ngôi trường dạy học, đã tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với hàng trăm thầy cô giáo ở khắp mọi miền đất nước nên đã từng chứng kiến, từng nghe kể về cách quản lý lớp của nhiều giáo viên.

Vì thế, người viết đã từng chứng kiến chuyện giáo viên cho phép hoặc “bật đèn xanh” để cán sự lớp, đội sao đỏ trở thành những “ông trời con”, thành “bà la sát” với chính bạn bè mình tồn tại ở không ít ngôi trường.

Vấn đề là, có thể sự việc chưa xảy ra đến mức gây thương tổn thân thể giống 3 học sinh nói trên, hoặc sự việc được phụ huynh phản ánh nhẹ nhàng nên thường được nhà trường giải quyết "êm", không nhiều người biết.

Điều nguy hại nhất ở đây chính là, một số thầy cô giáo vì chút quyền lợi trước mắt (lớp nề nếp hơn) không nhận ra hoặc cố tình lờ đi những quy định của mình là phản giáo dục, là làm hư học sinh, làm hỏng nhân cách của chúng gây tổn hại rất lớn về sau.

Vì không nhận ra nên thấy sự việc cán sự lớp bạo lực với bạn bè là bình thường, và cứ thế phương pháp dạy học phản tác dụng vẫn cứ ngang nhiên tồn tại trong trường cho đến khi sự việc nào đó bị bóc trần, phanh phui mới được dừng lại.

Học trò sợ lớp trưởng hơn sợ thầy cô

Tôi thường nghe đồng nghiệp dạy cùng trường trước đây, khen về cô bé lớp trưởng lớp 3 tên là Thúy. Thầy cô khen Thúy quản lý lớp tốt nên lớp ấy luôn đứng tốt đầu của trường.

Có lần, thầy chủ nhiệm lớp cũng nói với tôi: “Học sinh lớp mình sợ lớp trưởng hơn sợ thầy cô”. Mừng cho thầy chọn được lớp trưởng giỏi cũng yên tâm khi giáo viên không có mặt ở trường.

Cho tới một lần, tôi được thầy nhờ dạy giùm một buổi. Quả thật, cô bé Thúy đã đưa tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Mỗi khi lớp ồn, tôi chưa kịp nhắc thì em đã gõ thước xuống bàn đề nghị các bạn im. Em còn lớn tiếng: có muốn ghi tên vào sổ không? Có muốn ăn đòn không? Có lúc, em nhắc tên từng bạn một cách khá đanh thép. Sau mỗi lần ấy, lớp trật tự hẳn lên.

Rồi trong lúc thực hành, khi tôi đang hướng dẫn cho 1 nhóm làm việc, bất ngờ nghe một tiếng "bốp" vang lên. Quay lại mới biết, cậu bé ngồi bên Thúy bị một cái tát vào mặt, chỉ biết đưa tay ôm mặt và khóc òa lên. Còn Thúy, đứng lên kể tội cậu bạn vanh vách…

Tôi đã nghiêm khắc nói: “Bạn có lỗi con có thể thưa cô, con không được phép đánh bạn như thế. Con xin lỗi bạn ngay”.

Thúy cứ đứng trân trân nhìn tôi với thái độ lì lợm, dửng dưng. Có thể, thấy tôi không bênh lớp trưởng như thầy giáo chủ nhiệm nên cả lớp xôn xao tranh nhau nói.

Em bảo rằng, "thầy cho bạn đánh những ai vi phạm đó cô ạ". Em nói, "hôm trước khi đang chào cờ, bạn ấy cũng đánh con rất đau, con méc thầy thì thầy không nói gì".

Rồi nhiều tiếng lao nhao lên, "con bị đánh", "con cũng bị đánh"… Có em quay qua kể tội Thúy rằng, bạn ấy thiên vị lắm.

Ai cho bạn ấy quà, bạn ấy không ghi tên vào sổ. Bạn ấy ghét ai thì ghi tội họ thật nhiều cho thầy phạt. Bạn ấy cũng nói tục nhưng không ghi tên mình mà ghi tên bạn khác, ai cũng sợ bạn ấy.

Dù nói thế nào, Thúy nhất quyết cũng không xin lỗi bạn, không xin lỗi cô. Có lẽ, em đang cảm thấy ấm ức khi cô không đồng tình với việc làm của mình như thầy chủ nhiệm chăng?

Sau buổi học ấy, tôi đã có cuộc nói chuyện với thầy chủ nhiệm lớp về Thúy, về hành động và thái độ của em trong giờ học.

Tôi còn cảnh báo nếu thầy không thay lớp trưởng, vẫn dung túng cho Thúy cái quyền đánh bạn, chửi bạn như thế, sợ rằng có ngày sẽ bị phụ huynh phản ứng.

Điều quan trọng hơn nữa, cứ trao cho em cái quyền lấn lướt bạn bè bằng vũ lực sẽ làm hỏng tính cách của em.

Tuy nhiên, lời góp ý chân thành của tôi không được giáo viên ghi nhận. Thầy chủ nhiệm nói sẽ nhắc nhở em thêm vì không dễ gì chọn được một lớp trưởng có uy với các bạn như vậy.

Và điều lo sợ của tôi đã trở thành sự thật, chỉ ít lâu sau đó, Thúy đã đánh 1 học sinh của lớp để ba mẹ em phải lên báo cáo nhà trường. Từ lời phụ huynh, chúng tôi biết thêm câu chuyện về Thúy ở nhà.

Thúy trở thành “đại ca” của đám trẻ trong xóm nên thường gây sự, đánh những bạn Thúy không ưa. Gần như ngày nào cũng có người qua nhà mắng vốn cha mẹ Thúy.

Tôi giật mình tự hỏi: Phải chăng vì cách giáo dục sai lầm của giáo viên đã có Thúy hung hãn ngày hôm nay? Có thể không phải là tất cả nhưng tác động nhiều để thay đổi tính cách là hoàn toàn có thể.

Đã từng có không ít phụ huynh lên trường xin cho con không làm cán bộ lớp

Một lần, mới nhận lớp thì có phụ huynh đến xin tôi không muốn cho con làm cán bộ lớp. Khi tôi hỏi lý do, chị thẳng thắn chia sẻ muốn con được học hành vui chơi vô tư như các bạn.

Chị nói, theo dõi con làm cán bộ lớp năm lớp 1 vừa qua, thấy tính tình con thay đổi theo chiều hướng không tốt. Ví như hay cáu gắt, hay ra lệnh với em, luôn xưng danh và tỏ ra oai phong vì mình có quyền to nhất lớp khiến bạn nào cũng sợ. Chị nói mình sợ những tính cách này lậm sâu vào con và lớn lên sẽ có nhiều người ghét.

Tôi đã phải trấn an chị, nói để chị yên tâm tôi sẽ luôn nhắc nhở em và không cho phép em lớn tiếng với các bạn, càng không được cầm roi phạt bạn như một số giáo viên vẫn làm.

Học giỏi, gương mẫu mới được thầy cô giao trọng trách. Không phải làm cán sự lớp là thay đổi tâm tính. Quan trọng nhất vẫn là cách giáo dục, răn dạy của thầy cô.

Qua bài viết này, người viế, hy vọng những đồng nghiệp nào vẫn đang giao quyền “sinh sát” cho cán sự lớp nên thay đổi cách giáo dục để đừng tạo ra mầm mống bạo lực học đường và làm hư những lớp trẻ về sau.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thuận Phương