Chỉ nên tính bài báo trong danh mục WoS, Scopus đối với GV ngành đào tạo tiến sĩ

01/07/2023 06:39
Doãn Nhàn - Trà My
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Quy định về diện tích đất 25 mét vuông trên một sinh viên trong dự thảo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học gây khó cho các trường trong nội thành, thành phố lớn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến rộng rãi cho dự thảo thông tư quy định "Chuẩn cơ sở giáo dục đại học”. Dự thảo bộ tiêu chuẩn quy định các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng hoặc kết quả hoạt động mà một cơ sở đào tạo phải đáp ứng nhằm bảo đảm quyền lợi và giảm thiểu rủi ro đối với các bên có lợi ích liên quan.

Bộ chuẩn được kỳ vọng sẽ góp phần để đảm bảo chất lượng giáo dục đại học cũng như để hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học nâng cao hiệu suất giảng dạy, hiệu quả trong tổ chức hoạt động giáo dục đại học.

Trao đổi đóng góp ý kiến về dự thảo, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư - Tiến sĩ Trương Đại Lượng, Trưởng Phòng Đào tạo, Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho biết, về cơ bản thầy đồng ý với những nội dung đưa ra tại dự thảo, tuy nhiên, vẫn còn một số tiêu chí cần phải có sự bàn bạc thêm.

“Việc ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học là cần thiết. Vì Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang có định hướng ban hành chuẩn chương trình giáo dục đại học. Do vậy, ban hành Thông tư về chuẩn cơ sở giáo dục đại học là một bước để hoàn thiện dần các cơ sở, hướng tất cả các trường dần tiến tới đáp ứng được chuẩn cơ sở tối thiểu, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, thầy Lượng nhấn mạnh.

Một góc khuôn viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (Ảnh: Website nhà trường).

Một góc khuôn viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (Ảnh: Website nhà trường).

Theo đó, thầy Lượng đã đưa ra góp ý chi tiết về các tiêu chí trong dự thảo. Trước hết, ở tiêu chuẩn 3 về điều kiện dạy và học, tại tiêu chí 3.1, quy định “Diện tích đất trên một sinh viên chính quy, quy chuẩn theo trình độ, lĩnh vực đào tạo và vị trí khuôn viên, không nhỏ hơn 25m2 đối với cơ sở đào tạo và phân hiệu (nếu có)”, thầy Lượng cho rằng, quy định này là không khả thi.

Ví dụ, với 1 trường khoảng 2 nghìn sinh viên sẽ cần tới 5 ha diện tích đất. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều trường đại học trong nội thành có quy mô 5-6 nghìn sinh viên nhưng chỉ có diện tích 2-3 ha.

Thầy Lượng đề xuất, với các cơ sở thuộc khu vực nội thành, và chưa có cơ sở chi nhánh thì chỉ nên áp dụng các tiêu chí sau của dự thảo. Vì hiện nhà nước chưa có cơ chế hỗ trợ các trường chuyển ra khu vực ngoại thành hay xây dựng chi nhánh mới, vậy nên, việc áp dụng quy định tại dự thảo trong điều kiện từ nay đến 2025 là không khả thi.

Chia sẻ từ Tiến sĩ Quách Thanh Hải, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, tại việc quy định diện tích đất trên một sinh viên chính quy, quy chuẩn theo trình độ, lĩnh vực đào tạo và vị trí khuôn viên, không nhỏ hơn 25m2 đối với cơ sở đào tạo và phân hiệu (nếu có) trong dự thảo là không thực tế với thực trạng của nhiều trường đại học nước ta hiện nay.

Đặc biệt là với các trường đại học ở những khu vực thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ khó phấn đấu đạt được theo đúng thời gian mà dự thảo quy định.

Đơn cử như Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh dù là một trường có diện tích đất tương đối rộng trong khu vực phía Nam nhưng diện tích đất trung bình trên một sinh viên chính quy hiện tại cũng chỉ đạt 9m2/sinh viên.

Hơn nữa, theo những quy định của Luật đất đai hiện hành, các trường đại học công lập không được tự mua đất hay tự đầu tư cơ sở vật chất giống như các trường tư thục nên quy định theo Tiêu chí trên là không hợp lý, gây khó cho các trường.

Theo thầy Hải, việc có diện tích đất để giúp người học được tăng cường các hoạt động ngoài trời bên cạnh việc học tập trong lớp là cần thiết. Thế nhưng, thực chất, diện tích đất không ảnh hưởng nhiều đến việc giảng dạy, học tập của các cơ sở giáo dục đại học mà chủ yếu diện tích sàn xây dựng mới ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo của nhà trường.

Do vậy, thầy Hải đề xuất rằng, quy định về diện tích đất trên một sinh viên chính quy nên phân ra theo khu vực để phù hợp với điều kiện của từng vùng miền. Không những vậy, khi ban hành Thông tư Chuẩn cơ sở giáo dục đại học này, phải có hướng dẫn, cơ chế cùng các chính sách mở hơn để các trường thuận lợi hơn trong việc xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất, mới có thể đạt được các chuẩn theo yêu cầu.

Cũng theo Trưởng Phòng Đào tạo, Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), nên có sự phân chia tới từng ngành đào tạo của các trường. Cụ thể, phân biệt ngành có đào tạo tiến sĩ và ngành không đào tạo tiến sĩ, thay vì đặt các yêu cầu chung cho toàn trường.

“Đối với các cơ sở đào tạo tiến sĩ, không phải tất cả các ngành nhà trường đều đào tạo tiến sĩ. Ví dụ như có trường chỉ có 1-2 ngành đào tạo tiến sĩ, như vậy, nếu áp dụng chung các yêu cầu cho tất cả giảng viên trong trường sẽ có phần không công bằng”, Phó giáo sư Lượng phân tích.

Đơn cử, đối với Tiêu chí 2.3. Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, tính trên số giảng viên toàn thời gian (thuộc tiêu chuẩn 3), quy định:

"Đạt trên 20% và từ năm 2025 đạt trên 25% đối với cơ sở đào tạo không đào tạo tiến sĩ; trên 10% riêng đối với các trường chuyên ngành đặc thù;

Đạt trên 40% và từ năm 2025 đạt trên 50% đối với cơ sở đào tạo có đào tạo tiến sĩ; trên 20% riêng đối với các trường chuyên sâu nghệ thuật hoặc thể dục, thể thao có đào tạo tiến sĩ".

Phó giáo sư Lượng cho biết, thầy đồng tình những yêu cầu đối với cơ sở không đào tạo tiến sĩ. Tuy nhiên, đối với các cơ sở đào tạo tiến sĩ, nên chia ra ngành đào có đào tạo tiến sĩ và ngành không đào tạo tiến sĩ. Theo đó, với các ngành không đào tạo tiến sĩ, đề nghị áp dụng theo yêu cầu như cơ sở không đào tạo tiến sĩ. Còn với ngành đào tạo tiến sĩ, vẫn thực hiện theo yêu cầu tại dự thảo.

Tương tự, đối với Tiêu chí 6.2 (thuộc tiêu chuẩn 6) về quy định công bố khoa học cũng vậy. Thầy Lượng đề xuất, yêu cầu chỉ tính các bài có trong danh mục Web of Science (WoS) hoặc Scopus trong công bố khoa học chỉ nên áp dụng đối với giảng viên các ngành có đào tạo tiến sĩ, thay vì áp dụng chung cho toàn trường như dự thảo nêu.

Về quy định “Tỉ trọng thu từ hoạt động khoa học - công nghệ trên tổng thu” (Tiêu chí 6.1, thuộc tiêu chuẩn 6), Phó giáo sư Lượng đề xuất nên có sự phân chia giữa các đơn vị thuộc khối ngành Khoa học xã hội và nhân văn và các đơn vị thuộc khối ngành Khoa học Kĩ thuật, ứng dụng.

Thầy Lượng lý giải, tính ứng dụng các sản phẩm giữa hai khối ngành này có sự khác nhau. Và thực tế, nguồn thu từ khoa học công nghệ với những trường thuộc khối ngành khoa học xã hội nhân văn thường rất khó.

Do vậy, thầy lượng kiến nghị đối với cơ sở đào tạo thuộc khối ngành nhân văn, chỉ nên áp dụng mức thu tối thiểu từ hoạt động khoa học - công nghệ trên tổng thu, tính trung bình trong 3 năm gần nhất, đạt tối thiểu 3%, đối với cơ sở đào tạo, riêng đối với cơ sở có đào tạo tiến sĩ đạt tối thiểu 4-5%.

Trong khi đó, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh lại cho rằng, nên có quy định về tỉ trọng nguồn thu từ các hoạt động khoa học – công nghệ bởi đối với các trường đại học, không nên chỉ tập trung vào việc giảng dạy mà việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cũng rất cần thiết.

Một góc khuôn viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Fanpage nhà trường).

Một góc khuôn viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Fanpage nhà trường).

Tuy nhiên, phải có quy định về nguồn thu thế nào cho cụ thể, hợp lý. Bởi, thực tế, các hoạt động như chuyển giao phương pháp giảng dạy, viết các dự án đổi mới sáng tạo hay viết đề án kinh tế kỹ thuật cho các cơ quan,… hiện nay chưa được nhiều trường tính vào nguồn thu hoạt động khoa học – công nghệ.

Mặt khác, quy định tỉ trọng thu từ hoạt động khoa học công nghệ của các cơ sở đào tạo có đào tạo tiến sĩ phải đạt tối thiểu 10% trong dự thảo đối với các trường thuộc khối khoa học kỹ thuật, công nghệ như Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có thể đạt được. Thế nhưng, đối với các trường thuộc khối khoa học – xã hội, khối trường đại học địa phương sẽ khó có thể chuyển giao công nghệ để đạt được quy định này.

Tiến sĩ Quách Thanh Hải mong rằng, quy định về tỉ trọng thu từ hoạt động khoa học – công nghệ nên phân chia ra từng khu vực vùng miền, từng loại hình đào tạo cũng như đặc thù của từng trường thay vì chỉ phân chia ra tỉ trọng giữa trường có đào tạo tiến sĩ và không đào tạo tiến sĩ như trong dự thảo.

Doãn Nhàn - Trà My