Chỉ còn SGK lớp 5,9,12 các tỉnh chưa chọn, có Thông tư mới, trường có chọn lại?

26/10/2023 07:36
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên giỏi chuyên môn, có bản lĩnh cần thoát li sách giáo khoa, không phụ thuộc quá nhiều vào sách thì việc dạy học ở bậc phổ thông mới thành công.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên thay thế cho Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT.

Theo đó, dự thảo đưa ra 3 nguyên tắc: 1) Lựa chọn sách giáo khoa trong danh mục đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt sẵn; 2) mỗi khối lớp lựa chọn 1 sách giáo khoa phù hợp và 3) lựa chọn sách giáo khoa phải bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan.

Vậy, dự thảo Thông tư lựa chọn sách giáo khoa ra đời ở thời điểm này có còn nhiều ý nghĩa? Người viết - là giáo viên bậc trung học phổ thông - xin có đôi điều cùng chia sẻ.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn.

Nhìn lại 3 lần thay đổi về quy định lựa chọn sách giáo khoa

Năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông. [1]

Mỗi trường thành lập một hội đồng chọn sách giáo khoa dưới sự điều hành của hiệu trưởng. Hội đồng có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục. Thông tư này chỉ áp dụng cho năm học 2020 - 2021, năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tiếp đến, ngày 26/8/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT (thay thế Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT) quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông. [2]

Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa thay vì giao cho các nhà trường như Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT.

Liên quan đến việc lựa chọn sách giáo khoa, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đã từng phát biểu:

“Cách chọn sách hiện nay thiếu minh bạch, khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến nhà trường, giáo viên và điều đó được bắt nguồn từ Thông tư 25 về hướng dẫn chọn sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

“Tôi được nhiều ý kiến giáo viên, nhà trường phản ánh ý kiến của họ không được tôn trọng, thậm chí nhiều tổ chuyên môn, nhà trường phải làm lại biên bản chọn sách phù hợp với ý kiến cấp trên”. [3]

Một số băn khoăn khi lựa chọn sách giáo khoa theo dự Thảo thông tư mới

Khi Thông tư mới được ban hành thì việc lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT đã được hoàn tất ở các lớp 1, 2, 3, 4 bậc tiểu học, lớp 6, 7, 8 bậc trung học cơ sở và lớp 10, 11 bậc trung học phổ thông.

Như thế, năm học 2025 - 2026, các nhà trường phổ thông sẽ lựa chọn sách giáo khoa cho lớp 5, lớp 9 và lớp 12 theo quy định của Thông tư mới.

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) nêu băn khoăn rằng, các cơ sở giáo dục nhiều năm nay đã sử dụng sách giáo khoa lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8,10, 11 khá ổn định.

Vậy, cần làm rõ nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư mới về việc lựa chọn sách giáo khoa thì các cơ sở giáo dục có phải tổ chức lựa chọn lại sách giáo khoa đang sử dụng theo quy định mới không? [4]

Theo ghi nhận của tôi, năm học 2022-2023, một số trường trung học phổ thông (trong đó có trường tôi) ở Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn (tạm gọi) bộ sách giáo khoa A. Nhưng sau một năm dạy học, tổ chuyên môn nhận thấy bộ sách giáo khoa này chưa phù hợp với đối tượng học sinh nên chọn lại bộ khác.

Hay nói cách khác, theo Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT, việc chọn sách giáo khoa có thể theo từng năm học chứ không phải giữ ổn định 4 năm (trung học cơ sở) hay 3 năm (trung học phổ thông).

Tôi cho rằng, theo Thông tư mới, việc chọn sách giáo khoa chỉ còn lại ở 3 lớp (lớp 5, 9, 12) và cũng không có nhiều ý nghĩa.

Ngoài ra, tôi cũng băn khoăn và đồng quan điểm với thầy Nguyễn Xuân Khang, đó là các Điều 8, 10, 11, 12, 13, 14, 15 dự thảo Thông tư quy định về việc thẩm định hồ sơ, phê duyệt kết quả lựa chọn của các cấp quản lý Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân cấp huyện, sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Chẳng hạn, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có hàng nghìn trường phổ thông, mỗi khối lớp bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông có hơn 10 môn học. Trong khi đó, giáo viên mạng lưới và chuyên viên có hạn thì mất thời gian bao lâu để cơ quan này thẩm định hết hàng chục nghìn hồ sơ?

Thay lời kết

Từ năm học 2022-2023, lãnh đạo một số trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo giáo viên bộ môn soạn cuốn tài liệu riêng do tổ bộ môn thiết kế. [5]

Tổ bộ môn soạn tài liệu dựa vào Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định cho cho từng môn học và các bộ sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Hiệu trưởng giao quyền cho tổ bộ môn, trong đó việc thẩm định tài liệu do tổ trưởng/tổ phó chuyên môn phụ trách và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo và ngành giáo dục địa phương.

Trước tiên, tổ trưởng/tổ phó chuyên môn viết đề cương, sau đó lãnh đạo tổ giao công việc cụ thể cho từng giáo viên. Mỗi giáo viên soạn một chương, một bài hoặc một nhóm thầy cô soạn theo chủ đề.

Ưu điểm của việc soạn tài liệu riêng là giúp học sinh giảm tải được những nội dung bài học khó, tránh tạo thêm áp lực cho các em. Hơn nữa, dạy học theo tài liệu riêng đảm bảo cho học sinh tiếp cận được nhiều thông tin, đa dạng ngữ liệu.

Tôi dạy học không phụ thuộc vào một bộ sách giáo khoa nào cả. Mặc dù tổ chuyên môn chọn bộ sách A nhưng tôi luôn tham khảo bộ sách B và C và nếu cần thì tôi sẽ thay thế ngữ liệu sao cho phù hợp.

Tôi nhận thấy, việc giáo viên soạn tài liệu rất cần thiết cho học sinh lớp 9, lớp 12, nhằm giúp các em nâng cao chất lượng trong việc thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Hơn nữa, không phải giáo viên nào cũng có khả năng soạn tài liệu vì năng lực chuyên môn của từng thầy cô khác nhau.

Giáo viên nào không soạn được tài liệu thì lãnh đạo không phân công giảng dạy học sinh cuối cấp (lớp 9, 12). Đây cũng là một cách phân công nhân sự hợp tình, hợp lí, tránh gây mâu thuẫn nội bộ.

Nhìn chung, giáo viên giỏi chuyên môn, có bản lĩnh sẽ thoát li sách giáo khoa, không phụ thuộc quá nhiều vào sách thì việc dạy học ở bậc phổ thông mới thành công.

Như thế, việc lựa chọn sách giáo khoa của giáo viên, nhà trường cũng không đến mức căng thẳng, áp lực. Mấu chốt nằm ở chỗ, việc kiểm tra đánh giá làm sao cho học sinh phát huy được phẩm chất, năng lực theo Chương trình mới là đạt yêu cầu.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-01-2020-TT-BGDDT-huong-dan-lua-chon-sach-giao-khoa-trong-co-so-giao-duc-pho-thong-433598.aspx

[2] https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-25-2020-tt-bgddt-quy-dinh-lua-chon-sgk-trong-co-so-giao-duc-pho-thong-189806-d1.html

[3] https://tienphong.vn/lo-ngai-ve-quy-trinh-lua-chon-sach-giao-khoa-post1541634.tpo

[4] https://thanhnien.vn/tra-lai-quyen-chon-sach-giao-khoa-cho-nha-truong-la-phu-hop-nhat-185231023183655423.htm

[5] https://www.phunuonline.com.vn/truong-thiet-ke-tai-lieu-rieng-hoc-sinh-nhe-dau-giao-vien-them-sang-tao-a1504006.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương