Chênh lệch về huy động nguồn lực xã hội hoá phát triển GDNN giữa các địa phương

31/07/2022 06:38
Khánh Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025 có khoảng 75% cơ sở tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài.

Thực hiện xã hội hóa giáo dục và đào tạo là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp phát triển giáo dục.

Năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025. Theo đó, mục tiêu đặt ra đối với giáo dục nghề nghiệp là phấn đấu đến năm 2020, số cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập đạt 35%; đến năm 2025 đạt tỷ lệ 40%.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thực hiện khảo sát việc thực hiện xã hội hoá đối với giáo dục nghề nghiệp ở một số địa phương trong những năm qua.

Bình Dương: số cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập chiếm 78,6%

Tại tỉnh Bình Dương, theo Nghị quyết 47/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2020 “Ban hành kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Bình Dương” đến thời điểm tháng 12/2020, toàn tỉnh có 103 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Trong đó có 07 trường cao đẳng/cao đẳng nghề, 10 trường trung cấp/trung cấp nghề, 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 06 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 67 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp;

Trong 103 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp có 22 cơ sở công lập (chiếm khoảng 21,4%) và 81 cơ sở ngoài công lập (chiếm khoảng 78,6%).

Tính đến tháng 12/2020, toàn tỉnh có 103 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó có có 22 cơ sở công lập và 81 cơ sở ngoài công lập. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Tính đến tháng 12/2020, toàn tỉnh có 103 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó có có 22 cơ sở công lập và 81 cơ sở ngoài công lập. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề cho hơn 200.000 người, trong đó có 8.585 người lao động nông thôn tham gia học nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2020 đạt 80%.

Trong đó tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt 30%, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng cơ bản về số lượng và chất lượng, xây dựng đội ngũ nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Về kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu là đến năm 2025, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó có văn bằng chứng chỉ là 35%. Hàng năm, giải quyết việc làm tăng thêm khoảng 35.000 lao động. Đến năm 2030, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 87,5%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ là 37,5%.

Đến năm 2025, tỉnh Bình Dương thực hiện công tác sắp xếp, tinh giản lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để còn khoảng 95 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 08 trường cao đẳng, 07 trường trung cấp, 17 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 62 cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp đào tạo các cấp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dưới 03 tháng.

Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đào tạo bình quân khoảng 39.000 học viên/năm (trình độ cao đẳng và trung cấp chiếm khoảng 20%, sơ cấp và dưới 3 tháng khoảng 80%), trong đó có khoảng 75% cơ sở tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài.

Tiếp tục quan tâm tập trung đầu tư, phát triển đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề, đảm bảo tiêu chuẩn về cơ sở vật chất và danh mục thiết bị đào tạo nghề tối thiểu cho các nghề theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bằng nhiều nguồn lực như: Ngân sách địa phương; hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp và xã hội; từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong giai đoạn này, tỉnh Bình Dương cũng đưa ra giải pháp: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chế độ hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đặt hàng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đồng thời triển khai hợp tác giữa các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.

Bình Định: đầu tư cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ nguồn xã hội hóa còn hạn chế

Theo Quyết định số 4480/QĐ-UBND Ban hành kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 – 2025 do Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Định ban hành ngày 10/11/2021, việc huy động nguồn lực xã hội hoá để phát triển giáo dục nghề nghiệp ở địa phương này chưa có nhiều khởi sắc.

Cụ thể, trong giai đoạn 2016 – 2020, số cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo loại hình tư thục của tỉnh Bình Định còn hạn chế (chiếm 32,14%), chưa có trường cao đẳng, trung cấp có vốn đầu tư nước ngoài.

Về phát triển và phân bố cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tính đến ngày 31/12/2020, toàn tỉnh có 28 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp (giảm 12 đơn vị so với năm 2015 do sáp nhập, giải thể, tạm ngừng hoạt động), trong đó có 19 cơ sở công lập và 09 cơ sở tư thục.

Về mặt hạn chế, nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị và nguồn chi cho hoạt động thường xuyên chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách nhà nước, trong khi nguồn lực của Bình Định còn hạn chế, và sự huy động nguồn lực đầu tư cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ nguồn xã hội hóa còn hạn chế.

Một trong những bài học kinh nghiệm được tỉnh Bình Định nêu ra trong Quyết định số 4480/QĐ-UBND là thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, đẩy mạnh việc huy động nguồn lực từ xã hội hóa, từ doanh nghiệp đối với công tác giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững.

Về kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, quan điểm của Uỷ ban nhân dân tỉnh là đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động giáo dục nghề nghiệp, hướng dẫn doanh nghiệp trực tiếp tổ chức đào tạo, đào tạo lại lao động thông qua chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 26 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đồng thời đẩy mạnh khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào lĩnh vực đào tạo nghề.

Về nhiệm vụ và giải pháp, tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao của thị trường lao động và chuyển dịch cơ cấu lao động. Đồng thời phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp của các tổ chức xã hội.

Ngoài ra, tập trung đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia các hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Để nâng cao chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp đối với đội ngũ công nhân, người lao động, khuyến khích các tổ chức trong và ngoài nước mở các cơ sở đào tạo, mở các mã ngành mới liên quan đến lĩnh vực có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, công nghệ ưu tiên, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số.

Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo mô hình liên kết nhà trường - doanh nghiệp: xây dựng cơ chế, chính sách để tạo sự liên kết, phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng nghề. Khuyến khích đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa hoạt động dạy nghề, đa dạng hóa loại hình đào tạo và hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng nghề.

Khánh Linh