Cần một Hội đồng giáo dục y khoa ra đề thi nếu tuyển sinh riêng khối sức khỏe

21/12/2022 06:43
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện ở Mỹ hay một số nước châu Âu đều có những quy định tuyển sinh riêng, rất ngặt nghèo đối với khối ngành sức khỏe.

Vừa qua nhiều ý kiến cho rằng tuyển sinh khối sức khỏe hiện nay gặp khó (trong bối cảnh nhân lực ngành y bỏ việc, chuyển dịch các khu vực nhiều).

Giáo sư Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược – Đại học Huế đề xuất tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng cho khối ngành sức khỏe, việc sử dụng kết quả kỳ thi như thế nào là tùy từng trường, mỗi trường có thể có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, nhằm mục đích lựa chọn những người học phù hợp nhất cho nhóm ngành này.

Liên quan đến đề xuất trên, đã có nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều. Trong đó cũng có những lo ngại về việc đề xuất phương án tuyển sinh riêng sẽ khiến phụ huynh, học sinh rơi vào trạng thái tham gia quá nhiều kỳ thi, cách thức tuyển sinh.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Phan Châu Trinh (Quảng Nam), đồng thời là nhà sáng lập hệ thống y khoa tư nhân Hoàn Mỹ và hệ thống Bệnh viện Tâm Trí đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Nên có một kỳ thi riêng như ở Mỹ

“Câu hỏi đặt ra, có nên tổ chức một kỳ thi riêng cho khối ngành sức khỏe không, theo tôi thì nên có một kỳ thi riêng. Bởi thực tế tuyển sinh qua các năm, tôi rút ra một nhận xét, sinh viên y khoa đều là những em có thiên tư đặc biệt về ngành khoa học sức khỏe.

Sinh viên học giải phẫu trên hệ thống VR Lab tại Trường Đại học Phan Châu Trinh. Ảnh: AN

Sinh viên học giải phẫu trên hệ thống VR Lab tại Trường Đại học Phan Châu Trinh. Ảnh: AN

Theo thống kê tuyển sinh hàng năm của nhà trường, những em đã chọn lựa ngành y thì tỷ lệ sinh viên nghỉ học rất ít.

Có nghĩa rằng, ngay từ sớm, các em đã có khuynh hướng chọn học y khoa chứ không phải ngành học nào khác nữa. Giống như việc hình thành khuynh hướng y khoa trong trái tim, khối óc của các em rồi. Dù rằng các em biết, ngành học đó rất khó nhưng đã lựa chọn bước vào thì coi đây là một thách thức cần phải vượt qua.

Sức khỏe là ngành học rất gần gũi đời sống nhưng cũng mang tính học thuật rất cao, đòi hỏi nhiều kiến thức liên quan. Nên không thể tuyển sinh chung như các khối ngành khác được mà cần phải có một kỳ tuyển sinh riêng biệt.

Kỳ thi ấy cũng để các em có khuynh hướng học y khoa từ nhỏ biết, đầu tư học tập theo con đường đó từ sớm. Ví dụ như nếu muốn học y khoa ở Mỹ thì bắt buộc các em phải đạt chứng chỉ MCAT (Medical College Admission Test).

Hiểu nôm na là một kỳ kiểm tra riêng biệt đầu vào của ngành y ở Mỹ. Chương trình MCAT giống chương trình học đại học khoa học tự nhiên và khoa học cơ bản ở nước ta cộng với kiến thức y khoa cơ bản. Những ngành như: công nghệ thông tin, du lịch hay bất kỳ một ngành học nào khác thì không cần có chứng chỉ MCAT này”.

Theo Bác sĩ Tùng, tuyển sinh y khoa cần được đầu tư bài bản và cần có một kỳ thi đánh giá riêng như ở Mỹ. Để từ đó có tuyển được những người giỏi, có tố chất cũng như thiên tư đặc biệt về ngành khoa học sức khỏe vào các trường đào tạo y khoa.

Hướng tới môi trường đại học y khoa số

Một vấn đề đặt ra là khi tổ chức thêm một kỳ thi tuyển sinh riêng cho khối ngành sức khỏe thì phụ huynh và học sinh có bị “nhiễu loạn” bởi quá nhiều kỳ thi riêng lẫn chung hay không?

Bác sĩ Tùng cho rằng: “Trước hết, chúng ta nên nghĩ đến phương án tổ chức thi ra sao để tránh gây ảnh hưởng đến phụ huynh, học sinh.

Thứ nhất, nên có một Hiệp hội giáo dục y khoa hoặc Hội đồng giáo dục y khoa để xây dựng ngân hàng đề thi riêng.

Đây nên là một tổ chức phi lợi nhuận với các giáo sư có uy tín hoạt động trong ngành y khoa lâu năm cũng như các giáo sư, chuyên gia từ các ngành khoa học cơ bản khác. Tập hợp tất cả những thành viên trong hội đồng này lại thì chúng ta sẽ một đội ngũ chất lượng để xây dựng một ngân hàng đề thi về y khoa.

Thứ hai, khi đã có ngân hàng đề thi, các em đã hoàn thành chương trình trung học phổ thông có thể tham gia thi vào bất kỳ thời điểm nào. Chỉ cần vượt qua kỳ thi này là sẽ được xem xét, xét tuyển vào các trường đào tạo về y khoa.

Giống như ở Mỹ, nếu thi riêng thì có thể áp dụng thêm các hình thức khác như: phỏng vấn hoặc tùy vào tính chất đào tạo của từng trường để có những đề thi riêng biệt (nhưng vẫn nằm trong ngân hàng câu hỏi đã được xây dựng chung).

Câu chuyện này ở các nước châu Âu cũng đã làm lâu rồi chứ không phải đợi đến như bây giờ mình mới tính đến”, bác sĩ Tùng nói.

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Phan Châu Trinh, các trường đào tạo về y khoa nên hướng đến trường đại học y khoa số. Trong đó giảng viên số, giáo trình số, hạ tầng số, sinh viên số, trang thiết bị giảng dạy y khoa số…

Để các em khi ra trường thì có thể làm việc ở các bệnh viện thông minh với những trang thiết bị thông minh, phục vụ con người.

“Đôi khi trường đó không phải xây lớn, không cần phải diện tích quá rộng với nhiều khu nhà cao tầng… mà chỉ cần một hạ tầng công nghệ đủ tốt, đạt chuẩn.

Sinh viên y khoa chỉ phải di chuyển đến học thực hành trực tiếp tại bệnh viện, còn học lý thuyết hoặc các môn đại cương khác thì đã có máy tính. Kèm theo đó thì chương trình đào tạo y khoa cũng phải thay đổi để đáp ứng được một trường đại học y khoa số. Và Trường Đại học Phan Châu Trinh đang hướng đến việc đó”.

Liên quan đến vấn đề chỉ tiêu đào tạo khối ngành sức khỏe, Bác sĩ Tùng cho biết: “Mặc dù nhân lực khối ngành sức khỏe đang thiếu nhưng không thể nào cho tuyển sinh và đào tạo ồ ạt. Phải có chỉ tiêu rõ ràng và do năng lực cơ sở hạ tầng và giảng dạy quyết định chỉ tiêu đó”.

Chia sẻ về hiện tượng nhiều y, bác sĩ đồng loạt nghỉ việc trong thời gian qua, Bác sĩ Tùng cho rằng, vấn đề này nằm ở quản trị nhà nước, quản trị bệnh viện chứ không phải từ phía y, bác sĩ. Bởi người học bác sĩ khi ra trường thì mục tiêu đầu tiên, đối tượng phục vụ đầu tiên là người bệnh, người khách hàng.

Nếu một bác sĩ ra đường thấy người có biểu hiện bệnh cần cấp cứu thì đương nhiên, bác sĩ ấy sẽ dừng xe lại để cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân đã. Họ khám chữa bệnh chứ không liên quan đến những vấn đề khác. Cứu người, vì bệnh nhân là ưu tiên số 1. Nên câu chuyện bác sĩ nghỉ việc, ra đi thì chúng ta phải coi lại cách quản lý bệnh viện.

Ví dụ như phải xem lại quan hệ lao động, quan hệ phân phối, năng lực của nhà quản trị bệnh viện… Ngoài vấn đề về vật chất thì còn vấn đề tinh thần của bác sĩ. Đó là phải cho họ đi học, để nâng cao tay nghề để rồi nâng cao chất lượng khám – chữa bệnh, giảm rủi ro cho người bệnh. Rõ ràng, Giám đốc điều hành bệnh viện phải cân đối các vấn đề để các quyền lợi của bác sĩ được đảm bảo.

AN NGUYÊN