Tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý một số công việc cần làm ngay, trong đó nhấn mạnh cần có giải pháp xóa hoàn toàn nạn mù chữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Xác định xóa mù chữ là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực, nhiều năm qua, các địa phương có người dân tộc thiểu số sinh sống đã luôn quan tâm, chú trọng tới công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên quá trình triển khai vẫn còn một số thách thức.
Hầu hết đối tượng tham gia học xóa mù là người trong độ tuổi lao động
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Quàng Thị Xuân - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La chia sẻ, xóa mù chữ là một nhiệm vụ trọng tâm, gắn liền với công tác xây dựng, phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Trong những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và ngành giáo dục tỉnh đã tích cực trong việc chỉ đạo, triển khai đồng bộ các biện pháp như đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát triển nhân lực cho các đơn vị trường học, thực hiện đúng, đầy đủ các chế độ chính sách cho học sinh các cấp học, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phổ cập giáo dục và xóa mù chữ…
Xã Mường Lạn cách trung tâm huyện 28 km, giáp với huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào. Xã có 7 dân tộc Mông, Lào, Mường, Thái, Kinh, Tày, Khơ Mú cùng sinh sống.
Về công tác xóa mù chữ, hàng năm nhà trường vẫn thực hiện và phối hợp với đồn biên phòng, xã, rà soát, điều tra số liệu, kịp thời nắm bắt những khó khăn của các học viên để có các giải pháp phù hợp trong việc vận động người mù chữ ra lớp và duy trì sĩ số.
Đồng thời, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhà trường cũng tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã Mường Lạn phối hợp với đồn biên phòng địa phương mở lớp dạy học xóa mù chữ.
Hiện tại, nhà trường đang mở 4 lớp xóa mù chữ, trong đó có 3 lớp giai đoạn 2 và 1 lớp giai đoạn 1. Giai đoạn 1 là những đối tượng mù chữ chưa học hết lớp 2, giai đoạn 2 lớp học mở cho những đối tượng đã học hết lớp 3. Đối tượng học viên tham gia lớp học xóa mù chữ cũng rất đa dạng, từ 15-60 tuổi.
Công tác phổ cập giáo dục nói chung, và xóa mù chữ nói riêng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng. Tuy nhiên, công tác xóa mù chữ vẫn còn khó khăn như công tác huy động, duy trì sĩ số.
Theo cô Xuân, nhiều học viên cũng ở xa lớp học, vào mùa mưa, đường xá, giao thông còn khó khăn khiến việc khiến quá trình đi lại tương đối vất vả.
Bên cạnh đó, phần do thời gian tổ chức lớp học chủ yếu vào buổi tối, hay trùng vào thời gian mùa vụ dẫn đến khó huy động được học viên ra lớp học xóa mù chữ. Chưa kể, có những người lớn tuổi họ cũng không muốn đi học.
“Đa phần, những học viên là người lao động chính, ban ngày họ đi làm vất vả, mệt nhọc nên tối đến chỉ muốn nghỉ ngơi. Vì vậy, không phải lúc nào họ cũng tham gia đi học một cách đầy đủ.
Với những học viên như vậy, để duy trì được sĩ số lớp và số buổi đi học đủ là khá khó khăn. Nhà trường đã phối hợp với xã, đồn biên phòng, ban quản lý bản để thành lập tổ vận động, nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc biết chữ đối với sự phát triển của cá nhân, gia đình và cộng đồng”, cô Xuân chia sẻ.
Về mức hỗ trợ để khuyến khích người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học xóa mù chữ trên địa bàn, mỗi người dân sẽ được hỗ trợ 10.000 đồng/buổi học. Đồng thời được hỗ trợ các dụng cụ học tập như cấp phát bút, vở, sách…
Về phương pháp dạy học, theo cô Xuân, vì đối tượng học viên đa dạng, nên các giáo viên thường xuyên sử dụng tiếng đồng bào kết hợp tiếng phổ thông để đặt những câu hỏi gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ; xây dựng các học liệu, đồ dùng trực quan phù hợp với người học; gắn nội dung dạy học với tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, thầy Lò Ngọc Sơn, giáo viên Trường Tiểu học số 1 Mường Mươn (tỉnh Điện Biên) - người tham gia giảng dạy lớp xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số cho biết, vừa qua, thầy vừa hoàn thành lớp học xóa mù chữ ở bản Pú Múa, xã Mường Mươn.
Chính quyền xã phối hợp với Trường Tiểu học số 1 Mường Mươn, lực lượng biên phòng cùng trưởng bản Pú Múa tuyên truyền, phổ biến để bà con tham gia lớp xóa mù chữ, giúp họ hiểu được tầm quan trọng của việc biết chữ để phục vụ trực tiếp cho đời sống, ổn định kinh tế gia đình.
Học viên của lớp xóa mù chữ, sau khi được đi học, dần trở nên tự tin, thích thú với việc biết thêm kiến thức mới. Lớp học được bắt đầu vào lúc 17 giờ, kết thúc lúc 21 giờ 30 phút. Khi hoàn thành lớp học, học viên đã đều đã biết đọc, biết viết.
Tuy nhiên, do học viên tham gia học không có sự đồng đều về lứa tuổi, có nhiều điểm khác biệt, đa số học viên là người dân tộc H'Mông, hạn chế trong việc giao tiếp bằng tiếng phổ thông, nên việc vận động học viên đến lớp xóa mù chữ còn gặp nhiều trở ngại. Vì vậy, giáo viên phải áp dụng nhiều phương pháp dạy học khác nhau để bà con dễ hiểu, nắm được kiến thức cơ bản.
Với những người lớn tuổi, khả năng tiếp thu còn hạn chế, chưa từng đi học hoặc đã học nhưng tái mù chữ cộng thêm tâm lý e dè, xấu hổ khi đi học… khiến việc huy động cũng gặp khó khăn.
Để duy trì sĩ số lớp, thầy Sơn đã cùng với nhà trường, các cấp chính quyền tích cực công tác tuyên truyền, khích lệ người dân, về tận thôn bản để vận động người mù chữ ra lớp.
Còn theo cô Dương Thị Kếu, giáo viên dạy lớp xóa mù chữ tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (tỉnh Gia Lai) cho rằng, đối với bà con dân tộc thiểu số, phần lớn đều lo mưu sinh vất vả, nên hầu như việc giao lưu sinh hoạt trong cuộc sống thường ngày rất ít. Vì thế khi học viên được tập trung cùng học các lớp xóa mù chữ là cơ hội mà học được tiếp cận và gần gũi với nhau qua thời gian dài.
Mặc dù khi được vận động đến lớp học xóa mù chữ, nhiều người còn e dè, một phần xấu hổ do đã lớn tuổi, một phần vì sợ không tiếp thu được. Đồng thời, lớp học chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số đã lớn tuổi nên việc làm quen với mặt chữ ban đầu rất khó khăn.
Vì vậy, ngoài sự nỗ lực, nhiệt tình học tập của học viên, rất cần sự kiên nhẫn động viên, sẻ chia đến từ giáo viên.
Cần có thêm chính sách hỗ trợ, động viên người học xóa mù chữ
Thời gian qua, các địa phương đã tuyên truyền vận động học viên ra lớp, rà soát số người chưa biết chữ, tổ chức đến từng hộ, gặp từng người kiên trì tuyên truyền, vận động để người dân khắc phục khó khăn, bỏ qua mặc cảm đến lớp học chữ.
Theo cô Xuân, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại những hạn chế. Chính vì vậy, cần có những chính sách đồng bộ, thiết thực, phù hợp, để từng bước xóa bỏ nạn mù chữ.
Tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát người mù chữ và tái mù chữ trên địa bàn. Đối với các lớp xóa mù chữ đang thực hiện, cần kịp thời nắm bắt khó khăn của học viên, đưa ra những giải pháp phù hợp để duy trì sĩ số, đảm bảo hiệu quả của lớp học.
Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện thu hút đội ngũ giáo viên bám thôn, bản tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng giao thông đi lại khó khăn; có chính sách hỗ trợ đối với người tham gia dạy xóa mù chữ ở những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
“Bản thân mỗi người dân tham gia lớp học mù chữ đã cơ bản hiểu tầm quan trọng của việc biết chữ. Tuy nhiên cần có thêm sự quan tâm của các mạnh thường quân, khuyến khích người dân đi học bằng những phần quà như áo ấm, chăn.. điều này vừa khích lệ được tinh thần học tập mà còn cho bà con thấy được sự quan tâm của cộng đồng, từ đó sẽ nâng cao tinh thần học tập”, cô Xuân đề xuất.
Đồng tình với quan điểm này, cô Dương Thị Kếu cho rằng, bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước cần huy động nguồn lực xã hội tham gia vào công tác xóa mù chữ, nhất là sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, mạnh thường quân để xây dựng các điểm trường kiên cố, bảo đảm các phòng học có đẩy đủ các trang thiết bị dạy học thiết yếu. Đồng thời có đãi ngộ hợp lý cho người dạy học.