Xóa mù chữ là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao dân trí, tạo nền tảng phát triển nguồn nhân lực bền vững. Tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2024, một trong những nhiệm vụ cấp bách được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đó là cần có giải pháp xoá hoàn toàn nạn mù chữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, nhiều địa phương đã triển khai các giải pháp hiệu quả để thực hiện mục tiêu này. Tại một số tỉnh như Đắk Nông, Điện Biên, Lạng Sơn,...các lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục được duy trì tích cực, góp phần nâng cao dân trí và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số.
Phần lớn học viên lớp xóa mù chữ thuộc nhóm lao động chính trong gia đình
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Đinh Thị Hằng - Phó Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) cho biết, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Trong đó, tỷ lệ số người mù chữ và biết chữ trong độ tuổi từ 15-60 tuổi tại huyện Đắk Glong đã có sự cải thiện đáng kể qua các năm. Cụ thể, từ năm 2020 đến năm 2024, số người mù chữ giảm từ 22,10% xuống còn 10,93%, tương đương mức giảm 11,17%. Đây là kết quả đáng khích lệ trong công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục của huyện. Về số lượng lớp học, năm 2020, toàn huyện đã tổ chức được 5 lớp xóa mù chữ với sự tham gia của 146 học viên. Đến năm 2022, số lớp tăng lên 17 lớp với 583 học viên và tiếp tục đạt 20 lớp với 530 học viên vào năm 2023.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, địa phương đã gặp phải rất nhiều thách thức, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ và chất lượng của chương trình.
"Một trong những khó khăn lớn trong công tác phổ cập giáo dục là sự hạn chế về cơ sở vật chất cho các lớp học xóa mù chữ. Phần lớn các lớp phải mượn phòng học từ các trường tiểu học trong khu vực nhưng thiết bị dạy học chuyên biệt như bảng, sách, tài liệu và các phương tiện hỗ trợ vẫn chưa được cung cấp đầy đủ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy.
Về nguồn kinh phí, sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương chưa đáp ứng đủ chi phí cho giáo viên dạy các lớp xóa mù chữ, trong khi ngân sách địa phương lại hạn hẹp. Điều này dẫn đến tình trạng huyện không có đủ kinh phí để trả thù lao cho giáo viên hoặc thậm chí chi trả các chi phí cơ bản như tiền điện cho các lớp học buổi tối, gây khó khăn lớn cho việc duy trì hoạt động giảng dạy.
Đồng thời, các giáo viên tham gia giảng dạy trong các lớp xóa mù chữ chủ yếu là giáo viên tiểu học, những người vốn đã chịu nhiều áp lực từ công việc giảng dạy chính khóa vào ban ngày. Việc phải đảm nhiệm thêm các lớp học buổi tối không chỉ làm tăng khối lượng công việc mà còn khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc cân bằng giữa công việc và sức khỏe.
Ngoài ra, phần lớn học viên tham gia các lớp xóa mù chữ là lao động chính trong gia đình, phải làm việc vất vả cả ngày để mưu sinh. Điều này khiến họ thường xuyên mệt mỏi, thiếu thời gian và tinh thần để tiếp thu kiến thức vào buổi tối. Bên cạnh đó, do đặc thù công việc lao động chân tay, nhiều học viên gặp khó khăn trong việc cầm bút và viết chữ. Một số người còn phải nghỉ học gián đoạn vì lịch trình làm việc không cố định, dẫn đến việc tiếp thu kiến thức không liên tục, ảnh hưởng đến hiệu quả học tập.
Hiện nay, huyện Đắk Glong cũng thường xuyên tổ chức các lớp học xóa mù chữ nhưng tình trạng di dân từ các tỉnh miền núi phía Bắc, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, khiến số lượng người mù chữ tại địa phương vẫn gia tăng. Đồng thời, tình trạng tái mù chữ vẫn diễn ra, đòi hỏi các cán bộ quản lý phải liên tục vận động người dân tham gia các lớp học, tạo thêm áp lực cho công tác phổ cập giáo dục tại địa phương”, bà Đinh Thị Hằng cho hay.
Việc tổ chức và duy trì các lớp xóa mù chữ tại một số thôn, bản, cụm dân cư trên địa bàn huyện Đắk Glong đang gặp phải nhiều thách thức, khiến quá trình triển khai liên tục và bền vững trở nên gian nan. Sĩ số học viên tại các lớp xóa mù chữ không được ổn định trong mỗi buổi học hay kỳ học, thậm chí vẫn xảy ra tình trạng học viên bỏ học giữa chừng.
Những vấn đề này không chỉ cản trở quá trình tổ chức và vận hành các lớp học mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu phổ cập giáo dục, gây khó khăn trong việc nâng cao dân trí và cải thiện chất lượng giáo dục tại địa phương.
Giáo viên phải đến tận nhà vận động học sinh trở lại trường học
Bên cạnh việc tổ chức các lớp học xóa mù chữ cho học viên trong độ tuổi từ 15 đến 60, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Huổi Lếch, ngôi trường nằm ở địa bàn xa xôi nhất của xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, vẫn kiên trì thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho trẻ em từ 6 đến 10 tuổi.
Thầy Vũ Quang Huy - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ rằng, dù công tác này cơ bản được thực hiện tốt nhưng do đặc thù vị trí địa lý nên việc đảm bảo mọi học sinh trong độ tuổi được đến trường và học tập trở thành một thử thách lớn. Mặc dù các thầy, cô giáo và chính quyền địa phương đã nỗ lực hết mình nhưng những khó khăn và thách thức vẫn còn hiện hữu, bao gồm:
Một là thiếu vắng sự giám sát, động viên từ gia đình. Nhiều phụ huynh phải rời quê hương để làm việc tại các khu công nghiệp, để lại con cái sống cùng ông bà đã già yếu, khiến việc học tập của trẻ không được quan tâm đầy đủ. Ngoài ra, không ít học sinh phải theo cha mẹ đi làm nương rẫy hoặc sống biệt lập ở các bản làng xa xôi, dẫn đến tình trạng thường xuyên vắng mặt trong các buổi học. Dù giáo viên đã nỗ lực đến tận nhà vận động đi học nhưng một số học sinh vẫn có tâm lý e ngại, thậm chí cố tình trốn tránh thầy cô, làm kéo dài quá trình phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ học sinh tới trường.
Đây là một thách thức lớn đối với các thầy cô, vì ngoài nhiệm vụ giảng dạy, họ còn phải dành thời gian vận động, thuyết phục các em học sinh trở lại trường học.
Hai là rào cản về ngôn ngữ. Hiện nay, 100% học sinh trong trường là người dân tộc Mông, trong khi đó chỉ khoảng 50-60% giáo viên là người dân tộc thiểu số, số giáo viên thuộc dân tộc Mông chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong đó.
Mặc dù một số thầy cô đã được học tiếng dân tộc Mông nhưng trong quá trình giảng dạy, họ vẫn gặp trở ngại do sự khác biệt giữa các nhóm ngôn ngữ trong cộng đồng này, đặc biệt là về cách phát âm và hệ thống từ vựng. Thêm vào đó, do học sinh còn nhỏ, nhiều phụ huynh không biết chữ hoặc không thành thạo tiếng phổ thông nên việc phối hợp giữa nhà trường và gia đình trở nên phức tạp, ảnh hưởng đến hiệu quả giảng dạy.
Ba là vấn đề thiếu giáo viên. Vì Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Huổi Lếch là trường nằm tách biệt ở cuối cùng của huyện Mường Nhé, gần sát biên giới nên việc tuyển dụng giáo viên gặp rất nhiều thử thách.
Hiện tại, trường chỉ có 22 lớp học nhưng đội ngũ giáo viên thiếu hụt trầm trọng, với tỷ lệ chỉ đạt 0,9 giáo viên/lớp, một giáo viên phải đảm nhận từ 1-2 lớp học. Dù Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cùng Ủy ban nhân dân huyện Mường Nhé đã cố gắng tăng cường nguồn lực bằng cách điều động giáo viên từ các trường có nguồn lực dư thừa và ký hợp đồng với giáo viên mới để hỗ trợ nhưng phương án này chỉ mang tính chất tạm thời và không thể đảm bảo lâu dài.
Ngoài ra, nhà trường hiện có 9 điểm trường, bao gồm 1 điểm trường chính và 8 điểm trường lẻ, với tổng cộng 509 học sinh theo học. Việc quản lý các điểm trường lẻ cũng gặp không ít khó khăn, chủ yếu do phần lớn các tuyến đường di chuyển đều là đường đất, gây ảnh hưởng đến công tác vận hành và sự thuận tiện trong việc di chuyển của giáo viên và học sinh.
Vì vậy, mỗi lần đi kiểm tra các điểm trường lẻ, đặc biệt là những điểm xa, lãnh đạo và các thầy cô giáo của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Huổi Lếch phải mất cả ngày. Một số điểm trường lẻ cách điểm trường chính lên đến 38 km, khiến việc di chuyển và theo dõi hoạt động của các điểm này trở nên rất vất vả và tốn kém thời gian.
Tuy nhiên, xã Huổi Lếch không thuộc vùng biên giới nên cán bộ, giáo viên của nhà trường không được hưởng các chế độ đãi ngộ như ở biên giới, vốn đã khó nay lại càng khó khăn hơn. Cũng bởi điều này mà dẫn đến việc nhiều giáo viên không yên tâm công tác lâu dài.
Để khắc phục những khó khăn và vấn đề còn tồn đọng trong công tác giáo dục tại trường hiện nay, thầy Vũ Quang Huy cho biết: “Trước hết, giáo viên và nhà trường đã hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương, trưởng bản cùng những người có uy tín trong cộng đồng để thuyết phục phụ huynh cam kết cho học sinh đi học đều đặn. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên tiếp xúc, trò chuyện với phụ huynh, làm rõ lợi ích của việc học tập, nâng cao nhận thức về giá trị của giáo dục và động viên họ tích cực hỗ trợ trong việc đưa trẻ đến trường.
Đồng thời, trường cũng chủ động xin hỗ trợ từ các cấp quản lý để bổ sung trang thiết bị dạy học, sách vở và dụng cụ học tập cho học sinh, đồng thời đề xuất các chính sách thu hút giáo viên giỏi về công tác tại địa phương.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả trong công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục, theo tôi, việc áp dụng chế độ đãi ngộ đặc biệt cho giáo viên vùng sâu, vùng xa, tương tự các chính sách ưu đãi dành cho giáo viên tại khu vực biên giới là vô cùng cần thiết, nhằm khuyến khích họ gắn bó lâu dài và tận tâm với công việc”.
Phổ cập giáo dục cần chính sách lâu dài và hiệu quả
Từ thực tiễn triển khai công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, có thể thấy rõ những khó khăn mà địa phương, nhà trường và giáo viên đang phải đối mặt.
Những khó khăn đó xuất phát từ sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông đến rào cản ngôn ngữ và sự hạn chế trong nhận thức của một bộ phận người dân. Những thách thức này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy mà còn làm gián đoạn quá trình học tập của học sinh.
Theo bà Đinh Thị Hằng, để nâng cao hiệu quả công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong đã thường xuyên tổ chức hội nghị, tuyên truyền và vận động người dân đăng ký tham gia các lớp học xóa mù chữ. Hằng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong cũng phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Đắk Glong xây dựng kế hoạch mở lớp xóa mù chữ, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và tình nguyện viên tham gia giảng dạy.
Ngoài ra, bà Đinh Thị Hằng cho biết, việc áp dụng những chính sách cụ thể như miễn giảm học phí, hỗ trợ tài liệu học tập và tạo điều kiện linh hoạt về thời gian học sẽ là những giải pháp thiết thực giúp người dân có thêm động lực để tham gia học tập.
Những chính sách này không chỉ giảm bớt gánh nặng tài chính mà còn giúp người học, đặc biệt là những người lớn tuổi hoặc người lao động cảm thấy dễ dàng hơn khi sắp xếp thời gian đến lớp. Đây sẽ là một bước đi quan trọng để thúc đẩy công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ đạt hiệu quả cao hơn trên địa bàn.
Cùng bàn về vấn đề này, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn cho biết, nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu trong Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 05/01/2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, ngành giáo dục đã chú trọng tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị tại địa phương.
Đồng thời, sự tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân cũng được huy động nhằm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp một cách đồng bộ và thống nhất.
Mục tiêu đến năm 2030 là đảm bảo mọi trẻ em trong độ tuổi được đến trường, hoàn thành chương trình giáo dục bắt buộc và nâng cao tỷ lệ người lớn biết chữ, đặc biệt ở các vùng kinh tế - xã hội còn khó khăn.
Đối với việc phổ cập giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn đặt trọng tâm vào việc huy động trẻ em mẫu giáo đến lớp, phấn đấu đạt tỷ lệ hoàn thành chương trình giáo dục mầm non từ 99,5% trở lên. Đồng thời, Sở đảm bảo bố trí đủ đội ngũ giáo viên với tỷ lệ 2,2 giáo viên/lớp, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và chăm sóc trẻ.
Trong công tác phổ cập giáo dục cấp tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn phấn đấu duy trì trên 99% trẻ trong độ tuổi đến trường tiểu học, đảm bảo từ 99% trẻ 11 tuổi và từ 11 đến 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học; giữ vững chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.
Ngoài ra, Sở đặt mục tiêu huy động 100% trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6, duy trì sĩ số trên 99% và đạt tỷ lệ tốt nghiệp trung học cơ sở từ 99,5% trở lên, hướng tới đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.
Về công tác xóa mù chữ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn phấn đấu đạt tỷ lệ đối tượng từ 15 đến 60 tuổi biết chữ mức độ 2 trên 99,5%; đồng thời, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục, xóa mù chữ ở 100% xã, giữ vững chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Ngoài ra, Sở cũng tập trung chú trọng phân luồng học sinh phổ thông nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, hướng tới mục tiêu trên 95% thanh thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi sẽ được tiếp tục học trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên hoặc giáo dục nghề nghiệp.
Đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, ít nhất 30% sẽ tham gia các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, con số này đạt tối thiểu 25% tại các địa bàn khó khăn. Tương tự, 45% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ học tiếp lên trình độ cao đẳng, đại học, với tỷ lệ tối thiểu 35% ở vùng đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách, đặc biệt là Kế hoạch số 38/KH-UBND (ngày 15/02/2019) của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn và Quyết định số 1609/QĐ-TTg (ngày 26/12/2022) của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn.
Theo đó, Sở sẽ tập trung đổi mới chính sách, cơ chế tài chính; nâng cấp cơ sở vật chất; phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư và lồng ghép các nguồn lực để xây dựng trường lớp theo chủ trương của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, ưu tiên dành nguồn lực phát triển giáo dục miền núi, giáo dục dân tộc và vùng khó khăn, nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú.
Song song đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn sẽ đảm bảo quy mô và chất lượng giáo dục phổ thông đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, phù hợp với định hướng phân luồng. Việc duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc và xóa mù chữ cũng được chú trọng. Để đạt mục tiêu này, các giải pháp mở lớp xóa mù chữ cho người lớn tuổi sẽ được triển khai hiệu quả cùng với việc huy động học viên tham gia lớp học, thực hiện các chính sách hỗ trợ đúng quy định.