Cần có hướng dẫn cụ thể về việc thanh toán đối với GV biệt phái dạy vượt giờ

21/08/2023 06:33
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Cần hướng dẫn cụ thể về thanh toán đối với giáo viên biệt phái dạy vượt giờ, đảm bảo quyền lợi và khích lệ tinh thần thực hiện nhiệm vụ.

Biệt phái giáo viên tạm thời giải quyết được “bài toán” thiếu giáo viên Tiếng Anh và Tin học ở một số địa phương khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Biệt phái lên huyện cách gần 200km

Hello, teacher Phương!” là câu chào thân thuộc của học sinh mỗi khi gặp cô Vũ Hà Thu Phương - Giáo viên môn Tiếng Anh (Trường Tiểu học Nguyễn Phúc - thành phố Yên Bái) trong thời gian biệt phái tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lao Chải (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) từ ngày 15/08/2022 đến hết ngày 31/05/2023.

Nhớ lại những ngày đầu khi nhận nhiệm vụ biệt phái, cô Phương không khỏi lo lắng vì nhà có hai con đang độ tuổi đi học, chồng cũng thường xuyên phải đi làm xa.

Nhưng bằng chính sự ngoan ngoãn, thích thú với môn Tiếng Anh của các em học sinh trường “kết nghĩa” khi cô từng dạy trong khoảng thời gian dịch Covid-19 bùng phát, đã thôi thúc cô Phương tình nguyện đăng ký biệt phái giáo viên với tinh thần “chia lửa” của thành phố Yên Bái - địa phương kết nghĩa với huyện Mù Cang Chải.

Đường đến với điểm trường biệt phái của cô Phương vô cùng khó khăn. “Khoảng cách từ nhà lên huyện Mù Cang Chải cũng ngót nghét gần 200km, đường sá đi lại khó khăn sương mù mờ đặc, sạt lở đất mỗi khi trời mưa to, tôi mất 6 giờ để di chuyển từ nhà lên đến trung tâm huyện, rồi mất khoảng 30 phút đi xe máy lên bản Lao Chải nơi tôi dạy” - cô Thu Phương kể lại.

Cô Vũ Hà Thu Phương - Giáo viên môn Tiếng Anh trong thời gian biệt phái tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lao Chải (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái). Ảnh: NVCC.

Cô Vũ Hà Thu Phương - Giáo viên môn Tiếng Anh trong thời gian biệt phái tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lao Chải (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái). Ảnh: NVCC.

Thầy cô tại điểm trường nơi tiếp nhận giáo viên biệt phái luôn tạo mọi điều kiện để cô Phương an tâm công tác, cơ sở vật chất được chuẩn bị ở mức tốt nhất như máy chiếu, mạng Internet... Điều này giúp học trò tại điểm trường mở rộng tầm nhìn, trải nghiệm những tiết học có sự kết nối với bạn bè ở các tỉnh lân cận, làm quen với học sinh người nước ngoài, tìm hiểu về phong tục, văn hóa của nhiều quốc gia.

“Từ những học sinh nhút nhát, ngại va chạm, chưa biết ngoại ngữ là gì, giờ đây, các em đã mạnh dạn hơn, cũng đã nói được vài câu tiếng Anh đơn giản. Không chỉ thế, học trò còn dạy tôi những từ tiếng Mông để cô trò gần gũi hơn.

Phụ huynh ở bản cũng dành rất nhiều tình cảm cho tôi trong mỗi chuyến thăm con, với những món quà vô cùng thú vị và ý nghĩa - những món quà mà chỉ lên vùng cao, tôi mới có được, từ táo mèo, khoai nướng đến vài quả su su tự gieo trồng” - cô Phương tâm sự.

Với kinh nghiệm 15 năm công tác, cô giáo Vũ Hà Thu Phương đã áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy tích cực để việc học tập của học sinh đạt hiệu quả, khi thì sử dụng trực quan sinh động, khi thì thông qua kết hợp các hoạt động, trò chơi hấp dẫn... Những ánh mắt tràn ngập niềm hạnh phúc của học trò là động lực để cô Phương không ngừng nỗ lực, tìm tòi nhiều phương pháp giảng dạy mới.

Hoàn thành nhiệm vụ khi thực hiện công tác biệt phái trong năm học 2022-2023, điều đọng lại trong tâm trí cô giáo biệt phái ngày ấy là tình người, sự yêu thương, sẻ chia và tấm lòng nhân ái của thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lao Chải.

“Tôi không thể quên được ngày dự lễ khai giảng ở ngôi trường mới. Tôi đã khóc vì nhớ nhà, nhớ các con, nhớ những cô cậu học trò thành phố.

Đến ngày chia tay ngôi trường vùng cao, những giọt nước mắt ấy lại rơi vì hạnh phúc, vì biết bao tình cảm mà thầy trò nơi ấy đã dành cho mình. Những lá thư viết vội, các em xếp thành hàng dài, vẫy tay tạm biệt cho đến khi xe khuất xa dần, và thầy cô nhà trường đã đưa tôi về tận nhà... Tất cả, tôi đều nhớ rõ.” - cô Phương bồi hồi kể lại.

Cô Phương nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải. Ảnh: NVCC.

Cô Phương nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải. Ảnh: NVCC.

Khi được hỏi về những kỳ vọng đối với chủ trương, chính sách hỗ trợ giáo viên biệt phái, cô Thu Phương cho biết: “Hiện nay, đội ngũ giáo viên đang thiếu trầm trọng, tôi mong rằng, biên chế giáo viên cho các huyện vùng cao tăng lên, cũng như tập trung thu hút được nguồn tuyển, để giải quyết tình trạng “trắng giáo viên” Tiếng Anh bậc tiểu học.

Biệt phái giáo viên Tiếng Anh chỉ là giải pháp ngắn hạn và tạm thời, để dài hơn cần tạo ra nguồn giáo viên địa phương có chất lượng.

Để làm được như vậy, thầy cô giáo nên quan tâm, chú ý đến học sinh có năng lực ngoại ngữ ngay từ khi học tại các em còn ngồi trên ghế nhà trường bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông. Từ đó, gieo đam mê với môn học này và góp phần định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ và sự động viên kịp thời cũng rất quan trọng, sẽ giúp các nhà giáo yên tâm công tác hơn, gắn bó hơn”.

Chưa có hướng dẫn đơn vị nào chi trả vượt giờ đối với giáo viên biệt phái

Nói về việc tiếp nhận giáo viên đến biệt phái trong năm học 2022-2023, thầy Nguyễn Văn Tuấn - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) cho biết: “Năm học vừa qua, theo lộ trình đổi mới, chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Ở lớp 3, đây cũng là lần đầu môn Tiếng Anh trở thành môn bắt buộc. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh tại huyện Mù Cang Chải.

Được sự phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải đã tiếp nhận 09 giáo viên Tiếng Anh đến thực hiện nhiệm vụ biệt phái từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/5/2023. Hầu hết các thầy, cô giáo đều tình nguyện đến các điểm trường hỗ trợ, chia sẻ khó khăn về tình trạng thiếu giáo viên của huyện”.

Với các giáo viên biệt phái, huyện Mù Cang Chải luôn hỗ trợ kịp thời, quan tâm sát sao đến mỗi giáo viên, phải kể đến như tổ chức buổi gặp mặt, động viên các thầy cô; tạo điều kiện thuận lợi về chỗ ăn, nghỉ, sinh hoạt tại nhà công vụ; không giao kiêm nhiệm bất cứ việc gì ngoài công tác giảng dạy môn Tiếng Anh.

Cùng với đó là hoạt động bố trí sắp xếp thời khóa biểu cho các thầy cô, đảm bảo không vượt quá số tiết theo quy định. Tạo mọi điều kiện tốt nhất để các thầy cô có thời gian nghỉ ngơi, và về thăm nhà. Kết thúc thời gian biệt phái, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải tiến hành tổ chức đưa các thầy cô về đơn vị được biên chế.

Theo thầy Nguyễn Văn Tuấn, hoạt động biệt phái giáo viên Tiếng Anh lên huyện Mù Cang Chải là một giải pháp vô cùng cần thiết. Nhờ đó, ngành giáo dục huyện Mù Cang Chải thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 được đảm bảo, 100% học sinh lớp 3 được học Tiếng Anh, bù đắp lỗ hổng thiếu giáo viên và giải quyết được 56% việc giảng dạy môn học này ở cấp tiểu học.

Ngoài ra, chất lượng giảng dạy và tinh thần học tập môn Tiếng Anh tại huyện cũng có nhiều thay đổi tích cực so với năm học trước. Các cuộc thi tiếng Anh được nhiều bạn học sinh hưởng ứng tham gia, và đạt được nhiều thứ hạng cao ở vòng thi cấp huyện, cấp tỉnh.

Tuy nhiên, việc bố trí tiết dạy cho giáo viên biệt phái mới chỉ dừng lại ở việc dạy đủ số tiết/tuần theo đúng quy định. Vì số tiết dạy vượt định mức quy định chưa có nguồn kinh phí cấp và cũng chưa có văn bản hướng dẫn đơn vị nào chi trả vượt giờ đối với giáo viên biệt phái.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải tổ chức buổi chia tay thầy, cô giáo biệt phái năm học 2022-2023. Ảnh: NVCC.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải tổ chức buổi chia tay thầy, cô giáo biệt phái năm học 2022-2023. Ảnh: NVCC.

Vì vậy, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải cũng bày tỏ rằng, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc thanh toán đối với giáo viên biệt phái dạy vượt giờ, đảm bảo quyền lợi và kịp thời khích lệ tinh thần.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc thực hiện hoạt động biệt phái giáo viên, để giải quyết một cách dài hơi tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Ủy ban nhân dân các tỉnh cần xây dựng lộ trình thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo từng vùng, cam kết gắn bó lâu dài với địa phương. Có như vậy, chất lượng giáo dục mới được cải thiện, từng bước bắt nhịp những thay đổi mới.

Thảo Ly