Các trường hãy duyệt giáo án điện tử, đừng bắt giáo viên in ra và nộp nữa

15/09/2021 06:49
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chúng tôi cho rằng thời điểm này các trường học nên đồng loạt triển khai việc duyệt và quản lý các loại hồ sơ sổ sách điện tử cho giáo viên sẽ có nhiều thuận lợi.

Thời điểm này, ngành giáo dục đã bước vào một năm học mới trong một bối cảnh khá đặc biệt bởi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có những diễn biến khá phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước.

Vì thế, nhiều tỉnh đã triển khai việc dạy và học trực tuyến ở các trường phổ thông nên áp lực về soạn kế hoạch bài học (giáo án) đối với giáo viên là rất lớn vì vừa phải soạn giáo án PowerPoint, vừa phải soạn và in thêm bản word để lưu nhằm cho việc kiểm tra chuyên đề, kiểm tra hồ sơ sổ sách sau này.

Bên cạnh đó, trong năm học này thì ngành giáo dục triển khai một số loại kế hoạch giáo dục theo Công văn 5512 nên số lượng in ấn các loại hồ sơ, sổ sách của giáo viên sẽ nhiều hơn so với những năm trước đây.

Chính vì thế, nếu lúc này mà các nhà trường không đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, không triển khai được việc duyệt giáo án điện tử cho giáo viên thì không biết bao giờ mới có thể thực hiện được.

Quản lý hồ sơ, sổ sách điện tử sẽ giải phóng nhiều sức lực cho giáo viên (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Quản lý hồ sơ, sổ sách điện tử sẽ giải phóng nhiều sức lực cho giáo viên

(Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Bộ đã cho phép đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường nhưng nhiều địa phương vẫn mãi loay hoay…

Ngày 18/ 01/ 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 138/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong các nhà trường. Theo đó, Chỉ thị 138 đã hướng dẫn khá cụ thể như sau:

1. Giám đốc sở giáo dục và đào tạo, Trưởng phòng giáo dục và đào tạo và Hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài những loại hồ sơ, sổ sách theo quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

2. Giáo viên được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định.

Từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hồ sơ, sổ sách hiện hành theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên.

Việc sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử của giáo viên và nhà trường là minh chứng đánh giá tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin theo Điều 8 Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và Điều 8 Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông”.

Tiếp theo, trong năm 2020 vừa qua thì Bộ cũng đã ban hành 2 Thông tư nhằm hướng dẫn việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, đó là: Thông tư Số 28/2020/TT-BGDĐT Ban hành Điều lệ trường tiểu học; Thông tư Số 32/2020/TT-BGDĐT Ban hành Điều lệ trường trung học đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2020.

Điều này cho thấy Bộ đã dành cho các trường học một “không gian mở” để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục. Các trường học có thể chủ động trong việc thực hiện, quản lý các loại hồ sơ sổ sách của giáo viên trong đơn vị của mình quản lý.

Việc thanh, kiểm tra chuyên môn của cấp Phòng, cấp Sở hiện nay cũng chỉ tập trung kiểm tra, thanh tra những người đứng đầu như ban giám hiệu nhà trường, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn mà thôi.

Đối với giáo viên dạy lớp, không đảm nhận chức vụ thì cấp trên cũng chỉ dự giờ để đánh giá người đứng đầu chứ không thực hiện kiểm tra hồ sơ sổ sách như trước đây. Như vậy, việc quản lý, kiểm tra hồ sơ sổ sách của giáo viên hiện nay chủ yếu là tổ chuyên môn và nhà trường theo các chuyên đề hoặc kiểm tra đột xuất.

Vì vậy, thay vì giáo viên cứ phải soạn, in ấn hàng mấy trăm trang giáo án, hồ sơ và khệ nệ đem vào trường khi có kế hoạch thì nhà trường chuyển sang quản lý hồ sơ bằng công nghệ thông tin sẽ giảm được rất nhiều tiền bạc, áp lực cho giáo viên.

Đặc biệt, nó sẽ giải phóng được rất nhiều đầu việc cho giáo viên và ngay cả với những người được phân công kiểm tra hồ sơ sổ sách của giáo viên.

Chuyển sang quản lý hồ sơ sổ sách điện tử sẽ phát huy được nhiều lợi thế

Từ thực tế ở các năm học qua và cả trong năm học này thì chưa nhiều nơi dám đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục. Giáo viên vẫn phải in ấn, lưu giữ toàn bộ hồ sơ, giáo án của mình suốt cả năm học. Mỗi khi có kế hoạch kiểm tra của nhà trường thì phải sắp xếp để đem vào trường rất mất thời gian…

Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, nhiều trường học trên cả nước đang phải làm việc trực tuyến kể cả giảng dạy và hội họp.

Nhưng, các kế hoạch của giáo viên trong năm học thì các nhà trường đã triển khai khá đầy đủ, cụ thể theo hướng dẫn của các cấp. Vì thế, chúng tôi cho rằng thời điểm này các trường học nên đồng loạt triển khai việc duyệt và quản lý các loại hồ sơ sổ sách điện tử cho giáo viên sẽ có nhiều thuận lợi hơn.

Thứ nhất: đối với kế hoạch bài dạy (giáo án)- công việc này đang do tổ trưởng chuyên môn duyệt mỗi tháng 2 lần. Những tổ ít giáo viên thì áp lực ít chứ những tổ nhiều giáo viên thì công việc duyệt giáo án mất khá nhiều thời gian khi ngồi lật từng trang giáo án để đếm số tiết, xem từng hoạt động dạy học của đồng nghiệp…

Vì thế, thay vì công việc thủ công này, giáo viên bộ môn chỉ cần chuyển qua email hoặc Google Drive cho tổ trưởng sẽ bỏ qua được rất nhiều công đoạn.

Những lúc rảnh rỗi, những thầy cô tổ trưởng có thể mở máy ra duyệt giáo án cho giáo viên sẽ nhanh gọn hơn nhiều. Sau khi duyệt xong, có thể chuyển lại cho giáo viên hoặc đăng tải lên website của nhà trường như một số trường đã và đang làm.

Thứ hai: khi kiểm tra các chuyên đề thì những loại hồ sơ sổ sách đã duyệt đầu năm không nhất thiết phải kiểm tra lại làm gì cho mất thời gian. Sổ dự giờ thì chỉ cần giáo viên chụp ảnh gửi qua mail hoặc zalo cũng được. Sổ điểm thì kiểm tra trực tiếp trên phần mềm của nhà trường.

Thứ ba: khi Ban giám hiệu hoặc Hội đồng bộ môn cần kiểm tra hồ sơ sổ sách của giáo viên chỉ cần tổ trường chuyển email hoặc xem trên các địa chỉ mà nhà trường quy định trên không gian mạng sẽ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Thứ tư: khi duyệt các loại hồ sơ, sổ sách điện tử của giáo viên sẽ tiết kiệm được khá nhiều tiền bạc cho đội ngũ nhà giáo. Mỗi nhà giáo mỗi năm phải bỏ ra chi phí ít nhất là vài trăm ngàn đồng tiền in ấn. Nếu thực hiện đồng loạt sổ sách điện tử thì mỗi năm hàng triệu nhà giáo tiết kiệm được một khoản tiền khá lớn.

Thực tế, giáo viên lên lớp có mấy ai vừa giảng dạy vừa đọc giáo án đâu. Đa phần giáo viên đã phải nghiên cứu kỹ lưỡng từ khi ở nhà nên việc in ấn giáo án đang khá lãng phí vì mỗi năm tốn kém mấy trăm ngàn để in nhưng cuối năm cân bán được vài ngàn phế liệu.

Thời đại 4.0 mà nhiều trường học vẫn thực hiện việc quản ly hồ sơ sổ sách giáo viên như hàng chục năm về trước là điều không còn phù hợp và gây ra nhiều áp lực cho người thầy. Vì thế, các trường cần mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục là điều rất cần thiết bởi đây cũng là điều mà Bộ cho phép.

Đối với Ban giám hiệu nhà trường, Hội đồng bộ môn, Phòng, Sở quản lý bằng cách kiểm tra trên website, dự giờ giáo viên trên lớp, thậm chí trong lúc dạy trực tuyến thì có thể dự giờ online, đánh giá giáo viên bằng hiệu quả công việc sẽ thiết thực hơn nhiều mớ hồ sơ sổ sách vô bổ như những năm qua.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN