"Bổ nhiệm trưởng khoa thử việc", Trường CĐ Công thương VN làm nhân sự lạ thế

23/11/2023 12:24
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để "lọt" cán bộ bổ nhiệm vào vị trí trưởng khoa mà bằng cấp "có vấn đề" thì rõ ràng khâu tuyển nhân sự Trường CĐ Công thương Việt Nam đang bị xem nhẹ.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 22/11 đã đăng tải bài viết "Nguyên Trưởng khoa CĐ Công thương VN dùng bằng TS không có dữ liệu cấp bằng" phản ánh về trường hợp bổ nhiệm Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam đối với ông Nguyễn Trường Hải vào ngày 18/9.

Đáng nói, theo văn bản trả lời về việc xác minh bằng cấp ngày 13/10 của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (địa chỉ ghi trên bằng tiến sĩ của ông Hải) thì văn bằng tiến sĩ ngành Khoa học máy tính của ông Hải là không đúng với dữ liệu lưu trữ tại trường này. Trường đại học này cũng khẳng định, ông Hải chưa từng là học viên cao học tại đây.

Lý giải về điều này, trong cuộc làm việc với phóng viên Tạp chí, đại diện Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam cho rằng: "Việc bổ nhiệm ông Hải khi đó mới chỉ là thử việc, chứ chưa phải chính thức bổ nhiệm ông ở vị trí này". Sau khi tiến hành bổ nhiệm ông Hải, nhà trường mới tiến hành quy trình làm việc của mình, trong đó có việc là đi xác minh các văn bằng mà ông Hải đã khai báo với nhà trường.

Được biết, sau hơn 4 tháng làm việc tại Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam, hiện ông Hải đã gửi đơn xin nghỉ việc với lý do bận việc gia đình.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: Phạm Minh
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: Phạm Minh

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, nhà trường lấy lý do "bổ nhiệm thử việc" để giải thích là đang bao biện cho những việc làm đã xảy ra.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nói thêm: "Trong chuyện này phía nhà trường đáng lý phải mạnh dạn nhận trách nhiệm về mình chứ không nên tìm những lý do khó chấp nhận như thế. Làm gì có khái niệm "bổ nhiệm thử việc" đối với vị trí trưởng khoa.

Dù là trường cao đẳng công lập hay tư thục thì trong cơ sở giáo dục đó cũng phải có tổ chức Đảng để điều hành việc bố trí, sắp xếp nhân sự của nhà trường. Để xảy ra tình trạng "lọt" cán bộ bổ nhiệm vào vị trí quản lý mà bằng cấp người đó "có vấn đề" thì rõ ràng vai trò của tổ chức Đảng ở Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam cũng đang bị xem nhẹ.

Trên thực tế, để ra được quyết định bổ nhiệm như vậy phải trải qua rất nhiều quy trình khắt khe. Người được bổ nhiệm cũng phải trải qua quá trình xác minh, lấy ý kiến và hội đủ tiêu chuẩn mới được cất nhắc, không thể dễ dàng vào vị trí đó giống như một nhân viên bình thường được".

Qua đó, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp nhấn mạnh rằng, nếu không chọn người đủ tài, đủ đức và vững về chuyên môn vào vị trí lãnh đạo thì sẽ tạo ra rất nhiều hệ lụy.

"Nếu đưa vào vị trí lãnh đạo chỉ để thử việc thì khi tạo ra các sản phẩm giáo dục lỗi thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm. Đây là một cơ sở giáo dục nên nếu tạo ra những sản phẩm lỗi thì rất khó để có thể sửa chữa được", Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nói thêm.

Vị này cũng bày tỏ quan điểm, cho dù nhân sự này tại Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam đã nghỉ việc nhưng không thể xem như đó là "việc đã rồi" mà cần truy cứu trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường và những người trực tiếp làm công tác tuyển dụng đối với nhân sự nói trên.

"Trong sự việc này đối với uy tín của nhà trường cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Ngoài ra nó cũng ảnh hưởng đến uy tín chung của những người làm nghề giáo khi mà việc bổ nhiệm cán bộ quản lý của một khoa trong trường cao đẳng đã được thực hiện một cách "dễ dãi" như vậy", nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp cho biết thêm.

Để có thêm những thông tin khách quan về quy trình bổ nhiệm vị trí trưởng khoa, phóng viên đã trao đổi với một thầy đang giữ vị trí trưởng khoa tại một trường cao đẳng.

Theo đó, vị này khẳng định, để được bổ nhiệm làm trưởng khoa thì buộc phải trải qua rất nhiều quy trình khắt khe. Việc "bổ nhiệm thử việc" đối với vị trí quản lý một khoa như vậy thầy chưa nghe đến bao giờ.

Vị trưởng khoa này chia sẻ quy trình ở một trường cao đẳng công lập.

"Bản thân tôi cũng là một nhân sự được bổ nhiệm lên vị trí trưởng khoa từ một giảng viên của trường nên tôi thấu hiểu mức độ "khó" của việc vượt qua các quy trình thực hiện.

Đầu tiên, đơn vị sẽ xây dựng quy chế về việc bổ nhiệm, sau đó sẽ thực hiện đầy đủ các bước theo quy chế đó. Theo đó, việc bổ nhiệm sẽ thông qua các quy trình như sau:

Bước thứ nhất, thông qua chủ trương đơn vị sẽ tổ chức lấy ý kiến của tập thể lãnh đạo đơn vị.

Bước thứ hai, tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng

Bước thứ ba, hội nghị tập thể lãnh đạo họp lại lần thứ 2

Bước thứ tư được chia làm 2 bước nhỏ, trong đó sẽ gồm lấy ý kiến của tập thể giáo viên trong khoa và lấy ý kiến cấp Ủy của khoa mà nhân sự đó sẽ được bổ nhiệm.

Bước thứ 5 là hội nghị tập thể lãnh đạo đơn vị lần thứ 3 để họp và đưa ra kết quả cuối cùng. Sau đó sẽ tiến hành xin ý kiến của Ban Chấp hành Đảng ủy nhà trường.

Ban Chấp hành tiếp tục họp để lấy phiếu, sau đó sẽ họp tập thể lãnh đạo nhà trường để lấy phiếu và ý kiến nhận xét đánh giá đối với viên chức đó để có thể hoàn tất hồ sơ theo quy định".

Trụ sở Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam tại Khu Đô thị mới Nghĩa Đô, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Trung Dũng

Trụ sở Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam tại Khu Đô thị mới Nghĩa Đô, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Trung Dũng

Đối với việc xác minh hồ sơ, bằng cấp của người được bổ nhiệm vào vị trí trưởng khoa, thầy cho biết việc này được thực hiện song song với các bước nêu trên và phải hoàn tất trước khi ra quyết định bổ nhiệm.

Vị trưởng khoa này nhấn mạnh thêm, ở các trường công lập: "Theo quy định thì việc xác minh hồ sơ viên chức được bổ nhiệm đối với người đang công tác tại trường sẽ dễ dàng và nhanh hơn so với việc bổ nhiệm nhân sự từ đơn vị khác chuyển sang.

Nếu người đang công tác tại trường được bổ nhiệm thì bộ phận tuyển dụng có nhiệm vụ là rà soát, kiểm tra hồ sơ người đó được lưu tại trường, tuy nhiên vẫn phải thực hiện lại khâu thẩm tra, xác minh lý lịch. Sau đó sẽ thực hiện việc xác định tiêu chuẩn, đạo đức chính trị của người đó từ cấp có thẩm quyền.

Như trường hợp của tôi thì phía nhà trường sẽ gửi nội dung xác minh sang tổ chức Đảng cấp trên để họ ra kết luận về tiêu chuẩn chính trị đối với đối tượng được bổ nhiệm. Sau khi có kết luận của tổ chức Đảng cấp trên và trình 5 bước đã hoàn thiện thì mới có quyết định bổ nhiệm trưởng khoa chính thức".

Đối với nhân sự được bổ nhiệm là từ đơn vị khác chuyển sang, theo vị Trưởng khoa, trước khi ra quyết định bổ nhiệm buộc phải làm thêm công đoạn là xác minh bằng cấp. Theo đó, nhà trường sẽ gửi công văn xác minh bằng cấp sang trường mà nhân sự đó từng theo học, sau đó nhận về kết quả xác minh phải trùng khớp với số hiệu, ngày, tháng và tên tuổi được ghi trên bằng phải trùng khớp.

Đối với trường tư, việc bổ nhiệm nhân sự vị trí trưởng khoa chắc chắn cũng phải đảm bảo các bước để đáp ứng được yêu cầu vị trí quản lý. Vì thế, các thông tin trả lời từ phía Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam gây rất nhiều băn khoăn cho dư luận.

Trung Dũng