Bộ lý giải không thuyết phục, không thể đùng cái nói bỏ điểm ưu tiên là bỏ!

22/04/2022 06:33
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các em dù có thi trượt năm đầu tiên, thì năm sau vẫn là học sinh của chúng ta, vẫn nên trao cơ hội cho các em, tại sao lại “cắt bỏ” quyền lợi đó của các em đi?

Vừa qua, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học; cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022, đã gây ra những ý kiến trái chiều xoay quanh điểm cộng ưu tiên khu vực cho thí sinh tự do.

Thí sinh thi lại đã phải chịu áp lực vô cùng lớn

Trước thông tin trên, trao đổi với phóng viên, cô giáo Vũ Mai Vy (giáo viên Trường Trung học phổ thông chuyên Lương Văn Chánh - Phú Yên) cho biết: “Khi đọc được thông tin không cộng điểm khu vực cho các thí sinh thi lần thứ hai, theo dự thảo Quy chế tuyển sinh mới, tôi cảm thấy không thực sự thỏa đáng. Nói là không cộng điểm cho thí sinh tự do để đảm bảo công bằng chung, nhưng tôi thấy, thực ra, đó lại không phải vì đảm bảo công bằng”.

Là “mẹ đỡ đầu” của nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cô giáo Vũ Mai Vy thấu hiểu những trở ngại, áp lực của học trò, mong các em vẫn được cộng điểm. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).Là “mẹ đỡ đầu” của nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cô giáo Vũ Mai Vy thấu hiểu những trở ngại, áp lực của học trò, mong các em vẫn được cộng điểm. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Mặc dù là giáo viên trường chuyên, song, cô giáo Mai Vy đã nhiều năm nhận “đỡ đầu” và tiếp sức cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nên rất thấu hiểu những hạn chế của học trò.

Cô Vy phân tích thêm: “Nhiều người có thể cho rằng, các thí sinh thi lần thứ hai là đã có thêm nhiều thời gian, có điều kiện ôn thi tốt hơn. Nhưng trên thực tế, các em đang học lớp 12 còn ngồi trên ghế nhà trường, tức là vẫn ở trong một guồng học tập, vẫn có không khí học tập, vẫn đang trong một “lò nung” sục sôi ý chí tiến tới kỳ thi, nên mọi kiến thức đều dễ dàng tập trung hơn.

Còn đối với các thí sinh đã thi lại, dù muốn hay không, vẫn có một cái gọi là “sức ì” trong đó.

Đặc biệt, nếu các em đã ở vùng khó khăn, việc ôn luyện sẽ càng có nhiều hạn chế. Vẫn biết rằng, hiện nay, các em cũng có nhiều phương tiện để tiếp cận kiến thức, để ôn luyện, chẳng hạn ôn qua mạng, nhưng khi đã là thí sinh thi lại, tâm lý không còn được thoải mái như năm thi đầu tiên.

Thêm nữa, môi trường để ôn tập cũng không bằng so với các thí sinh đang học tại nhà trường. Có nhiều thí sinh hoàn cảnh rất khó khăn, chẳng hạn như ở huyện Sông Hinh (Phú Yên) đây, các em hầu hết không có điều kiện tiếp cận kiến thức tốt như các bạn ở địa phương khác.

Với thí sinh thi lại, có thể kết quả năm trước không được như mong đợi, nên các em hoặc là đang phải duy trì việc học ở một trường đại học, cao đẳng khác, hoặc các em đang phải lăn lộn kiếm sống với một nghề làm thêm nào đó.

Hoặc có những em mặc dù năm đầu thi đã đủ điểm đậu vào một trường đại học khác, nhưng không có điều kiện đi học, do học phí cao chẳng hạn. Nên năm nay, các em lại một lần nữa muốn thi vào ngôi trường mơ ước, mà lại không được cộng điểm nữa, thì vô tình tước đi cơ hội của các em, làm cho các em mất đi động lực, ảnh hưởng đến tương lai”.

Theo cô giáo Vũ Mai Vy, thí sinh thi lại sẽ đứng giữa rất nhiều áp lực: “Học sinh của tôi cũng có những em bỏ lỡ cơ hội vào trường đại học yêu thích trong năm thi đầu tiên, nhưng sau đó, đủ quyết tâm để theo đuổi lại đam mê, nên vừa duy trì học ở trường đại học kia, vừa đi làm thêm, vừa âm thầm ôn luyện để thi lại. Các em ngại tiết lộ, chia sẻ với gia đình. Vậy nên, áp lực với các em ấy là rất nặng nề.

Rồi có những em năm trước thi không đậu, không chọn đi học trường nào mà quyết định ở nhà ôn thi, thì lại càng áp lực. Bởi, nếu bố mẹ tâm lý thì không sao, nhưng nếu bố mẹ không hiểu, thì đôi khi có thể chỉ là đôi ba câu càu nhàu: “Bạn bè đậu đại học hết rồi... Mình ở nhà ăn bám... Chọn đi học ngành này ngành kia đi... Sao cứ phải đòi học chi cái ngành đó...”, cũng khiến các em chạnh lòng.

Nếu gia đình kinh tế dư dả thì không sao, nhưng nếu bố mẹ không có điều kiện, thì rất dễ sốt ruột, hoặc đôi khi là cảm thấy xấu hổ với hàng xóm chẳng hạn, nên cũng giục giã con nhiều. Để né tránh bố mẹ, các em ấy cũng sẽ lựa chọn đi làm thêm, phụ giúp gia đình. Tâm lý của các em ấy cũng không hề thoải mái, mà thường rất căng thẳng”.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương cho rằng, không cộng điểm khu vực cho thí sinh thi lại là bất công. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương cho rằng, không cộng điểm khu vực cho thí sinh thi lại là bất công. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Đồng tình với những quan điểm của cô Vy, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương (nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lộc Phát - Lâm Đồng) cũng chia sẻ: “Có một số thí sinh thi lại thì điều kiện thuận lợi để ôn thi. Nhưng cũng có những em thi lại thì hoàn cảnh lại khó khăn, vừa học, vừa làm. Cho nên, việc tạo điều kiện cho những em đó, ở những vùng gắn với điều kiện kinh tế - xã hội chưa bằng những khu vực phát triển là rất cần thiết, chính vì thế mới có chủ trương cộng điểm từ trước đến nay.

Các em dù có thi trượt năm đầu tiên, thì năm sau vẫn là học sinh của chúng ta, vẫn nên trao cơ hội cho các em, tại sao lại “cắt bỏ” quyền lợi đó của các em đi?”.

Động lực lớn cho các thí sinh, không thể nói bỏ là bỏ

Theo cô Vy, điểm cộng khu vực tuy không quá nhiều, nhưng lại là nguồn động lực lớn cho các thí sinh. “Điểm cộng đó, nếu xét cho cùng, cũng không phải quá cao, chỉ từ 0,25-0,75 điểm, nhưng lại là một nguồn động viên tinh thần rất lớn với các thí sinh để các em ấy vượt qua kỳ thi quan trọng trong ngưỡng cửa cuộc đời.

Có những kỳ thi, tôi bắt gặp rất nhiều thí sinh chỉ vì chấp chới, thiếu 0,25 điểm mà không thể vào đại học. 0,25 đó, cũng có thể là do năng lực, nhưng cũng có thể có những thí sinh gặp vấn đề về sức khỏe, hay có sự cố gì trước kỳ thi, nên tinh thần bị ảnh hưởng, rồi trong phòng thi hồi hộp, chỉ cần nhìn nhầm, tô nhầm một câu trắc nghiệm thôi là cũng đã có thể khác. Mà đôi khi, chỉ chênh nhau 0,25 điểm thôi, cũng đã có kẻ trượt, người đậu rồi.

Vây nên, tôi cho rằng, vẫn nên duy trì điểm cộng cho các thí sinh tự do, nếu thực sự muốn gọi là công bằng cho các em. Nếu bỏ đi thì mới gọi là bất công, sẽ dẫn tới sự phân biệt đối xử” - nữ giáo viên cho hay.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương thì cho rằng: “Đôi khi, bản thân các thí sinh ấy sẽ nghĩ đến chuyện, “mình có thêm 0,25-0,5 điểm là có động lực thêm rất nhiều”, mà cố gắng nhiều hơn. Không chỉ là động lực cho chính bản thân của các thí sinh, mà còn là động lực của gia đình, động lực cho chính nhà trường, có thể khích lệ học sinh của mình nhiều hơn: “Các em được ưu tiên như vậy, phải nỗ lực nhiều hơn!”.

Sự quan tâm tới các thí sinh đó cũng là thể hiện tính nhân văn, thể hiện “không có học sinh nào bị bỏ rơi”.

Và mai này, khi đã học tập, đỗ đạt, các em ấy sẽ nghĩ: “Để đạt được thành công này, cũng nhờ sự động viện khích lệ, nhờ có ưu thế này, tạo cơ hội đỗ đại học”... Khi đó, các em đã thành công, sẽ quay lại phụng sự quê hương, đất nước”.

Đồng thời, vị nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lộc Phát cũng nhấn mạnh: “Quan điểm của tôi, giáo dục khi muốn thay đổi một điều gì đó, thì phải có lộ trình. Không thể đùng một cái, quyết định là thay đổi luôn, sẽ rất khó cho các em. Chẳng hạn như với các em năm ngoái thi không được như mong đợi, năm nay muốn thi lại, nhưng lại có sự thay đổi như vậy, phần nào sẽ khiến cho các em hụt hẫng, mất tâm lý”.

Cô Vũ Mai Vy cũng cho biết: “Tôi cũng cho rằng, nếu muốn có sự thay đổi, thì phải báo trước một năm, để cho học sinh có sự chuẩn bị về tâm lý. Đằng này, chỉ còn vài tháng nữa là đã thi rồi mà bây giờ lại đưa ra dự thảo với nội dung này, sẽ tạo tâm lý nặng nề cho các em. Bởi, thông thường, khi có bất cứ chuyện gì xảy ra trước mỗi kỳ thi, cũng đều ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh.

Hiện tại, với học sinh của mình, cũng có các em dự kiến năm nay sẽ thi lại đại học, tôi vẫn động viên các em cứ tham dự kỳ thi, vì đây mới chỉ là dự thảo.

Tôi hy vọng, với sự lên tiếng của phụ huynh, thí sinh và của giáo viên, dự thảo đó có thể xem xét lại.

Còn nếu vẫn giữ khẳng định đó, thì nên để lùi lại sau một năm, để tâm lý các thí sinh sẵn sàng tiếp nhận chuyện đó, thì mới nên triển khai, chứ không thể triển khai một cách gấp gáp như vậy”.

Để cơ hội đến giảng đường đại học không xa hơn

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương bày tỏ: “Với nội dung này, tôi cho rằng rất đáng lên tiếng, vì điều kiện học tập tại Việt Nam hiện nay chưa đồng đều. Bức tranh giáo dục vẫn chỉ tập trung ở một số khu trung tâm, còn bước dài ra, sự chênh lệch đôi khi có thể khiến chúng ta phải ngỡ ngàng.

Nói như ở địa phương, có 7 trường Trung học phổ thông thì chỉ có khoảng 3 trường là thực sự chất lượng, còn 4 trường vùng ven thì nói gì cũng đã không thể xếp ngang bằng. Với những thí sinh đã khó khăn, thì càng cần phải có sự quan tâm, động viên kịp thời, có thể là động viên qua điểm cộng ưu tiên.

Nếu không, cơ hội đến giảng đường đại học của các em sẽ ngày một xa hơn, rồi lại chỉ có thể quẩn quanh với những công việc mà các em không thực sự mong muốn”.

Ngân Chi