Phản ánh đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều giáo viên, nhân viên đang công tác tại bậc trung học phổ thông tại tỉnh Bình Thuận cho biết, đến nay họ vẫn chưa nhận được lương của tháng 12/2024. Việc này ảnh hưởng đến chi tiêu sinh hoạt gia đình giáo viên trong thời gian cuối năm vừa qua.
Thầy giáo Q.D. giáo viên một trường trung học phổ thông tại huyện Bắc Bình (Bình Thuận) cho biết, trong khi giáo viên ở bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đều đã được nhận lương tháng 12/2024, đến nay giáo viên bậc trung học phổ thông vẫn chờ lương tháng 12/2024.
"Nhiều thầy cô hỏi hiệu trưởng nhưng hiệu trưởng nói, nhà trường chờ bên trên cấp kinh phí", thầy D. nói.
Theo phản ánh, có những gia đình cả 2 vợ chồng đều làm giáo viên trung học phổ thông đã gặp phải nhiều khó khăn khi xoay xở để chi tiêu các khoản như tiền ăn học cho con cái, chi tiêu sinh hoạt dịp Tết vừa qua.
Cô M.H. - nhân viên tại một trường trung học phổ thông bức xúc, bởi thu nhập của một nhân viên như cô không hề cao, cùng với đó việc bị nợ lương tháng 12/2024 khiến gia đình cô gặp khó khăn.
“Cả nhà chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi của một nhân viên như tôi. Con bị ốm đau cũng phải chạy vạy tiền thuốc thang, rồi tiền điện, tiền nước, tiền nợ ngân hàng bao vây”, cô H. nói.
![Ảnh độc giả cung cấp. GDVN_ GV bi no luong.jpg](https://img.giaoduc.net.vn/w1000/Uploaded/2025/juznus/2025_02_12/gdvn-gv-bi-no-luong-3943-2311.jpg)
Một giáo viên trung học phổ thông tại huyện Hàm Tân cho hay, khi cô hỏi hiệu trưởng nhà trường về việc vì sao họ chưa được nhận lương tháng 12/2024, cô được hiệu trưởng cho biết là do thiếu kinh phí, tỉnh chưa cấp bù.
Để có thông tin khách quan, ngày 10/2, phóng viên đã nhiều lần liên hệ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận và một Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo qua điện thoại và tin nhắn về thông tin trên. Tuy nhiên, phóng viên không nhận được phản hồi.
Ngày 11/2, trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Dũng cho hay, nguyên nhân dẫn đến việc chậm lương tháng 12/2024 của giáo viên, nhân viên bậc trung học phổ thông là do thực hiện Nghị quyết 05 của Hội đồng Nhân dân tỉnh quy định mức hỗ trợ học phí năm học 2023 - 2024 và mức thu học phí từ năm học 2024 - 2025 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh, các trường phải làm lại phương án tài chính để ngân sách nhà nước cấp.
"Tháng 12/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo mới họp và trình tỉnh phê duyệt. Vì vậy, Sở Tài chính không cấp ngân sách trong năm 2024 và đến tháng 1/2025, Sở Tài chính đã trình Ủy ban Nhân dân tỉnh. Sau đó Sở Tài chính được giao rà soát lại và đơn vị đã báo cáo tỉnh, việc phê duyệt sẽ có trong nay mai", ông Dũng nói.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính, các trường đơn vị sự nghiệp có thu, ngân sách nhà nước cấp kinh phí một phần khi giảm học phí, các trường phải tính toán lại việc cần cấp kinh phí bao nhiêu. Hoạt động này được thực hiện theo biên độ năm tài chính từ ngày 1/1 và kết thúc ngày 31/12 hằng năm.
Trước câu hỏi về việc Sở Giáo dục và Đào tạo trình phương án tự chủ tài chính để ngân sách nhà nước cấp vào tháng 12/2024 liệu có muộn, ông Dũng nhận định: "Như vậy là cũng muộn, nhưng cũng có lý do vì khi kết thúc năm tài chính, các trường xác định số liệu cụ thể là bao nhiêu mới chính xác. Nếu tính toán trước thời điểm này, trường sẽ phải điều chỉnh lại một lần nữa do mỗi trường có khoản thu này, khoản thu kia".
Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận cho hay, những năm trước, các trường hoạt động bình thường và chỉ năm vừa qua (2024), địa phương giảm học phí cho học sinh nên mới phát sinh vấn đề trên.
"Một số tỉnh không có giảm học phí trong năm 2024, còn địa phương quan tâm tới phụ huynh, học sinh nên đã thực hiện giảm học phí", ông Dũng nói.