Bình Dương: Có trường mở thêm lớp “ôn đêm” để kèm HS yếu trước kỳ thi tốt nghiệp

03/05/2023 06:31
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Các trường THPT ở Bình Dương hiện đã hoàn thành ôn thi tốt nghiệp giai đoạn 1, bước vào giai đoạn 2 “nước rút” với nhiều chiến lược kèm HS yếu.

Phân loại học sinh và xây dựng phương án phù hợp

Chia sẻ về công tác ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 cho học sinh khối 12, cô Nguyễn Thị Tám - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông An Mỹ (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) cho biết: “Nhà trường đã lên kế hoạch ngay từ đầu năm học và tiến hành ôn tập cho học sinh ngay từ tháng 10/2022.

Theo đó, công tác ôn thi được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ tháng 10/2022 đến khi học sinh thi kỳ II; giai đoạn 2 là sau khi thi học kỳ II. Giai đoạn 1, nhà trường tiến hành ôn 6 môn theo tổ hợp, mỗi môn ôn 2 tiết/tuần vào các buổi chiều. Hiện tại, công tác ôn thi đã hoàn thành giai đoạn 1, nhà trường đã tổ chức thi học kỳ II từ ngày 24/4-28/4 và đang chờ kết quả thi.

Đến giai đoạn 2, những môn không có trong nội dung thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì đã hoàn thành chương trình, nên nhà trường sẽ chỉ tập trung vào các môn thi. Nhà trường sẽ tổ chức ôn cho các em đến gần sát ngày thi, chỉ nghỉ trước vài ngày để học sinh chuẩn bị tâm lý thoải mái. Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp sẽ diễn ra sớm hơn so với các năm, nên nhà trường cũng cân đối đảm bảo số tiết ôn cho học sinh.

Cô Nguyễn Thị Tám - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông An Mỹ (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Ảnh: Mộc Trà.

Cô Nguyễn Thị Tám - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông An Mỹ (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Ảnh: Mộc Trà.

Giai đoạn này là giai đoạn “chạy nước rút”, giáo viên ôn thường chia theo năng lực, đồng thời sẽ gom những học sinh năng lực hiện đang thấp hơn “mặt bằng” để ôn thi, bồi dưỡng thêm kiến thức. Những học sinh chỉ cần đạt yêu cầu trước mắt là đậu tốt nghiệp, thầy cô cũng xây dựng phương án phù hợp”.

“Từ đây đến khi thi chính thức, nhà trường sẽ tổ chức thi khảo sát chất lượng làm 3 đợt, tuy nhiên, còn phải cân đối lại thời gian, do lịch thi chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo có sự thay đổi, và lịch thi học kỳ II của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương cũng có sự thay đổi” - nữ Hiệu trưởng cho biết thêm.

Chia sẻ về công tác ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh lớp 12, cô giáo Nguyễn Thị Thủy - giáo viên Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Thái Hòa (thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) cho biết: “Công tác ôn thi cho học sinh khối 12 đã hoàn thành giai đoạn 1, học sinh thi học kỳ II sớm hơn 10 ngày, thi tốt nghiệp cũng sớm hơn 10 ngày so với các năm trước.

Riêng đối với môn Ngữ văn, giáo viên hệ thống lại kiến thức ôn thi học kỳ II trước, để các em học sinh thi tốt học kỳ II.

Một giờ Ngữ văn của cô giáo Nguyễn Thị Thủy - giáo viên Trường Trung học phổ thông Thái Hòa. Ảnh: Mộc Trà.

Một giờ Ngữ văn của cô giáo Nguyễn Thị Thủy - giáo viên Trường Trung học phổ thông Thái Hòa. Ảnh: Mộc Trà.

Sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, các em học sinh sẽ biết kết quả thi học kỳ II, khi đó, nhà trường mới triển khai ôn lại cả năm học xuyên suốt cũng như hệ thống lại toàn bộ kiến thức để các em có thể thi tốt nghiệp. Giai đoạn ôn thi “nước rút” sẽ diễn ra trong khoảng 8 tuần rồi kết thúc.

Các em học sinh yếu ngoài ôn tập ở trường sẽ được ôn tập thêm vào các tiết trống hoặc ôn thêm vào buổi tối để các em thêm vững kiến thức và sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông”.

Tổ chức kèm riêng cho học sinh yếu

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Dinh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thái Hòa (thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) cho biết: “Đối với học sinh lớp 12, hằng năm nhà trường cũng làm kế hoạch sớm để tổ chức ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đảm bảo kiến thức trước kỳ thi chính thức diễn ra.

Trong khoảng thời gian đó, trường cũng chia 2 giai đoạn: Giai đoạn trước khi thi học kỳ II là ôn theo chuyên đề, còn giai đoạn sau khi thi học kỳ là tổ chức ôn luyện theo đề, bám sát cấu trúc đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giai đoạn “nước rút” ôn luyện với đề này thường được tiến hành trong khoảng 6 tuần đến cận ngày thi.

Sau khi tổng kết điểm thi học kỳ II, thầy cô sẽ biết rõ hơn về trình độ của học sinh, để có biện pháp giúp học sinh đang còn yếu. Như các năm trước, nhà trường mở thêm một lớp “ôn đêm”, sau 2 buổi sáng - chiều trên lớp, thầy cô sẽ tập trung các em học sinh còn yếu ở một số môn vào một lớp để kèm thêm vào buổi tối. Mỗi tuần dạy liên tục 2-3 đêm/môn, mỗi buổi kèm thêm khoảng 1,5 tiếng.

Thầy Nguyễn Văn Dinh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thái Hòa (thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Ảnh: Mộc Trà.

Thầy Nguyễn Văn Dinh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thái Hòa (thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Ảnh: Mộc Trà.

Năm nay, dự kiến, thầy cô sẽ kết hợp giao bài qua hình thức trực tuyến, sau đó học sinh có nội dung nào cần hỏi thì thầy cô sẽ trao đổi thêm. Nhà trường cũng quán triệt, với các em học sinh này, thầy cô chỉ giao đề ở mức độ nhẹ nhàng, mục tiêu cho các em là chỉ cần đạt 5 điểm/môn...

Sau khi học ôn như vậy khoảng 3-4 tuần, nhà trường sẽ tổ chức thi thử lần thứ nhất, để rà soát lại lần nữa xem mức độ tiến bộ của các em như thế nào… Khi đó, trường sẽ chỉ đạo các giáo viên bộ môn điều chỉnh kế hoạch và nội dung dạy học cho phù hợp, rồi tiếp tục ôn thêm 2 tuần nữa. Trước khi các em nghỉ ôn, trường sẽ tổ chức kiểm tra thử lần thứ hai, để biết các em đang ở mức độ nào…”.

“Bên cạnh việc sát sao trong tổ chức ôn luyện, nhà trường cũng kết hợp các liệu pháp tâm lý, để kịp thời khuyến khích, động viên học sinh có thêm động lực trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông” - thầy Dinh nhấn mạnh.

Theo vị Hiệu trưởng, điểm trúng tuyển đầu vào lớp 10 của Trường Trung học phổ thông Thái Hòa thường là 28 điểm, thấp so với địa bàn, tuy nhiên, điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của các em lại thường cao hơn một số trường trên địa bàn, như vậy, trình độ của học sinh yếu đã được nâng lên rất nhiều.

Ảnh: Mộc Trài

Ảnh: Mộc Trài

Một trong những điểm đặc biệt tạo động lực cho học sinh khối lớp 12 trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông chính là chính sách khen thưởng, động viên kịp thời.

Theo thầy Nguyễn Văn Dinh, Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 31/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương quy định “Chế độ, chính sách hỗ trợ đối với công chức, viên chức, nhân viên và học sinh, sinh viên ngành giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bình Dương” chính là một nguồn động lực rất lớn đối với học sinh trong toàn tỉnh.

Cụ thể, chế độ khen thưởng học sinh trúng tuyển đại học đạt điểm cao: Học sinh học ở các trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương nếu có điểm trúng tuyển đại học hàng năm đạt số điểm cao thì được thưởng như sau:

Đạt từ 29 điểm trở lên được thưởng 10 lần mức lương cơ sở/học sinh; Đạt từ 27 điểm đến dưới 29 điểm được thưởng 05 lần mức lương cơ sở/học sinh; Đạt từ 26 điểm đến dưới 27 điểm được thưởng 02 lần mức lương cơ sở/học sinh.; Đạt từ 24 điểm đến dưới 26 điểm được thưởng 01 lần mức lương cơ sở/học sinh.

Học sinh đạt thủ khoa, học sinh đạt loại giỏi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (trường hợp học sinh vừa đạt thủ khoa vừa đạt loại giỏi thì được hưởng mức cao nhất): Đạt thủ khoa: 05 lần mức lương cơ sở/học sinh; Đạt loại giỏi: 01 lần mức lương cơ sở/học sinh.

“Điểm càng cao thì các em học sinh càng được nhận thưởng cao hơn, đây là cơ chế khuyến khích, tạo động lực rất lớn cho các em học sinh chinh phục kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Hằng năm, khi nhà trường nhận thưởng và trao cho các em học sinh khóa trước, cũng là lúc “tiếp lửa” thêm cho các em học sinh khóa sau thêm động lực phấn đấu” - vị Hiệu trưởng chia sẻ.

Mộc Trà