Bệnh viện trong trường ĐH: Làm sao quản trị tốt khi một đơn vị có 2 pháp nhân?

08/10/2022 06:44
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Bệnh viện đại học cùng lúc chịu sự điều tiết của không chỉ hệ thống đại học mà còn cả hệ thống y tế, điều này đã đặt ra bài toán khó về quản trị và quản lý.

Ngày 6/10 tại Huế, tọa đàm về: "Phân cấp thẩm quyền tài chính, tài sản giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng trong cơ sở giáo dục đại học theo định hướng tự chủ" do Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức đã diễn ra.

Tại phiên thảo luận, nhiều Chủ tịch Hội đồng trường đã chia sẻ thẳng thắn về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động tại các cơ sở giáo dục.

Trường muốn tự chủ chi thường xuyên nhưng “dính dáng” đến công tác đào tạo với Bộ

Phát biểu ý kiến tại tọa đàm, Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Lao động - Xã hội đã chia sẻ khó khăn của trường khi thực hiện tự chủ chi thường xuyên.

Cụ thể, theo Phó giáo sư Hà, hiện nay mức độ tự chủ tài chính của trường tương đối thấp; cụ thể mức độ tự chủ chi thường xuyên của trường đang đạt mức khoảng 83%-85%.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Lao động - Xã hội. Ảnh: Doãn Nhàn

Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Lao động - Xã hội. Ảnh: Doãn Nhàn

Thầy Hà cho biết: “Trong giai đoạn vừa qua, thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, Chính phủ đã quyết định sáp nhập Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành Lao động- xã hội của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vào Trường Đại học Lao động- Xã hội và trở thành trung tâm đào tạo công chức cho Bộ. Trung tâm này có nguồn kinh phí từ Nhà nước để đào tạo.

Thực tế đó đã đặt ra một khó khăn với trường Đại học Lao động - Xã hội khi tiến hành tự chủ đó là “nếu thực hiện tự chủ hoàn toàn thì phải cắt giảm dần ngân sách chi thường xuyên, tuy nhiên với đặc thù trường chúng tôi như vậy thì rõ ràng kiểu gì cũng phải có kinh phí phân bổ của Nhà nước, nên muốn tự chủ chi thường xuyên sẽ rất khó”, Phó giáo sư Lê Trọng Hà chia sẻ vướng mắc.

Vậy giải quyết như thế nào?

Vấn đề thứ hai Phó giáo sư Hà đề cập tại buổi tọa đàm, đó là vấn đề nâng cao vị trí của Chủ tịch Hội đồng trường và nâng cao vai trò trách nhiệm của Hội đồng trường.

Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Lao động - Xã hội đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định mới, trong đó quy định về nhiệm vụ, quyền hạn từng phân cấp, cụ thể các cấp độ tự chủ nào thì Hội đồng trường được làm những gì.

Bài toán quản trị bệnh viện đại học khi một đơn vị cùng chịu 2 cơ chế

Khó khăn khi thực hiện tự chủ ở từng đơn vị lại có những điểm khác biệt mang tính đặc thù riêng. Tại trường Đại học Y Dược Huế - Đại học Huế, đó là khó khăn liên quan tới đặc thù khối ngành đào tạo - sức khỏe.

Tại buổi tọa đàm, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược - Đại học Huế đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thống nhất trong tập thể lãnh đạo nhà trường, đặc biệt đặt trong bối cảnh đổi mới, thực hiện tự chủ như hiện nay.

“Một trong những nhiệm vụ đầu tiên đặt ra khi chúng ta triển khai những nội dung của Luật 34, đó là làm sao phải có một cơ chế phối hợp một cách đồng bộ, nhịp nhàng, đúng nhiệm vụ và tròn vai”, Giáo sư Huy chia sẻ.

Giáo sư Nguyễn Vũ Quốc Huy chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: Doãn Nhàn

Giáo sư Nguyễn Vũ Quốc Huy chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: Doãn Nhàn

Giáo sư Nguyễn Vũ Quốc Huy chia sẻ thêm một khó khăn của trường Đại học Y Dược Huế khi thực hiện tự chủ, với đặc thù là trường thành viên của Đại học Huế, lại hoạt động hoạt động trong lĩnh vực đào tạo khối ngành sức khỏe. Cụ thể, theo thầy Huy:

“Bên cạnh những lĩnh vực hoạt động chung, chúng tôi cũng có những cái vướng đến từ đặc thù khối ngành khoa học sức khỏe - đó là về cơ chế của những đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh - đơn vị trường”.

Bệnh viện Trường Đại học Y dược Huế là bệnh viện trực thuộc của trường Đại học Y dược Huế - trường thành viên của Đại học Huế.

“Bệnh viện đại học như các bệnh viện khác trên cả nước, đều được quản lý theo các quy định pháp luật hiện hành, có tư cách pháp nhân, chịu sự điều tiết không chỉ của hệ thống đại học mà còn có cả hệ thống y tế. Do đó đặt ra thách thức, đòi hỏi sự linh hoạt trong quản trị và quản lý”.

Bệnh viện đại học phải thực hiện đồng thời hai chức năng quan trọng: trực tiếp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân và dịch vụ khám chữa bệnh cho người bệnh; Đồng thời bệnh viện đại học cũng thực hiện chức năng phục vụ trực tiếp cho công tác đào tạo thực hành cho cả một hệ thống khối ngành khoa học sức khỏe trên cả nước.

“Do đó, trong cơ chế quản trị, chúng tôi cố gắng vừa đưa vào khuôn khổ quản trị đại học, vừa đưa vào khuôn khổ quản trị bệnh viện. Đây đều là 2 lĩnh vực công, mà trong thời gian vừa qua, chúng ta thấy rằng vẫn còn nhiều điểm bất cập tồn tại”.

Từ đó, Giáo sư Huy đặt ra bài toán quản trị bệnh viện đại học đối với các trường đại học hoạt động trong lĩnh vực khoa học sức khỏe: Làm sao để quản trị tốt khi một đơn vị có hai tư cách pháp nhân?

Doãn Nhàn