Bạo lực học đường: Đừng để xảy ra mới xử lý

03/05/2023 06:42
Kim Ngọc
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thạc sĩ Nguyễn Thuý Uyên Phương cho rằng, đừng đợi đến lúc bạo lực học đường xảy ra mới xử lý mà phải có chiến lược, giải pháp lâu dài cho vấn đề này.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện chúng ta đang thiếu các kênh hỗ trợ nạn nhân của bạo lực học đường hoặc đã có nhưng các kênh hỗ trợ này hoạt động không hiệu quả.

Người lớn đã thờ ơ với nhu cầu cần trợ giúp của con trẻ

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thuý Uyên Phương, người đưa mô hình “Trường học kiến tạo” về Việt Nam cho biết, sự việc xảy ra vừa qua tại Trường Trun học phổ thông chuyên Đại học Vinh quá đau lòng gióng lên một hồi chuông cảnh báo, là người lớn, xã hội đôi khi đã quá vô tình, quá thờ ơ trong việc lắng nghe những tiếng nói, những nhu cầu cần trợ giúp của con trẻ.

Thạc sĩ Nguyễn Thuý Uyên Phương cho rằng, cần có chiến lược bao quát, dài hơi để ngăn chặn bạo lực học đường. Ảnh: NVCC
Thạc sĩ Nguyễn Thuý Uyên Phương cho rằng, cần có chiến lược bao quát, dài hơi để ngăn chặn bạo lực học đường. Ảnh: NVCC

“Với tâm lý tuổi teen, một khi các em tìm đến bố mẹ và thầy cô để nhờ trợ giúp, đó là lúc các em đã gặp vấn đề khá nghiêm trọng, vượt quá khả năng giải quyết của mình.

Thế nhưng, người lớn sẽ ứng xử trước lời cầu cứu của các em thế nào? Chúng ta đã thực sự quan tâm, lắng nghe chia sẻ của các em chưa, hay chúng ta chỉ quan tâm tới nhu cầu, mong muốn của mình.

Trong câu chuyện của nữ sinh ở Nghệ An, bản thân em và gia đình đã đến gặp thầy hiệu trưởng để xin chuyển lớp, nhưng thầy chỉ quan tâm đến quy trình chuyển lớp, phải làm theo quy định, không phải muốn chuyển là chuyển được.

Vậy là chúng ta chỉ quan tâm đến điều mà người lớn muốn và hệ thống giáo dục thiết lập ra mà thôi, chúng ta không bận tâm đến việc, tại sao bản thân học sinh và gia đình lại có nguyện vọng chuyển lớp, chúng ta chưa dành thời gian để lắng nghe và tìm hiểu bản chất vấn đề, lý do vì sao và tìm cách trợ giúp em.

Nhìn lại tất cả những trường hợp đau lòng tương tự đã xảy ra, có người nào quyết định từ bỏ cuộc sống của mình có thể nói chuyện rành mạch với tất cả mọi người là cảm xúc, tâm trạng tôi đang thế nào trước khi đưa ra quyết định đó hay không?

Chính bởi các em không biết nói với ai, các em không biết nơi nào mình sẽ được lắng nghe nên mới lựa chọn như vậy”, cô Uyên Phương cho biết.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thuý Uyên Phương, bạo lực học đường không phải là câu chuyện cá biệt chỉ xảy ra ở một vài địa phương hay ở một vài trường học, mà đây là một vấn đề rất nóng, không riêng gì ở trường học Việt Nam mà cả những trường học trên thế giới.

Trường học cũng như một xã hội thu nhỏ, trong trường học, chúng ta có hàng trăm, hàng ngàn công dân, đó là những em học sinh với những tính cách khác nhau, đến từ những gia đình khác nhau, các em có những thói quen sống khác nhau, hành vi ứng xử khác nhau. Độ phức tạp trong những mối quan hệ trong xã hội trường học cũng rất cao.

Nói như vậy không có nghĩa chúng ta mặc định bạo lực học đường là bình thường, mà để thấy rằng, rất dễ xảy ra bạo lực học đường khi các mối xung đột trong nhà trường không được xử lý một cách phù hợp.

“Lâu nay chúng ta đã ứng xử như thế nào với bạo lực học đường? Tôi từng đi tư vấn cho nhiều trường, rất hiếm trường học có chiến lược chủ động để ngăn chặn bạo lực học đường, hầu hết là khi xảy ra một sự vụ thì mới bắt đầu xử lý. Ban giám hiệu gọi phụ huynh lên hòa giải, hạ hạnh kiểm học sinh, và tất cả dừng lại ở đó.

Hạ hạnh kiểm không phải giải pháp để giáo dục học sinh, cũng không giúp chấm dứt vấn nạn bạo lực học đường.

Chính vì chúng ta không có thái độ đủ nghiêm túc và nhìn nhận đây là một vấn đề cố hữu và lâu dài, chúng ta chưa có những giải pháp, chiến lược bao quát, dài hơi nên bạo lực học đường vẫn tiếp diễn từ năm này sang năm khác”, cô Phương phân tích.

Giáo dục đang quá đặt nặng việc đổ đầy kiến thức

“Nhà triết học Hy Lạp Aristotle đã từng nói: “giáo dục tâm trí mà không giáo dục trái tim thì không phải là giáo dục”.

Chúng ta vẫn đặt câu hỏi vì sao bạo lực học đường diễn ra hằng ngày? Bởi vì chúng ta trước nay vẫn đặt nặng việc đổ đầy kiến thức và ít thời gian dành cho giáo dục trái tim, tức là giáo dục nhân cách, giá trị tử tế, lòng trắc ẩn cho các em.

Thử mở thời khóa biểu của một trường học ra xem, phần lớn thời lượng chương trình dành cho các môn học kiến thức, phần lớn thời gian ngoài nhà trường, các em phải ôn luyện cho các kỳ thi, để lấy nhiều loại chứng chỉ.

Và khi cha mẹ tìm đến trường học, mối quan tâm đầu tiên của cha mẹ cũng chính là, học sinh trường này thành tích thế nào, chương trình học thuật ở trường này ra sao?

Hiếm có phụ huynh nào đặt vấn đề: trường này có dạy con tôi thành người tử tế hay không, bởi chúng ta chỉ quan tâm, học gì để giỏi giang, học gì để lấy được bằng cấp, chúng ta không quan tâm đến khía cạnh giáo dục tâm hồn, tình cảm, cảm xúc cho các em”, cô Phương trăn trở.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương, giải pháp đường dài để ngăn ngừa bạo lực học đường là phải đưa chương trình giáo dục cảm xúc, giáo dục nhân cách vào trong trường học.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, những học sinh có xu hướng bạo lực, bắt nạt người khác đều có vấn đề về tâm lý. Ví dụ như có em ở nhà bị bạo lực nên lên trường lại bạo lực với bạn học của mình, các em không có cách giải quyết nên tìm tới giải pháp bạo lực.

Đưa chương trình giáo dục cảm xúc vào trường học để các em có ý thức làm chủ cảm xúc, điều tiết cảm xúc của mình. Tất nhiên đây không phải “cây đũa thần” để chấm dứt bạo lực học đường nhưng nó sẽ giúp những học sinh bạo lực một cách không ý thức, các em hiểu được rằng, bạo lực là sự bất lực trong giải quyết vấn đề, và các em không tìm đến giải pháp này nữa.

Bên cạnh đó, cần đưa chương trình giáo dục nhân cách và giáo dục lòng trắc ẩn vào trong trường học, để các em biết đâu là giá trị chuẩn mực mà các em cần hướng tới, đâu là việc thiện, đâu là việc ác, cái gì nên làm và không nên làm.

Có giáo dục nhân cách để các em có “la bàn” nhận biết các hành vi, ứng xử của mình, các em sẽ biết suy nghĩ trước khi đưa ra những hành động.

Nhìn từ thực tế, mỗi khi có bạo lực học đường xảy ra, thật đau lòng khi nhiều học sinh đứng quanh reo hò, cầm điện thoại quay một cách vô cảm, như thể việc đó không liên quan đến mình.

Nếu đưa giáo dục nhân cách vào trường học, các em sẽ hiểu đâu là việc làm sai trái, không nhắm mắt làm ngơ khi bạn bè bị bắt nạt, chính các em sẽ là người xoay chuyển cục diện, đứng lên phản đối bạo lực học đường.

“Chương trình xây dựng văn hóa trường học và giáo dục cảm xúc cho học sinh là vô cùng cần thiết, vấn đề là chúng ta phải có thời gian cho việc này.

Nhiều trường cũng muốn đưa chương trình đó vào nhưng thời lượng chương trình môn học không cho phép. Đây là vấn đề mà cả hệ thống giáo dục cần nhìn nhận lại và thay đổi”, cô Phương cho hay.

Về chương trình đào tạo cho giáo viên, giáo viên cần trang bị kỹ năng quản lý lớp học, kỷ luật tích cực, vì giáo viên chịu trách nhiệm về hành vi của học sinh trong lớp, hóa giải khi có tình huống mâu thuẫn xảy ra trong lớp học.

Hiện giáo viên của chúng ta đang rơi vào hai trạng thái, một là chưa thoát ra khỏi giáo dục bằng quyền lực đối với học sinh, hai là không dám giáo dục, uốn nắn hành vi của học sinh vì sợ bị ghi hình, sợ bị mang tiếng và tấn công trên mạng xã hội. Cả hai trạng thái này đều có tác hại tương đương như nhau.

Giáo viên cần được trang bị những phương pháp quản lý lớp học một cách tích cực, để hóa giải xung đột giữa học sinh bằng sự thấu cảm, có lắng nghe, cân nhắc đến nhu cầu của các em và gia đình, đồng thời kiên quyết, chính trực trong việc bảo vệ văn hóa lớp học, văn hoá trường học mà chúng ta đang xây dựng.

Muốn chấm dứt bạo lực học đường không thể xử lý sự vụ một cách nhỏ lẻ, mà phải kiên định mục tiêu xây dựng văn hóa, kỷ cương cần có trong lớp học, trường học.

Bên cạnh đó, việc xây dựng những kênh trợ giúp cho nạn nhân của bạo lực học đường là hết sức cần thiết.

Hiện nay, một số kênh trợ giúp hoạt động không hiệu quả, có trường có phòng tham vấn tâm lý nhưng chỉ là hình thức.

Vì vậy, chúng ta cần phải làm tốt hơn công tác tham vấn tâm lý học đường, vừa mở rộng mạng lưới hỗ trợ cho các các em, vừa đảm bảo chất lượng, tránh bệnh hình thức.

Những kênh mang tính chất tham vấn trong trường học không phải chỉ để giúp đỡ cho nạn nhân bạo lực học đường mà còn giúp cho những học sinh đi bắt nạt – đây cũng là đối tượng cần được tham vấn tâm lý.

Kim Ngọc